Câu 1: Gạch dưới từ tạo nên phép thế trong các câu sau và nêu tác dụng của phép thế đó:

Những người nghèo nhiều tự ái vẫn thường như thế. Họ dễ tủi thân nên rất hay chạnh lòng.

(Nam Cao, Lão Hạc)

Câu 2: Giới thiệu một vài nét về Nguyễn Quang Sáng, về xuất xứ và chủ đề của truyện Chiếc lược ngà.

Câu 3: Tìm nghĩa tường minh và hàm ý trong ví dụ sau:

– Đây tôi giới thiệu với anh một hoạ sĩ lão thành nhé. Và cô đây là kĩ sư nông nghiệp. Anh đưa khách về nhà đi. Tuổi già cần nước chè: ở Lào Cai đi sớm quá. Anh hãy đưa ra cái món nước chè pha nước mưa thơm như nước hoa của Yên Sơn nhà anh.

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

Câu 4: Tìm hiểu và phân tích diễn biến tâm lí hành động của bé Thu trong lần gặp cha cuối cùng, khi ông Sáu được về phép. Qua đó, hãy nhận xét về tính cách nhân vật bé Thu và nghệ thuật miêu tả tâm lí của tác giả Nguyễn Quang Sáng.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: – Từ tạo nên phép thế trong các câu sau:

Những người nghèo nhiều tự ái vẫn thường như thế. Họ dễ tủi thân nên rất hay chạnh lòng.

– Từ họ thay thế cho những người nghèo. Thay như vậy, câu văn không bị lặp từ ngữ và trở nên sinh động, hấp dẫn.

Câu 2:

a) Một vài nét về Nguyễn Quang Sáng:

– Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932

– Quê: huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

– Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, hoạt động ở chiến trường Nam Bộ.

– Năm 1954, ông tập kết ra Bắc.

– Những năm chống Mĩ, ông trở về Nam Bộ tham gia kháng chiến.

– Nguyễn Quang Sáng là một trong những nhà văn chuyên viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như trong hoà bình.

b) Về xuất xứ: Truyện ngắn Chiếc lược ngà được viết năm 1966 (khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ) và được đưa vào tập truyện cùng tên.

c) Chủ đề của truyện Chiếc lược ngà: Câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ cảm động giữa hai cha con ông Sáu. Qua đó, tác giả ca ngợi tình cảm cha con sâu nặng trong chiến tranh. Đồng thời, tác phẩm còn gợi cho người đọc nghĩ đến và thấm thía những đau thương mất mát mà chiến tranh mang đến cho bao con người, bao gia đình.

Câu 3: Nghĩa tường minh và hàm ý trong ví dụ là:

– Căn cứ vào vào các từ ngữ của câu in đậm trong ví dụ, ta có thể thấy nghĩa tường minh của nó là: “Tuổi già cần nước chè, (chúng tôi) đi ở Lào Cai sớm quá”.

– Câu này còn có hàm ý: “Trước khi đến đây, ông hoạ sĩ chưa kịp uống nước chè”. Hàm ý này được suy ra nhờ phần câu: “Ở Lào Cai đi sớm quá”. Có hàm ý đó nên câu tiếp theo mới yêu cầu chủ nhà “đưa cái món chè pha nước mưa thơm như nước hoa” ra tiếp khách của bác lái xe.

Như vậy nghĩa hàm ý được suy ra từ tình huống giao tiếp chứ không phải do từ ngữ trực tiếp tạo câu biểu đạt. 

Câu 4:

1. Đặt vấn đề

– Nguyễn Quang Sáng là một trong những nhà văn chuyên viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như trong hoà bình.

– Truyện ngắn Chiếc lược ngà được viết năm 1966 (khi tác giả hoạt động chiến trường Nam Bộ) và được đưa vào tập truyện cùng tên.

– Truyện thể hiện thật cảm động tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. |

– Bé Thu là một trong những nhân vật chính của tác phẩm. Tìm hiểu và phân tích diễn biến tâm lí, hành động của bé Thu trong lần gặp cha cuối cùng, khi ông Sáu được về phép, ta sẽ thấy được tính cách nhân vật bé Thu và nghệ thuật miêu tả tâm lí của Nguyễn Quang Sáng.

2. Giải quyết vấn đề

a) Thái độ và hành động của Thu trước khi nhận ông Sáu là cha

– Thái độ và hành động của Thu khi ông Sáu mới về: Bé Thu ngơ ngác khi nhìn thấy ông Sáu. “Mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: “Má ! Má!”.

– Trong những ngày ông Sáu ở nhà: Ông Sáu lúc nào cũng vỗ về con. Nhưng ông Sáu càng vỗ về thì “con bé càng đẩy ra”, Bé Thu không bao giờ gọi một tiếng “ba”. Nói gì với ông Sáu nó cũng nói trống không. Trong những tình huống tưởng không gọi ba không được. Vậy mà Thu vẫn gan lì, tự mình làm mọi việc tưởng chừng như ngoài khả năng như tự chắt nước cơm khi không bế nổi nồi cơm to đang sôi. Khi ông Sáu gắp lên chén cơm của Thu một cái trứng cá to vàng, Thu đã “hất cái trứng ra, làm cơm tung toé cả mâm”. Rồi Thu xuống bến, lấy xuồng chèo sang sông đến nhà ngoại.

Như vậy, kể từ khi ông Sáu về nhà, bé Thu vẫn lạnh lùng, cố né tránh sự quan tâm, chăm sóc, vỗ về của ông. Điều đó cũng dễ hiểu và không đáng trách. Trong hoàn cảnh xa cách và trắc trở của chiến tranh, Thu còn quá bé nhỏ để có thể hiểu được những tình thế khắc nghiệt éo le. Hơn thế nữa, khi ông Sáu xa con, bé Thu mới chỉ hơn tuổi đầu. Ngày ông về, bé Thu đã tám chín tuổi. tác giả không lí giải ngay vì sao bé Thu không nhận ông Sáu là ba. Có lẽ vì thế mà câu chuyện trở nên hấp dẫn. Người đọc hồi hộp đợi chờ cuối cùng cô bé có gọi là ba không, tình cảm của hai ba con sẽ thế nào.

b) Thái độ và hành động của bé Thu khi nhận ra người cha

– Trong buổi sáng cuối cùng, ông Sáu phải lên đường, thái độ và hành động của bé Thu đã thay đổi hoàn toàn. Lần đầu tiên Thu cất tiếng gọi “ba” và tiếng kêu như tiếng xé, rồi “nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó”. “Nó nghĩ hai tay không giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run”. Biết là ba phải đi, bé Thu mếu máo: “Ba. Uề ! Ba mua cho con một cây lược nghe ba!”.

Thái độ và hành động thay đổi quá đột ngột làm cho ta cảm động và càng muốn tò mò hiểu rõ vì sao bé Thu lại có sự thay đổi đó. Và rồi điểm thắt của câu chuyện được giải quyết. Ngoại Thu cho biết Thu không nhận ông Sáu là ba bởi ba chụp ảnh chung với má trên mặt không có vết thẹo mà trên mặt ông Sáu lại có một vết thẹo dài trên má.

– Tâm trạng, thái độ và hành động của Thu còn được thể hiện trong đêm Thu ở nhà ngoại. Được ngoại giải thích vì sao mặt ba Thu lại có vết thẹo. Sự nghi ngờ bấy lâu đã được giải toả và ở Thu nảy sinh một trạng thái như là sự ân hận, hối tiếc: “Nghe bà kể nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn. Vì thế, trong giờ phút chia tay với cha, tình yêu và nỗi mong nhớ với người cha xa cách đã bị dồn nén bấy lâu, nay bung ra thật mạnh mẽ và hối hả, cuống quýt, có xen lẫn cả sự hối hận”.

c) Qua biểu hiện tâm lí và hành động của bé Thu, tác giả đã làm nổi rõ một số nét tính cách của nhân vật

– Bé Thu là người có tình cảm sâu sắc, mãnh liệt nhưng cũng thật dứt khoát, rạch ròi.

– Bé Thu cũng rất hồn nhiên và ngây thơ.

– Qua những diễn biến tâm lí của bé Thu, ta thấy tác giả tỏ ra rất am hiểu tâm lý trẻ em và diễn tả rất sinh động với tấm lòng yêu mến, trân trọng những tình cảm trẻ thơ.

3. Kết thúc vấn đề

– Nhân vật bé Thu đã để lại trong lòng độc giả tình yêu thương, trấn trọng và cảm phục. Qua diễn biến tâm trạng của bé Thu, ta hiểu được vẻ đẹp trong sáng ngây thơ và cao đẹp của những em bé miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

– Câu chuyện không chỉ nói lên tình cha con thắm thiết, sâu nặng của cha con ông Sáu mà còn gợi cho người đọc nghĩ đến và thấm thía những đau thương, mất mát, éo le mà chiến tranh đã mang đến cho bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình, đặc biệt là trẻ em.

– Sức hấp dẫn của truyện còn bởi tác giả xây dựng được cốt truyện chặt chẽ, có những yếu tố bất ngờ nhưng hợp lí. Truyện còn thành công bởi ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật của tác giả thật sắc sảo.

ĐỀ 28 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết