SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 KÌ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 NĂM 2017 – 2018
Môn thi: NGỮ VĂN
Ngày thi: 02 tháng 6 năm 2017
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề)

ĐỀ CHÍNH THỨC 

Câu 1: (3,0 điểm)

Đọc hai văn bản sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:

Văn bản 1

Trong bức ảnh chụp cùng thần tượng Michael Phelps cách đây 8 năm, Joseph Schooling mới chỉ là cậu bé con đeo kính cận dày cộp, cao ngang vai Phelps. Nhưng 8 năm sau, khi có cơ hội tranh tài với thần tượng của mình ở nội dung 100 m bơi bướm tại Thế vận hội mùa hè 2016, cậu bé năm nào không chỉ tự tin thể hiện tài năng mà còn buộc thần tượng chấp nhận chịu thua, nhường lại chiếc Huy chương Vàng tuyệt đẹp cho mình.

Hai bức ảnh lịch sử ghi lại khoảnh khắc ngày ấy và bây giờ giữa Michael Phelps và Joseph Schooling (Ảnh: Reuters). (Dựa theo Hình ảnh Joseph Schooling và thân tượng Michael Phelps lan truyền chóng mặt, Lê Ái, Báo Thanh niên, ngày 13/8/2016).

Chiến thắng của Schooling không chỉ là phần thưởng ngọt ngào cho những năm tháng miệt mài ngụp lặn trong bể bơi, mà nó còn thắp lên trong trái tim trẻ niềm tin. Khi làm bất cứ công việc gì, nếu có đủ ý chí và đam mê, một ngày nào đó ta không chỉ thành công mà có thể vượt qua chính thần tượng của mình hôm nay.  

Văn bản 2

Diễn viên điện ảnh Jack Nicholson từng thần tượng Marlot Branco điên đảo đến thức nói một câu trứ danh: “Chừng nào ông ấy còn sống thì chẳng anh diễn viên nào ngóc đầu lên nổi”.

Tất nhiên đây chỉ là một cách nói thật xứng. Jack Nicholson học phương pháp diễn xuất thần sầu của Marlon và thậm chí ông còn vượt qua thần tượng của nhà khi giành tới 3 giải Oscar. So với 2 giải của Marlott.

Hình ảnh Jack Nicholson đóng cùng Marlon Brando trong một bộ phim (Ảnh: imdb)
(Trích từ Phelps đến Schooling từ Marlon Brando DiCaprio. Lê Hồng Lâm – Thịnh Joey, Báo Tuổi trẻ, ngày 16/8/2016)

a) Dựa vào hai văn bản trên, hãy cho biết những thành tích nào của Joseph Schooling và Jack Nicholson đã chứng tỏ họ vượt qua thần tượng. (0,5 điểm)

b) Chỉ ra một phép liên kết cấu có trong đoạn đầu của văn bản 1. (0.5 điểm)

c) Xác định thông điệp chung của hai văn bản trên (1,0 điểm)

c) Em có nhận xét gì về cách thể hiện sự hâm mộ của các bạn trẻ ngày nay đối với thần tượng? (Tra lời trong khoảng từ 4 – 6 dòng) (1,0 điểm)

Câu 2: (3,0 điểm)

Tuổi trẻ có cần sống khác biệt?

Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trả lời câu hỏi trên.

Câu 3: (4,0 điểm)

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau: 

ĐỀ 1

Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.     
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,  
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
(…)                                                  
Câu hát căng buồm với giá khơi,   
    Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhỏ màu mới,       
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.  

(Trích Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận)

Cảm nhận của em về hai khổ thơ trên. Từ đó, liên hệ với một tác phẩm khác hoặc với thực tế cuộc sống để thấy được tình yêu, sự gắn bó của người Việt Nam với biển quê hương.

ĐỀ 2

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, em hãy viết bài văn với nhan đề: “Đọc một tác phẩm – Đi muôn dặm đường”.

GỢI Ý LÀM BÀI THI VÀO LỚP 10 NĂM 2017
MÔN: NGỮ VĂN
Thành phố Hồ Chí Minh

Câu 1

Bài làm cần trình bày được những ý chính sau:

a) – Thành tích của Joseph Schooling đã chứng tỏ anh vượt qua thần tượng: Anh đạt huy chương Vàng ở nội dung 100 m bơi bướm tại Thế vận hội mùa hè 2016 (trong Thế vận hội này, thần tượng của anh đã thua anh).

– Thành tích của Jack Nicholson đã chứng tỏ anh vượt qua thần tượng: Anh đã giành 3 giải Oscar (trong khi thần tượng của anh chỉ đạt 2 giải Oscar).

b) Các em chỉ cần chỉ ra một trong các phép liên kết có trong đoạn đầu của văn bản 1.

– Phép thế (thế Michael Phelps – thần tượng; thế Joseph Schooling – Cậu bé (cậu bé bữa nào)

– Phép nối: “Nhưng…”, “không chỉ … mà”.

– Phép lặp: thần tượng, cậu bé. 

c) Thông điệp chung của hai văn bản trên là: Khi làm bất cứ công việc gì, nếu có đủ ý chí và đam mê thì nhất định đến một ngày nào đó ta không chỉ thành công mà còn có thể vượt qua chính thần tượng của mình hôm nay.

d) Nhận xét về cách thể hiện sự hâm mộ của các bạn trẻ ngày nay đối với thần tượng:

Thần tượng là gì? Thần tượng là chỉ những người được quý trọng hay được tôn sùng một cách say mê. Họ là những người có vẻ đẹp ngoại hình, tài năng về một lĩnh vực nào đó thuộc lĩnh vực âm nhạc, thể thao, giáo dục…

– Hiện tượng hâm mộ thần tượng đã xảy ra ở một vài nước trên thế giới mà các nước Đông Nam Á là một ví dụ. Đây là một hiện tượng tâm lí tự nhiên và được hình thành từ sự yêu thích, say mê hoặc ấn tượng của một số người về một người nào đó mà sự say mê đó ảnh hưởng rất lớn đến cá nhân những người hâm mộ thần tượng.

– Thực trạng về cách thể hiện sự hâm mộ của các bạn trẻ ngày nay ở nước ta đối với thần tượng:

+ Nhiều bạn trẻ tỏ ra quá khích, mất kiểm soát bản thân khi tiếp xúc với các thần tượng. Ví dụ: Các bạn trẻ Việt Nam trước những thần tượng của mình là những ngôi sao ca nhạc của Hàn Quốc.

+ Họ học theo mẫu hình lí tưởng trong cách ăn mặc, nói năng, hành xử… Họ bất chấp lời khuyên từ gia đình, từ nhà trường, bất chấp lời nhận xét của xã hội…

+ Nguyên nhân: Do bản thân các bạn trẻ thích bắt chước, đua đòi + do sự quản lí lỏng lẻo của gia đình,….

– Lợi ích và tác hại của việc hâm mộ thần tượng:

+ Lợi ích: Thần tượng đóng vai trò khá lớn trong cuộc sống và việc hình thành nhân cách của giới trẻ. Rất nhiều trường hợp thần tượng giúp các bạn trẻ vươn tới cái tốt, cái đẹp, sống có mục đích, có lí tưởng có niềm tin. Từ đó có nghị lực vươn lên trong cuộc sống và đã thành công hơn cả thần tượng của mình như hai ví dụ trên đề bài.

+ Tác hại: Nếu thần tượng một cách quá khích sẽ dẫn đến đánh mất bản thân, sa vào tệ nạn, phạm pháp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình. Nghiêm trọng hơn, bản thân có những hành vi nguy hiểm như tự tử, tuyệt vọng,…

– Liên hệ bản thân:

+ Bản thân cần học theo thần tượng một cách tích cực.

+ Nghe theo lời khuyên răn của gia đình.

+ Hòa mình vào cuộc sống tốt đẹp của cộng đồng.

+ Sống có mục đích, có niềm tin, luôn hướng tới tương lai. 

Câu 2: (3,0 điểm)

Tuổi trẻ có cần sống khác biệt?

Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trả lời câu hỏi trên.

Bài làm cần có những ý chính sau:

a) Mở bài:

– Hiện nay, tuổi trẻ có nhiều quan niệm sống khác nhau. Có những thanh niên sống ích kỉ vì lợi ích riêng của bản thân mình. Có người sống vì mục đích cao cả, sống để cống hiến cho cộng đồng, cho đất nước. Có những người muốn sống như mọi người. Cũng có người muốn sống khác biệt.

– Vấn đề đặt ra là tuổi trẻ có nên sống khác biệt với những người xung quanh? Hay sống như mọi người? Sống khác biệt là đúng hay sai? Để hiểu rõ điều đó, chúng ta cùng giải thích, phân tích, bình luận và chứng minh.

b) Thân bài

– Giải thích khái niệm

+ Tuổi trẻ: Độ tuổi thanh niên, thiếu niên. Đây là những người gánh trên vai trọng trách xây dựng và phát triển đất nước.

+ Sống khác biệt: Lối sống khác lạ, đặc biệt so với những người xung quanh.

– Phân tích, bình luận, chứng minh

+ Sự khác biệt là nguồn gốc cho sự phát triển trong xã hội. Bởi vì, nếu tất cả mọi người có lối sống giống nhau thì xã hội sẽ không thể phát triển.

+ Tuổi trẻ là tuổi của sức khỏe, nhiệt huyết, đam mê và khám phá. Đây là lứa tuổi dễ tiếp thu những thứ mới mẻ và biến chúng trở thành phương tiện để tạo lập cuộc sống theo cách riêng của mình, mang lại một cách sống, một màu sắc mới cho xã hội,

+ Thế hệ trẻ ngày này có thể tạo nên sự khác biệt, chỉ cần bản thân dám làm và dám chịu trách nhiệm về cuộc sống của bản thân mình.

+ Nếu không tạo nên sự khác biệt, không tạo dấu ấn riêng cho bản thân thì hình ảnh của bạn sẽ bị lu mờ, năng lực của bạn không được trọng dụng.

+ Sự khác biệt ở đây là phải tạo nên những thứ tốt đẹp hơn cho bản thân và những người xung quanh chứ không phải chơi trội, làm những điều trái pháp luật, trái đạo lí.

Ví dụ: Trong lớp, bạn có thể sống khác biệt bằng cách có những suy nghĩ độc đáo, sáng tạo để học tập tốt hơn, để có thể giúp đỡ mọi người được nhiều hơn.

c) Kết bài

– Tuổi trẻ cần sống khác biệt chứ không phải sống kì quái, trái khoáy. 

– Bản thân phải tích cực, chủ động và sáng tạo trong cuộc sống, trong học tập…

Câu 3: (4,0 điểm)

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề

Nếu chọn đề 1, bài làm cần có các ý sau:

a) Mở bài

– Nhiều nhà thơ đã viết về tình yêu đối với quê hương đất nước, với cuộc sống mới như Giang Nam, Tế Hanh, Huy Cận, Đỗ Trung Quân,…

– Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Những tác phẩm nổi tiếng của ông là Lửa thiêng, Vũ trụ ca,…

– Sau cách mạng, ông sớm hòa mình vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

– Hòa bình lập lại, ông luôn viết về đề tài cuộc sống mới đang lên.

– Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá nằm trong tập Trời mỗi ngày lại sáng, được sáng tác ở Hòn Gai, năm 1958, nhân một chuyến tác giả đi thực tế dài ngày.

– Khổ đầu và khổ cuối bài thơ đã tái hiện một cách sinh động cảnh ra khơi và trở về của đoàn thuyền đánh cá trong cuộc sống mới.

b) Thân bài 

* Khổ 1: Cảnh đoàn thuyền ra khơi

– Bức tranh thiên nhiên lúc hoàng hôn:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.    

+ Hình ảnh so sánh độc đáo mặt trời như hòn lửa đã tái hiện một không gian kì vĩ, tráng lệ. Phép tu từ so sánh này đã đem đến cho bức tranh thiên nhiên trên biển vào lúc hoàng hôn vẻ đẹp rực rỡ, ấm áp.

+ Bằng biện pháp tu từ nhân hóa “Sóng đã cài then, đêm sập cửa”, tác giả để cho “sóng”, cho “đêm” có những hoạt động như của con người. Qua đó, hình ảnh thiên nhiên hiện lên trong trạng thái tĩnh lặng, nghỉ ngơi, thư giãn. Vũ trụ giờ đây như một ngôi nhà khổng lồ. Những lượn sóng dài như chiếc then cài, còn màn đêm đang buông xuống là cánh cửa.

→ Hai câu thơ trên là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp về biển vào lúc hoàng hôn. Đồng thời hai câu thơ cũng thể hiện được lòng yêu mến cuộc đời thiết tha của nhà thơ Huy Cận. 

– Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi lúc hoàng hôn

+ Thiên nhiên là cái nền làm tôn lên vẻ đẹp của những con người lao động đưa thuyền ra khơi đánh cá lúc hoàng hôn:

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi

+ “Đoàn thuyền” chỉ số lượng nhiều. Nhiều ngư dân cùng nhau đoàn kết ra khơi đánh bắt cá. Họ không phải mới ra khơi một hai lần mà họ đã cùng nhau làm ăn đã rất nhiều lần. Điều đó thể hiện qua từ “lại”. Từ “lại” còn cho ta thấy hình ảnh của thiên nhiên và con người có gì đó trái chiều nhau. Thiên nhiên thì đi vào sự tĩnh lặng, nghỉ ngơi. Lúc đó, con người lại cùng nhau ra khơi bắt đầu cho ngày lao động mới…

+ Bằng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”, tác giả đã tái hiện vẻ đẹp tâm hồn, niềm vui lao động của những ngư dân trong cuộc sống mới, khi họ được làm chủ cuộc đời, làm chủ biển khơi của Tổ quốc. Tiếng hát khỏe khoắn cho gió làm căng cánh buồm, làm cho lòng người vui tươi hồ hởi bắt đầu một ngày lao động mới.

→ Tóm lại: Khổ thơ 1 vừa miêu tả được vẻ đẹp kì vĩ của thiên nhiên trên biển lúc hoàng hôn vừa nói lên được không khí làm ăn sôi nổi, vui tươi, khẩn trương của những người ngư dân đánh bắt cá trong cuộc sống mới.

– Liên hệ với một tác phẩm khác cũng nói về vẻ đẹp của biển và con người lao động trên biển quê hương

+ Nhà thơ Tế Hanh cũng đã dành cho biển và con người lao động trên biển những câu thơ rất hay:

Khi trời trong gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.

Bức tranh thiên nhiên về biển trong thơ Tế Hanh là bức tranh về cảnh bình minh: không gian thì thanh bình, tươi đẹp còn con người thì khỏe mạnh tràn trề sức sống.

+ Qua những câu thơ viết về biển và con người lao động trên biển, dẫu là thời gian khác nhau nhưng cả hai nhà thơ đã làm nổi bật vẻ đẹp kì vĩ của biển khơi giữa đất trời tự do, làm nổi bật vẻ đẹp của những con người lao động trên biển trong cuộc sống mới.

* Khổ cuối: Cảnh đoàn thuyền trở về

+ Ở khổ thơ cuối này, câu thơ được lặp lại chỉ khác với câu thơ ở khổ 1 từ “với”. Cấu trúc lặp lại ấy trở thành khúc hát ngân nga, nhấn mạnh niềm vui phấn khởi khi người ngư dân trở về bến vào lúc bình minh với thuyền đầy ắp cá. 

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,           
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.      

Bằng biện pháp nhân hóa, tác giả để con thuyền trở thành một sinh thể sống có thể chạy đua cùng thời gian.

+ Đoàn thuyền trở về trong ánh sáng rực rỡ, huy hoàng của mặt trời lúc bình minh, của muôn ngàn mắt cá lấp lánh ánh mặt trời. Câu thơ vừa mang nghĩa tả thực, vừa khiến người đọc liên tưởng tới một tương lai tươi sáng, huy hoàng.

→ Khổ thơ thể hiện niềm vui phơi phới của những người lao động đã gặt hái được những thành quả lao động trên vùng biển tự do của đất nước.

c) Kết bài

– Hai khổ thơ đã tái hiện thành công vẻ đẹp của biển và những người lao động trong cuộc sống mới. Qua đó, tác giả ca ngợi vẻ đẹp kì vĩ, sự giàu có của thiên nhiên đất nước và vai trò lớn lao của người lao động trong công cuộc xây dựng đất nước, khẳng định sự hồi sinh của thiên nhiên, đất nước sau chiến tranh.

– Ngòi bút tràn đầy cảm hứng, sự chan hòa giữa con người với thiên nhiên. Tác giả sử dụng rất thành công những biện pháp nghệ thuật tu từ như nhân hóa, so sánh,…

– Bài thơ nói chung, hai khổ thơ nói riêng cho ta thấy biển quê hương luôn gần gũi, tuyệt đẹp. Những con người nơi đây cần cù, chịu thương, chịu khó, yêu quê hương, yêu lao động…

ĐỀ 2

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, em hãy viết bài văn với nhan đề: “Đọc một tác phẩm – Đi muôn dặm đường”.

Nếu chọn đề 2, bài làm cần có các ý sau:

a) Mở bài

– Hiện thực cuộc sống chính là mảnh đất màu mỡ để các nhà thơ, nhà văn lựa chọn đề tài.

– Mỗi tác phẩm hay đều chứa đựng những giá trị về nội dung và nghệ thuật. Chính vì vậy, nó giúp ta có được những bài học quý báu

– Đọc một tác phẩm hay, ta sẽ học được những bài học giá trị về cuộc sống cũng giống như ta đã đi qua muôn dặm đường. 

b) Thân bài

* Giải thích

Tác phẩm văn học: Tác phẩm văn học là kết quả của một quá trình nhà văn khám phá, lí giải hiện thực đời sống rồi chuyển hóa những hiểu biết đó vào tác phẩm của mình.

Đọc tác phẩm văn học: Là quá trình người đọc tiếp xúc với văn bản văn về mặt ngôn từ, rồi vận dụng những kiến thức về văn bản văn học, kiến thức về hiện thực đời sống để lĩnh hội và lí giải tác phẩm.

Muôn dặm đường: Đường dài muôn dặm.

Đọc một tác phẩm – đi muôn dặm đường: Nghĩa là khi ta đọc một tác phẩm văn học, chúng ta sẽ tiếp nhận được những kiến thức, những tình cảm vô cùng quý giá. Đó là những nhận thức, cảm xúc của chính tác giả đã gửi gắm vào văn bản. Nên khi ta đọc tác phẩm giống như ta đã trải qua những không gian chính tác giả đã trải qua.

* Phân tích, bình luận, chứng minh

– Đọc tác phẩm văn học, người đọc được cung cấp những tri thức mới mình chưa từng trải nghiệm.

+ Mỗi người chỉ sống trong một thời gian nhất định, trong một khoảng không gian nhất định với những mối quan hệ nhất định.

+ Tác phẩm văn học có thể tồn tại trong thời gian, không gian dài rộng. Nó có thể phản ánh được cuộc sống của nhiều người trong thời gian khác nhau, không gian khác nhau.

+ Đọc tác phẩm, ta sẽ mở rộng hơn sự hiểu biết của bản thân về lịch sử, về phong tục tập quán, về nếp cảm, nếp nghĩ, về kiến trúc, về trang phục,… của nhiều thời đại, nhiều nước khác nhau trên thế giới.

– Tác phẩm văn học đem lại cho người đọc bài học quý về lòng nhân đạo, vị tha, về lẽ sống, về niềm tin…

Chứng minh:

Các em có thể lấy các tác phẩm văn học trong chương trình Trung học cơ sở để chứng minh cho những bài học các tác phẩm để lại cho mọi người, cho bản thân em.

c) Kết bài

– Tác phẩm văn học hay là những tác phẩm đem lại cho người đọc những bài học quý.

– Cần phải biết cọn lọc sách khi đọc.

– Cần luôn có ý thức đọc sách vì nó sẽ nuôi dưỡng tâm hồn ta…

Đề thi vào lớp 10 năm 2017 – TP.HCM
Đánh giá bài viết