Câu 1: Yếu tố miêu tả có vai trò quan trọng như thế nào trong văn bản thuyết minh ? Cho ví dụ minh hoạ.

Câu 2: Thế nào là phương châm cách thức? Cho ví dụ minh hoạ.

Câu 3: Viết một đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du qua đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều.

Câu 4: Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài “Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em”.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1:

– Yếu tố miêu tả có tác dụng làm cho đối tượng thuyết minh được nổi bật, gây ấn tượng.

– Ví dụ: Yếu tố miêu tả làm cho bài thuyết minh về cây dừa thêm sinh động, hấp dẫn.

Cây dừa

Cây dừa gắn bó với người dân Bình Định chặt chẽ như cây tre đối với người dân miền Bắc. Cây dừa cống hiến tất cả của cải của mình cho con người; thân cây làm máng, lá làm mái tranh, cọng lá chẻ nhỏ làm vách, gốc dừa già làm chõ đồ xôi, nước dừa để uống, để kho thịt, nấu canh, làm nước mắm,… Cùi dừa ăn sống với bánh đa, làm mứt, làm bánh kẹo, ép lấy dầu dùng để thắp, để ăn, để chải đầu, nấu xà phòng. Sọ dừa làm khuy áo, làm gáo, làm muối. Vỏ dừa bện dây rất tốt đối với người đánh cá vì nó mềm, dẻo, dai, chịu mưa, chịu nắng. Cây dừa gắn với đời sống hằng ngày là như thế đấy. 

Dân Bình Định có câu ca dao:

Dừa xanh sừng sững giữa trời .
Đem thân mình hiến cho đời thuỷ chung.

Ở Bình Định, dừa là chủ yếu, dừa là tất cả. Dừa ở đây như rừng, dừa mọc ven sông, men bờ ruộng, leo sườn đồi, rải theo bờ biển. Trên những chặng đường dài 50, 60 km chúng ta chỉ gặp cây dừa: dừa xiêm thấp lè tè, quả tròn, nước ngọt, dừa nếp lơ lửng giữa trời, quả vàng xanh mơn mởn, dừa lửa, lá đỏ, vỏ hồng,…

Câu 2: Thế nào là phương châm cách thức? Cho ví dụ minh hoạ.

– Phương châm cách thức: Khi giao tiếp cần chú ý nói ngắn gọn, rành mạch; tránh cách nói mơ hồ.

– Ví dụ: Lan hỏi Huệ:

Lan: Cậu đã ăn cơm chưa?

Huệ: Mình đã ăn cơm rồi. (Câu trả lời ngắn gọn, rành mạch)

Câu 3: Viết đoạn văn….

Sau khi gia đình Thuý Kiều bị vu oan, nàng đã bán mình để lấy tiền chuộc cha và cứu gia đình. Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều miêu tả một cách sinh động việc Mã Giám Sinh “cò kè” trả giá nàng Kiều như trả giá một món hàng. Miêu tả cảnh đó, dường như Nguyễn Du đã nhỏ lệ thương cảm cho số phận bất hạnh của nàng Kiều. Những dòng thơ đã thể hiện nỗi đau đớn, xót xa trước tình cảnh giá trị con người bị hạ thấp, bị chà đạp. Mỗi chữ mỗi dòng thơ miêu tả nàng Kiều khi bị đưa ra để cho Mã Giám sinh trả giá, khi bị mụ mối “vén tóc, bắt tay” đều thể hiện được sự thương cảm của tác giả. “Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng” là những giọt nước mắt xót xa, tủi nhục của nàng Kiều. Đó phải chăng cũng là những giọt nước mắt thương xót của Nguyễn Du dành cho nàng Kiều tài sắc mà bất hạnh. Phải là người có sự đồng cảm, Nguyễn Du mới viết được những dòng thơ thấm đẫm nỗi đau như vậy. Lòng nhân đạo của Nguyễn Du còn thể hiện qua thái độ khinh bỉ, căm phẫn sâu sắc bọn buôn người bất nhân, tàn bạo. Miêu tả Mã Giám Sinh, ngòi bút của Nguyễn Du đã dành cho nhân vật này những từ ngữ thể hiện sự coi khinh, ghê tởm: nào là “Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”, nào là “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, nào là “Cò kè bớt một thêm hai”. Phải căm phẫn sâu sắc, tác giả mới dành cho bọn buôn người những từ ngữ có tác dụng lột tả bản chất xấu xa, bỉ ổi của chúng. Chỉ một đoạn trích thôi mà ta đã thấy được tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du. Đó là tấm lòng biết đồng cảm và thương xót cho những người có số phận bất hạnh. Đó là thái độ căm ghét, sự khinh bỉ dành cho những kẻ bất nhân, tàn bạo.

Câu 4: Bài làm cần đạt được các ý sau:

1. Đặt vấn đề: Giới thiệu một vài nét chính về văn bản

– “Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em” được trích từ Tuyên bố của Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em, trong Việt Nam và các văn kiện quốc tế về quyền trẻ em.

– Văn bản gồm 17 điều chứa đựng bốn nội dung chính:

+ Điều 1, 2: Lời kêu gọi khẩn thiết.

+ Điều 3, 4, 5, 6, 7: Sự thách thức.

+ Điều 8, 9: Cơ hội.

+ Điều 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17: Nhiệm vụ

=> Văn bản trên giúp chúng ta hiểu hơn về những khó khăn, cơ hội và nhiệm vụ của nhân loại đối với trẻ em.

2. Giải quyết vấn đề

a) Lời kêu gọi với toàn nhân loại

– Lời kêu gọi rất khẩn thiết: “Hãy đảm bảo cho tất cả trẻ em một tương lai tốt đẹp hơn”. Vì:

+ Trẻ em trong trắng, dễ bị tổn thương, còn phụ thuộc. + Trẻ em ham hoạt động và đầy ước vọng.

+ Trẻ em phải được sống vui tươi, thanh bình, được chơi, học và phát triển.

– Hãy để cho em được trưởng thành khi được mở rộng tầm nhìn, thêm những kinh nghiệm mới.

b) Sự thách thức đối với nhân loại về vấn đề trẻ em

Văn bản đề cập đến thực trạng về trẻ em trên thế giới.

+ Trẻ em là nạn nhân của chiến tranh, bạo lực, nạn phân biệt chủng tộc, của chế độ a-pác-thai, của sự xâm lược, chiếm đóng của nước ngoài…

+ Hàng triệu trẻ em chịu thảm hoạ của đói nghèo và khủng hoảng kinh tế…

+ Mỗi ngày có 40.000 trẻ em chết do suy dinh dưỡng và bệnh tật… 

=>Những số liệu trên cho thấy thách thức đối với nhân loại về vấn đề tương lai của trẻ em là rất lớn, đòi hỏi những nhà lãnh đạo của các quốc gia phải có trách nhiệm.

c) Cơ hội để giải quyết vấn đề về trẻ em:

Văn bản chỉ ra cơ hội rất cụ thể:

– Các nước phải liên kết lại

– Có công ước về quyền trẻ em.

– Chiến tranh lạnh được phá bỏ.

– Giải trừ quân bị, tăng cường phúc lợi trẻ em. 

=> Những cơ hội ấy đã được tận dụng trong 15 năm, nhiều quốc gia thu được nhiều thành tựu tốt đẹp.

d) Nhiệm vụ:

– Tăng cường sức khoẻ và chế độ dinh dưỡng của trẻ em, ngăn ngừa được các nguyên nhân dẫn đến tử vong của trẻ sơ sinh.

– Quan tâm và chăm sóc nhiều hơn đến trẻ em tàn tật và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

– Đối xử bình đẳng giữa các em gái với các em trai.

– Phải xoá nạn mù chữ cho trẻ em.

– Chăm sóc tốt và bảo đảm an toàn cho những bà mẹ khi mang thai…

– Tạo cho các em môi trường sống tốt. Các em được tham gia vào các sinh hoạt văn hoá, xã hội.

– Tìm ra giải pháp để giúp các nước còn nợ nước ngoài.

=> Để thực hiện tốt được các nhiệm vụ trên, văn bản đã chỉ rõ: các nước phải có những nỗ lực liên tục, phải phối hợp với nhau trong hành động của từng nước cũng như hợp tác quốc tế.

3. Kết thúc vấn đề 

– Bản tuyên bố của Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em năm 1990 đã khẳng định phải bảo vệ, chăm lo cho trẻ em và cam kết thực hiện những nhiệm vụ có tính toàn diện vì sức khỏe sự phát triển của trẻ em, vì tương lai của toàn nhân loại.

– Chúng ta phải quan tâm đến những trẻ em tàn tật trên đất nước ta, đặc biệt là những trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam.

– Bản thân mỗi chúng ta phải luôn cố gắng học tập, lao động, gương mẫu,… để góp phần thúc đẩy sự phát triển của trẻ em trên toàn thế giới.

 

ĐỀ 07 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết