Câu 1: Trình bày về tác giả Lê Minh Khuê, về hoàn cảnh sáng tác, chủ đề truyện Những ngôi sao xa xôi.

Câu 2: Tìm phần trung tâm của các cụm danh từ in đậm. Chỉ ra những dấu hiệu cho biết đó là cụm danh từ.

Ông lão cờ cờ đứng lảng ra chỗ khác, rồi đi thẳng. Tiếng cười nói xôn xao của đám người mới tản cư lên ấy vẫn dõi theo.

(Kim Lân, Làng)

Câu 3: Cảm nhận của em về hình ảnh hàng tre trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương.

Câu 4: “Bài thơ Nói với con thể hiện tình cảm thắm thiết của cha mẹ đối với con cái, tình yêu quê hương sâu nặng cùng niềm tự hào với sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của dân tộc”. (Sách Ngữ văn 9, tập 2, trang 76).

Phân tích bài thơ Nói với con để làm sáng rõ ý kiến trên.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: Trình bày về tác giả Lê Minh Khuê…

a) Tác giả

– Lê Minh Khuê sinh năm 1949, quê ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá.

– Lê Minh Khuê gia nhập thanh niên xung phong trong những năm kháng chiến chống Mĩ.

– Đầu những năm 1970, Lê Minh Khuê bắt đầu viết văn. Trong những năm chiến tranh, truyện của Lê Minh Khuê viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn. Sau năm 1975, tác phẩm của nhà văn bám sát những biến chuyển của đời sống xã hội và con người trên tinh thần đổi mới.

b) Hoàn cảnh sáng tác: Tác phẩm Những ngôi sao xa xôi được viết năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra ác liệt.

c) Chủ đề truyện: Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh, nhưng rất hồn nhiên lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Đó chính là hình ảnh đẹp, tiêu biểu về thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.

Câu 2: Tìm phần trung tâm của các cụm danh từ in đậm…

– Trong cụm từ in đậm, từ trung tâm là Tiếng (cười nói)

– Dấu hiệu cho biết đó là cụm danh từ: Ta có thể thêm những vào trước từ tiếng.

Câu 3: Cảm nhận của em về hình ảnh hàng tre…

Một năm sau ngày đất nước giải phóng và thống nhất, từ miền Nam thân yêu xa xôi, Viễn Phương ra thăm miền Bắc và vào lăng viếng Bác. Quang cảnh quanh lăng Bác thật đẹp, thật thiêng liêng. Nhưng hình ảnh đầu tiên hiện lên trước mắt nhà thơ là hàng tre:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát 
Ôi ! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Đến lăng Bác, tác giả lại nhìn thấy hình ảnh hết sức thân thuộc, bình dị của làng quê Việt Nam. Đó là hình ảnh cây tre. Cây tre có nhiều đặc điểm đáng quý như bền bỉ, dẻo dai, kiên cường, đoàn kết. Những cây tre từ mọi miền đất nước tụ hội về đây “bát ngát” bên lăng của Người. Từ láy “bát ngát” gợi lên sự rộng lớn, thoáng đãng, tươi tốt. Quá xúc động, nhà thơ phải thốt lên:

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Từ cảm “Ôi!” biểu hiện được niềm xúc động, tự hào của tác giả. Không những vậy, từ “Ôi!” còn cho ta thấy được tâm trạng bâng khuâng, ngỡ ngàng của tác giả trước vẻ đẹp, dáng đứng của hàng tre. Trước “bão táp mưa sa” tre vẫn đứng “thẳng hàng”. Tre như những người lính canh đang ngày đêm bảo vệ cho giấc ngủ ngàn thu của Người. Hình ảnh hàng tre xanh mang ý nghĩa tượng trưng, giàu ý nghĩa liên tưởng sâu sắc. Tre mang những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

Một lần nữa, nhà thơ Viễn Phương lại nói về cây tre ở khổ thơ cuối. Trước khi trở về miền Nam, lòng tràn ngập nỗi nhớ thương, lưu luyến, tác giả muốn hoá thân thành đoá hoa, con chim, cây tre để luôn được ở bên người:

Mai về miền Nam, thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

Điệp từ “muốn làm” được lấy lại ba lần gợi tả cảm xúc thiết tha, nồng hậu của tác giả đối với Bác Hồ kính yêu. Ở đây, Viễn Phương đã dùng từ “trung hiếu” để nói về cây tre cũng chính là nói về tấm lòng trung hiếu của tác giả, của đồng bào miền Nam, của dân tộc Việt Nam đối với Bác.

Hình ảnh cây tre xuất hiện ở đầu và cuối bài thơ gợi lên trong lòng người đọc những nghĩ suy sâu lắng. Bác đã đi xa, nhưng những người con của đất Việt mãi mãi nhớ thương, kính yêu Người. Cũng như những cây tre “trung hiếu”, tấm lòng nhớ thương, kính yêu và biết ơn của mỗi người đối với Bác là bền chặt, là trọn vẹn thuỷ chung, là mãi mãi. Có lẽ, nhà thơ Viễn Phương đã khá tinh tế khi chọn hình ảnh cây tre để thể hiện tình cảm của mình, của mỗi người đối với Bác Hồ. Chính vì thế, bài thơ đã được phổ nhạc. Mỗi lần khúc hát vang lên, lòng người lại rưng rưng trước câu kết của bài ca “Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”. 

Câu 4: Phân tích bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương.

1. Đặt vấn đề

– Nhà thơ Y Phương là người dân tộc Tày. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi.

– Bài thơ Nói với con là một bài thơ hay. Bài thơ thể hiện tình cảm thắm thiết của cha mẹ đối với con cái, tình yêu quê hương sâu nặng cùng niềm tự hào với sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của dân tộc”.

2. Giải quyết vấn đề

a) Bài thơ thể hiện tình cảm thắm thiết của cha mẹ đối với con cái

Ở bốn câu thơ đầu, bằng các hình ảnh thật cụ thể, nhà thơ Y Phương đã tạo được không khí gia đình đầm ấm, quấn quýt:

Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Một bước tới tiếng cười.

Mọi người trong gia đình vui vẻ bên nhau. Từng bước đi, từng tiếng nói, tiếng cười của con đều được cha mẹ chăm chút, mừng vui đón nhận. Chính tiếng cười, tiếng nói của con làm ấm cả căn nhà, làm ấm lòng cha mẹ. Động từ “chạm” kết hợp điệp ngữ “bước tới” có tác dụng làm nổi bật niềm vui của cha mẹ trước những động tác hồn nhiên, ngây thơ của đứa con yêu. Con lớn lên từng ngày trong tình yêu thương, trong sự nâng đỡ và mong chờ của cha mẹ.

b) Bài thơ thể hiện tình cảm thiết tha, tự hào về nguồn cội quê hương

– Con được trưởng thành trong cuộc sống lao động vui tươi. Người cha nói với con :

Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà len câu hát…

Con được trưởng thành trong cuộc sống lao động. Cuộc sống lao động cần cù và tươi vui của “người đồng mình” được nhà thơ gợi lên qua các hình ảnh đẹp “Đan lờ cài nan hoa – Vách nhà ben câu hát”. Động từ “cài”, “ken” vừa miêu tả những hoạt động cụ thể vừa nói lên sự gắn bó, quấn quýt của những con người bên nhau trong cuộc sống lao động. 

– Con được lớn lên trong thiên nhiên thơ mộng và nghĩa tình của quê hương

Rừng núi quê hương thật thơ mộng và trữ tình. Thiên nhiên ấy đã che chở, đã nuôi dưỡng con khôn lớn, đã nuôi dưỡng mọi người cả về tâm hồn, lối sống: “Rừng cho hoa – Con đường cho những tấm lòng”.

c) Bài thơ ca ngợi những đức tính cao đẹp của “người đồng mình” và ước mong của người cha

– Những phẩm chất tốt đẹp của “người đồng mình”.

+ Là những người cần cù chịu thương, chịu khó:

Người đồng mình thương lắm con ơi
…Không lo cực nhọc.

“Người đồng mình sống vất vả mà mạnh mẽ, khoáng đạt, bền bỉ gắn bó với quê hương dẫu còn cực nhọc, đói nghèo”. Bằng một loạt hình ảnh độc đáo:

Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn…

Những câu thơ cho ta thấy được suy nghĩ chân thực mà sâu sắc của người miền núi. “Buồn” là tâm trạng của con người, rất trừu tượng mà tác giả lại có thể “đo” được bằng chiều cao vời vợi của núi rừng, của bầu trời. “Chí lớn” thuộc đời sống tinh thần của con người, cũng rất trừu tượng, vậy mà người ta có thể ước tính được tầm xa của nó để mà nuôi dưỡng nó.

+ Là những người mộc mạc nhưng giàu chí khí, niềm tin, lạc quan yêu đời:

…Vách nhà ben câu hát…

Trong lao động, “người đồng mình” luôn cất lên lời ca, tiếng hát. Điều đó giúp cho công việc lao động hăng say hơn, vui vẻ hơn. Đồng thời, họ cũng mượn lời ca tiếng hát để bộc bạch tâm sự, tình cảm của mình đối với con người, với quê hương xứ sở.

Người đồng mình thô sơ da thịt
… Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.

Họ có thể “thô sơ da thịt” nhưng không hề nhỏ bé về tâm hồn, về ý chí và mong ước xây dựng quê hương. Chính những con người như thế, bằng sự lao động cần cù, nhẫn nại hàng ngày, đã làm nên quê hương với truyền thống, với phong tục tập quán tốt đẹp:

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục.

Hình ảnh “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương” vừa có ý nghĩa tả thực vừa có ý nghĩa biểu tượng. Ý nghĩa tả thực thể hiện ở những công việc lao động cụ thể hàng ngày để xây dựng quê hương. Ý nghĩa biểu tượng chính là câu thơ thể hiện được truyền thống tốt đẹp của người miền núi: cần cù, chịu thương, chịu khó, yêu quê hương tha thiết… Các thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn những phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương, nối tiếp nhau dựng xây quê hương ngày một tươi đẹp hơn.

– Ước mong của người cha thể hiện qua lời dặn dò con:

+ Người cha mong muốn con phải có nghĩa tình chung thuỷ với quê hương, biết chấp nhận và vượt qua gian nan thử thách bằng ý chí bằng niềm tin của mình. Người cha muốn con mình phải “xa nuôi chí lớn” giống như ông cha của quê hương đã phấn đấu không ngừng.

+ Người cha mong muốn con biết tự hào về quê hương, biết giữ gìn những phong tục tốt đẹp của quê hương. Con cần tự tin mà vững bước trên đường đời

3. Kết thúc vấn đề

– Bài thơ Nói với con thể hiện tình cảm thắm thiết của cha mẹ đối với con cái, tình yêu quê hương sâu nặng cùng niềm tự hào với sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của dân tộc.

– Giọng điệu thiết tha trìu mến thể hiện qua các các lời gọi mang ngữ điệu cảm thán, qua những lời dặn dò chân tình, sâu lắng của người cha dành cho con.

– Sử dụng những hình ảnh chân thực của thiên nhiên miền núi để nói về tâm hồn người miền núi.

– Bố cục chặt chẽ, dẫn dắt tự nhiên.

=> Bài thơ là bức tranh chân thực, đẹp về thiên nhiên và con người miền núi. Vì vậy, đọc bài thơ, ta hiểu hơn về cuộc sống, về phong tục và về tâm hồn giản dị sáng trong của người miền núi nói chung của tác gia nói riêng.

ĐỀ 37 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết