ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 NĂM 2016
Ngày thi: 11 tháng 6 năm 2016 tại TP. Hồ Chí Minh
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề)

ĐỀ CHÍNH THỨC

Câu 1 (3 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi học trò – lứa tuổi bất ổn định nhất. Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày.

Nếu vậy, sao bạn không nghĩ đến điều này ngay từ bây giờ?  

Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu mà bạn sử dụng thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không, có thể nó sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý chứ không phải bạn.

Đừng để ai đánh cắp ước mơ của bạn. Hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim bạn đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức…

(Theo Pham Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội nhà văn, 2012)

a) Tìm thành phần phụ chú trong văn bản trên và cho biết tác dụng của thành phần ấy. (0,5 điểm)

b) Xác định ít nhất một biện pháp tu từ được sử dụng trong câu Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh dậy và chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ ấy. (0,5 điểm)

c) Nêu nội dung văn bản trên (1 điểm)

d) Theo em, có phải lúc nào cũng nên theo đuổi ước mơ? Trả lời trong khoảng 3 – 5 dòng (1 điểm)

Câu 2 (3 điểm)

Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương? Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trả lời cho câu hỏi trên.

Câu 3 (4 điểm)

Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, nhà văn Nguyễn Thành Long đã viết về nhân vật anh thanh niên như sau:

Anh hạ giọng, nửa tâm sự, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều:

– Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này, cháu không nghĩ như vậy nữa. Và khi ta làm việc, ta với công việc làm đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Con người thì ai mà “chả thèm” hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? Đấy, cháu tự nói với cháu thế đấy. Bác lái xe đi, về Lai Châu cứ đến đây dừng lại một lát. Không vào giờ “ốp” là cháu chạy xuống chơi, lâu thành lệ. Cháu bỗng dưng tự hỏi: Cái nhớ xe, nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng. Cháu ở liền trong trạm hàng tháng. Bác lái xe bao lần dừng, bóp còi toe toe, mặc, cháu gan lì nhất định không xuống. Ấy thế là một hôm, bác lái phải thân hành lên trạm cháu. Cháu nói: “Đấy, bác cũng chẳng “thèm” người là gì?”.

Anh xoay sang người con gái đang một mắt đọc cuốn sách, một mắt lắng nghe, chân cô đang đưa khe khẽ, nói:

– Và cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ.

Cảm nhận của em về anh thanh niên trong đoạn trích trên. Từ đó, hãy liên hệ với thế hệ trẻ trong một tác phẩm văn học khác hoặc trong thực tế đời sống để thấy được vẻ đẹp của sức trẻ Việt Nam.

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Câu 1 (3 điểm)

Bài làm cần trình bày được các ý sau:

a) Cho 0,5 điểm

– Thành phần phụ chú trong văn bản: “– lứa tuổi bất ổn định nhất”.

– Tác dụng của thành phần phụ chú trên: Bổ sung ý nghĩa cho cụm từ “lứa tuổi học trò”, nêu rõ đặc điểm tâm lí của lứa tuổi học trò.

b) Cho 0,5 điểm

– Biện pháp nghệ thuật tu từ trong câu “Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy” là biện pháp tu từ so sánh.

+ Vế A: Sống một cuộc đời

+ Vế B: vẽ một bức tranh vậy

+ Từ ngữ chỉ sự so sánh: cũng giống như

– Tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong câu: nhằm khẳng định ý nghĩa của cuộc sống do mỗi người tự vẽ nên. Đồng thời biện pháp so sánh cũng làm cho bài văn sinh động và hấp dẫn.

c) Cho 1 điểm

Nội dung của văn bản: Khẳng định tầm quan trọng của ước mơ, khát vọng đối với cuộc sống của mỗi người. Nhờ có ước mơ tốt đẹp, tình cảm, khả năng, sức mạnh tiềm ẩn của bạn sẽ được đánh thức và đưa bạn đến với những hành động thực tế để thực hiện ước mơ.

d) Cho 1 điểm

Các em nên viết dưới hình thức một đoạn văn. Nội dung đoạn văn cần nêu được 2 ý sau: 

– Trong cuộc sống có ước mơ giản dị mà cao đẹp ta có thể thực hiện được, cũng có ước mơ viển vông, xa vời không thể thực hiện được.

– Sống phải có ước mơ nhưng cần phải nhận rõ khả năng thực tế của bản thân để có những những ước mơ giản dị, cao đẹp phù hợp với bản thân chứ không viển vông, xa vời. Từ đó có hành động cụ thể để thực hiện bằng được ước mơ của mình.

Câu 2 (3 điểm)

Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương?

Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trả lời cho câu hỏi trên.

1. Yêu cầu:

– Bài làm phải có bố cục chặt chẽ: gồm 3 phần:

+ Mở bài: Giới thiệu được vấn đề.

+ Thân bài: Giải quyết được vấn đề đã nêu ở mở bài.

+ Kết bài: Chốt lại được vấn đề đã giải quyết ở thân bài.

– Phải xác định đúng vấn đề cần nghị luận mà đề bài đã yêu cầu… (phải giải thích được “những điều ngọt ngào”, bàn luận về vấn đó và có liên hệ bản thân)

2. Gợi ý cách làm bài 

Các em có thể có nhiều suy nghĩ, quan điểm khác nhau. Ở đây, tác giả chỉ đưa ra một trong những cách giải quyết đề bài trên để các em tham khảo.

a) Mở bài

– Trong cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ có điều ngọt ngào, hạnh phúc mà có lúc cũng cay đắng và bất hạnh.

– Vậy ý kiến cho rằng: “Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương?” là đúng hay sai? Vì sao? Để hiểu được ý kiến trên đúng hay sai? Đúng đến mức nào hoặc sai ở chỗ nào, chúng ta cùng trao đổi bàn bạc về vấn đề này..

b) Thân bài

* Giải thích

“Những điều ngọt ngào”: chỉ những lời nói, cử chỉ, hành động dịu dàng, tình cảm,… có tác động đến đối tượng cần quan tâm trong cuộc sống của mỗi người. 

“Yêu thương”: chỉ tình cảm quý mến, gần gũi, thương yêu giữa người với người trong cuộc sống.

=> Vậy “Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương?”. Phân tích và trao đổi về ý kiến này, chúng ta sẽ rõ.

* Phân tích

– Có “Những điều ngọt ngào” chân thành, trong sáng nhưng cũng có “những điều ngọt ngào” giả dối.

– Với “Những điều ngọt ngào” chân thành, trong sáng bao giờ cũng có tác dụng rất lớn đối với đối tượng mình quan tâm. Bởi vì nó luôn mang lại cảm giác hạnh phúc, niềm tin và sức sống cho con người. Nó giúp chúng ta thêm say mê, hứng thú trong học tập cũng như trong lao động.

Dẫn chứng: Một lời nói dịu dàng, một cử chỉ, hành động chân thành của giáo viên dành cho học sinh đúng lúc, đúng chỗ sẽ là một “liều thuốc bổ” vô giá đối học sinh. Nó giúp các em tự tin, dám vượt qua khó khăn để vươn lên trong học tập, trong mọi hoạt động,…

– Với “Những điều ngọt ngào” giả dối, không có thực, có tác hại rất lớn đến cuộc sống của mỗi người. Bởi vì, những lời giả dối đó làm cho người nghe tự tin thái quá, ảo tưởng về bản thân mình, dễ trở nên kiêu căng, ngạo mạn.

Dẫn chứng: Ta dành quá nhiều lời khen “có cánh” cho một học sinh nào đó, trong khi khả năng thực của em đó không được như vậy. Lời khen đó dễ làm cho em học sinh trở nên chủ quan, thiếu ý chí phấn đấu…

* Bàn bạc mở rộng

– Có khi không có “Những điều ngọt ngào” chân thành, trong sáng mà lại có những ý kiến nghiêm khắc phê bình có tình có lí mà vẫn “làm nên yêu thương”. Bởi vì, những lời góp ý chân thành, nghiêm khắc, có tình có lí ấy sẽ giúp ta thức tỉnh, rút kinh nghiệm trước những thất bại. Nó giúp ta nhìn nhận đúng về bản thân mình, để từ đó có phương hướng phấn đấu, tiến bộ, hoàn thiện, trưởng thành hơn.

– Hãy nói và làm “Những điều ngọt ngào” chân thành, trong sáng đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng.

– Cần trân trọng lắng nghe “Những điều ngọt ngào” chân thành, trong sáng từ gia đình, thầy cô, bè bạn.

– Cần trân trọng lắng nghe cả những lời góp ý chân thành, nghiêm khắc, có tình có lí để ta tiến bộ. 

c) Kết bài:

– Em sẽ cố gắng nói và làm được “Những điều ngọt ngào” chân thành, trong sáng đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng để “làm nên yêu thương”.

– Em sẽ biết trân trọng lắng nghe cả những lời góp ý chân thành, nghiêm khắc, có tình có lí của mọi người.

– Em sẽ lắng nghe và liên hệ với khả năng của bản thân để loại bỏ đi “những điều ngọt ngào” giả dối.

Câu 3 (4 điểm)

Bài làm cần trình bày được những nội dung sau:

a) Mở bài

“Lặng lẽ Sa Pa” sáng tác năm 1970, trong chuyến đi thực tế của tác giả ở Lào Cai. Tác phẩm được in trong tập “Giữa trong xanh” (1972).

– Truyện viết về anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn.

– Đoạn trích trên nằm ở phần cuối tác phẩm. Đoạn trích nói về cuộc trò chuyện giữa anh thanh niên và ông họa sĩ, trong chuyến ông đi công tác thực tế ở vùng núi phía Bắc.

– Hình ảnh anh thanh niên trong đoạn trích đã để lại trong em những cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp tâm hồn, hành động của anh thanh niên cũng là vẻ đẹp của thế hệ trẻ trong giai đoạn chống Mĩ.

b) Thân bài: Cảm nhận về vẻ đẹp của anh thanh niên

* Một vài nét về hoàn cảnh làm việc của anh thanh niên

– Anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh núi Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét. Anh “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”.

– Anh sống và làm việc một mình trên đỉnh núi cao. Vì vậy, nhiều lúc anh rất “thèm người”.

* Vẻ đẹp của anh thanh niên trong đoạn trích

– Anh là người yêu say mê công việc vì thấy công việc của mình có ích cho mọi người, cho đất nước. Anh đã tâm sự với ông họa sĩ: “Và khi ta làm việc, ta với công việc làm đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”

– Anh luôn khao khát, hòa hợp, giao lưu với mọi người. Anh luôn muốn gặp mọi người trong thời gian ít ỏi cho phép. Anh vui mừng và hạnh phúc khi ông họa sĩ và cô gái lên thăm nơi làm việc của anh. Anh tâm sự với ông họa sĩ: “Bác lái xe đi, về Lai Châu cứ đến đây dừng lại một lát. Không vào giờ “ốp” là cháu chạy xuống chơi, lâu thành lệ”. Anh khẳng định: “Cháu bỗng dưng tự hỏi: Cái nhớ xe, nhở người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi thớ phồn hoa đô hội thì xoàng”….

Anh là người ham đọc sách, rất yêu sách. Anh coi sách như người bạn để trò chuyện. Anh đã nói với cô gái: “Và cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một bé”.

* Nhận xét

– Anh thanh niên là người sống có lí tưởng, có trách nhiệm, biết vượt qua hoàn cảnh làm việc khó khăn gian khổ của bản thân.

– Tính tình vui vẻ, thích hòa đồng với mọi người.

– Yêu sách, ham đọc sách, coi sách như người bạn.

– Muốn được cống hiến thật nhiều cho đất nước bằng công việc thầm lặng.

c) Liên hệ với vẻ đẹp của những người thanh niên trong tác phẩm khác

Các em có thể chọn một trong những tác phẩm đã học, trong đó có thể hệ trẻ mang những phẩm chất tốt đẹp như anh thanh niên trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.

Ví dụ: Các em có thể chọn hình ảnh những người thanh niên lái xe trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mĩ trong tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của tác giả Phạm Tiến Duật. Những người chiến sĩ lái xe trong bài thơ là những người sống có lí tưởng, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước. Họ lạc quan, yêu đời dù cuộc sống phải trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ trong đạn bom.”.

“Xe vẫn chạy về miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”.     

c) Kết bài

– Vẻ đẹp của anh thanh niên trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long nói riêng và của những thanh niên trong các tác phẩm khác nói chung là vẻ đẹp tiêu biểu của thế hệ trẻ Việt Nam

– Chúng ta yêu mến, trân trọng và tự hào về những người thanh niên đó.

– Chúng ta học tập những phẩm chất tốt đẹp của thế hệ trẻ được miêu tả qua các tác phẩm. Từ đó, chúng ta có suy nghĩ, tình cảm và hành động xứng đáng với những thế hệ cha anh.

Đề thi vào lớp 10 năm 2016 – TP.HCM
Đánh giá bài viết