Câu 1: Tóm tắt truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.

Câu 2: Tìm phần trung tâm của các cụm từ in đậm. Chỉ ra những yếu tố phụ đi kèm với nó.

Những điều kì lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hoá dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại.

(Lê Anh Trà, Phong cách Hồ Chí Minh, cái vĩ đại gắn với cái giản dị)

Câu 3: Hãy cho biết từ ngữ in đậm trong ví dụ sau là thành phần gì của câu.

Đến lượt cô gái từ biệt. Cô chìa tay ra cho anh nắm, cẩn trọng, rõ ràng như người ta cho nhau cái gì chứ không phải là cái bắt tay. Cô nhìn thẳng vào mắt anh – những người con gái sắp xa ta, biết không bao giờ gặp ta nữa, hay nhìn ta như vậy.

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

Câu 4: Phân tích truyện ngắn Bến Quê của Nguyễn Minh Châu.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: Tóm tắt truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê: Câu chuyện như sau:

Ba nữ thanh niên xung phong làm thành một tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Họ gồm có hai cô gái rất trẻ là Định và Nho. Còn tổ trưởng là chị Thao lớn tuổi hơn một chút. Nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá cần san lấp do bom địch gây ra, đánh dấu vị trí những trái bom chưa nổ và phá bom. Công việc của họ hết sức nguy hiểm vì phải luôn chạy trên cao điểm vào ban ngày và máy bay địch có thể ập đến bất cứ lúc nào. Đặc biệt, họ phải đối mặt với thần chết trong mỗi lần phá bom. Họ ở trong một cái hang, dưới chân cao điểm, tách xa đơn vị. Cuộc sống của ba cô gái ở nơi trọng điểm giữa chiến trường dù khắc nghiệt và nguy hiểm nhưng vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh thản, mơ mộng và đặc biệt là họ rất gắn bó và yêu thương nhau trong tình đồng đội, dù mỗi người một cá tính.. Phương Định, người kể chuyện, nhân vật chính trong câu chuyện là một cô gái giàu cảm xúc, hay mơ mộng, hồn nhiên và luôn nhớ những kỉ niệm về thời thiếu nữ với gia đình và thành phố thân yêu của mình. Cuối truyện, tác giả tập trung miêu tả tâm trạng và hành động của các nhân vật, chủ yếu là của Phương Định. Trong một lần phá bom, Nho bị thương. Đồng đội lo lắng và chăm sóc chị trong tình yêu thương giữa nơi chiến trường khói lửa.

Câu 2:

– Phần trung tâm của các cụm từ in đậm là: Việt Nam, bình dị, phương Đông, mới, hiện đại.

– Yếu tố phụ đi kèm với các từ trung tâm là: rất. Ở đây các từ Việt Nam, phương Đông được dùng làm tính từ.

Câu 3:

– Từ ngữ in đậm trong ví dụ là thành phần phụ chú của câu

– Tác dụng: làm rõ nghĩa cho danh từ cô gái đứng trước nó.

Câu 4: Phân tích truyện ngắn Bến Quê của Nguyễn Minh Châu.

1. Đặt vấn đề

– Nguyễn Minh Châu là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Trong thời kì kháng chiến chống Mĩ, ông có nhiều tác phẩm tiêu biểu như Dấu chân người lính, Cửa sông, Mảnh trăng cuối rừng. Từ đầu năm 1980 của thế kỉ XX, Nguyễn Minh Châu đã trăn trở tìm tòi đổi mới mạnh mẽ về tư tưởng và nghệ thuật, mở ra chặng đường mới trong sáng tác của mình. Truyện ngắn Bến quê là một trong những sáng tác vào giai đoạn đó.

– Truyện Bến quê được lấy làm tựa đề cho tập truyện cùng tên của Nguyễn Minh Châu, xuất bản năm 1985. Ở truyện ngắn này, ngòi bút của Nguyễn Minh Châu hướng vào đời sống hàng ngày, với những chi tiết sinh hoạt đời thường để phát hiện chiều sâu của cuộc sống với bao nhiêu quy luật và nghịch lí.

– Truyện ngắn Bến quê chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, thức tỉnh ở mọi người sự trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình dị gần gũi của gia đình, của quê hương.

2. Giải quyết vấn đề

a) Truyện ngắn “Bến quê” thể hiện sự khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên

– Khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên làng quê Việt Nam thuộc đồng bằng Bắc Bộ.

Tác giả đã để cho Nhĩ, nhân vật chính của truyện khám phá ra vẻ đẹp của vùng đất bên kia sông, nơi bến quê quen thuộc, một vẻ đẹp bình dị mà hết sức quyến rũ. Cái hay là ở chỗ, Nhĩ là người đã từng đi nhiều nơi trên thế giới “Suốt đời Nhĩ đã đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất”“Anh đã từng in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ”. Mới hai năm trước Nhĩ còn đi công tác sang một nước bên châu Mĩ La – tinh. Anh được chứng kiến bao cảnh đẹp tráng lệ, phồn hoa trên thế giới. Nhưng cho mãi đến tháng năm anh nằm trên giường bệnh, sắp từ giã cõi đời, anh mới khám phá ra được vẻ đẹp của thiên nhiên bãi bồi bên kia sông. “Những bông hoa bằng lăng thưa thớt”, “mấy bông hoa còn sót lại trở nên đậm sắc hơn”. “Tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng một màu đỏ nhạt. Mặt sông như rộng thêm ra”, “Vòm trời như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những bờ bãi bên kia sông, là một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi…”.

=> Tác giả nhận ra được vẻ đẹp giản dị, gần gũi của thiên nhiên, của cảnh vật nơi quê hương.

b) Truyện ngắn “Bến quê” thể hiện sự khám phá vẻ đẹp của những con người gần gũi, thân thuộc.

– Vẻ đẹp của người vợ: Lần đầu tiên Nhĩ để ý thấy vợ mình đang mặc tấm áo vá, những ngón tay gầy guộc âu yếm vuốt ve bên vai của anh, và Nhã nhận ra tất cả tình yêu thương, sự tần tảo và đức hi sinh thầm lặng của vợ. Nhĩ đã nói với Liên: “Suốt đời anh chỉ làm khổ em…mà em vẫn nín thinh”. Vợ anh đã trả lời: “Có hề sao đâu… Miễn là anh sống, luôn luôn có mặt anh, có tiếng nói của anh trong gian nhà này…”. Chính những ngày cuối đời, Nhĩ mới thực sự thấu hiểu với lòng biết ơn sâu sắc người vợ của mình “… cũng như cánh bãi bồi đang nằm phơi mình bên kia, tâm hồn xưa, và cũng chính nhờ có điều đó mà sau nhiều ngày bôn tẩu, tìm kiếm.. Nhĩ đã tìm thấy được nơi nương tựa là gia đình trong những ngày này”. Với Nhĩ, gia đình là bến đâu, bến tình thương, bến hạnh phúc.

– Vẻ đẹp của những đứa trẻ hàng xóm: đó là Huệ, Vân, Tam, Hùng xinh tươi và ngoan ngoãn. Chỉ cần nghe Nhĩ gọi, chúng ríu rít chạy lên, xúm vào, nâng nhẹ giúp anh xê dịch từ mép tấm nệm ra mép tấm phản, lấy gối đặt sau lưng Nhĩ. Những ngón tay của bọn trẻ chua lòm mùi nước dưa, nhưng anh “thấy càng yêu lũ trẻ trong ngôi nhà mình”.

– Vẻ đẹp của cụ giáo Khuyến: “Buổi sáng nào đi mua bảo vệ, cụ cũng ghé vào thăm sức khoẻ của Nhĩ”. Ông cụ hốt hoảng khi nhận thấy “mặt mũi Nhĩ đỏ rựng một cách khác thường, hai mắt long lanh chứa một nỗi mê say đây đau khổ.”. Phải là người quan tâm đến người khác thì sáng nào cụ giáo Khuyến cũng mới ghé qua thăm Nhĩ được, mới nhận ra được sự khác thường trên gương mặt Nhĩ. 

=> Đi khắp nơi trên thế giới, một người có địa vị, có điều kiện như Nhĩ vẫn chưa nhận ra được vẻ đẹp của những con người gần gũi xung quanh. Giờ đây, khi sống những ngày cuối cùng trên giường bệnh lại là lúc Nhĩ nhận ra vẻ đẹp chân chất, giản dị của những con người trong cuộc sống đời thường. Điều đó, ta thấy, thông qua nhân vật Nhĩ, tác giả muốn gửi đến người đọc thông điệp hãy yêu quý và trân trọng những gì của cuộc sống đời thường quanh ta.

c) Câu chuyện thể hiện được sự chiêm nghiệm của tác giả về quy luật của đời người thông qua nhân vật Nhĩ

– Nhĩ không làm được cái điều mình khao khát, anh đã nhờ đứa con thay mình sang bên bãi bồi bên kia sông. Người con của anh đã không hiểu được ý muốn của cha nên làm một cách miễn cưỡng và rồi bị cuốn hút vào trò chơi phá cờ thế trên hè phố, để rồi có thể lỡ chuyến đò sang sông duy nhất trong ngày. Từ sự việc ấy, Nhĩ đã nghiệm ra được cái quy luật phổ biến của đời người hay nói đúng hơn, đó là sự chiêm nghiệm của tác giả: “Con người ta trên con đường đời khó tránh được những điều lòng vèo hoặc chùng chình”. 

Khi thấy con đò ngang vừa chạm mũi vào bờ đất bên này sông, Nhĩ đã thu hết tàn lực dồn vào một cử chỉ có vẻ kì quặc “Anh đang cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài cửa sổ khoát khoát tay như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó”. Hành động cuối cùng này của Nhĩ có thể hiểu được là anh đang nôn nóng giục đứa con trai hãy mau kẻo lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày. Nhưng hình ảnh này còn có ý nghĩa khái quát hơn. Đó là ý muốn thức tỉnh mọi người về những cái vòng vèo, chùng chình mà chúng ta đang sa vào trên đường đời, để dứt ra khỏi nó, để hướng tới những giá trị đích thực, vốn rất giản dị, gần gũi và bền vững.

Tóm lại, chiêm nghiệm của nhân vật Nhĩ cũng chính là chiêm nghiệm của tác giả. Nhà văn đã gửi gắm qua nhân vật nhiều điều quan sát, suy ngẫm, triết lí về con người và cuộc đời. Nhưng nhân vật không biến thành cái loa phát thanh cho tác giả. Những chiêm nghiệm, triết lí đã được chuyển hoá vào đời sống nội tâm của nhân vật, với diễn biến của tâm trạng dưới sự tác động của hoàn cảnh được miêu tả tinh tế, hợp lí

d) Đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật của truyện: sáng tạo những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng

Trong truyện Bến quê hầu như mọi hình ảnh đều mang hai lớp nghĩa: nghĩa thực và nghĩa biểu tượng. Hai lớp nghĩa này gắn bó, thống nhất khiến cho các hình ảnh không bị tước đi những giá trị tạo hình và sức gợi cảm để chỉ trở thành hình ảnh ước lệ. Ý nghĩa biểu tượng được gợi ra từ hình ảnh thực…

– Hình ảnh bãi bồi, bến sông và toàn bộ khung cảnh thiên nhiên được dựng lên trong truyện thực ra cũng mang ý nghĩa khái quát biểu tượng. Đó là vẻ đẹp của đời sống trong những cái bình dị, gần gũi, thân thuộc như một bến sông quê, một bãi bồi,…rộng ra là quê hương xứ sở.

– Những bông hoa bằng lăng cuối mùa màu sắc như đậm hơn; tiếng những tảng đất lở ở bờ sông bên này, khi cơn lũ đầu nguồn đã dồn về, đổ up ào trong giấc ngủ của Nhĩ lúc gần sáng. Hai chi tiết này gợi ra cho biết sự sống của nhân vật Nhĩ đã ở vào những ngày cuối cùng.

– Đứa con trai của Nhĩ sa vào một đám chơi phá cờ thế trên lề đường. Chi tiết này gợi ra điều mà Nhĩ gọi là sự chùng chình, vòng vèo mà trên đường đời người ta khó tránh khỏi.

3. Kết thúc vấn đề

– Truyện ngắn Bến quê thể hiện sự khám phá vẻ đẹp bình dị, gần gũi của thiên nhiên quê hương yêu dấu.

– Truyện ngắn Bến quê thể hiện sự khám phá vẻ đẹp của những con người gần gũi, thân thuộc.

– Câu chuyện thể hiện được sự chiêm nghiệm của tác giả về quy luật của của đời người thông qua nhân vật Nhĩ.

=> Bằng việc đặt nhân vật vào tình huống có tính nghịch lí, truyện Bến quê phát hiện một điều có tính quy luật trong cuộc đời, con người sẽ khó tránh khỏi những sự vòng vèo, chùng chình, đồng thời thức tỉnh về những giá trị và vẻ đẹp đích thực của đời sống ở những cái gần gũi, bình thường mà bền vững.

ĐỀ 36 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết