Câu 1: Tóm tắt truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

Câu 2: Tìm thành phần gọi đáp trong ví dụ sau và nêu tác dụng của thành phần gọi đáp đó.

Trước khi đi, nó còn cho tôi ba đồng bạc, ông giáo ạ!

Câu 3: Tìm biện pháp liên kết có trong đoạn trích dưới đây:

Đứng ngắm cây sầu riêng, tôi cứ nghĩ mãi về cái giống cây kì lạ này. Thân nó khẳng khiu, cao vút, cành ngang thẳng đuột, thiếu cái dáng nghiêng, chiều quần, chiều lượn của cây xoài, cây nhãn. Lá nhỏ xanh vàng hơi khép lại tưởng như lá héo. Vậy mà khi trái chín, hương toả ngạt ngào, vị ngọt đam mê.

(Mai Văn Tạo)

Câu 4: Phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: Tóm tắt truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

Câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa ông hoạ sĩ già, cô kĩ sư trẻ với anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn thuộc Sa Pa.

Trên một chuyến xe có nhiều hành khách, trong đó có một ông hoạ sĩ già, một cô kĩ sư trẻ đi nhận công tác sau khi tốt nghiệp. Trên đường đi, khi vừa qua Sa Pa, bác lái cho xe dừng lại. Mọi người được nghỉ 30 phút. Bác lái xe giới thiệu với ông hoa sĩ, cô kĩ sư về một người thanh niên là ở trạm khí tượng. Bác lái xe kể rằng, đã có lần vì “thèm người quá”, người thanh niên đã lấy một khúc cây chắn ngang đường để xe dừng lại, anh được gặp mọi người. Người thanh niên gặp và biếu bác lái xe gói củ tam thất mới đào. Được bác lái xe giới thiệu, người thanh niên mời ông hoạ sĩ và cô kĩ sư lên nhà uống nước. Ông hoạ sĩ và cô kĩ sư rất bất ngờ trước vườn hoa rực rỡ với đủ loại hoa. Người thanh niên cắt tặng cô kĩ sư một bó hoa thật đẹp. Anh kể về công việc hàng ngày của mình cho mọi người nghe. Anh còn nói với cô kĩ sư anh lấy sách làm người bạn trò chuyện của mình. Ông hoạ sĩ vẽ người thanh niên. Anh nói ông đừng vẽ mình. Anh sẽ giới thiệu những người xứng đáng cho ông vẽ. Đó là ông kĩ sư ở vườn rau, người cán bộ khoa học nghiên cứu về sét. 30 phút trôi qua, mọi người chào anh thanh niên trở lại xe. Anh biếu mọi người trứng gà để lấy cái ăn đường. Mọi người chia tay nhau trong sự lưu luyến, cảm phục.

Câu 2:

– Thành phần gọi – đáp trong ví dụ là: ông giáo ạ !

– Tác dụng: duy trì quan hệ giao tiếp giữa những người tham gia cuộc thoại (lão Hạc và ông giáo).

Câu 3: Đoạn văn có sử dụng các phép liên kết sau: phép nối, phép thế, phép liên tưởng. Cụ thể:

– Phép nối: từ Vậy mà

– Phép thế: thân nó (nó thế cho cây sầu riêng)

– Phép liên tưởng: cây, thân, cành, lá, trái, hương vị.

Câu 4: Phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện Chiếc lược ngà.

1. Đặt vấn đề

– Nguyễn Quang Sáng là một trong những nhà văn chuyên viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như trong hoà bình. 

– Truyện ngắn Chiếc lược ngà được viết năm 1966 (khi tác giả hoạt động chiến trường Nam Bộ) và được đưa vào tập truyện cùng tên.

– Truyện thể hiện thật cảm động tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh.

– Ông Sáu là một trong những nhân vật chính của tác phẩm. Ông có nhiều phẩm chất cao đẹp. Phân tích nhân vật này, chúng ta sẽ thấy được vẻ đẹp của người chiến sĩ, người cha trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

2. Giải quyết vấn đề

a) Hoàn cảnh xuất thân của nhân vật

– Ông Sáu là một nông dân Nam Bộ. Ông tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.

– Ông ra đi đánh giặc năm 1946 mãi đến năm 1954, ông mới được về thăm quê một vài ngày.

– Ngày ông đi, đứa con gái của ông mới một tuổi. Khi con gái lên 9, ông mới gặp lại con.

– Sau năm 1954, ông Sáu không tập kết ra Bắc. Ông nhận nhiệm vụ ở lại miền Nam hoạt động bí mật.

=> Hoàn cảnh của ông Sáu cũng chính là hoàn cảnh của biết bao người dân Nam Bộ trong chiến tranh. Chiến tranh gây ra biết bao cảnh chia lìa. Những người dân lao động bình thường đã sẵn sàng xa gia đình, quê hương để lên đường tham gia kháng chiến.

b) Ông Sáu là người có tình yêu quê hương, đất nước

– Yêu quê hương, đất nước, ông sẵn sàng xa gia đình ra đi chiến đấu để bảo vệ quê hương.

– Tình yêu quê hương đất nước đã giúp ông vượt qua những năm tháng gian khổ, thiếu thốn: trong những ngày ở rừng, ở cứ, bị giặc khủng bố liên miên, ông đã cùng đồng đội phải ăn bắp, ăn mì thay cơm… cái chết bủa vậy. Đạn bom của kẻ thù không biết sẽ cướp đi mạng của mọi người bất kì lúc nào, ông vẫn luôn kề vai sát cánh cùng đồng đội trong chiến đấu.

– Ông đã hi sinh vì quê hương, đất nước trong một trận càn lớn của quân Mĩ – nguy.

=> Điều đó cho thấy, ông Sáu cũng như hàng triệu chiến sĩ, đồng bào ta sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hi sinh vì quê hương, vì đất nước.

c) Ông Sáu là người có tình yêu con tha thiết

Tình cảm sâu nặng của ông Sáu đối với con được thể hiện rõ nét qua lần ông về thăm nhà và khi ông ở trong rừng tại khu căn cứ.

* Tình yêu của ông Sáu đối với con trong những ngày ông về thăm quê.

– Tình yêu con tha thiết thể hiện qua tâm trạng, hành động của ông Sáu khi ông được về thăm nhà: “Đến lúc được về, cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh”, “không thể chờ xuồng cập lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra”, “Anh bước vội vàng với những bước dài, rồi dừng lại kêu to: “Thu ! con.”, “Giọng lặp bắp run run: “ba đây con!”.

=> Phải là người yêu con, nhớ con tha thiết, ông Sáu mới có tâm trạng, hành động và những lời nói như vậy.

– Tình yêu con tha thiết thể hiện qua những ngày ông ở nhà, và ngày ông lên đường.

+ Ông Sáu luôn tìm cách gần gũi con: “Suốt ngày anh chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con”.

+ Trước khi đi “anh muốn ôm con, luôn con, nhưng hình như lại sợ nó giấy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn nó với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu”,

+ Khi con gái ôm chặt lấy anh, “Không ghìn được xúc động và không muốn cho con thấy mình khóc, anh Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con”.

Còn gì cảm động hơn khi lúc con gái nhận ra ông thì lại là lúc hai cha con phải chia tay. Có lẽ độc giả sẽ không bao giờ quên cảnh chia tay đặc biệt đó.

* Tình yêu con tha thiết của ông Sáu thể hiện sâu sắc khi ông ở căn cứ.

– Những ngày ở rừng nơi căn cứ “lúc nhớ con, anh cứ ân hận sao mình lại đánh con. Nỗi khổ tâm đó cứ giày vò anh”.

– Khi có được mảnh ngà voi, “anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà”. Bảng tình yêu thương của người cha, ông Sáu đã từng ngày từng ngày ngồi cưa mảnh ngà thành một chiếc lược dài độ hơn một tấc. “Trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. “Những đêm nhớ con, anh lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Có cây lược, anh càng mong gặp lại con”. Chiếc lược ngà đã trở thành vật quý giá thiêng liêng với ông Sáu. Nó làm dịu đi nỗi ân hận và chứa đựng bao nhiêu tình cảm yêu mến, nhớ thương mong đợi của người cha đối với đứa con xa cách… nhưng rồi, một tình cảnh đau thương đã đến với cha con ông Sáu: Ông đã hi sinh khi chưa kịp trao vào tay con gái chiếc lược ngà. “Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trôi lại điều gì, hình như là chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu”.

3. Kết thúc vấn đề

– Qua phân tích, ta thấy ông Sáu là người dân Nam Bộ hiền lành chất phác.

– Với lòng yêu quê hương đất nước cao đẹp, ông sẵn sàng xa gia đình, xa đứa con gái yêu quý của mình lên đường đi kháng chiến.

– Ông còn là người có lòng yêu con tha thiết, sâu nặng. Tình cảm của ông dành cho con không có gì sánh nổi.

– Câu chuyện không chỉ nói lên tình cha con thắm thiết, sâu nặng của cha con ông Sáu mà còn gợi cho người đọc nghĩ đến và thấm thía những đau thương, mất mát, éo le mà chiến tranh đã mang đến cho bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình.

– Sức hấp dẫn của truyện còn bởi tác giả xây dựng được cốt truyện chặt chẽ, có những yếu tố bất ngờ nhưng hợp lí. Truyện còn thành công bởi ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật của tác giả thật sắc sảo.

ĐỀ 27 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết