I. MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT ĐƯỢC

– Trình bày và giải thích được bốn đặc điểm chung nổi bật của tự nhiên Việt Nam.

– Nêu được những thuận lợi và khó khăn của tự nhiên đối với đời sống và phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta.

– Sử dụng bản đồ Tự nhiên Việt Nam.

– Rèn luyện kĩ năng tư duy địa lí tổng hợp

II. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Việt Nam là một nước nhiệt đới gió mùa ẩm

– Biểu hiện rõ nhất tính chất này là môi trường khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều.

– Bên cạnh đó, tự nhiên nước ta có nơi, có mùa lại bị khô hạn, lạnh giá với những mức độ khác nhau.

2. Việt Nam là nước ven biển

– Nước ta có vùng Biển Đông rộng lớn, bao bọc phía đông và phía nam phần đất liền. 

– Biển Đông có ảnh hưởng đến toàn bộ thiên nhiên nước ta.

3. Việt Nam là xứ sở của cảnh quan đồi núi 

– Cảnh quan đồi núi chiếm ưu thế rõ rệt trong cảnh quan chung của thiên nhiên nước ta.

– Cảnh quan vùng núi thay đổi theo độ cao.

4. Thiên nhiên nước ta phân hoá đa dạng, phức tạp

– Thể hiện trong lịch sử phát triển lâu dài của lãnh thổ.

– Thể hiện trong từng thành phần tự nhiên (nhiều loại đất, đá, khí hậu, sinh vật…).

III. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI GIỮA BÀI

1. Tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống như thế nào? Cho ví dụ. Theo em, ở vùng nào và vào mùa nào tính chất nóng ẩm bị xáo trộn nhiều nhất?

Trả lời: 

– Khí hậu nhiệt đới gió mùa có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông, lâm nghiệp. Điều kiện nóng ẩm cho phép cây trồng phát triển quanh năm, có thể cấy dày và xen canh để tận dụng ánh sáng dồi dào, có thể kết hợp nông – lâm nghiệp theo công thức VAC hay VACR (vườn – ao – chuồng – rừng), có thể tăng vụ, gối vụ.

– Tuy nhiên, do chế độ mưa mùa nên cần bố trí thời vụ hợp lí và xác định cơ cấu cây trồng thích hợp với từng địa phương. Khí hậu nhiệt đới ẩm cũng tạo điều kiện cho nhiều dịch bệnh phát triển, ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi và có tác động tiêu cực đến đời sống con người.

– Miền Bắc nước ta, đặc biệt là ở Đông Bắc và vào mùa đông, tính chất nóng ẩm bị xáo trộn nhiều nhất.

2. Hãy tính xem ở nước ta 1 km đất liền tương ứng với bao nhiêu km? mặt biển?

Tính:

– Diện tích đất liền: 330.000 km2.

– Diện tích biển Việt Nam: 1.000.000 km2.

– Tỉ lệ biển so với đất liền: 1.000.000 / 330.000 = 3,03

Như vậy, 1 km2 đất liền ứng với trên 3 km2 mặt biển.

3. Là một nước ven biển, Việt Nam có thuận lợi gì trong phát triển kinh tế?

Trả lời:

   Biển Việt Nam giàu tài nguyên sinh vật (cá, tôm, cua,…), tài nguyên khoáng sản (dầu khí, sa khoáng,…), tài nguyên du lịch, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều ngành kinh tế biển như: thuỷ sản, khai khoáng, du lịch, giao thông biển,…

4. Miền núi nước ta có những thuận lợi và khó khăn gì trong phát triển kinh tế – xã hội?

Trả lời:

a) Thuận lợi

– Đất đai rộng lớn.

– Tài nguyên đa dạng (khoáng sản, gỗ, đồng cỏ, thuỷ điện).

b) Khó khăn

– Địa hình chia cắt mạnh: núi cao, sông sâu, vực thẳm.

– Khí hậu, thời tiết khắc nghiệt.

– Đường sá khó xây dựng, bảo dưỡng.

– Dân cư ít và phân tán.

5. Em hãy nêu một số dẫn chứng (lấy từ các bài học trước) chứng minh cho nhận xét: Sự phức tạp, đa dạng của tự nhiên nước ta đã được thể hiện rõ trong lịch sử phát triển lâu dài của lãnh thổ và trong từng thành phần tự nhiên với nhiều loại đất, đá, khí hậu, sinh vật,…

Trả lời:

– Lịch sử phát triển tự nhiên: Lãnh thổ Việt Nam đã trải qua hàng trăm triệu năm biến đổi, chia thành ba giai đoạn chính: giai đoạn Tiền Cambri tạo lập nền móng sơ khai của lãnh thổ; giai đoạn Cổ kiến tạo phát triển, mở rộng và ổn định lãnh thổ; giai đoạn Tân kiến tạo nâng cao địa hình, hoàn thiện giới sinh vật và còn đang tiếp diễn. 

– Địa hình: nước ta có nhiều khu vực địa hình, có nhiều dạng, nhiều kiểu địa hình, địa hình có hai hướng chính: tây bắc – đông nam và hướng vòng cung. Trong các khu vực địa hình cũng có sự phân hoá theo lãnh thổ đa dạng.

– Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhiệt cao, ẩm đồi dào, có sự phân hoá theo mùa và không gian (theo chiều bắc – nam, tây – đông và theo độ cao).

– Đất có nhiều nhóm, trong mỗi nhóm có nhiều loại khác nhau. Sự phân bố đất có sự khác nhau ở đồi núi, đồng bằng, ven biển và theo độ cao.

– Sông ngòi có mật độ dày đặc, giàu phù sa, có chế độ nước theo mùa, có sự khác nhau ở các lưu vực sông miền Bắc, miền Trung và miền Nam.

– Sinh vật đa dạng và phong phú. Sự đa dạng gồm cả thành phần loài, gen di truyền, kiểu hệ sinh thái,…

IV. GỢI Ý THỰC HIỆN CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CUỐI BÀI

1. Thiên nhiên nước ta có những đặc điểm chung nào?

Trả lời: Thiên nhiên nước ta có bốn tính chất chung nổi bật là:

– Tính chất nhiệt đới gió mùa ẩm.

– Tính chất ven biển hay tính chất bán đảo.

– Tính chất đồi núi.

– Tính chất đa dạng và phức tạp.

2. Tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa được thể hiện như thế nào trong các thành phần tự nhiên Việt Nam?

Trả lời: Thể hiện của tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa trong các thành phần tự nhiên nước ta:

– Khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều.

– Đất feralit đỏ vàng.

– Hệ sinh thái rừng phát triển mạnh mẽ.

– Địa hình có lớp vỏ phong hoá dày và quá trình phong hoá mạnh mẽ.

– Chế độ sông ngòi với hai mùa nước (đây và kiệt), không bị đóng băng.

3. Sự phân hoá đa dạng của cảnh quan tự nhiên tạo ra những thuận lợi và khó khăn gì cho sự phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta? Cho ví dụ.

Trả lời:

– Thiên nhiên Việt Nam đa dạng, tươi đẹp, hấp dẫn là tài nguyên phát triển du lịch sinh thái.

– Tài nguyên thiên nhiên đa dạng là một nguồn lực để phát triển kinh tế toàn diện. Nền nông nghiệp nhiệt đới đa canh, thâm canh và chuyên canh (lúa, cây công nghiệp, cây ăn quả, thuỷ sản, hải sản). Nền công nghiệp tiên tiến, hiện đại nhiều ngành (nhiên liệu, năng lượng, khai khoáng, luyện kim, chế biến nông sản).

– Việt Nam là vùng có nhiều thiên tai. Môi trường sinh thái dễ bị biến đổi, mất cân bằng. Nhiều tài nguyên có nguy cơ cạn kiệt và huỷ hoại (rừng cây, đất đai, động vật quý hiếm,…).

V. CÂU HỎI TỰ HỌC

1. Tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa của nước ta tập trung nhất ở

A. khí hậu       B. địa hình      C. đất đai       D. sông ngòi.

2. Việt Nam là một nước

A. nhiệt đới khô                   B. nhiệt đới ẩm 

C. nhiệt đới gió mùa            D. nhiệt đới ẩm gió mùa.

3. 1 kmtrên đất liền của nước ta tương ứng với hơn

A. 1,5 km2 mặt biển

B. 2,0 kmmặt biển 

C. 2,5 km2 mặt biển

D. 3,0 km2 mặt biển

4. Việt Nam là xứ sở của cảnh quan

A. đồng bằng                B. đồi núi

C. trung du                   D. bán bình nguyên.

5. Đặc điểm nào sau đây không đúng với tự nhiên Việt Nam?

A. Tính chất nhiệt đới gió mùa ẩm.

B. Tính chất ven biển hay tính chất bán đảo.

C. Tính chất đồng bằng.

D. Tính chất đa dạng, phức tạp.

Đáp án câu hỏi tự học

1.A      2.D     3.D     4.B      5.C

Nguồn website giaibai5s.com

Phần hai. Địa lí Việt Nam-Bài 39. Đặc điểm chung của tự nhiên Việt Nam
Đánh giá bài viết