Câu 1: Giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ sau và cho biết câu tục ngữ đó có liên quan đến phương châm hội thoại nào:

Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Câu 2: Giới thiệu những nét chính về nhóm tác giả Ngô gia văn phái.

Câu 3: Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Mã Giám Sinh qua đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều.

Câu 4: Phân tích để làm rõ cuộc sống xa hoa của vua chúa, sự nhũng nhiễu của quan lại thời Lê – Trịnh thể hiện qua đoạn trích “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh”.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: Giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ…

– Ý nghĩa: khẳng định vai trò của ngôn ngữ trong đời sống và khuyên ta trong giao tiếp nên dùng những lời lẽ nhã nhặn, lịch sự.

– Phương châm hội thoại liên quan: phương châm lịch sự.

Câu 2: Giới thiệu những nét chính về nhóm tác giả Ngô gia văn phái.

– Ngô gia văn phái là nhóm tác giả, thuộc dòng họ Ngô Thì, ở làng Tả Thanh Oai, (nay thuộc Hà Nội). Dòng họ Ngô Thì nổi tiếng về tài cao, học rộng, văn chương lỗi lạc. Ngô gia văn phái còn là tên của cuốn sách gồm 36 cuốn của dòng họ Ngô Thì. Nhóm tác giả tiêu biểu có: Ngô Thì Úc, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Hương, Ngô Thì Chí, Ngô Thì Du… Trong nhóm này có hai tác giả chính là Ngô Thì Chí (1753 – 1788) làm quan thời Lê Chiêu Thống và Ngô Thì Du (1772 – 1840), làm quan dưới triều nhà Nguyễn.

Câu 3: Viết đoạn văn về nhân vật Mã Giám Sinh.

Mã Giám Sinh là nhân vật phản diện trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Hắn chỉ là một tên buôn người nhưng lại khoe là sinh viên trường Quốc Tử Giám, họ Mã. Dẫu cố tình đội lốt sinh viên nhưng rồi ngoại hình, hành động, nhân cách của hắn cũng hiện nguyên hình dưới ngòi bút miêu tả tài tình của thi hào Nguyễn Du. Một vài nét phác hoạ, ngoại hình của Mã Giám Sinh đã hiện lên:

Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.

Tuổi tác và cách ăn mặc thật đối lập nhau. Tuổi thì đã “ngoại tứ tuần” (tức ngoài bốn mươi) mà còn “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”. Từ láy” nhẵn nhụi”, “bảnh bao” đã lột tả được vẻ bên ngoài của một kẻ thiếu nghiêm túc và thiếu suy nghĩ về vẻ bên ngoài của mình. Không những vậy, qua lời nói, cử chỉ của Mã Giám Sinh, ta thấy hắn là một tên khiếm nhã, ăn nói cộc cằn:

Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh
Hỏi quê, rằng huyện Lâm Thanh cũng gần.

Rõ ràng đây là cách nói của một kẻ mất lịch sự. Đã thế, hành động của Mã Giám Sinh còn đáng phê phán hơn nhiều:

Ghế trên ngồi tót sỗ sàng.

Chỉ cần một từ “tót”, tác giả đã cho ta thấy được nhân cách của nhân vật Mã Giám Sinh. Y đúng là một kẻ thiếu học, không biết phép tắc là gì. Đặc biệt, bản chất của Mã Giám Sinh còn được lột tả qua cách hắn ngã giá mua Kiều:

Đắn đo cân sắc cân tài
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ
Cò kè bớt một thêm hai.

Bằng từ “cò kè”, “đắn đo”, Nguyễn Du đã cho người đọc biết thêm về một Mã Giám Sinh bủn xỉn, tính toán chi li. Như vậy, chỉ qua một đoạn trích ngắn mà nhân vật Mã Giám Sinh hiện nguyên hình là kẻ buôn người với bản chất xấu xa đáng khinh bỉ: cộc cằn, khiếm nhã, bất lịch sự, bủn xỉn,…. Đồng thời qua đoạn trích, ta cũng thấy được ngòi bút thiên tài của Nguyễn Du trong nghệ thuật tả người.

Câu 4: Bài làm cần đạt được các ý sau:

1. Đặt vấn đề: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

– Phạm Đình Hổ (1768 – 1839), người làng Đan Loan, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương (nay là Nhân Quyền, Bình Giang, Hải Dương). Ông sống vào thời buổi loạn lạc nên luôn muốn ẩn cư.

Vũ trung tuỳ bút (Tuỳ bút viết trong những ngày mưa) gồm 88 mẩu truyện nhỏ, được Phạm Đình Hổ viết vào đầu đời Nguyễn (đầu thế kỉ XIX). Chuyện cũ trong Phủ chúa Trịnh là một trong những mẩu truyện trích trong tác phẩm Vũ trung tuỳ bút.

– Phân tích Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh, ta thấy được cuộc sống xa hoa của vua chúa, sự nhũng nhiễu của quan lại thời Lê – Trịnh.

2. Giải quyết vấn đề

a) Trịnh Sâm là người ăn chơi xa hoa

* Chỉ lo ăn chơi, hưởng thụ

– Thích đi chơi, ngắm cảnh đẹp: “Thích chơi đèn đuốc, thường ngự ở các li cung trên Tây Hồ, núi Tử Trầm, núi Dũng Thuý…”. “Mỗi tháng ba bốn lần ra chơi cung Thuy Liên trên bờ Tây Hồ”

– Bắt binh lính dàn hầu phòng quanh bốn mặt hồ, các nội thần thì bịt khăn, mặc quần áo đàn bà bày hàng hoá chung quanh bờ hồ để bán.

– Bọn nhạc công thì ngồi trên gác chuông chùa Trấn Quốc hoặc dưới gốc cây chơi vài bản nhạc.

– Tìm mọi cách để chiếm chim quý, thú lạ… trong nhân dân.

– Trong phủ bày ra hình núi non bộ trông như bến bể đầu non.

* Xây đình đài liên miên.

=> Bằng những dẫn chứng cụ thể, sinh động và tiêu biểu, tác giả đã miêu tả được một cách chân thực và khách quan thói ăn chơi xa hoa vô độ của Trịnh Sâm. Trịnh Sâm đã bày đặt nhiều trò giải trí lố lăng và tốn kém. Không những thế, Trịnh Sâm còn cho tìm thu nhưng thực chất là cướp đoạt những của quý trong thiên hạ về làm của riêng cho mình. Mặc dù không đan xen lời bình nào khi miêu tả nhưng qua đoạn văn, ta thấy được phần nào thái độ phê phán của tác giả trước thói ăn chơi vô độ của Trịnh Sâm.

b) Bọn hoạn quan, cung giám tác oai, tác quái

Chúng đắc lực giúp chúa bày các trò ăn chơi hưởng lạc. Chúng ỷ thế chúa mà hoành hành, tác oai, tác quái trong nhân dân. Bọn chúng vừa ăn cướp vừa la làng. Bon hoan quan vơ vét đầy túi tham lai vừa được tiếng mẫn cán trong việc nhà chúa “họ dò xem nhà nào có chậu hoa cây cảnh, chim tốt khướu hay thì biên ngay hai chữ “phụng thủ” vào phá huỷ tường để khiêng ra…”. Chúng vu oan cho các nhà giàu để kiếm tiền. Đặc biệt, tác giả đã kể lại một câu chuyện có thật của gia đình mình làm cho câu chuyện tăng thêm sức thuyết phục. Gia đình tác giả thuộc gia đình quan lại quý tộc. Trước sự tác oai, tác quái của bạn hoạn quan, mẹ của tác giả phải sai người chặt đi những cây cảnh rất đẹp để tránh tai hoạ. Đó là “Một cây lê cao cài mươi trượng, lúc nở hoa trắng xoá thơm lừng”, “hai cây lựu trắng, lựu đỏ, lúc ra quả trông rất đẹp”

3. Kết thúc vấn đề

– Tác giả phê phán bộ mặt tham lam, ghê tởm của bạn quan lại thời Lê – Trịnh, vạch trần sự thối tha trong phủ chúa.

– Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh có giá trị lịch sử sâu sắc. Chỉ một bài viết ngắn nhưng toàn bộ cảnh ăn chơi, xa hoa của bạn vua chúa, hành động ăn cướp của bọn tay chân được lột tả thật đầy đủ, sinh động.

– Qua bài viết, chúng ta phần nào hiểu được cuộc sống của bạn vua chúa thời Lê – Trịnh cuối thế kỉ XVIII, hiểu được nỗi thống khổ của người dân trong xã hội phong kiến.

ĐỀ 08 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
5 (100%) 1 vote