THAM KHẢO MỘT SỐ BÀI SAU

CÂY LÚA NỔI

Xưa kia, đất sinh sống của cây lúa nổi có thể nói là đồng ruộng An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp Mười. Giống lúa gieo mạ rồi nhổ lên cấy chỉ thấy một vài vùng đất cao như Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang), Hà Tiên (của Kiên Giang) và ven quốc lộ 1 (của Tiền Giang).

Nói về nguồn gốc cây lúa nổi có tài liệu viết rằng: “Do một tu sĩ người Pháp mang về Nam kì từ bên đất Campuchia xưa”. Một tài liệu khác lại viết: “Từ năm 1901, ở tỉnh Châu Đốc người ta đã bắt đầu trồng lúa nổi”. Lương Khải Ninh viết trên tờ “Nông cổ Mín Đàm”: “Ở vùng núi Tượng (Thất Sơn) vào năm này nông dân trồng lúa nổi mà họ gọi là lúa chạy nước. Những điền chủ đầu tiên trồng nhiều lúa nổi là Đốc phủ Ngãi ở Đốc Vàng (Hồng Ngự), Độc phú Định ở Vĩnh Chánh (thuộc huyện Thoại Sơn bây giờ).

Truyền thuyết dân gian lại kể: “Cách đây tám chín mươi năm, một trận lũ lớn tràn ngập An Giang và Đồng Tháp, cây cối, lục bình, cỏ mực ào ạt trôi xuống miệt dưới từng giề, từng mảng lớn. Có một giề trấp (cỏ mục nhiều lớp chồng lên nhau nhiều năm thành một lớp dày vài ba tấc) bập bềnh trôi xuống tận Đốc Vàng, sóng to gió lớn xô dạt vào một bãi đất Tân Thạnh, không trôi được nữa, nằm lại ven bờ. Dân làng tình cờ ra bãi, hết sức ngạc nhiên khi trông thấy một đám lúa xanh mượt, cọng

to hơn chiếc đũa, lá dài và dày hơn là sả. Lúc bấy giờ người ta vẫn chưa tin là lúa, dân làng nghĩ chắc là đám cỏ miệt trên bị nước bứng trôi đi. Nào ngờ hai tháng sau, khi nước rút, cái giề cỏ ấy bỗng trở chín vàng. Nhìn kĩ, rõ ràng bông lúa, hạt to hơn lúa họ đã gieo trồng. Thử cắt về đập giã ra nấu ăn, cơm ngon không kém lúa địa phương. Năm sau, ở bãi trấp ấy lúa lại mọc lên sau những cơn mưa. Mùa nước tràn về, nước dâng cao, lúa vươn lên cao hơn nước. Cuối tháng mười nước lia xa đồng ruộng, .. lúa lại chín vàng. Nông dân kéo nhau ra gặt hái, một phần ăn, một phần dành lại, cày bừa xong họ rải thử giống lúa trôi giạt xuống đồng. Từ ấy, đồng lúa này mang tên Lúa Sạ, để phân biệt với đồng ruộng cấy. Những năm sau 1975, có nơi dùng từ “lúa gieo thẳng”. Các văn bản tài liệu, báo chí thì dùng từ lúa nổi, có lẽ chuẩn xác hơn. Có nơi còn gọi là lúa mùa. Thực tế trong dân gian vẫn dùng từ “sạ lúa”, có nghĩa là gieo. Từ lúa sạ dần dần không ai dùng nữa. Ngày xưa người dân đồng ruộng đơn giản gọi lúa sống trong mùa nước nổi là lúa sa. Thực ra mùa này, tùy thói quen và sở thích, người ta sử dụng giống Nàng Chô, Nàng Đùm, Nàng Quớt, Nàng Tây, Nàng Tiên…

Theo tài liệu “Thâm canh và khai thác cây lúa nổi” của Sở Nông nghiệp An Giang, hiện nay cây lúa nổi và lúa chịu nước sâu, chiếm khoảng 25 đến 30 phần trăm diện tích trồng lúa trên thế giới. Các nước châu Á như Ấn Độ, Miến Điện, Băng-la-đét, Thái Lan, Việt Nam… chiếm một diện tích đáng kể hơn cả. Ở Tây châu Phi, các nước Ma-li, Ni-giê-ri-a, Giam-bi-a, Xê-nê-gan… cũng trồng nhiều lúa nổi dọc theo những con sông lớn. Ở đồng bằng sông Cửu Long, lúa nối phần lớn tập trung vào tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, ước lượng khoảng 500.000 hécta. Riêng An Giang, thống kê năm 1982 – 1983 còn đến 120.000 trong toàn tỉnh.

Lúa nổi từ xưa chỉ làm một vụ trong cả năm. Gặt hái xong tháng giêng tháng hai đốt đồng. Tháng ba “sa mưa giông”, cày bừa, phơi đất. Tháng tư, sạ lúa làm mùa. Chậm lắm đến đầu tháng năm lúa phải sạ xong xuôi. Chậm nửa mùa lúa sẽ bấp bênh, một ăn một thua sóng nước. Bao giờ cũng thế, tránh trở ngại cho người đi lại trên đồng, người đốt đồng châm lửa vào chiều hôm. Thoạt tiên, dưới bóng hoàng hôn lóa lên từng ngọn lửa rải rác khắp cánh đồng như sao giăng trên trời thẳm. Khi bóng tối tràn đầy, lửa cháy thành hàng, thành dãy, gợi tưởng đến những chiến trường hỏa chiến xa xưa. Lớp lớp rạ lúa vàng óng, khô rom chống chất lên nhau, ngổn ngang trong nắng chói chang sau Tết, giờ đây biến dần trong lửa. Sáng ra chỉ còn lại tro than và những ánh lửa nhỏ lập lòe. Ai đã từng sinh trưởng ở đồng quê Nam Bộ hẳn khó quên những buổi chiều sương và khói lửa, những dãy trường thành lửa sáng trong đêm.

Năng suất lúa nổi không cao, trên dưới hai tấn một hecta, nhưng sức ống của nó diệu kì (như nhà cách mạng lão thành Phạm Văn Đồng từng ca ngợi). “Nước càng dâng cao lúa càng vươn cao hơn nước”. Một cuộc đọ sức nghìn đời giữa cây lúa và lũ lụt hàng năm. Một cuộc chạy đua đuổi bắt lí thú cực kì. Cho đến nay, cây lúa nổi vẫn còn chỗ đứng trên đồng ruộng miền Tây Nam Bộ, dù biết bao giống mới năng suất cao, nhưng vẫn chưa thay thế được trong mùa nước nổi… .

Cây lúa nổi mỗi năm đọ sức, đọ gan với sóng nước một cách ngoan cường, giành nhiều phần thắng, ít khi thua. Sâu rầy bệnh hoạn khó hoành hành cây lúa nổi. Con người lại bỏ rất ít công lao chăm bón nó. Trải qua bao nhiêu thế hệ con người và hai cuộc kháng chiến ác liệt ba mươi năm, cây lúa nổi vẫn là bạn chung thủy, chung tình với người chân đất “núp với giáo mang ngang vai”. Giờ đây cây lúa nổi vẫn chưa phụ rẫy con người. Nó vẫn trụ những chốn heo hút, đồng sâu. Nơi mà những cây lúa khác không đứng được. Có những nhà kinh tế thị trường muốn chia tay với cây lúa nổi. Nhưng cũng có những lời khuyên của nhà nông học: “Lúa nổi năng suất không cao vì ta không đầu tư kĩ thuật, chi phí sản xuất không tốn nhiều. Tôi còn được biết Viện lúa Quốc tế IRRI đã có những công trình nghiên cứu công phu về cây lúa nổi và đang có những đề án thú vị cho cây lúa độc đáo này”.

Có một lời khuyên đáng suy nghĩ: “Dù cây lúa nổi không giữ lại đại trà, cũng nên làm sử liệu cho đời sau”.

Mai Văn Tạo

 

LÚA TRỜI

Thế hệ hôm nay hầu như không mấy ai biết cây lúa trời, nhất là lứa tuổi thanh niên đến lớp người trung niên.

Lúa trời là loại lúa mọc hoang trên những cánh đồng hoang dã xưa kia. Những năm 30 của thế kỉ XX, lúa trời vẫn còn là loại thực phẩm cứu giúp dân nghèo sống trong những làng quê heo hút các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang. Nhờ lúa trời mà những người cùng khổ vượt qua ngày tháng thiếu đói ngặt nghèo.

Lúa trời có thể coi là đặc sản kì lạ ở đồng bằng sông Cửu Long thuở ấy. Lúa không ai trồng mà mọc, quả là của trời cho. Có phải vì thế mà người ta gọi lúa trời? Có nơi còn gọi là lúa ma.

Lúa trời rất lạ. Lạ từ cái tên đến sức sống vững bền của nó. Lạ , hơn nữa cho đến nay một vài nơi trong Đồng Tháp Mười còn “đập lúa trời”, nhưng chưa ai thống kê diện tích, chưa nhà khoa học nào nghiên cứu nó và cũng chưa ai biết được cội nguồn giống lúa tự sinh này, dù chỉ bằng huyền thoại.

Lúa trời tự mọc giữa đồng bãi hoang sơ, tự trưởng thành không cần bàn tay người chăm sóc. Xưa kia giang sơn, bờ cõi của lúa trời ở những vùng đồng hoang heo hút, con người đến với nó phải vào tận đồng sâu chưa khai phá. Ví như: Ba Thê, Láng Linh, Láng Cháy (An Giang), Nam Thái Sơn, Vĩnh Điều (Kiên Giang), Ba Sao, Mĩ Quí, Láng Biển (Đồng Tháp Mười), Mộc Hóa (Long An). ..

Giờ đây lúa trời gần như tuyệt chủng ở An Giang. Vài nơi trong miệt Đồng Tháp Mười, gần biên giới còn lác đác từng chòm, mỗi nơi vài công vài mẫu. Ở Kiên Giang liệu lúa ấy có còn? Tôi cũng chưa có dịp về đồng ruộng Long An tìm lại giống lúa đáng yêu này.

Thuở họ hàng cây lúa Thần Nông chưa đến châu thổ Cửu Long, giống lúa sạ (còn gọi là lúa nổi, lúa mùa) khắp đồng ruộng miền Tây Nam Bộ, lúa trời đã có một chỗ đứng trong lòng dân nghèo. Tháng 8, tháng 9, tháng 10 âm lịch, đồng nước mênh mông như biển lớn, lúa sạ. còn đang chạy đua với nước, ngày gặt hái còn xa, dân nghèo làm gì có lúa dự trữ để ăn giáp hạt. Rau muống đồng, bông điên điển, con cá, con cua nhọc nhằn lắm mới kiếm được cũng chỉ đắp đổi sống từng ngày. Gặp khi mưa gió dầm dề, không thể liều mạng ra đồng, những người khốn khó đành ngồi bó gối, treo niêu.

Không biết từ lúc nào và ai là người đầu tiên phát hiện ra vạt lúa bạt ngàn trên cánh đồng hoang dã, chưa có dấu cày bừa. Có phải trời thương con người lâm vào cảnh đói, trời cho lúa xuống, sinh nở chốn hoang vu, cứu dân nghèo? Hoặc giả, giữa chốn mù mù cỏ dại, không dấu chân người, những hồn thiên cổ thương xót cháu con lận đận, đói lòng, đêm khuya họ về vạch cỏ, gieo lúa xuống đồng, hóa phép sinh sôi, cứu nạn cho cháu con. Lúa mọc mù mịt và sống khỏe như… ma, không sâu bọ. nào phá nổi, kể cả các loài chuột, loài trích cũng chào thua.

Cứ thế, hàng năm đến hồi giáp hạt, những người quá đỗi túng quẫn, chống xuồng vào đồng hoang, láng vắng “đập lúa” về ăn. Lúa trời người ta không gặt mà đập bằng sào.. .

Cây lúa trời cứng cỏi, lá to, hạt nhỏ, cuối hạt thò ra cái đuôi to hơn sợi tóc, dài hơn hạt. Đến mùa không chín rộ đều bông như các giống lúa người trồng. Hạt chín lưa thưa xen lẫn lớp hạt còn xanh. Gặt cả đem về đâm ra phí phạm “của trời”. Một người xưa nào đó đã nghĩ ra kiểu cách thu hoạch khá thông minh – sự thông minh thô thiển của con người cần vượt qua cảnh ngộ thắt ngặt để tồn sinh.

Có lẽ ít người chú ý một cảnh đẹp và sinh động trên màn ảnh truyền hình hàng đêm, trong tiết mục “Dự báo thời tiết”. Một chiếc xuồng con lướt trong đám lúa. Be xuồng cặp tấm phên che, đằng lái , một người chống sào và một người khác cầm sào gạt mạnh từng mảng lúa vào phên, xoàn xoạt, xoàn xoạt. Những hạt lúa chín rơi xuống lòng xuồng. Cảnh “đập lúa trời” đấy. Bạn nào quay đoạn phim tài liệu ấy, đáng gọi là nghệ sĩ biết trân trọng hồn quê.

Hai người thay nhau dập, hết cả ngày chở lúa về xay, giã, nấu ăn. Hạt xanh còn lại, vài hôm sau chín tiếp, người ta lại vào đập nữa. Cứ thế chống đói qua ngày.

Ngày xưa, khi nhiều vùng còn lắm “đất lâm”, chưa khai phá, lũ lụt . liên tiếp, mùa màng mất trắng, lúa trời trở thành “cứu tinh” thật sự của người cùng khổ trong buổi gieo neo. Nhưng đến nay hầu như người ta đã quên đi và không có cả một chút hoài niệm về dĩ vãng lao đao trong đời .. sống xưa kia, quên người bạn đã cứu mình trong cơn nguy biến.

Dù vậy, lúa trời vẫn còn nấn ná vài nơi trong Tháp Mười xa, hạt gạo vẫn ngon, vẫn nuôi được con người. Tôi nghĩ đến lúa trời như một giá trị nhân văn.

Mai Văn Tạo

LŨY TRE LÀNG VÀ NHỮNG MẦM MĂNG

Ta cất tiếng chào đời trong căn nhà cột tre, kèo tre, rui mè tre, mái tranh tre. Thuở ấu thơ, ta nằm trên cái chõng tre, nghe tiếng mẹ ầu ở ru, xung quanh tre trúc rì rào. Ta lẫm chẫm từ sân nhà bước ra ngõ, cùng lũ bạn vui chơi với những con khăng tre, con chuyền con chắt bằng tre. Lớn lên tí nữa, những con diều tre lôi ta bay bổng lên trời với những ước mơ nhuộm bằng sáng hồng của nắng.

Ta rời vú mẹ đã biết câm đôi đũa tre gắp rau, gắp cà, gắp cá, và cơm. Đôi đũa tre là bạn đồng hành suốt cả cuộc đời để đi tìm no ấm. Tre đã cùng chịu bao nhiêu đắng cay, mặn nhạt, đã chia ngọt sẻ bùi với ta trong suốt cả cuộc đời. Cái rổ em rửa rau, cái rá chị vo gạo hằng ngày, cái giỏ mẹ bắt cua những trưa hè nắng lửa, con thuyền cha quăng chài kéo lưới trên sông, cái thúng người thương đựng những quả bưởi vàng đội đi chợ huyện…. Tất cả, tất cả đều làm bằng tre thân thiết.

Giàn mướp cạnh cầu ao có hoa vàng rực rỡ, có bướm có ong bay đến dập dờn, có chuồn chuồn ngô đến đậu – cái cốt của nó cũng làm bằng những cây tre và tay tre rậm rịt. Chẳng thể nào quên dưới giàn mướp ấy, những trưa hè vi vút gió nồm nam, cả nhà ta quây quần bên mâm cơm đầm ấm hàn huyền bao chuyện vui buồn…..

Những đôi quang gánh dẻo dai gánh gồng yêu thương, những cây sào cứng cáp lái con thuyền đến bến ấm no, những sợi lạt mềm dai buộc yêu thương nhân nghĩa… Tất cả đều nằm trong muôn ngàn khóm tre làng đang nhú vạn mầm măng.

Giáng My (Thái Bình)

 

HOA MAI

Mai vàng là hoa Tết miền Nam. Điều đó chẳng có gì đáng nói, tôi đoán sẽ có nhiều bạn nghĩ thế. Nhưng tôi tin rất ít bạn tìm hiểu cặn kẽ nguồn gốc loài hoa tượng trưng cho mùa xuân ở nửa đất nước thân yêu này.

Ở nửa đất nước phía Nam Tổ quốc ta, mùa xuân đã đứng trước nhà, mùa xuân gõ cửa: “Mai vàng đem đến tin xuân”, Mùa xuân ở nửa nước

phía Nam thực chất là mùa khô, mùa không có những trận mưa lai rai kéo dài như ở Huế và Hà Nội. Mùa xuân ở phương Nam không có gió bấc, không có mưa phùn. Mùa xuân mang khí hậu của mùa hè, nói cho đúng hơn, khí hậu của những ngày đầu hè miền Bắc. Trời nắng, một cái nắng đáng yêu, nắng mà không nực. Các bạn nào yếu chịu rét và sợ những đợt gió mùa đông bắc tràn về kéo theo cái lạnh thì tha hồ thích. Và giữa những ngày Tết cổ truyền, ra đường vẫn cứ mặc áo cộc tay. Trong cảnh sắc thiên nhiên mang một nét riêng giữa những ngày Tết cổ truyền ấy, mai vàng là hiện thân của chúa Xuân. Và mai vàng khoe bộ áo ngày hội lộng lẫy ở hầu khắp các gia đình từ Quảng Trị trở vào cho đến tận mũi Cà Mau. Trước bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói hương, một năm mới mở ra với nhiều hứa hẹn bằng những cánh thiệp màu vàng tươi trên những lọ lộc bình màu sứ trắng, hoặc trên những chậu mai được trồng cả cây. Các chậu mai được lưu trồng từ nhiều năm chăm sóc và tỉa tót, cứ đến Tết lại mang vào nhà.

Khi mang gươm đi giữ gìn bờ cõi phương Nam, ông bà chúng ta – những người thuộc lớp đầu đã không chút nào quên nhớ cội nguồn.

Ngày Tết hàng năm đến, những người Việt đi đầu ở miền đất mới còn hoang sơ dọc theo con sông Chín Rồng, vẫn giữ nguyên tục đẹp cội nguồn. Nhà nhà nhắc nhau bày bàn thờ gia tiên ở gian giữa, trang hoàng lên đó một cành hoa và cắm máy nén hương để tỏ lòng tưởng niệm tổ tiên ở châu thổ sông Hồng – con sông tượng trưng cho ngọn nguồn mang dòng nước đỏ.

Bàn thờ bày rồi nhưng tìm đâu ra những cành đào quen thuộc ở vùng đất mới vỡ hoang? Do thổ ngồi và do khí hậu nên phương Nam không có hoa đào phương Bắc. Những người thuộc lớp tiên phong đặt chân tới quê mới phương Nam đã phát hiện ra một loài hoa thay thế hoa đào. Loài hoa này mang màu sắc vàng tươi, vàng nghệ, một màu vàng rực rỡ nở . khắp đó đây ở nửa nước phương Nam.mỗi độ xuân về. Phát hiện ra loài hoa thuộc loại “dã sinh” trên đất mới, mọi người đang thiếu hoa đào trước bàn thờ Tổ tiên và trang điểm ba ngày Tết đã nhất trí với nhau chọn loài hoa này làm hoa Tết. Hoa đào đi liền với hoa mai đã đi vào tiềm thức của người Việt. Mọi người đã đặt cho hoa một cái tên đọc lên có thể liên tưởng đến hoa đào. Mai vàng từ đó thành tên.

Còn cây mai mà người Bắc quen gọi là cây mơ mọc từng thung dọc suối Yến chùa Hương. Hoa mai trắng một màu trắng tinh khiết nở vào giữa mùa mơ mà những loài hoa khác không dám nở vì trời đầy sương tuyết. Do đó, hoa mai trắng, được người xưa mệnh danh là hoa “ngạo sương” tức hoa xem thường sương tuyết. Hoa mai, “hoa ngạo sương” là hình tượng của nhiều thi sĩ biểu hiện nhân cách của mình. Như trong bài thơ chữ Hán Đề Hoàng ngự sử thai huyết liên tức Đề hiên nhai tuyết của quan ngự sử họ Hoàng, Nguyễn Trãi đã sảng khoái viết: “Yêu mai, yêu tuyết bởi vì đâu? Bởi tuyết trắng và mai thanh khiết” (Ái mai, ái tuyết ái duyên hà? Ái duyên tuyết bạch mai phương khiết) và Cao Bá Quát cũng đã phải thốt lên: “Một đời riêng cảm phục có hoa mai” (Nhất sinh đê thủ bái mai hoa).

Cây mai hoa trắng, qua các nhà thực vật học tôi tìm hỏi tên khoa học Prunus armeniaca, thuộc họ thực vật hoa hồng (Rocacea). Còn cây mai vàng của phương Nam không cùng họ với cây mai trên, Cây “đổi tên” mai này thực chất là một loại cây thuộc họ sen vàng (Ochnacea). Chúng ta chỉ cần nhận dạng trên hai chiếc lá là rõ ngay. Lá mai đúng loài mai thì mép lá có răng cưa. Cây mai vàng miền Nam lá mép nguyên – không có răng cưa.

Trước sự khác biệt trên, đứng về mặt khoa học, chúng ta không được phép lầm lẫn. Nhưng đứng về mặt tình cảm, các bạn chắc cũng đồng ý với tôi, chúng ta trân trọng thừa nhận cái tên mai vàng đọc lên nghe âm hưởng rất thơ này.

Mai vàng, hoa Tết miền Nam. Hoa của người xưa mang gươm đi gìn giữ bờ cõi phương Nam đã gởi vào đó cả tấm lòng – nói theo các nhà thơ đã tự tình dân tộc…

Hải Như

 

BÔNG SẦU ĐÂU

Người miền Tây Nam Bộ đi xa, khi trời vừa chớm gió chướng non hơi lạnh, thường nhớ đến sầu đâu và bông điên điển. Hai thức ăn thảo mộc ấy, những năm gần đây đã trở thành rau đặc sản của miền châu thổ Cửu Long. Du khách đến Châu Đốc – An Giang không ít người tìm cho được món gỏi sầu đâu. Từ đó, gỏi sầu đâu trở thành một thức ăn thông thường thôn dã, đã ung dung đi vào các quán rượu bình dân, rồi đến những nhà hàng sang trọng, không rõ từ lúc nào?

Điên điển chi ăn hoa, sầu đâu ăn cả lá lẫn hoa. Bông sầu đâu ngon hơn lá, một bó bông giá gấp hai bó lá. Bởi vì sầu đâu đắng ngọt, bông sầu đâu ngọt nhiều hơn lá, dù là lá đọt, lá non. Lá già túng lắm mới ăn.

Hôm ở khách sạn Hàng Châu – Châu Đốc, anh Số -rô-lê, người Chăm, rủ tôi sang Châu Giang ăn gỏi sầu đâu. Tường Vân hóm hỉnh: “Qua bên ấy để nhìn các cô gái đẹp người Chăm thì có, chứ ở đây lúc nào cũng có sầu đâu, chợ thiếu gì”. Sô-rô-lê cười lém lỉnh:

“Vậy là anh đã quên rồi. Ăn sầu đâu tại gốc tại vườn, trộn với cá lóc nướng lửa rơm, ngon hơn sầu đâu đã chở ngang sống và cá nướng trui bằng lò điện”.

Sô-rô-lê nói đúng. Ăn trái cây hái tại vườn, còn cá bắt từ dưới sông đem lên nấu nướng ngay, bao giờ cũng ngon ngọt hơn mua ở chợ. Cái lí này cũng không khó hiểu. Con cá, trái cây hay lá sầu đâu đến chợ đã bớt tươi rồi. Ăn tại chỗ vừa tươi ngon, vừa ngắm cảnh vật thiên nhiên, cái ngon tăng lên không ít.

Châu Giang, một trong những nơi được gọi là xứ sở của sầu đâu. Làng quê Tịnh Biên, Tri Tôn… có nơi người ta trồng thành vườn để kinh doanh. Vườn sầu đâu bao giờ cũng có cây lớn, cây nhỏ, cây con và cây cổ thụ. Sầu đâu non, sầu đâu tơ ăn lá ăn bông. Còn sầu đâu cổ thụ để lấy gỗ đóng tủ, đóng giường. Cái lõi của một cây lâu năm có thể đóng được một cái tủ và một giường đôi, rất chắc. Mối, mọt đều chê, vì gỗ đắng. | Ngày xưa, lá sầu đâu chỉ thấy bán ở chợ vào những tháng cuối năm, còn bông thì rộ lên từ tháng chạp cho đến Tết và sau Tết đôi mươi ngày. Do nhu cầu thị trường mở rộng, sau ngày miền Nam giải phóng đã thấy sầu đâu chiều nào cũng có trong các quán nhậu vỉa hè thị xã Châu Đốc. Chủ quán nói: “Được Châu Giang cung cấp quanh năm”. Những tháng chưa đến mùa đông, làm sao có được lá non? Chủ quán giải thích: “Sầu đâu chưa bao giờ tự rụng lá, cuối mùa mưa người ta làm trụi hết lá trên cây, bắt nó phải đâm chồi, ra đọt lá non. Những tháng khác, có nơi dùng đuốc lửa quét qua cành lá già, vài hôm sau lá héo rụng xuống, lá non mơn mởn nảy ra. Cứ thế, sầu đâu có bán quanh năm…”. Dù sao, sầu đâu trái mùa, trái lứa cũng không ngon bằng sâu đâu trô đúng thời điểm ra lá, trổ hoa.

Một số người ở nơi khác chưa rõ căn gốc sầu đầu, gọi chệch là sầu đông, nhưng người An Giang tự bao giờ đã gọi sầu đâu. Bà con người dân tộc Khơ-me thì gọi xđau. Không rõ họ nói trại tiếng Kinh hay người Kinh nói trại tiếng họ! Có điều vùng Tri Tôn, Tịnh Biên – người Khơ-me khá đông, có rất nhiều sầu đâu rừng. Có phải sinh trưởng từ vùng núi Thất Sơn trong hoàn cảnh nào đó, con người xa xưa đem sầu đâu rừng về vườn nhà thuần dưỡng. Đến nay trở thành . loại “rau đặc biệt” hấp dẫn nhiều người. Cũng có người lầm sầu đâu với xoan. Không phải, dù hai loại cây giống hệt từ cây đến lá, đến bông. Lá xoan rất độc, ăn chết người. Như thể điền thanh với cây điên điển là hai cậu bé sinh đôi, nhưng bông điên điển là loại rau ngon, còn bông và lá điền thanh làm phân bón ruộng.

Từ lúc kinh tế thị trường mở cửa, một vài nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn, Cần Thơ, Long Xuyên điểm thêm trong thực đơn món “đặc sản” gỏi sầu đâu. Nhưng trong cái dĩa tráng men đẹp đẽ ấy phần nhiều là vật “thế chấp”, sầu đâu chỉ lác đác mà thôi. Bởi xứ sở của sầu đâu là . Châu Giang, Bảy Núi, mang đến được chốn xa, hóa thành của hiếm rồi. . Hơn nữa, dĩa gỏi sầu đâu còn đòi hỏi những thứ “phụ gia” mà các thành phố lớn cực lắm mới có thể tìm ra. Ví như me chín, cá khô. Bông sầu đâu, ngon nhất, lại ti ti, dễ rụng, khó vượt đường xa. Ngay như khách sạn Hàng Châu, tọa lạc tại ngã ba sông Châu Đốc, bên kia sông là Châu Giang, chỉ cách một chuyến đò ngang, Châu Đốc lại là nơi bày bán sầu đâu nhiều nhất, mà khách muốn thưởng thức vị đắng của gỏi sầu đâu cũng phải đặt trước nửa ngày. Tường Vân, cây bút nhiều chất trào lộng của An Giang đùa: “Đắng sầu đâu là cái đắng của tình yêu. . Đắng chút đầu lưỡi, ngọt mãi về sau”.

Sô-rô-lê chậm rãi: “Theo tôi biết, sầu đâu Châu Giang ít đắng và ngon hơn sầu đâu Bảy Núi”. Tường Vân trêu chọc: “Phải rồi, cái gì quê hương mình cũng hay hơn cả”. Sô-rô-lê nguyên là giáo viên môn Sử, hồn hậu cười: “Có thể, nhưng Châu Giang là đất bồi, nhiều lượng phù sa. Tri Tôn, Tịnh Biên là đất núi, thổ ngơi tác động đến chất cây trồng…”. Anh trả đũa Tường Vân: “Cả đến con người nữa, anh không thấy các cô gái Chăm kiều diễm hơn cô gái Thất Sơn sao?”.

Sô-rô-lê có lí. Nhưng cái ngon của gỏi sầu đâu còn do một vài yếu tố tinh vi khác nữa. Thường sầu đâu được trộn với gỏi tôm hoặc cá lóc, cá trạch nướng, khô cá lóc, hoặc khô cá bổi. Còn có hành tây, dưa leo, me chín, mùi thơm vị ngọt của cá, của tôm, của khô nướng, cái vị chua của mẹ chín đã hoà dịu khá nhiều chất đắng của sầu đâu. Một động tác khá quan trọng mà người trộn gỏi coi là “khâu quyết định” cái ngon, trước khi trộn lá sầu đâu – dĩ nhiên là lá non và đạt phải trung qua một lượt nước cơm sôi. Mà không trung nước lã đun sôi. Tôi chưa có dịp nghe người trộn gỏi nói rõ bí quyết này. . Các nhà đông y còn nói: “Sâu đâu là dược thảo trì được nhiều bệnh tâm trung”. Xưa kia, tôi được thấy các cụ bà thường vạt vỏ sầu đâu ngâm rượu cho con dâu uống nhiều ngày sau khi sinh nở.

Mỗi bận gió chướng non về, lại nhớ gỏi sầu đâu. Gió chướng già, sang bấc, bông sầu đâu trổ khắp cành cây. Bông sầu đâu không phải loại hoa để ngắm, hương vị hấp dẫn của nó ẩn giấu bên trong và rất kén người thưởng thức. Gỏi bông sầu đâu thuộc hàng “cao cấp”, giá gấp đôi dĩa sầu đâu lá. Bông sầu đâu mới trổ đôi ngày, li ti như trứng cá, từa tựa bông Nguyệt Quế chưa khai. Mùa hoa trổ từ tháng cuối đông đến Tết nguyên đán. It trồng được bông sầu đâu nở, bởi lẽ, mới trổ người ta đã hái dùng rồi. Một vài nhánh hoa còn sót lại trên cây, Tết đến nở trắng, cánh mảnh mai như hoa Nguyệt Quế. Trái chín càng hiếm hoi, cả đến chủ vườn mấy khi được ăn trái chín, rất ngọt ngào. Chim, dơi đã xơi trước chủ vườn, khi trái vừa chín tới trên cây.

Nhấp nháp lá sầu đâu, bông sầu đâu trộn gỏi, nhìn qua bến Châu Giang – làng người Chăm khá đẹp ven sông – nơi sinh ra sầu đâu ngon nhất, tôi lại nhớ đến những vườn sầu đâu Tri Tôn, Tịnh Biên và cây sầu đâu rừng mọc dưới chân núi Cô Tô mà ngẫm nghĩ mãi về bản lĩnh của cha ông mình. Ai là người đầu tiên ăn lá đắng sầu đâu? Và, vì sao phải ăn lá đắng? Có phải sau biết bao năm tháng vượt qua trăm núi nghìn đèo, lặn lội biết bao sông rạch, đầm lầy, đoàn người dầu dãi gió mưa tìm đất sống ấy hết sức đói khổ, gian nan, ăn tất cả cây lá và con gì ăn được. Lắm lúc không có gì ăn, thậm chí những loại rau thông thường như cải trời, cúc dại, tàu bay… quanh mình cũng không có, thế là bứt đại lá cây rừng mà nhá mà nhai. Chắc không tránh khỏi có người ăn nhầm lá độc mà chết. Rồi những người sau mới tìm được những thứ lá có thể dằn bụng qua ngày khốn đốn.

Nhưng, tìm ra loại lá đắng chằn – loại sầu đâu rừng đắng lắm – để ăn, bảo nhau ăn, quả là một bản lĩnh tuyệt vời. Cho đến nay, cái lá đắng xa xưa ấy đã trở thành mĩ vị. Cả đến lõi cây, miếng vỏ cũng hữu ích cho người đời. Tôi chợt nhớ đến cây sầu đâu ông nhạc tôi nuôi dưỡng nhiều năm, đứng bên nào trước cửa nhà, bỗng dưng ai đó đắn đi. Nghĩ mà tiếc cho cây sầu đâu di sản kế thừa, và buồn cho ông nhạc. Tôi lẳng lặng đốt nén nhang tạ lỗi, bồi hồi khá lâu trước bàn thờ ông.

Mai Văn Tạo

 

CON ẾCH

Con ếch có khi được gọi là “gà đồng”, là giống vật lưỡng thể không đuôi vừa ở trên cạn, vừa ở dưới nước. Lưng ếch có màu xanh lục hay màu nâu, pha một ít chấm đen. Khi ếch nấp trong bùn hay trong khóm cỏ, nếu ta không chú ý thì khó lòng mà nhận ra. Khi ở trên cạn, hễ gặp nguy hiểm, chỉ vài bước nhảy là ếch đã lặn xuống mặt đất hang đâu đó, biến mất. Khi ở dưới nước mà gặp nguy hiểm, ếch nhanh chóng nhảy ra khỏi mặt nước để chui vào bụi cỏ ven bờ.

Ếch tuy ở dưới nước nhưng thở bằng phổi và bằng da, còn tim ếch lại có nhiều hơn tim động vật khác ở tâm thất. Khi ở trên cạn ếch thở tự do, da tiết ra một chất nhờn giữ cho da ẩm ướt. Do đó dù trời hanh khô, ếch vẫn thích nghi được.

Ếch “đi” bằng cách nhảy. Hai chi sau dài hơn hai chi trước, giữa các ngón có màng, bắp thịt nở nang. Khi nhảy, hai chân sau đạp một cái là cất mình bay lên, khi hạ xuống thì hai chân trước vươn ra đỡ cho cái nhíp. .

Ở dưới nước, ếch bơi bằng hai chân sau, do giữa các ngón có màng ngăn, đạp chân ra sau một cái là thân ếch vươn tới như mũi tên rẽ nước, hai chi sau khép lại trông rất đẹp. Đầu ếch có hình tam giác lại dẹt, ít gây trở lực khi bơi, cho nên ếch bơi rất nhanh.

Lưỡi ếch là một công cụ đặc biệt để bắt mồi: lưỡi dài và cuống lưỡi gắn liền với cơ ở hàm răng trước. Lưỡi chia làm hai nhánh, cong về phía trong, tạo thành hình lưỡi câu. Mặt lưỡi thân đầy chất chính. Các côn trùng nhỏ một khi bị lưỡi ếch kẹp chặt, dính vào chất keo thì không thể thoát được. Bên miệng ếch lại có một dây răng, côn trùng không cách gì thoát ra được.

Động tác bắt mồi của ếch thật là ngoạn mục. Khi có một con côn trùng bay qua, ếch nhảy lên một chút, cái lưỡi vươn ra, kẹp đúng con mồi và cho vào mồm nuốt liền. Động tác ấy diễn ra chỉ trong một giây. Theo thống kê, một con ếch một ngày có thể ăn được một trăm côn trùng có hại. Do đó nông dân xưa nay rất yêu quý loài ếch. Giữ gìn loài ếch là giữ gìn đội vệ sĩ bảo vệ cho cây lúa.

(Theo sách giáo khoa thí điểm Ngữ văn 8, tập một)

 

SAM BIỂN GÒ CÔNG

Ngoài các loại cá tôm thiên nhiên ưu đãi, ở vùng biển xã Vàm Láng, Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) có đặc sản khá hiếm: sam biển – với hình thù lạ mắt: vỏ cứng như mai cua, mình tròn dẹt, đường kính độ gang tay, tám chân càng nhỏ nằm dưới bụng phần đầu là mũi nhọn ba cạnh rất linh hoạt dài cỡ 20cm. Khoảng từ tháng 10 cho tới tháng 2 âm lịch, sam bắt cặp phối giống và sau đó sam cái mang bụng đây trứng nhỏ như hạt tiêu đợi ngày sinh nở. Gió chướng thổi về, người dân ven biển chúng tôi sáng sớm đi dọc bờ thỉnh thoảng vẫn bắt được những cặp sam tấp mé.

Ăn sam trứng phổ biến nhất là món nướng. Đốt bếp than gáo dừa, đặt ngửa sam rồi trở đều tới khi chín vàng, mùi thơm đặc biệt lan xa. Chuẩn bị sẵn bưởi chua tách múi, củ cải thái nhỏ ngâm giấm, rau thơm gồm húng cây, rau răm, đậu phộng rang đập giập, hành phi, nước mắm, chanh, tỏi, ớt. Lật ngửa con sam nóng hổi, tách yếm bỏ ruột, dùng dao bén rạch bụng sẽ thấy trứng đầy ắp, vàng ươm bắt mắt. Phần thịt sống lưng và sát đuôi, dai, ngọt. Người ta bảo thịt sam có tác dụng chữa hen suyễn. Dùng muỗng nhỏ múc trứng vào chén riêng, thêm gia vị tùy thích. Trứng sam béo, thơm, nhiều đạm, ngon miệng và rất bổ dưỡng. Nếu chưa muốn ăn ngay thì phơi sam vài buổi nắng cho khô nước rồi treo giàn bếp để dành, lúc cần nướng lên ăn vẫn thơm ngon. Người ta còn đốt cháy vỏ sam, giã nhuyễn trộn với dầu dừa, dùng thoa ngoài da trị dị ứng (ngứa, nổi mề đay…). Có người luộc chín sam, gỡ trứng phi mỡ hành trộn gỏi, giữ nguyên vỏ sam và sơn dầu bóng dùng trang trí nhà chơi. Sam chặt miếng to nấu canh chua với bạc hà, rau nhút hoặc đậu rồng, rau om lai rai lít rượu nếp là đúng điệu. – Có dịp về Gò Công để thưởng thức món sam trứng, bạn sẽ có những ấn tượng khó quên!

 

HẠ LONG – DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI

Theo truyền thuyết xa xưa, một vài gia đình rồng nhà trời, đứng đầu là con rồng mẹ bay tới vùng Long Đồ (rốn rồng) thuộc phường Hà Khẩu ở Đông Đô. Được ngày lành tháng tốt, gia đình nhà rồng bay cả lên bầu trời, ca ngợi cảnh thái bình và phồn vinh. Rồi rồng bay xuống vịnh Hạ Long là nơi đắc địa, có phong cảnh diệu kì. Ở đây, rồng thiêng phun ra muôn ngàn những viên châu ngọc và sinh ra nhiều rồng con. Những viên châu ngọc đó trở thành những hòn đảo trong vịnh. Vinh nhỏ Bái Tử Long là vịnh của những đàn rồng con chầu về mẹ rồng.

Vịnh biển rộng 1500km vuông, rải rác chừng 3000 hòn đảo lớn, nhỏ.. Chúng còn được gọi là đỉnh, là hòn, ngọn, núi… Người ta nhìn hình tượng chúng mà đặt tên như: gà chọi, con cóc, con chó, con rùa, đỉnh hương, phẩm oản, nải chuối, ẵm em, yên ngựa, ông cụ, chờ chồng…

Hang, động trong các đảo đá ở vịnh Hạ Long cũng la liệt phô bày. Có hang lại nửa nổi nửa chìm. Các thuyền nhỏ có thể luồn lách vào tận bên trong, xuyên qua mấy đảo núi như thế nào vào mê cung nước biển vô tận. Có hang lại đi xuyên qua gan ruột một quả núi, tạo thành một đường hầm có hai cửa. Đó là hàng Trống. Hang Đầu Gỗ, hang Trinh Nữ có dáng đá giống hệt người đàn bà xõa tóc là nguồn gốc của những câu chuyện kể thương tâm, bi hùng về một người con gái nhan sắc đã làm xúc động biết bao nhiêu đời người và những hang như: hang Bồ Nâu, hang Hanh, hang Cửa Giữa, hang Sửng Sốt… Mỗi hòn đá, mỗi khóm cây ở đây đều gắn liền với những câu chuyện. Chúng có cuộc sống và tâm hồn riêng của chúng. Thôi thì đủ chuyện: Chuyện những vụ đắm tàu, những toán cướp biển những chàng trai anh hùng, những nàng tiên cá, những cuộc yêu đương mà hai bên trai gái đều đâm đầu xuống biển để sống với nhau ở thế giới bên kia, những chuyện ma quý rùng rợn, những chuyện thần tiên…

Ngay sát vịnh là quê hương của những mỏ than lộ thiên – chủ yếu là mỏ Hòn Gai với nhiều đoàn tàu nước ngoài đến “ăn than” tấp nập, khẩn trương. Bãi tắm Bãi Cháy, bãi Tử Long, Cô Tô. Bãi tắm ở đảo Ba Mùn, Ngọc Vừng, Quan Lan, Minh Châu, Trà Cổ… là những bãi tắm xanh, sạch, đẹp. Cát chỗ nào cũng mịn màng, trắng phau…

Đảo Ba Mùn là một hòn đá đảo rừng nguyên sinh, xanh ngợp cây đại ngàn. Nơi đây không hiếm các loại cây, cỏ làm thuốc quí như: ngũ “. gia bì, đằng đằng, ngưu tất, tam thất… Trên các đảo của vịnh có đủ các loại sơn cầm, dã thú như vượn, khỉ, sơn dương, kì đà, bói cá, hươu sao, sóc bay, đại bàng, cò lửa, chim xanh, chim gõ mõ…

Bãi Cháy là dải bờ biển nằm ở phía Tây Bắc vịnh Hạ Long, là một bãi tắm trải dài, uốn khúc. Nơi đây mọc lên nhiều khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ. Các cửa hàng buôn bán sầm uất ngay bên cạnh bãi biển. Đi phà chừng 15 phút sẽ tới thành phố Hạ Long có mùi cá và mùi than. Đi về phía bên trái một chút là đến đảo Khỉ. Khách có thể đến thăm nơi sinh sống của gần 2000 con khỉ. Chúng kéo nhau đi nhận phần cơm. khi có tiếng kẻng báo giờ ăn. Xem chúng bồng con bến cái, đùa giỡn, chàng ghẹo nhau. Chúng cũng vui, giận, yêu, ghen…

Việc vịnh Hạ Long của ta được UNESCO công nhận và ghi vào danh sách di sản văn hóa của toàn thế giới, là danh thắng (site) của thế giới là cả một quá trình kéo dài nhiều năm gửi công văn đi và nhận công văn về. Việc này đã qua nhiều cuộc bàn luận quốc tế, qua nhiều lần khảo sát thực địa, trình bày, phân tích. Những cuộc khảo sát khoa học và văn hóa về vịnh Hạ Long do các đoàn chuyên viên cao cấp của UNESCO tiến hành rất tỉ mỉ. Để được UNESCO công nhận là di tích văn hóa của thế giới, phải có những cứ liệu cụ thể, những ý luận vững để bảo vệ.

Nói chung thì một danh thắng (site) để được công nhận là danh thắng của thế giới phải đạt ba tiêu chuẩn:

1) Phong cảnh phải rất đẹp.

2) Phải có những gì xứng đáng là công trình, có bàn tay và trí óc . của con người hợp sức với thiên nhiên để tạo nên một quần thể kiến trúc có nét đẹp hài hòa.

3) Phải có cái hồn của cả hai mặt nói trên cộng lại. Nghĩa là phải có nhiều sự tích, chuyện kể bị hùng, lâm lí qua nhiều đời.

Vịnh Hạ Long có 12 giá trị:

1. Giá trị về mặt khảo cổ,

2. Giá trị về kinh tế,

3. Giá trị về quang cảnh,

4. Giá trị về nghệ thuật,

5. Giá trị về lịch sử,

6. Giá trị về khoa học,

7. Giá trị về văn hóa,

8. Giá trị về chính trị,

9. Giá trị về tinh thần,

10. Giá trị về thiên nhiên,

11. Giá trị về giáo dục,

12. Giá trị về tính chất phổ quát toàn cầu. .

Được UNESCO ra văn bản công nhận Hạ Long của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là di sản văn hóa của thế giới là niềm phấn khởi đầy tự hào. Nhưng đó cũng là một nhiệm vụ nặng nề đối với chúng ta trong việc giữ gìn, xây dựng, tránh ô nhiễm để vịnh Hạ Long càng ngày càng đẹp hơn và có ích hơn cho cả cộng đồng quốc tế…

Lý Khắc Cung

.

CHÙA HOA YÊN – YÊN TỬ (TỈNH QUẢNG NINH)

Núi Yên Tử ở phía Tây thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, có đỉnh cao 1068m.

Chùa Hoa Yên thường gọi là chùa Cả, tọa lạc trên núi Yên Tử, ở độ cao 516m. Theo tác giả Thích Thông Phương trong sách Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2003), chùa nguyên tên là Vân Yên, do Thiền sư Hiện Quang khai sơn. Sư là đệ tử nối pháp của Thiền sư Thường Chiếu. Kế tiếp Thiền sư Hiện Quang là Quốc sư Trúc Lâm Quốc sư Đại Đăng, Thiền sư Tiêu Diêu, Thiền sư Huệ Tuệ, Đại đầu đà Trúc Lâm tức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1299)…

Đại đầu đà Trúc Lâm thuộc thế hệ thứ sáu ở Yên Tử, nhưng đến Ngài, Ngài đã thống nhất các Thiền phái đã có thành một Thiền phái Trúc Lâm nên người đời gọi Ngài là Trúc Lâm đệ nhất tổ.

Ngài cho mở chùa Vân Yên to rộng, tả hữu dụng viện Phù Đồ, lầu

chuông trống, nhà dưỡng tăng, nhà khách, dưới sườn núi dựng nhà cửa suốt đến xứ Thanh Lương. Tăng đồ khắp nơi đến nghe giảng yếu chỉ Thiền tông rất đông. Chùa Vân Yên trở thành trung tâm Phật giáo thời bấy giờ.

Đến khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470-1497), vua Lê Thánh Tông lên thăm chùa, thấy cảnh hoa nở đầy sơn, bèn cho đôi tên là Hoa Yên.

Trước chùa Hoa Sen có Huệ Quang Kim tháp xây năm 1310, an .. . táng xá lợi Trần Nhân Tông, và hơn 40 tháp lớn nhỏ khác, đều là : tháp cổ đời Trần.

Hệ thống chùa ở Yên Tử hiện nay đang được trùng tu, xây dựng với.. qui mô lớn: chùa Cầm Thực, chùa Giải Oan, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, chùa Thiên Trúc (chùa Đồng)… Tuyến cáp treo từ chân núi đến gần khu vực tháp Tổ đã hoạt động từ năm 2002.

Thiền viện Trúc Lâm, tức chùa Lân, chùa Long Động, nằm trên đường vào khu danh thắng Yên Tử, cách tỉnh lộ 18 khoảng 10km, thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, đã được Hòa thượng Thích Thanh Từ cho khởi công xây dựng lại ngày 15-8-2002 và tổ chức lễ khánh thành ngày 14-12-2002. Đây là nơi trước kia Trần Nhân Tông làm nơi giảng đạo.

Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

CHÙA DIÊN HỰU (Thủ đô HÀ NỘI)

Chùa tọa lạc ở số 1 phố Chùa Một Cột, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Chùa được vua Lý Thái Tông (1028-1054) cho xây dựng vào năm 1049, do tích nhà vua chiêm bao thấy Bồ tát Quan Thế Âm ngồi trên tòa sen, dắt vua lên tòa. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua xây chùa, dựng cột đá .. giữa ao, đặt tòa sen của Phật trên cột như đã thấy trong chiêm bao.

Theo văn bia dựng năm Cảnh Trị thứ 3 (1665) đời vua Lê Huyền Tông do nhà sư Tất Đạt ghi, vào đầu năm niên hiệu Hàm Thông đời Đường có dựng một cột đá ở giữa hồ. Trên cột xây một tòa lầu ngọc, .. trong đó đặt tượng Quan Âm để thờ cúng. Khi triều Lí xây dựng kinh đô ở đây, do vua Lí chưa có con, đến đây cầu nguyện thấy linh ứng, vua sửa thêm ngôi chùa Diên Hựu ở bên phải chùa Một Cột để mở rộng việc thờ cúng, làm sáng rõ sự tôn sùng.

Ngôi chùa được xây lại vào thời Trần (năm 1249) và đã trùng tu nhiều lần. Năm 1923, chùa được Trường Viễn Đông Bác Cổ xây cất lại và xây bao lan bọc quanh bốn phía hồ. Chùa hiện nay gồm một ngôi chùa nhỏ tên gọi là chùa Diên Hựu và đài Liên Hoa (thường được gọi là chùa Một Cột) được xây dựng vào năm 1955.

Đài Liên Hoa có kết cấu hình vuông, mỗi mặt rộng 4,2m, mái cong, được đặt trên một cột trụ đường kính 1,2m. Phần trên của cột là hệ thống những đòn gỗ làm giá đỡ cho ngôi chùa ở trên, chiều cao từ sàn đến diềm mái là 2,2m. Phía dưới đặt giữa một hồ vuông thả sen. Trên nóc mái, trang trí đôi rồng ngoảnh cổ lại chầu mặt nguyệt.

Chùa Diên Hựu nằm ở phía Tây Nam chùa Một Cột, cách chùa Một Cột khoảng 10m. Chùa gồm: Tam quan hai tầng kiêm gác chuông, tiền đường, điện Phật, nhà Tổ và vườn Tháp. Chùa lưu giữ hệ thống tượng thờ khá đầy đủ, mang phong cách tạc tượng thế kỉ XI cùng với nhiều di vật khác như: bia đá, chuông đồng, hoành phi, câu đối

Gắn liền với lịch sử thủ đô, chùa Một Cột là biểu tượng của Hà Nội ngàn năm văn vật.

Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

CHÙA SÙNG PHÚC (TỈNH HÀ TÂY)

Chùa thường gọi là chùa Tây Phương, tọa lạc trên núi Tây Phương (xưa gọi là núi Câu Lâu) cao chừng 50m, thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây. Chùa cách Hà Nội 37km về hướng Tây.

Từ chân núi, leo lên 237 bậc lót đá ong thì đến tam quan chùa. Chùa. có ba nếp nhà song song hình chữ “Tâm” lá bái đường, chính diện và hậu cung. Mỗi nếp nhà có hai tầng mái kiểu chồng diêm, tám mái và tám góc là các đầu đao vươn lên cong vút với những hình hoa, lá, rồng, phụng. Mái lợp gồm hai lớp ngói: ngói lợp trên in nổi hình lá đề, ngói lớp dưới lót hình vuông, sơn năm màu. Tường xây bằng gạch Bát Tràng nung đỏ để trần, có những cửa sổ hình tròn mang ý nghĩa sắc – không. Các cột gỗ đều kể trên tảng đá xanh khắc hình cánh sen.

Chùa đã được trùng tu nhiều lần vào các thế kỉ XVII, XVIII. Năm 1632, chùa xây dựng thượng điện ba gian và hậu cung cùng hành lang 20 gian. Khoảng những năm 1657 – 1682, Tây Đô Vương Trịnh Tạc cho xây lại chùa mới.

Đến năm 1794, dưới thời Tây Sơn, chùa được đại tu hoàn toàn, lấy tên là chùa Tây Phương.

Năm 1893, nhà sư Thích Thanh Ngọc trụ trì đã tổ chức trùng tu chùa, tạc tượng Quan Âm trăm tay, Thiện Tài, Long Nữ, Bát Bộ Kim Cang, Thập bát La Hán….

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Chùa có nhiều pho tượng là . những tác phẩm điêu khắc xuất sắc của dân tộc ở các thế kỉ XVII,

XVIII, XIX như: Tượng Tuyết sơn, tượng Quan Tâm Chuẩn Đề, tượng Bát bộ Kim Cang, tượng 16 vị Tổ sư… Năm 1960, nhà thơ Huy Cận đến thăm chùa đã viết những câu thơ sống động và gợi cảm qua bài Các vị La Hán chùa Tây Phương.

Chùa được đại trùng tu vào năm 1991, Tây Phương là ngôi chùa nổi tiếng về kiến trúc và điêu khắc bậc nhất ở Việt Nam. Hằng ngày, chùa đón tiếp hàng trăm Phật tử, du khách trong nước, nước ngoài, đến tham quan, chiêm bái.

Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

CHÙA HƯƠNG TÍCH (TỈNH HÀ TĨNH)

Chùa thường được gọi là chùa Hương, tọa lạc ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, trên đỉnh Ngàn Hống, núi Hương Tích thuộc dãy Hồng Lĩnh. Hồng Lĩnh là thắng cảnh nổi tiếng của Hà Tĩnh, đã được chạm khắc vào Anh đỉnh, một trong 9 đỉnh đồng lớn ở, cố đô Huế năm Minh Mạng thứ 17 (1836).

Từ quốc lộ 1A ngang qua thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, đi khoảng 5km về hướng Đông thì tới chân núi Hồng Lĩnh. Từ đây, chúng ta đi bộ ven triền núi đến miếu Linh Sơn hoặc đi thuyền trên lòng hộ Nhà Đường khoảng 1,5km tới miếu Cô thì dừng lễ trình trước khi lên chùa. . Chùa được dựng từ thời Trần, nhưng đã gắn với truyền thuyết xa xưa hơn, đó là sự tích Bà Chúa Ba tức công chúa Diệu Thiện, con gái Sở Trang Vương, đến tu hành và đắc đạo ở đây.

Quần thể chùa Hương được chia làm ba phần chính: Thượng điện,

đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu. Theo truyền thuyết, am Thánh Mẫu là nơi công chúa Diệu Thiện tu hành và hóa Phật Quan Âm. Chung quanh chùa còn nhiều cảnh quan như: động Tiên Nữ, am Phun Mây, Miếu Cô, suối Tiên Tắm.

Tác giả Bảo Ngọc trong báo Du lịch Việt Nam (Số 10, ngày 7-3. 2003) cho biết Lưu Công Đạo năm 1811 đã mô tả chùa Hương Tích trong Thiên Lộc huyện phong tổ chí như sau: “Trên đỉnh núi có bức thành đá, bên thành có 99 cái nền, cái nào cũng ghép bằng đá mài đẽo trơn phẳng gọi là nền Trang Vương… Người ta lấy đá xây thành am, trong am đặt tượng Quan Âm và một số tượng bằng đá. Bên phải am có chùa Phật, bên trái chùa có đền thờ Đại dương núi Hồng. Trong đền có tấm biển cua ban chữ thếp vàng… Một dãy suối xanh, sóng cùng bạn khoảnh, theo bậc đá đi lên, mỗi bước lại một cảnh sắc khác nhau, lên cao trông khắp bốn phương, đúng là nơi danh thắng đệ nhất ở miền Hoan Châu”.

Chùa còn giữ một số di vật cổ như: gạch thời Trần, chuông thời Lê…

Hằng năm, lễ hội chùa từ đầu tháng giêng đến 19 tháng 2 âm lịch, đã đón tiếp đông đảo khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.

Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 9 Tập 1 – Bài 3: Tập làm văn: Viết bài tập làm văn số 1. Văn thuyết minh
Đánh giá bài viết