HƯỚNG DẪN

Với đề này, cần hiểu thế nào là số phận bi kịch, từ đó soi vào để phân tích nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích Vĩnh biệt Trùng Đài.

– Thế nào là bi kịch? Khi lí tưởng, mong muốn, ước nguyện của con người không thành thì con người rơi vào bi kịch, tức là rơi vào “tình cảnh éo le, mâu thuẫn đến đau thương”. Nhân vật của bi kịch bao giờ cũng được đặt trong một tình trạng mâu thuẫn và xung đột không thể điều hoà, thường là giữa cái thiện và cái ác, cái cao cả và cái thấp hèn… Mâu thuẫn và xung đột trong bi kịch diễn ra rất căng thẳng và quyết liệt đến mức “nhân vật thường chỉ thoát ra khỏi nó bằng cái chết bi thảm gây nên những suy tư và xúc động mạnh mẽ đối với công chúng”.

– Vũ Như Tô trong đoạn trích vở kịch cùng tên của Nguyễn Huy Tưởng là một nhân vật bi kịch như thế. Nhân vật Vũ Như Tô thể hiện bi kịch của người nghệ sĩ không giải quyết đúng và không giải quyết được mối quan hệ giữa lí tưởng, khát vọng nghệ thuật và hiện thực xã hội, giữa người nghệ sĩ và người công dân, giữa lí tưởng nghệ thuật cao siêu, thuần tuý của muôn đời với lợi ích thiết thân và trực tiếp của nhân dân lúc bấy giờ (lúc xây dựng Cửu Trùng Đài). Đây là mâu thuẫn giữa cái tài, ước vọng cao cả, niềm khát khao và đam mê sáng tạo cái đẹp của Vũ Như Tô với thực tế đầy phũ phàng, ngang trái của xã hội dẫn đến sự vỡ mộng thê thảm: Cửu Trùng Đài bị đốt, cả Vũ Như Tô và Đan Thiềm đều bị đưa ra pháp trường chịu chết,

Phân tích để thấy rõ bi kịch của nhân vật, nhưng cũng cần có sự đánh giá thoả đáng để thấy Vũ Như Tô vừa là tội nhân vừa là nạn nhân trong việc xây Cửu Trùng Đài và ông đã bị trả giá như thế nào. Mâu thuẫn trong con người Vũ Như Tô cũng là mâu thuẫn trong tư tưởng nghệ thuật của Nguyễn Huy Tưởng khi viết vở kịch này. (Xem “Lời tựa”).

ĐỀ 124: Phân tích số phận bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô qua đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài trong tác phẩm Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng.
Đánh giá bài viết