I. MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT ĐƯỢC

– Nêu được giá trị của tài nguyên sinh vật.

– Nêu được nguyên nhân của sự suy giảm và sự cần thiết phải bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật ở Việt Nam. 

II. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Giá trị của tài nguyên sinh vật

– Tài nguyên thực vật có nhiều giá trị to lớn:

+ Nhóm cây cho gỗ bền đẹp và rắn chắc: đinh, lim, sến, táu, lát hoa, cẩm lai, gụ… 

+ Nhóm cây cho tinh dầu, nhựa, ta-nanh và chất nhuộm: hồi, màng tang, hoàng đàn, sơn, thông, dầu, trám, củ nâu, dành dành…

+ Nhóm cây thuốc: tam thất, xuyên khung, ngũ gia bì, nhân trần, ngải cứu, quế, hồi, thảo quả…

+ Nhóm cây thực phẩm: nấm hương, mộc nhĩ, măng, trám, hạt dẻ, củ mài… 

+ Nhóm cây làm nguyên liệu sản xuất thủ công nghiệp: song, mây, tre, nứa, trúc, giang…

+ Nhóm cây cảnh và hoa: si, sanh, đào, vạn tuế,…, các loại hoa: hồng, cúc, phong lan…

– Các loài động vật cũng có giá trị to lớn, cho nhiều sản phẩm để làm thức ăn, làm thuốc và làm đẹp cho con người.

2. Bảo vệ tài nguyên rừng

– Tỉ lệ che phủ rừng hiện nay rất thấp (33 – 35% diện tích đất tự nhiên).

– Rừng nguyên sinh còn rất ít, phổ biến là kiểu rừng thưa mọc lại pha tạp hoặc trảng cỏ khô cằn.

– Chất lượng rừng giảm sút, những loài cây to, gỗ tốt như đinh, lim sến, táu, lát hoa, sao, trắc, gụ, mun, giáng hương… đã cạn kiệt.

– Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách và luật để bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng.

– Công tác trồng rừng được khuyến khích, phấn đấu đến năm 2010 trồng mới được 5 triệu hecta rừng.

3. Bảo vệ tài nguyên động vật 

– Con người đã huỷ diệt nhiều loài động vật hoang dã và làm mất đi nhiều nguồn gen động vật quý hiếm. Nguồn lợi hải sản cũng đã giảm sút đáng lo ngại.

– Bảo vệ tài nguyên động vật là nhiệm vụ của tất cả mọi người.

III. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI GIỮA BÀI

1. Em hãy nêu một số sản phẩm lấy từ động vật rừng và từ biển mà em biết.

Trả lời:

– Làm thức ăn: thịt cá, tôm, trứng,…

– Làm thuốc chữa bệnh: mật ong, nọc rắn, phấn hoa,….

2. Em hãy cho biết một số nguyên nhân làm suy giảm tài nguyên rừng nước ta.

Trả lời:

– Chiến tranh huỷ diệt.

– Cháy rừng.

– Chặt phá, khai thác quá mức tái sinh của rừng.

IV. GỢI Ý THỰC HIỆN CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CUỐI BÀI

1. Chứng minh rằng tài nguyên sinh vật nước ta có giá trị to lớn về các mặt sau đây:

– Phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống.

– Bảo vệ môi trường sinh thái.

Trả lời:

– Giá trị về phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống:

+ Tài nguyên thực vật có giá trị cao về cung cấp gỗ, cho tinh dầu, nhựa, ta-nanh và chất nhuộm, làm thuốc, thực phẩm, nguyên liệu sản xuất thủ công nghiệp, cây cảnh và hoa,…

+ Tài nguyên động vật cung cấp nguồn thực phẩm làm thuốc chữa bệnh.

+ Cơ sở để phát triển văn hoá – du lịch, nghỉ dưỡng, thể thao, tham quan, chữa bệnh,

– Bảo vệ môi trường sinh thái:

+ Điều hoà khí hậu, giữ cho bầu khí quyển trong lành.

+ Chắn sóng, chắn cát bay, chắn gió,…

+ Cố định phù sa bồi lắng ở cửa biển.

+ Chống xói mòn, xâm thực đất đai.

+ Hạn chế lũ quét, lũ bùn, lũ đá,…

2. Những nguyên nhân nào sau đây làm suy giảm tài nguyên sinh vật nước ta?

– Chiến tranh huỷ diệt.

– Khai thác quá mức phục hồi.

– Đốt rừng làm nương rẫy.

– Quản lý bảo vệ kém.

– Cả bốn nguyên nhân trên.

Trả lời: cả bốn nguyên nhân trên.

3. Cho bảng số liệu về diện tích rừng ở Việt Nam qua một số năm, hãy:

a) Tính tỉ lệ (%) độ che phủ rừng so với diện tích phần đất liền (làm tròn 33 triệu ha).

b) Vẽ biểu đồ theo tỉ lệ đó.

c) Nhận xét về xu hướng biến động của diện tích rừng Việt Nam.

       DIỆN TÍCH RỪNG VIỆT NAM (đơn vị: triệu ha)

Năm 1943 1993 2001
Diện tích rừng  14,3  8,6 11,8

a) Tỉ lệ (%) độ che phủ rừng so với diện tích phần đất liền (làm tròn 33 triệu hay:

      TỈ LỆ ĐỘ CHE PHỦ RỪNG VIỆT NAM (đơn vị: %)

Năm 1943 1993 2001
Diện tích rừng 43,0 26,0 35,7

b) Vẽ biểu đồ 

Hướng dẫn: vẽ biểu đồ cột đứng; trục hoành thể hiện các năm, trục tung thể hiện tỉ lệ độ che phủ rừng (%). Tên biểu đồ: Tỉ lệ độ che phủ. rừng Việt Nam qua một số năm.

c) Nhận xét về xu hướng biến động của diện tích rừng Việt Nam: giảm mạnh từ năm 1945 đến năm 1993, sau đó tăng dần đến năm 2001. Tuy nhiên, độ che phủ rừng năm 2001 so với năm 1943 còn thấp.

V. CÂU HỎI TỰ HỌC

1. Đinh, lim, sến, táu,… là nhóm cây cho

A. gỗ      B. tinh dầu   C. thuốc        D. chất nhuộm.

2. Cây nào sau đây thuộc nhóm cây thuốc?

A. Hồi .    B. Tam thất     C. Nấm hương      D. Củ mài. 

3. Tỉ lệ che phủ rừng hiện nay ở nước ta đạt khoảng

A. 33 – 35% diện tích đất tự nhiên

B. 33 – 36% diện tích đất tự nhiên

C. 33 – 37% diện tích đất tự nhiên

D. 33 – 38% diện tích đất tự nhiên.

4. Nguồn lợi hải sản giảm sút đáng lo ngại, chủ yếu do

A. đánh bắt gần bờ bằng các công cụ thủ công, thô sơ

B. đánh bắt gần bờ và bằng những phương tiện có tính huỷ diệt

C. đánh bắt xa bờ với việc tăng cường các phương tiện hiện đại

D. đánh bắt gần bờ và xa bờ ngày càng tăng với quy mô lớn.

5. Nguồn tài nguyên sinh vật nước ta là

A. vô tận

B. cạn kiệt đến nghèo nàn

C. không sợ cạn kiệt

D. có khả năng phục hồi và phát triển.

Nguồn website giaibai5s.com

Phần hai. Địa lí Việt Nam-Bài 38. Bảo vệ tài nguyên sinh vật Việt Nam
Đánh giá bài viết