1. GỢI Ý LÀM BÀI 

Đề bài thuộc dạng nghị luận về một bài thơ, song không yêu cầu giải mã một cách chung chung mà tập trung vào nghệ thuật.

a) Yêu cầu nội dung

Luận đề: Trong bài thơ Vội vàng, Xuân Diệu đã sử dụng hình ảnh và nhịp điệu với nhiều sáng tạo đặc sắc – Các ý lớn:

+ Hình ảnh trong bài thơ Vội vàng...

+ Nhịp điệu trong bài thơ Vội vàng.

+ Hai yếu tố nghệ thuật đặc sắc ấy trong tác phẩm tiêu biểu là những minh chứng cụ thể về tài thơ Xuân Diệu – nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới Việt Nam.

b) Yêu cầu về cách viết

– Thao tác lập luận: chủ yếu dùng phân tích, kết hợp chứng minh và bình luận. Cần chú ý: khi phân tích và bình luận phải tập trung vào giá trị nghệ thuật, tránh lạc sang: “giải mã” nội dung bài thơ.

– Dẫn chứng: Chủ yếu dùng trong bài Vội vàng

2. BÀI LÀM

Nhắc đến một nhà thơ được mệnh danh là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, chắc hẳn không ai có thể không nhớ tới nhà thơ Xuân Diệu. Xuân Diệu không chỉ mới ở phong cách thơ rất “Tây” mà còn mới ở cách tạo nên “bộ y phục tối tân” của văn thơ Việt Nam thời đại thi ca bấy giờ. Xuân Diệu đã thay đổi và cách tân nhiều yếu tố hình thức của thơ ca. Hình ảnh, nhịp điệu là những yếu tố nổi bật đã được Xuân Diệu xây dựng, cách tân một cách táo bạo. Tuy táo bạo, mới mẻ nhưng ngay khi những tác phẩm thơ ca của ông ra đời đã được bạn đọc vô cùng yêu mến.

Nói cách khác, những cách tân hình ảnh, nhịp điệu trong thơ của ông đã góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm. Một trong những tác phẩm đạt được sự thành công đó chính là Vội vàng, in năm 1938 – thời kì phong trào Thơ mới phát triển mạnh mẽ nhất.

Trong thời kì 1930 – 1945, thơ mới được thịnh hành và phát triển, các hình ảnh trong thơ ca ngày càng trở nên phóng khoáng hơn, không còn mang tính ước lệ như thơ ca cổ và đặc biệt nó bị ảnh hưởng nhiều bởi thơ văn Pháp. Vội vàng của Xuân Diệu không ngoại lệ. Xuân Diệu đã sản sinh và nuôi dưỡng nên “đứa con tinh thần” của mình bằng những hình ảnh vô cùng độc đáo và táo bạo. Trong thơ ca cổ xưa, mùa xuân thường gắn liền với cỏ non, cành hoa:

Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
                                                          (Nguyễn Du – Truyện Kiều)

Thế nhưng, mùa xuân trong thơ Xuân Diệu lại mang một vẻ đẹp riêng, rất Tây: “ong – bướm”, “hoa đồng nội”, “cành tơ”, “yến anh”. Một điều đặc biệt là tất cả những hình ảnh thiên nhiên ấy không được quy chiếu, gắn bó với niềm vui đất trời khi xuân về mà là với hương sắc của tình yêu: “tuần tháng mật”, “khúc tình si”…

Bằng những hình ảnh thơ rất độc đáo, rất “tây”, Xuân Diệu đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên mùa xuân mà trong đó sự sống của tạo vật, cỏ cây, muôn loài hiện ra ngồn ngộn. Thiên nhiên đất trời hữu tình, xinh đẹp. Thiên nhiên Việt Nam của chúng ta vốn đã đẹp, nay càng thật xinh đẹp, đáng yêu hơn.

Không chỉ có những hình ảnh rất “âu hoá”, Xuân Diệu còn đưa vào bài Vội vàng những hình ảnh thơ, những câu thơ táo bạo, độc đáo, thể hiện được những cảm giác mà trước Xuân Diệu, thơ Việt Nam chưa từng có:

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần

“Tháng giêng” là tháng khởi đầu của mùa xuân, khởi đầu sự sống muôn loài. Nó chứa đựng những gì đẹp đẽ, tinh khôi nhất của tự nhiên vậy mà nó lại được đem so sánh với “cặp môi” của con người. Một cách so sánh thật táo bạo. Trước đây trong thơ cổ, vẻ đẹp của con người thường được ví với những vẻ đẹp tinh khiết của thiên nhiên:

“Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”.

Giờ đây một vẻ đẹp tinh khiết của thiên nhiên “tháng giêng” lại được ví von, so sánh với con người. Không nói rõ ràng nhưng chắc hẳn ai cũng biết “cặp môi gần” kia là của một mĩ nhân, một người con gái đẹp. Câu thơ gợi cảm giác ái ân, tình tự. Cảm giác ấy làm cho tôi thấy “tháng giêng” mơn mởn non tơ, căng tràn sức sống.

“Tháng giêng” mang trong mình sức quyến rũ không thể cưỡng lại được của một tình yêu rạo rực.

Quả thực, tìm hiểu cách thể hiện, miêu tả các hình ảnh thiên nhiên vô cùng độc đảo, táo bạo, tôi nhận thấy Xuân Diệu luôn nhìn thiên nhiên qua lăng kính của tình yêu. Câu thơ với hình ảnh so sánh “Tháng giêng ngon như cặp môi gần” khiến tôi nhận ra một điều thật đặc biệt: Không phải mùa xuân của đất trời mang lại tình yêu cho con người mà chính tình yêu của con người mang lại mùa xuân bất tận cho thế gian. Xuân Diệu quả thực đã rất thành công khi xây dựng lên hình ảnh thơ mới lạ và độc đáo như vậy.

Xuân Diệu không chỉ thành công khi mang lại nhận thức mới mẻ cho người đọc về vẻ đẹp tự nhiên, về cảm giác con người mà còn tạo ra trong tôi những cảm giác hết sức đặc biệt. Hình ảnh:

Con gió xinh thì thào trong lá biếc 

tạo nên thành công ấy. Trong thơ ca cổ, thiên nhiên thường được miêu tả qua trăng, hoa lá, cỏ cây, những sự vật hữu hình nhưng ở đây Xuân Diệu lại miêu tả một hình ảnh vô hình, không dễ gì nhận thấy, thành hữu hình. Hơn nữa hình ảnh ấy lại có thể “thì thào”. Hình ảnh ấy chính là “con gió xinh”. Xuân Diệu là như vậy: ông cảm nhận được tất cả mọi cảm giác sự sống chung quanh. Trước Xuân Diệu đã làm gì có ai cảm nhận được “khí trời u uất hận chia li”. Ngọn gió tuy vô hình nhưng tại sao vẫn cứ thấy như có nó? Bởi “con gió” ấy “thì thào” được với “lá biếc” – một sự vật hữu hình. Cảnh thiên nhiên hiện lên tươi đẹp, có đôi có lứa, quấn quýt bên nhau. Câu thơ với hình ảnh “con gió xinh” thật độc đáo, tạo nên trong tôi nhiều cảm giác mới lạ có, mơ hồ có, lắng đọng có. Với việc sử dụng biện pháp tu từ nhân hoá thật sáng tạo, Xuân Diệu đã thực sự thành công trong việc sử dụng hình ảnh.

Bản giao hưởng “Vội vàng” được cất lên cao trào, táo bạo. Nếu như hình ảnh “cặp môi gần” chỉ là sự mời mọc đáng yêu, đầy quyến rũ và vẫn còn ranh giới thì đến câu thơ cuối cùng ranh giới đột ngột bị phá vỡ bằng một hình ảnh thơ được coi là hay nhất trong bài thơ.

Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi

“Xuân hồng”, một hình ảnh mơ hồ không dễ gì nhận thấy, vậy mà nhà thơ lại hỡi” – như một sự mời gọi mùa xuân, và thêm vào đó xuân hồng lại như biến đổi thành một con người thật sự – thành một sự vật hữu hình, khiến tác giả “muốn cắn”.

Người thi sĩ như muốn cắn, muốn bấu vào da thịt của mùa xuân để tận hưởng tất cả dư vị ngọt ngào của cuộc sống xuân đang tươi non mơn mởn. Lại một lần nữa, vẻ đẹp thể xác của con người đã được tôn lên làm một vẻ đẹp vĩnh hằng hơn bao giờ hết. Nhà soạn kịch nổi tiếng Shakespeare từng nói: “Con người là kiểu mẫu của muôn loài, là vẻ đẹp của thế gian”.

Quả thực với những hình ảnh thiên nhiên táo bạo độc đáo như vậy, Xuân Diệu đã thực sự thành công trong việc gợi tả lên được bức tranh thiên nhiên căng tràn sự sống, tươi đẹp, sáng trong, đầy vẻ gọi mời. Qua đó gieo vào lòng tôi nhiều cảm giác đan xen thú vị: Đó là cảm giác tràn đầy sức sống của tuổi trẻ, lãng mạn nhưng đầy niềm vui khi chứng kiến cảnh vật quấn quýt nhau, có đôi có lứa, tương trợ, làm nổi bật cho nhau. Đó là cảm giác tinh khôi, tinh khiết nhất về vẻ đẹp của con người hòa quyện với vẻ đẹp của tạo hoá.

Cùng với những cách tân độc đáo, táo bạo về hình ảnh, Xuân Diệu còn tạo dựng nên một hệ thống nhịp điệu vô cùng ấn tượng. Nhịp điệu bao trùm toàn bài thơ Vội vàng là nhịp khẩn trương, gấp gáp, vồ vập, cuống quýt. Nhịp điệu ấy biến đổi linh hoạt, phong phú theo từng cung bậc cảm xúc của nhà thơ.

Trong đoạn thơ đầu tiên, khi nhà thơ nói đến ước muốn sống vội vàng, được làm chủ “nắng”, “gió” hưởng thụ thiên nhiên, đất trời, thời gian; thì nhịp điệu câu thơ nhanh, khẩn trương, có phần cuống quýt. Thể thơ biến đổi một cách đầy ngẫu hứng từ 5 tiếng sang 8 tiếng. Kết hợp vào đó là những điệp từ “muốn”, “dừng”, “cho” làm cho âm điệu các câu thơ trở nên da diết, thể hiện niềm ước muốn mãnh liệt, sâu sắc. Càng về sau, nhịp thơ càng hối hả hơn. Từ câu thơ thứ năm: “Của ong bướm này đây tuần tháng mật… Và này đây ánh sáng chớp hàng mi”; từ “này đây” được lặp lại 5 lần liên tiếp khiến nhịp thơ như ngày một dồn dập, hối hả hơn.

– Đang dồn dập, hối hả như vậy, nhịp thơ đột ngột có chút biến đổi khi có sự xuất hiện dấu chấm giữa dòng thơ.

“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa,” 

Dấu chấm ngắt câu thơ ra làm đôi, một nửa thì hăm hở, một nửa thì ngập ngừng.

Đến đoạn thơ tiếp theo, khi ước muốn sống vội vàng của người thi sĩ được lí giải thì giọng điệu, nhịp thơ không còn quá dồn dập, gấp gáp mà trầm lắng, sâu xa.

Xuân Hương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,            
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.             

Nhịp thơ 3/5 khiến cho tôi cảm nhận được sự nhún nhảy của mùa xuân, của thời gian. Thêm vào đó, các từ ngữ “đương tới”, “đương qua”, “còn non”, “sẽ già”, số từ dường như ngày càng ít đi. Giọng thơ, âm điệu câu thơ như trầm xuống theo cảm xúc của nhà thơ. Người thi sĩ như nhận thức được quy luật tất yếu của thời gian, mùa xuân, tuổi trẻ: không có gì là tồn tại vĩnh viễn, tuổi trẻ con người chỉ có một lần và “chẳng bao giờ thắm lại”.

Cảm xúc của thi sĩ như chi phối toàn bộ nhịp điệu bài thơ. Không chỉ hiểu quy luật khách quan của tự nhiên, Xuân Diệu còn cảm nhận được những nỗi niềm, cảm xúc của tạo vật đầy những chia li, mất mát. 

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,   
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…

Đến đây, nhịp thơ như trĩu xuống. Điều đó được thể hiện ở dấu chấm lửng đột ngột xuất hiện và câu hỏi tu từ “phải chăng”.

Nhưng cuối cùng nhịp thơ bỗng hoàn toàn thay đổi khi một câu cảm thán được cất lên:

“Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa… 

Cách ngắt nhịp biến hoá từ 3/5 chuyển thành 3/1/4, khiến câu thơ cất lên như một tiếng than, tiếc nuối, lo lắng, cuống quýt. Đang thể thơ 8 tiếng, tác giả bỗng xen vào một câu 3 tiếng thật thần tình: “Ta muốn ôm”. Chỉ bằng 3 tiếng mà có thể thấu gọn toàn bộ những khát vọng to lớn của sự sống, tạo vật, tình yêu. Nhịp thơ đến đây có thể nói là lên đến cao trào, gấp gáp, giục giã hơn. Điệp từ “muốn”, “ta” đặc biệt là các động từ mạnh được liên tiếp vận dụng: “ôm”, “riết”, “say”, “thâu”, tạo nên âm điệu tha thiết, mãnh liệt, giục giã, gấp gáp. Nhịp thơ như hoà trộn với tình cảm, cảm xúc của nhà thơ.

Nói tóm lại, bằng việc sử dụng linh hoạt, phong phú nhịp điệu, Xuân Diệu đã tạo nên, truyền đến trong tôi nhiều cảm xúc bất ngờ, thú vị. Đầu tiên là nhịp khẩn trương gấp gáp nhưng còn chút ngập ngừng. Tiếp đến nhịp điệu như chùng xuống phù hợp với hoàn cảnh con người thi sĩ khi nhận thức, khi hoà mình vào nỗi buồn thi thân về sự chia li, mất mát. Và cuối cùng, một cách đột ngột nhịp điệu thay đổi, phấn khởi, gấp gáp, giục giã hơn bao giờ hết; diễn tả niềm ước muốn, khao khát mãnh liệt, cháy bỏng: sống vội vàng hơn nhưng có ý nghĩa. Thành công của Xuân Diệu khi tạo dựng lên nhịp điệu đặc sắc, ấn tượng là ở chỗ ấy.

Quả thực, với bài thơ Vội vàng, Xuân Diệu đã thành công tột bậc trong việc tạo lập, sử dụng các hình ảnh thơ ca một cách rất riêng, rất độc đáo, thực sự táo bạo chỉ ông mới có và hệ thống nhịp điệu đầy bất ngờ, ngẫu hứng tạo nên dư vị đa âm sắc cho bài thơ. Tôi thực sự ấn tượng và thích thú với những hình ảnh, nhịp điệu mà ông đã tạo dựng lên. Xuân Diệu hoàn toàn xứng đáng khi được mệnh danh là: “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”.

ĐỀ 238: Thành công của Xuân Diệu trong việc sử dụng hình ảnh và nhịp điệu trong bài thơ Vội vàng.
Đánh giá bài viết