Câu 1: Giải thích nghĩa của thành ngữ sau và cho biết thành ngữ liên quan đến phương châm hội thoại nào:

– Nói nhát gừng

Câu 2: Tóm tắt đoạn trích “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh”.

Câu 3: Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về nhân vật Thuý Kiều qua đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều.

Câu 4: Hình tượng người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ trong hồi thứ mười bốn của tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí”.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: Nói nhát gừng

– Ý nghĩa: cách nói giật cục, vài tiếng một, nói không lưu loát. .

– Phương châm hội thoại liên quan: phương châm lịch sự.

Câu 2: Tóm tắt đoạn trích “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh”.

Khoảng năm Giáp Ngọ, Ất Mùi (1774 – 1775), trong nước vô sự, Thịnh Vương (Trịnh Sâm) thích chơi đèn đuốc, thường ngự ở các li cung trên Tây Hồ. Việc xây dựng đình đài cứ liên miên. Mỗi tháng Vương ra chơi cung Thuỵ Liên hai ba lần. Binh lính dàn hầu phòng quanh bốn mặt hồ, các nội thần bịt khăn, mặc váy đàn bà bày hàng quanh bờ hồ để bán. Trên gác chuông chùa Trấn Quốc hay dưới bóng cây bến đá bọn nhạc công hoà vài khúc nhạc khi thuyền dạo qua. Không những vậy, chúa Trịnh còn ra sức thu về những chim quý, thú lạ, cây cảnh đẹp, quý hiếm không thiếu một thứ gì. Bọn hoạn quan thì nhờ gió bẻ măng, chúng doạ dẫm, vu oan cho những nhà giàu để kiếm tiền hoặc chiếm các của ngon vật lạ. Để tránh tai vạ, nhiều nhà có cây cảnh đẹp đều chặt bỏ.

Câu 3:

Sau khi gia đình bị vu oan, Thuý Kiều đã bán mình để chuộc cha và cứu gia đình. Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều kể lại quá trình Mã Giám Sinh được mụ mối dẫn đến để mua Kiều. Đoạn trích không chỉ bóc trần bản chất xấu xa, bỉ ổi của Mã Giám Sinh mà còn nói lên được hoàn cảnh tội nghiệp và tâm trạng của Thuý Kiều trong buổi bán mình đó. Một cô gái tài sắc vẹn toàn đến “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”, “Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai” vậy mà bây giờ trở thành một món hàng để cho người ta “cò kè bớt một thêm hai”, “vén tóc, bắt tay”. Một người con gái có tình yêu trong sáng, hiếu thảo vậy mà vì thằng bán tơ vu oan, gia đình tan nát, nàng phải bán mình. Kiều đã rơi vào một tình cảnh thật tội nghiệp. Rơi vào tình cảnh đó, Thuý Kiều đau đớn, tái tê:

Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng.

Ta hiểu được tâm trạng đau khổ tột cùng của nàng. Bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu “lệ hoa” đã tuôn rơi. Nàng thấy mình thẹn thùng khi nhìn ngắm hoa, khi soi gương. Một loạt từ đã miêu tả được nỗi buồn và sự đau khổ đó: “ngại ngùng”, “bóng thẹn”, “mặt dày”. Phải là người có tấm lòng nhân đạo, Nguyễn Du mới viết về nàng Kiều bằng những dòng thơ đầy thương cảm như vậy. Phải là một ngòi bút tài hoa, Nguyễn Du mới miêu tả thành công tâm trạng của nàng Kiều đến vậy. Qua đoạn trích, ta càng thấy tội nghiệp và thương cho Thuý Kiều – một cô gái tài sắc mà bất hạnh.

Câu 4: Bài làm cần đạt được các ý sau:

1. Đặt vấn đề: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:

Ngô gia văn phái là nhóm tác giả, thuộc dòng họ Ngô Thì, ở làng Tả Thanh Oai, (nay thuộc Hà Nội). Dòng họ Ngô Thì nổi tiếng về tài cao, học rộng, văn chương lỗi lạc.

Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm tiêu biểu nhất trong bộ sách Ngô gia văn phái. Tác giả đã khái quát một giai đoạn lịch sử với biết bao biến cố. Hồi thứ mười bốn là một trong những hồi hấp dẫn nhất. Các tác giả trong Hoàng Lê nhất thống chí đã tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.

2. Giải quyết vấn đề

a) Nguyễn Huệ là người hoạt động mạnh mẽ, quyết đoán

– Từ đầu đến cuối đoạn trích, Nguyễn Huệ luôn luôn là người hoạt động xông xáo, nhanh gọn, có chủ đích và rất cương quyết. Nghe tin giặc đã đánh chiếm tận Thăng Long, mất cả một vùng đất đai một vùng rộng lớn mà không hề nao núng “định thân chinh cầm quân đi ngay”.

– Chỉ trong vòng một tháng, Nguyễn Huệ đã làm được nhiều việc lớn: 

+ “Tố cáo trời đất” lên ngôi Hoàng đế.

+ “Đốc xuất đại binh” ra Bắc.

+ Tuyển mộ quân lính và duyệt binh lớn ở Nghệ An.

+ Phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch dùng binh đánh giặc.

+ Định kế hoạch đối phó với nhà Thanh sau chiến thắng.

b) Nguyễn Huệ là người có trí tuệ sáng suốt, sâu xa và nhạy bén

– Sáng suốt trong việc phân tích tình hình thời cuộc và thế tương quan giữa ta và địch.

– Sáng suốt trong việc phủ dụ quân lính ở Nghệ An:

+ Khẳng định chủ quyền dân tộc của ta và hành động xâm lăng phi nghĩa, trái đạo trời của giặc “đất nào sao ấy đều đã phân biệt rõ ràng”.

+ Nêu bật dã tâm của giặc “bụng dạ…vơ vét của cải”.

+ Ca ngợi truyền thống chống giặc xâm lăng của dân tộc ta từ xưa.

+ Kêu gọi quân lính đồng tâm hiệp lực đánh giặc.

+ Ra kỉ luật nghiêm, sẽ trừng trị không tha những kẻ hai lòng.

+ Lời phủ dụ như một bài hịch rất ngắn gọn mà ý tứ thật phong phú, sâu xa, có tác động kích thích lòng yêu nước và truyền thống quật cường của dân tộc.

– Sáng suốt trong việc xét đoán và dùng người:

+ Cách xử trí với các tướng sĩ ở Tam Điệp, khi Sở Và Lân “mang gươm trên lưng và xin chịu tội”.

+ Ông hiểu khả năng của các tướng sĩ, khen chê đúng người, đúng việc.

c) Ông là người có ý chí quyết chiến, quyết thắng và tầm nhìn xa trông rộng

– Ông nói chắc như đinh đóng cột “phương lược tiến đánh đã có tính sẵn” ngay khi mới khởi binh đánh giặc chưa giành được một tấc đất nào.

– Tính đến kế hoạch ngoại giao sau khi chiến thắng đối với một nước “lớn gấp mười nước mình”.

d) Nguyễn Huệ có tài dụng bình như thần

– Ngày 25 tháng chạp bắt đầu xuất quân ở Phú Xuân.

– Ngày 29 đã tới Nghệ An. Trong thời gian ngắn mà đội quân đã vượt được 350 km qua núi, qua đèo. Tại đây, vừa tuyển quân vừa tổ chức đội ngũ, vừa duyệt binh lớn chỉ trong một ngày.

– Hôm sau đã tiến quân ra tới Tam Điệp (cách Nghệ An khoảng 150km).

– Đêm 30 tháng chạp đã tiến quân ra Thăng Long.

– Sắp xếp đội quân tài ba: hơn vạn quân mới tuyển đặt ở trung quân, quân lính tinh nhuệ từ đất Thuận Quảng ra thì bao bọc ở bốn doanh tiền, hậu, tả, hữu.

=> Cuộc hành quân thần tốc do vua Quang Trung chỉ huy đến nay vẫn còn làm chúng ta kinh ngạc. Hành quân xa liên tục như vậy nhưng cờ nào đội ấy vẫn chỉnh tề. Quang Trung đặt kế hoạch ngày mùng 7 sẽ ăn tết tại Thăng Long, nhưng thực tế đã vượt kế hoạch 2 ngày. Phải là một người cầm quân tài ba, Nguyễn Huệ mới có thể làm được như vậy.

e) Nguyễn Huệ lẫm liệt trong chiến trận

– Nguyễn Huệ trực tiếp cầm quân đánh giặc. Ông vừa là một tổng chỉ huy, hoạch định phương lược tiến đánh, tổ chức quân sĩ vừa tự mình thống lĩnh một mũi tiến công. Ông cưỡi voi đi đốc thúc quân.

– Khí thế của đội quân do Quang Trung trực tiếp chỉ huy đã làm cho kẻ thù bạt vía kinh hồn xin đầu hàng trong trận đánh đồn Ngọc Hồi. Hình ảnh lẫm liệt của Quang Trung giữa đội quân khí thế dũng mãnh đã làm cho quân thù khiếp sợ. Dưới sự lãnh đạo tài ba của Quang Trung, một đội quân vừa được tuyển chọn lại hành quân cấp tốc không được nghỉ ngơi đã chiến thắng kẻ thù mạnh hơn mình gấp nhiều lần.

+ Đoạn trích không chỉ nhằm ghi lại những sự kiện lịch sử diễn biến gấp gáp khẩn trương qua từng mốc thời gian mà còn miêu tả từng hành động, lời nói của Nguyễn Huệ. Qua đó, hình ảnh người anh hùng được khắc hoạ đậm nét.

3. Kết thúc vấn đề

– Nguyễn Huệ là người anh hùng quả cảm, mạnh mẽ, có trí tuệ sáng suốt nhạy bén, có tài dụng binh như thần, là người tổ chức và là linh hồn của chiến công vĩ đại.

– Chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung là niềm tự hào lớn lao của cả dân tộc.

– Cảm phục trước tài năng xuất chúng của vua Quang Trung trong việc tuyển quân, tổ chức hành quân, bài binh bố trận…

– Tự hào về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của cha ông ta.

 

ĐỀ 09 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết