Câu 1: Giới thiệu một vài nét về Nguyễn Huy Tưởng, về hoàn cảnh sáng tác vở kịch Bắc Sơn.

Câu 2: Tìm phần trung tâm của các cụm từ in đậm. Chỉ ra những dấu hiệu cho biết đó là cụm động từ.

Vừa lúc ấy, tôi đã đến gần anh. Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

Câu 3: Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.

Câu 4: Nêu cảm nhận của em sau khi đọc đoạn văn miêu tả cảnh bãi bồi bên kia sông Hồng ở đầu tác phẩm Bến quê của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: Giới thiệu một vài nét về Nguyễn Huy Tưởng…

a) Tác giả:

– Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960).

– Quê ở xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội.

– Ông viết văn từ trước năm 1945.

– Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông là một trong những nhà văn chủ chốt của nền văn học cách mạng.

– Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

– Các tác phẩm tiêu biểu của ông:

+ Tiểu thuyết: Đêm luội Long Trì, An Tư công chúa, Sống mãi với thủ đô, Truyện anh lục,….

+ Kịch: Vũ Như Tô, Cột đồng Mã Viện, Bắc Sơn, Những người ở lại,…

+ Truyện viết cho thiếu nhi: An Dương Vương xây thành Ốc, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Kể chuyện Quang Trung,… 

b) Hoàn cảnh sáng tác vở kịch Bắc Sơn: Vở kịch Bắc Sơn được Nguyễn Huy Tưởng viết vào cuối năm 1945 – đầu năm 1946. Vở kịch được công diễn lần đầu vào đêm 6 – 4 – 1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vở kịch viết về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn. Cuộc khởi nghĩa này diễn ra vào năm 1940 – 1941.

Câu 2:

– Phần trung tâm của cụm từ in đậm: đến, chạy, ôm

– Dấu hiệu nhận biết: Các từ này kết hợp được với các từ đã, sẽ, sẽ ngay liền trước nó.

Câu 3: Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.

Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê viết về cuộc sống chiến đấu của những cô thanh niên xung phong trên con đường chiến lược Trường Sơn thời đánh Mĩ. Chị Thao, Nho và Phương Định cùng chung một tổ “trinh sát mặt đường”. Nhiệm vụ của họ là “khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Ba cô gái thanh niên xung phong đều có những phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng có lẽ Phương Định là cô gái để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Ngay khi giới thiệu về ngoại hình của Phương Định, ta cũng thấy được nét đẹp rất riêng của một cô gái Hà Nội. Phương Định “có hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”. Đôi mắt của Phương Định được các anh lái xe bảo là “có cái nhìn sao mà xa xăm”. Giữa nơi đạn bom ác liệt, Phương Định vẫn giữ được vẻ hồn nhiên, yêu đời, giàu cá tính. Cô rất hay hát. Sở thích này cô đã có từ ngày nhỏ. Cô ngồi trên cửa sổ của căn phòng bé nhỏ “hát say sưa”. Bây giờ, nơi cái sống kề cận cái chết, cô càng hay hát. Cô hát những làn điệu dân ca ngọt ngào của vùng quê quan họ, những bài dân ca ý và cả những bài hành khúc,… Phải là người có tinh thần lạc quan yêu đời, Phương Định mới có thể hát giữa cảnh đạn bom như vậy. Cũng như chị Thao và Nho, Phương Định rất yêu mến những người trong tổ và trong đơn vị của mình. Phương Định quan tâm và chăm sóc Nho khi Nho bị thương rất chu đáo. Đặc biệt, Phương Định dành tình yêu và niềm cảm phục cho tất cả những người chiến sĩ mà hằng đêm cô gặp trên trọng điểm của con đường vào mặt trận. Theo Phương Định “những người đẹp nhất, thông minh can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ”. Phương Định hiện lên trong tác phẩm còn là cô gái nhạy cảm, sống hồn nhiên, rất mơ mộng và hay nhớ về những kỉ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư, về gia đình và thành phố của mình. Hình bóng mẹ, cái cửa sổ, những ngôi sao to trên bầu trời thành phố, chiếc xe chở đầy thùng kem trên con đường nhựa ban đêm,… Tất cả những điều đó “xoáy mạnh như sóng” trong lòng cô gái. Không những vậy, Phương Định còn rất dũng cảm. Có ngày cô phải phá tới năm quả bom nhưng chỉ cần nghĩ đến việc “các anh cao xạ” ở trên kia đang dõi theo từng cử chỉ động tác của mình thì cô “không đi khom” “mà cứ đàng hoàng bước tới”… Nhân vật Định với những phẩm chất tốt đẹp đã làm rung động tâm hồn người đọc. Chiến tranh đã đi xa nhưng hình ảnh những người thanh niên xung phong như Phương Định sẽ mãi mãi lưu giữ trong lòng độc giả.

Câu 4: Nêu cảm nhận của em sau khi đọc đoạn văn miêu tả cảnh bãi bồi…

1. Đặt vấn đề

– Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn học thời kì kháng chiến chống Mĩ. Bến quê là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của ông, xuất bản năm 1985. 

– Truyện ngắn Bến quê chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, thức tỉnh ở mọi người sự trân trọng về vẻ đẹp và giá trị bình dị gần gũi của gia đình, của quê hương.

– Đoạn văn miêu tả bãi bồi bên kia sông Hồng nằm ở phần đầu tác phẩm. Đây là một trong những đoạn văn hay để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

2. Giải quyết vấn đề

a) Vị trí quan sát cảnh bãi bồi bên kia sông

Cảnh bãi bồi bên kia sông hiện lên qua sự quan sát của nhân vật Nhĩ từ một khung cửa sổ ở trên gác của ngôi nhà bên này bờ sông Hồng.

– Nhĩ là một người có vị trí trong xã hội. Nhĩ đã từng đi công tác khắp nơi trên thế giới. Không may mắc bệnh hiểm nghèo, Nhã sống trong căn nhà của gia đình mình và suốt ngày nằm trên giường bệnh. Vì vậy, không thể trực tiếp sang bên kia sông để ngắm vẻ đẹp của bãi bồi, Nhĩ đành quan sát bãi bồi bên kia sông qua khung cửa sổ của gian gác nhà mình.

– Bức tranh thiên nhiên của bãi bồi bên kia sông hiện lên qua con mắt quan sát của nhân vật Nhĩ từ xa nên nó mang vẻ đẹp riêng không như vẻ đẹp của bức tranh được quan sát cận cảnh.

b) Vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông

– Thời gian Nhĩ quan sát cảnh bãi bồi: Đây là thời điểm giao mùa giữa hạ sang thu. Tác giả miêu tả rất cụ thể “tiết trời đầu thu, khi cái nóng hầm hập ở trong phòng cùng với thứ ánh sáng loa loa vừa nhìn thấy đã chói cả mắt ở ngoài bờ sông Hồng không biết đã rút đi đâu từ bao giờ”. Là thời điểm giao mùa nên dễ làm rung động lòng người, nhất là với một người sắp xa lìa cuộc sống như nhân vật Nhĩ.

– Hình ảnh đầu tiên hiện lên trước mắt Nhĩ là những hàng cây bằng lăng với “những bông hoa bằng lăng đã thưa thớt – cái giống hoa ngay khi mới nở màu sắc đã nhợt nhạt. Hẳn có lẽ sắp hết mùa, hoa đã vãn trên cành, cho nên mấy bông hoa cuối cùng còn sót lại trở nên đậm sắc hơn”.

– Sau hình ảnh của hàng cây bằng lăng là hình ảnh con sông, bầu trời và bãi bồi bên kia sông.

+ Con sông Hồng như thay đổi khi mùa thu tới: “con sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra”.

+ Bầu trời cũng thay đổi vào thời điểm giao mùa: “Vòm trời như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông”. 

+ Bãi bồi bên kia sông như đẹp hơn vào thời điểm giao mùa: “một vùng phù sa của bãi bồi bên kia sông Hồng đang phô ra trước khung cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non – những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ”.

Tóm lại, đoạn văn là bức tranh thiên nhiên rất đẹp với màu sắc hài hoà. Màu xanh non của lá hoà với màu đỏ nhạt của sông Hồng, nhàu vàng thau của đất, màu tím hồng của hoa bằng lăng. Đó là những màu sắc của tự nhiên trong cuộc sống xung quanh ta. Nó giản dị, thân quen và gần gũi biết bao với mỗi chúng ta.

c) Tâm trạng, tình cảm của nhân vật Nhĩ trước vẻ đẹp của thiên nhiên bãi bồi bên kia sông Hồng

– Cảnh thiên nhiên bên kia sông Hồng được hiện lên qua cái nhìn và tâm trạng và cảnh ngộ đặc biệt của nhân vật Nhĩ. Nhĩ là một người có vị trí trong xã hội. Nhĩ đã từng đi công tác khắp nơi trên thế giới “anh đã từng trải, đã từng in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ”, “từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất”. Nhưng rồi căn bệnh hiểm nghèo ập đến, anh trở thành một người bị cột chặt vào giường bệnh. Chính lúc sắp từ giã cuộc đời, Nhĩ lại có sự khám phá bất ngờ về vẻ đẹp đến ngỡ ngàng về thiên nhiên của bãi bồi bên kia sông, nơi gần nhà nhưng Nhĩ lại chưa bao giờ đặt chân tới. Tuy không thể đến tận nơi để quan sát vẻ đẹp của bãi bồi, không trực tiếp đưa tay cảm nhận lớp đất phù sa màu mỡ, nhưng Nhĩ vẫn cảm nhận được hơi thở nồng nàn của đất, phát hiện ra được vẻ đẹp và giá trị đích thực của thiên nhiên quê hương.

– Đi khắp nơi, tìm kiếm những vẻ đẹp nơi xứ lạ, ấy vậy mà chỉ khi dừng lại ở quê hương, nơi mình sinh ra và lớn lên, lấy vợ, có con, Nhĩ mới nhận ra rằng: giá trị đích thực không ở đâu xa mà mà tồn tại ngay xung quanh chúng ta, ngay trong những sự vật nhỏ bé, bình dị nhất. Vẻ đẹp bình dị ấy của quê hương, Nhĩ đã vô tình lãng quên để rồi đến lúc cái chết kề cận mới chợt nhận ra vẻ đẹp và giá trị sâu xa, bền vững của nó. Chính vì vậy, “cái điều riêng anh khám phá thấy giống như một niềm mê say pha lẫn với nỗi ân hận đau đớn, lời lẽ không bao giờ giải thích hết”. Nhĩ hiểu rằng, anh không còn thời gian, không còn sức khoẻ để tự mình khám phá ra vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông, anh đã nhờ đứa con thay mình đi sang bên kia sông, đặt chân lên bãi bồi màu mỡ.

3. Kết thúc vấn đề

– Hình ảnh bãi bồi, bến sông và toàn bộ khung cảnh thiên nhiên ngoài nghĩa tả thực còn mang ý nghĩa biểu tượng, khái quát. Đó là vẻ đẹp đời sống trong những cái gần gũi, bình dị thân thuộc, như một bến sông quê, một bãi bồi,… rộng là quê hương xứ sở.

– Qua đoạn văn miêu tả cảnh bãi bồi bên kia sông, tác giả muốn gửi đến người đọc một thông điệp đáng quý: hãy nâng niu, trân trọng những gì gần gũi, thân thuộc, bình dị quanh ta.

– Đoạn trích nói riêng, truyện Bến quê nói chung thể hiện sự tinh tế, tài hoa của Nguyễn Minh Châu trong việc miêu tả cảnh thiên nhiên, miêu tả tâm lí nhân vật. Nhà văn đã gửi đến chúng ta những suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời qua bức tranh thiên nhiên sống động nhiều gam màu của bãi bồi bên kia sông Hồng.

ĐỀ 38 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết