I. MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT ĐƯỢC

– Trình bày và giải thích được đặc điểm chung của sinh vật Việt Nam.

– Nắm được các kiểu hệ sinh thái rừng ở nước ta và phân bố của chúng.

II. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Đặc điểm chung

– Sinh vật Việt Nam rất phong phú và đa dạng, với hàng chục nghìn loài sinh vật sống và phân bố trên mọi môi trường địa lí tạo nên các hệ sinh thái khác nhau.

– Do tác động của con người, sinh vật nước ta bị suy giảm cả về chất lượng lẫn số lượng.

2. Sự giàu có về thành phần loài sinh vật

– Nước ta có 14.600 loài thực vật, 11.200 loài và phân loài động vật.

– Có 365 loài động vật và 350 loài thực vật thuộc loài quý hiếm được đưa vào “Sách Đỏ Việt Nam”.

3. Sự đa dạng về hệ sinh thái

   Việt Nam có nhiều hệ sinh thái khác nhau phân bố khắp mọi miền.

– Vùng đất triều bãi cửa sông, ven biển phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn với tập đoàn cây sú, vẹt, đước…, cùng với các loài cua, cá, tôm… và chim, thú.

– Vùng đồi núi có hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa, với nhiều biến thể như: rừng kín thường xanh (Cúc Phương, Ba Bể), rừng thưa rụng lá (rừng khộp ở Tây Nguyên), rừng tre nứa (Việt Bắc), rừng ôn đới núi cao (Hoàng Liên Sơn).

– Các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia. Đây chủ yếu là những khu rừng nguyên sinh cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên sinh học tự nhiên.

– Các hệ sinh thái nông nghiệp do con người tạo ra và duy trì để lấy lương thực, thực phẩm và các sản phẩm cần thiết khác cho đời sống con người. Các hệ sinh thái này ngày càng mở rộng lấn át các hệ sinh thái tự nhiên.

III. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI GIỮA BÀI

1. Dựa vào vốn hiểu biết của mình, em hãy nêu những nhân tố tạo nên sự phong phú về thành phần loài của sinh vật nước ta và cho ví dụ.

Trả lời:

– Môi trường sống thuận lợi: ánh sáng dồi dào, nhiệt độ cao, nước đủ, tầng sâu dày, vụn bở,…

– Bên cạnh thành phần bản địa (chiếm khoảng 50%), có nhiều luồng sinh vật di cư tới (luồng sinh vật Trung Hoa, Hi-ma-lay-a, Ma-lai-xi-a, Ấn Độ – Mi-an-ma); các luồng này chiếm khoảng gần 50%.

2. Em hãy nêu tên một số vườn quốc gia của nước ta. Các vườn quốc gia có giá trị như thế nào? Cho ví dụ.

Trả lời:

– Một số vườn quốc gia ở nước ta:

STT Tên vườn Tỉnh Diện tích (ha) Hệ sinh thái đặc trưng
1 Cúc Phương Ninh Bình,.. 22.000 Rừng rậm nhiệt đới trên núi đá vôi 
2 Ba Vì Hà Nội 7.300 Rừng nhiệt đới trên núi
3 Tam Đảo Vĩnh Phúc,… 19.000 Rừng nhiệt đới trên núi
4 Cát Bà Hải Phòng 15.200 Rừng trên đảo ven biển
5 Ba Bể Bắc Kạn 7.610 Rừng trên núi đá vôi
6 Bến En Thanh Hoá 16.600 Rừng nhiệt đới chuyển tiếp
7 Bạch Mã Thừa Thiên – Huế 22.000 Rừng nhiệt đới chuyển tiếp
8 Yoc Đông Đắk Lắk 58.200 Rừng rụng lá
9 Nam Cát Tiên Đồng Nai 38.600 Rừng cận xích đạo
10 Côn Đảo Bà Rịa – Vũng Tàu 19.000 Rừng trên đảo và ven biển
11 Tràm Chim Đồng Tháp 7.500 Đầm lầy nhiệt đới

 – Giá trị của vườn quốc gia (VQG)

+ Bảo tồn nguồn gen sinh vật tự nhiên.

+ Cơ sở nhân giống và lai tạo giống mới.

+ Là phòng thí nghiệm tự nhiên không có gì thay thế được.

+ Phát triển du lịch sinh thái, nâng cao đời sống nhân dân địa phương (tạo việc làm, tăng thu nhập, phục hồi nghề truyền thống, các lễ hội tốt đẹp ở địa phương).

+ Tạo môi trường sống tốt cho xã hội (chữa bệnh, phát triển thể chất, rèn luyện thân thể,…).

+ Tiến hành giáo dục môi trường, xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên.

3. Em hãy kể một số cây trồng, vật nuôi ở địa phương em.

4. Rừng trồng và rừng tự nhiên có gì khác nhau?

Trả lời:

– Rừng tự nhiên: có nhiều tầng cây; rừng có nhiều cây dây leo, cây phụ sinh, cây có quả trên thân, cây có hạnh và cao lớn, vững chãi,… Động vật trong rừng đa dạng, phong phú, có nhiều động vật to lớn (voi, trâu rừng, bò tót,…) và nhiều loài linh trưởng khỉ, vượn,…) quý hiếm.

– Rừng trồng: cây thuần chủng thông, keo tai tượng, bạch đàn,…), không có nhiều tầng tán, nghèo động vật.

IV. GỢI Ý THỰC HIỆN CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CUỐI BÀI

1. Nêu đặc điểm chung của sinh vật Việt Nam.

Trả lời:

– Phong phú, đa dạng: đa dạng về thành phần loài, về gen di truyền, về kiểu hệ sinh thái và đa dạng về công dụng của các sản phẩm sinh học.

– Trên đất liền hình thành đi rừng nhiệt đới gió mùa. Trên biển hình thành khu hệ sinh vật biển nhiệt đới.

– Do tác động của con người, nhiều hệ sinh thái tự nhiên (rừng, biển ven bờ) bị tàn phá, biến đổi và suy giảm về chất lượng và số lượng.

2. Nêu tên và sự phân bố các kiểu hệ sinh thái rừng ở nước ta.

Trả lời:

– Hệ sinh thái rừng ngập mặn, ở vùng đất triều bãi cửa sông, ven biển.

– Hệ sinh thái đồi núi, ở vùng đồi núi (với 3/4 diện tích lãnh thổ phần đất liền).

– Các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia.

– Các hệ sinh thái nông nghiệp, do con người xây dựng ở khắp nơi trên đất nước.

3. Vẽ lại bản đồ hành chính Việt Nam (hình 23.2, trang 82) và điền lên đó tên các VQG sau đây vào đúng địa bàn các tỉnh, thành phố có các VQG đó: Ba Bể (Bắc Kạn), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ba Vì (Hà Nội), Cát Bà (Hải Phòng), Cúc Phương (Ninh Bình), Bến En (Thanh Hoá), Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế), Yok Đôn (Đắk Lắk), Nam Cát Tiên (Đồng Nai), Tràm Chim (Đồng Tháp), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu).

4. Sưu tầm tranh ảnh về các VQG Việt Nam

Hướng dẫn: sưu tầm từ sách, báo, tạp chí và từ internet.

V. CÂU HỎI TỰ HỌC

1. Sinh vật Việt Nam

A. phong phú, đa dạng

B, có rất nhiều loài ôn đới

C. che phủ trên 50% diện tích lãnh thổ

D. đa dạng về gen, đơn điệu về hệ sinh thái.

2. Số loài thực vật của nước ta đưa vào “Sách Đỏ” là 

A. 250 loài      B. 300 loài    C. 350 loài       D. 400 loài.

3. Hệ sinh thái rừng ngập mặn ở nước ta tập trung nhiều nhất ở ven biển

A. Bắc Bộ

B. Bắc Trung Bộ

C. Nam Trung Bộ

D. Nam Bộ.

4. Loại nào sau đây không phải biến thể của hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa?

A. rừng kín thường xanh ở Cúc Phương

B. rừng thưa rụng lá ở Tây Nguyên

C. rừng tre nứa ở Việt Bắc

D. rừng ôn đới núi cao vùng Hoàng Liên Sơn.

5. Hệ sinh thái tự nhiên là

A. đồng ruộng

B. rừng trồng cây công nghiệp

C. rừng trồng cây lấy gỗ

D. đầm phá.

Nguồn website giaibai5s.com

Phần hai. Địa lí Việt Nam-Bài 37. Đặc điểm sinh vật Việt Nam
Đánh giá bài viết