HƯỚNG DẪN 

I. TÁC GIẢ

Nguyễn Bính (1918 – 1966) tên đầy đủ là Nguyễn Trọng Bính sinh tại xóm Trạm, làng Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hoà) huyện Vụ Bản, tỉnh Hà Nam Ninh. Ông sớm mồ côi mẹ, được cậu ruột là Bùi Trinh Khiêm nuôi dạy. Lớn lên, Nguyễn Bính vừa dạy học vừa làm thơ để kiếm sống. Năm 1947, Nguyễn Bính tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Nam. Đến năm 1954, khi hiệp định Giơ-ne-vơ chia đôi đất nước, Nguyễn Bính tập kết về Bắc năm 1955 và được bố trí phục vụ trong Hội Nhà văn ở Hà Nội rồi Nam Định. Năm 1966, Nguyễn Bính ra đi đột ngột, để lại cho đời nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Lỡ bước sang ngang (Thơ – 1940). Tâm hồn tôi (Thơ – 1940), Mười hai bến nước (Thơ – 1942), Bóng giai nhân (Kịch thơ – 1942), Truyện tì bà (Truyện thơ – 1942), Gửi người vợ miền Nam (Thơ – 1955), Cô Son (Chèo cổ – 1961), Người lái đò sông Vỹ (Chèo – 1964)…

Trong suốt 30 năm sinh hoạt văn nghệ, với những đóng góp xuất sắc của mình cho văn học nước nhà, Nguyễn Bính được đông đảo độc giả công nhận là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của thi ca Việt Nam. Năm 2000, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. 

Thơ Nguyễn Bính mang vẻ đẹp “chân quê”. Hồn quê trong thơ Nguyễn Bính là sự hài hoà của nhiều yếu tố thuộc cả nội dung lẫn hình thức. Về nội dung đó là sự hòa quyện giữa giọng điệu quê với lối nói quê và lời quê. Về hình thức, Nguyễn Bính sử dụng rất nhuần nhuyễn thể thơ lục bát. Ông là thi sĩ được xem là có sở trường và có bản năng về thơ lục bát. Thơ lục bát của Nguyễn Bính vừa rất thời đại vừa phảng phất ca dao, mang được cái hồn của ca dao ở giọng điệu, cách ví von, cách lựa chọn và tổ chức lời thơ. 

II. TÁC PHẨM

1. Giá trị nội dung

a) Tương tư là nỗi nhớ nhau của tình yêu đôi lứa – một nét đặc trưng của tình yêu. Trên thực tế, tương tư thường để chỉ tình cảm đơn phương, thương thầm nhớ trộm. Đây là một đề tài quen thuộc của văn học Việt Nam từ xưa cho đến nay. Nhà thơ chân quê Nguyễn Bính đã vượt qua được thử thách của một cây bút đến sau và đem đến một hơi thở mới, một nội dung mới với một cách thể hiện hoàn toàn mới mang dấu ấn của thời đại trong bài thơ tương tư. Bài thơ là nỗi niềm nhớ thương, u uẩn của trái tim thầm yêu trộm nhớ của một chàng trai trong tình yêu đơn phương. Xuyên suốt bài thơ là một câu hỏi thống thiết, cháy bỏng, da diết mà không hề có được một câu trả lời. Nỗi niềm tương tư của Nguyễn Bính được thể hiện qua nhiều sắc thái cảm xúc: nhớ mong, khắc khoải, bồn chồn, trách móc, hờn giận và khát khao hạnh phúc. Nỗi niềm ấy đã chìm trong mộng tưởng của một hồn thơ lãng mạn.

b) Bốn câu thơ đầu trực tiếp thể hiện nỗi nhớ mong của chàng trai

Không cháy bỏng và cực kì mãnh liệt như trong thơ tình yêu của Xuân Diệu: Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm – Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em (Tương tư chiều) nhưng chàng trai ở đây cũng tha thiết, chân thành không kém: Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông – Một người chín nhớ mười mong một người – Gió mưa là bệnh của trời – Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng. Chàng trai bộc lộ tình yêu của mình một cách tế nhị và không đường đột bằng một cái cớ đầy ý nhị: Thôn Đoài nhớ thôn Đông. Câu thơ dường như được viết toàn bằng số từ kết hợp với thành ngữ chín nhớ mười mong đậm chất ca dao, dân ca với nhịp thơ 2/2/2 gợi nhịp điệu của niềm mong nhớ. Cấu trúc một người – một người đứng ở hai đầu câu thơ và ở giữa là một nỗi niềm tương tự khắc khoải, bồn chồn nhấn mạnh về một đối tượng chỉ là duy nhất với nỗi nhớ rất cụ thể, rất triền miên. Nhân vật trữ tình tự thú nhận nỗi nhớ mong như một quy luật của tình yêu, của một đôi lứa yêu nhau mà xa cách: Gió mưa là bệnh của trời – Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng. Câu thơ có giọng điệu ca dao nhưng lại rất mới bởi nó như một triết lí, như một sự chiêm nghiệm mà chàng trai phải tự đào sâu vào tâm hồn, vào cảm xúc tình cảm của chính mình để rút ra. Chàng trai vừa lấy quy luật của thiên nhiên như một quy luật đã được khẳng định, để cho thiên nhiên một căn bệnh cố hữu để giải bày nỗi niềm cũng đã thành bệnh của mình vừa tự biện bạch cái tất yếu, che lấp cái nỗi niềm sâu lặng nhưng đơn phương – một tình yêu hồn nhiên và rất mãnh liệt.

c) Mười hai câu thơ tiếp theo là những cung bậc tình cảm của sự trách móc, dỗi hờn, giận dỗi của chàng trai

– Hai thôn chung lại một làng – Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này? Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này? Câu thơ hàm ẩn một sự trách móc bởi chàng trai phát hiện sự đúng đắn của tự nhiên mà không đúng với mình khi không gian đã xích lại gần nhau, tất cả đã chung một còn mình thì vẫn cách hai. Thời gian dường như chảy trôi trong sự trắc trở chứ không tuần tự. Từ lại gợi được dòng thời gian cứ trôi qua hết sức chậm chạp, ngày mới chỉ còn là sự lặp lại ngày cũ một cách chán ngán và vô vọng. Cách đảo chữ ngày qua – qua ngày, cách ngắt nhịp 3/ 3, lấy cái vô lí (khi chỉ mấy đêm mà lá xanh đã thành lá vàng) để nói cái có lí trong quy luật của sự nóng lòng chờ trông đến mòn mỏi. Nguyễn Bính đã diễn tả được thời gian và tâm trạng thật tinh tế và ý nhị. Thời gian có màu, thời gian hiện lên qua việc chuyển màu: Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng. Rõ ràng tương tư đã khiến lòng người héo hon, đã nhuộm cây kia héo úa.

– Tiếp tục dòng cảm xúc, mong nhớ, đợi chờ khi chàng trai kể lể để giãi bày tâm trạng chờ đợi của mình: Bảo rằng..., chàng trai đã mượn cách miêu tả không gian để gợi sự xa cách của tình cảm. Không gian thì rất gần một đầu đình, có xa xôi mấy, hoàn toàn trái ngược với tình xa xôi. Giọng thơ có tính suy luận bảo rằng… đã đành…; Nhưng đây… có… mấy mà… nhưng là suy luận trữ tình, suy luận để loại bỏ hoàn cảnh xa cách khách quan của không gian thiên nhiên và để nghi ngờ không gian tình cảm. Chính vì vậy mà ngữ điệu câu thơ có chút giận hờn, đau khổ khi chàng trai đòi hỏi cô gái một sự cảm thông, một sự đền đáp tình cảm mà mình mong đợi, đồng thời cũng để bộc lộ tình yêu đơn phương: Biết cho ai, hỏi ai người biết cho? Từ ai được nhấn mạnh hai lần một cách linh hoạt kết hợp với cách điệp từ biết cho đã thể hiện rõ nhu cầu khao khát được thấu hiểu, được giãi bày, sẽ chia tình cảm của chàng trai. Nhưng vì tình yêu đơn phương nên nhu cầu giãi bày dâng trào mãnh liệt và cất lên thành một lời than trách, một sự hờn giận. 

d) Khát vọng tình yêu, khát khao hạnh phúc được thể hiện cụ thể trong 8 câu thơ cuối.

– Chàng trai càng khao khát được sẻ chia giãi bày thì lại càng nôn nao mơ tưởng, càng nhen nhóm hi vọng – cái hi vọng mong manh trong sự tuyệt vọng: Bao giờ bến mới gặp đò – Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau. Nguyễn Bính vừa vận dụng những hình ảnh quen thuộc trong ca dao bến – đò vừa sử dụng những hình ảnh tân kì, rất mới hoa khuê các – bướm giang hồ. Tất cả ẩn chứa một dự cảm về sự không hoà hợp, về một hạnh phúc xa vời không với tới. Đây cũng là một đặc điểm trong hồn thơ và phong cách thơ Nguyễn Bính bởi phần lớn thơ tình Nguyễn Bính đều kết thúc bằng sự dở dang, lỡ làng.

Trong thẳm sâu tâm lí, tương tư chính là niềm khao khát gần kề, khao khát chung tình, khao khát nhân duyên. Khao khát ấy tràn ra qua giọng điệu khi kể lể, phân trần, khi giận hờn, khắc khoải, đặc biệt là những hình ảnh cuối cùng khi khép lại bài thơ: Nhà em có một giàn giầu – Nhà anh có một giàn cau biên phòng – Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông – Câu thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào. Âm điệu câu thơ ngọt ngào, đây mong ước, đầy tưởng tượng. Đây chính là khát vọng hạnh phúc, khát vọng tình yêu muốn đi đến hôn nhân, đi đến gắn bó và hoà quyện với nhau. Câu hỏi cuối bài thơ kết lại lấp lửng nhưng cũng đầy gợi mở về một sự mong ngóng, hi vọng – một tình yêu tha thiết chân thành đầy ý nhị của chàng trai… 

2. Giá trị nghệ thuật

a) Chất dân gian, chất ca dao, dân ca chính là nét đặc sắc trong bài thơ Tương tư khi nhà thơ chân quê Nguyễn Bính tìm về với hồn thơ truyền thống. Nguyễn Bính đã viết về trạng thái tương tư hết sức tha thiết, nồng nàn bằng một giọng điệu lục bát dịu ngọt giàu tính nhạc. Nhà thơ đã tạo ra những hình ảnh thơ độc đáo: nhân vật trữ tình là chàng trai thôn Đoài đang gửi lòng sang cô gái thôn Đông khiến cho cá thôn Đoài cũng nhớ thôn Đông. Cách nói bóng gió đã tạo được hiệu quả không ngờ là hai miền không gian đang nhớ nhau. Cảnh vật nhuốm màu tương tư và tràn đầy cả bầu không gian của bài thơ là một niềm nhung nhớ. 

b) Mối tình của chàng trai, mối nhân duyên của đôi trai gái càng đậm nét chân quê hơn bởi vì nó gắn liền với khung cảnh chốn quê: thôn – làng; Đoài – Đông; đồ giang, đầu đình, bến đò, hoa bướm, giàu giầu, hàng cau… Tất cả vừa tạo ra một không gian cụ thể vừa để nhân vật bày tỏ tâm trạng tương tư của mình một cách tự nhiên, kín đáo, tế nhị, khiến cho tình và cảnh hòa quyện với nhau thật đằm thắm. Nghệ thuật dùng thành ngữ, dùng số từ, cách nói ví von, ẩn dụ, cách tổ chức lời thơ độc đáo đã gợi được những phong vị của hồn quê và thể hiện được giọng điệu kể lể rất phù hợp với việc bộc bạch nỗi niềm tương tư.

ĐỀ 239: Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ Tương tư (Nguyễn Bính).
Đánh giá bài viết