I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

   Chinh phụ ngâm, nguyên văn chữ Hán, do Đặng Trần Côn sáng tác gồm 478 câu thơ làm theo thể trường đoản cú (câu thơ dài ngắn không đều nhau). Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ được trích từ bản dịch thơ ra tiếng Việt theo thể song thất lục bát. Đây là bản dịch thành công nhất, nhưng dịch giả là ai thì vẫn chưa xác định rõ : Có người cho là do Đoàn Thị Điểm dịch, có thuyết lại nói dịch giả là Phan Huy Ích. Nhưng dù là ai, thì bản dịch này, từ lâu đã đi vào cuộc sống nhân dân ta như một tiếng lòng đồng cảm sâu sắc.

   Theo các tài liệu lịch sử, đầu đời Lê Cảnh Hưng, năm 1740, có nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra quanh kinh thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Triều đình cất quân đánh dẹp, nhiều thanh niên phải từ giã người thân ra trận. Đặng Trần Côn cảm động trước nỗi khổ đau mất mát của con người, nhất là những người vợ lính trong chiến tranh, đã viết Chinh phụ ngâm nói lên nỗi lòng của người chinh phụ ở nhà chờ chồng. Đoạn trích viết về tình cảm và tâm trạng người chinh phụ phải sống cô đơn, buồn khổ trong thời gian dài người chồng đi đánh trận, không có tin tức, không rõ ngày trở về.

   Trước khi đi vào tìm hiểu đoạn trích, các em cần đọc đoạn thơ nhiều lần để có cảm nhận chung ban đầu về tình cảnh và tâm trạng của nhân vật trữ tình (người chinh phụ) trong đoạn thơ. Cần chú ý đọc đúng âm điệu và nhịp điệu của thơ song thất lục bát là thể thơ thích hợp với việc diễn tả nội tâm đau buồn của người chinh phụ. Sau đây là những gợi ý để các em trả lời câu hỏi trong phần Hướng dẫn học bài.

1. Hãy chỉ ra các yếu tố ngoại cảnh có tương quan với tâm trạng 1 người chinh phụ và ý nghĩa diễn tả nội tâm của các yếu tố đó.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du có câu thơ thật chí lí :

               Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ?

   Trong cuộc sống, ngoại cảnh thường gắn với tâm trạng con người. Trong thơ trữ tình lại càng như vậy. Trong đoạn thơ này, ngoại cảnh có tương quan mật thiết với tâm trạng nhân vật và góp phần bộc lộ sâu sắc nội tâm của người chinh phụ trong tình cảnh lẻ loi, đơn chiếc của nàng. Đó là những yếu tố ngoại cảnh đẫm chất trữ tình tạo nên cái không gian nghệ thuật của người chinh phụ vò võ chờ chồng trong vô vọng :

– Hiên vắng, rèm thưa một mình một bóng.

– “Ngoài rèm, thước chẳng cách tin”⇒không có tin tức người chồng trở về.

“Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng ?” ⇒ chỉ có người bạn duy nhất là ngọn đèn vô tri vô giác. Tả đèn chính là để tả không gian mênh mông và sự cô đơn của con người. (Biện pháp này khá phổ biến trong thơ xưa, giàu giá trị biểu cảm. Ca dao : Đèn thương nhớ ai, Mà đèn không tắt). Hình ảnh đèn ở đây được nhắc đến liên tiếp trong ba câu thơ chính là vì vậy.

eo óc gáy sương năm trống” ⇒ tiếng gà gáy nhằm làm tăng thêm ấn tượng vắng vẻ, cô đơn.

Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên” ⇒ bóng cây hòe trong đêm gợi cảm giác hoang vắng, âm u.

– Hương, gương, đàn (đàn cầm và đàn sắt) là những vật gợi nhiều kỉ niệm của cuộc sống hạnh phúc lứa đôi khi người chồng còn ở nhà càng làm tăng thêm nỗi lẻ loi, sầu muộn, lo lắng của người chinh phụ cho hạnh phúc của mình.

– Non Yên : nơi chiến trận ngoài biên ải xa xôi (được lấy lại hai lần) gợi nhở người chồng ngoài chiến trận, không biết đến khi nào mới trở về sum họp. Ngoại cảnh này có tính chất ước lệ nhưng trong văn cảnh của đoạn thơ, của tình cảnh người chinh phụ lúc này thì thật “đắt”, có giá trị biểu cảm cao.

– Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun :    Cảnh vật buồn, âm thanh não nề có khác gì tâm trạng sầu muộn, nỗi lòng tái tê của người chinh phụ đang mòn mỏi chờ chồng :

                      Cảnh buồn người thiết tha lòng,

            Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun,

2. Những dấu hiệu nào cho thấy nỗi cô đơn của người chinh phụ ?

   Trước hết người chinh phụ ở đây vì quá đau khổ nên đã không chú ý đến cách ăn mặc, trang điểm theo đúng công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ phong kiến xưa, khiến cho dáng vẻ tiều tụy, không chỉnh tề :

                 Hương gượng đốt hồn đà mê mải.

                Gương gương soi lệ lại chứa chan.

   Đây là tả nội tâm qua ngoại hình, hành động, được nối lên qua từ “gượng” lấy lại hai lần trong hai câu thơ. Không chỉ tả việc đốt hương, soi gương mà chính là để bộc lộ nỗi lòng của người chinh phụ. Nàng còn đốt hương với ai nữa khi “hồn đà mê mải” (tâm trí lan man, không tập trung), còn soi gương làm gì nữa khi “lệ lại chứa chan” (soi gương mà nước mắt chảy khiến cho hình trong gương bị nhòe mờ). Tất cả là do nỗi cô đơn, trống vắng của nàng. Ngay trước đoạn trích này là khổ thơ :

                           Há như ai hôn say bóng lãn,

                           Bỗng thơ thơ, thẩn thẩn như không.

                           Trâm cài, xiêm giắt thẹn thùng,

                           Lệch làn tóc rối, lòng vòng lưng eo.

đã bộc lộ rõ cái dáng vẻ tiều tụy của nàng trong một nỗi cô đơn đến thẫn thờ cả tâm trạng.

– Nỗi cô đơn còn được thể hiện qua hành động lặp đi lặp lại của người chinh phụ; rủ rèm rồi lại cuốn rèm (“Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen”), đi đi lại lại trong hiên vắng một mình (“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước”) như để chờ đợi một tin tốt lành báo người chồng sắp trở về mà không nhận được một tin tức nào. Cách tả này càng khiến cho nỗi cô đơn thêm mỏi mòn trong một sự đợi chờ vô vọng.

– Nỗi cô đơn càng được bộc lộ trong nỗi kinh sợ khi người chinh phụ gảy đàn:

                     Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,

            Dây uyên kinh đứt phim loan ngại chùng.

   Đàn cầm và đàn sắt – những nhạc cụ gọi đến sự gắn bó lứa đôi của tình vợ chồng ngày nào còn đoàn tụ. Giờ đây, trong cảnh cô đơn lẻ loi, người chinh phụ chỉ “gượng gảy ngón đàn” ngày xưa vì không còn phù hợp, và nàng đã gảy trong nỗi kinh sợ dây đàn bị chùng hay đứt báo hiệu điềm gở trong tình vợ chồng.

– Và đặc biệt, nỗi cô đơn hiện lên sâu thẳm khi một mình nàng ngồi đối diện với ngọn đèn trong đêm khuya “gà eo óc gáy sương” :

                       Buồn rầu nói chẳng nên lời,

            Hoa đèn kia với bóng người khá thương.

   Biết bao tâm trạng nhưng chỉ có một nỗi cô đơn ghê gớm đang bủa vây nỗi lòng của người chinh phụ. Nỗi cô đơn đã được đẩy lên đỉnh cao thành một nỗi cô đơn điển hình cho những người vợ đang mỏi mòn chờ chồng từ chiến trận mà không rõ ngày trở về.

3. Chỉ ra ngôn ngữ của người chinh phụ và cho biết giá trị biểu hiện của nó.

   Ngôn ngữ của người chinh phụ trong đoạn thơ (cũng như trong cả khúc ngâm) là ngôn ngữ giãi bày, bộc bạch để nói lên nỗi lòng của mình trong cảnh lẻ loi, đơn chiếc, một mình cô đơn vò võ chờ chồng từ chiến trận trở về.

   Đó là thứ ngôn ngữ nội tâm được bộc lộ chân thành, sâu sắc, rất thực. Tự nàng nói với mình để vơi nỗi đau buồn, sầu muộn, nhớ nhung, mong chờ… Vậy thì có gì mà phải màu mè, giấu giếm, tô vẽ? Nỗi lòng nàng ra sao trong cảnh cô đơn ấy, nàng làm gì, nghĩ gì… nàng đã nói lên đúng như vậy. Chính vì thế mà ngôn ngữ bộc bạch của nàng ở đây rất tha thiết, tự nhiên, rất thực. Không phải ngôn ngữ nói mà chính là lòng nàng tự nói lên, tự bộc bạch.

Đây là lúc nàng tâm sự với ngọn đèn :

           Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng ?

           Đèn có biết đường bằng chẳng biết,

           Lòng thiếp riêng bị thiết mà thôi.

           Buồn rầu nói chẳng nên lời,

           Hoa đèn kia với bóng người khá thương. 

   Rồi nàng ngậm ngùi với những vật dụng quen thuộc – hương, gương, đàn:

           Hương gượng đốt hồn đà mê mải,

           Gương gương soi lệ lại chứa chan.

           Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,

           Dây uyên kinh đứt phim loan ngại chùng.

Nàng tự bạch nỗi sầu muộn trong cô đơn:

           Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.

Nàng nói lên nỗi nhớ thương cháy lòng đối với người chồng ngoài biên ải xa xôi :

           Lòng này gửi gió đông có tiện ?

           Nghìn nàng xin gửi đến non Yên.

           Non Yên dù chẳng tới miền,

           Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.

           Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,

           Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.

Tất cả đã tạo nên một ngôn ngữ đẫm chất trữ tình, giàu giá trị biểu hiện của người chinh phụ với giọng điệu than thở, than vãn có ngầm cả ý oán trách. Lời than trực tiếp của nhân vật trữ tình – người chinh phụ – khiến cho hoàn cảnh bi kịch của người chinh phụ đậm nét và có tính chất khách quan. Ngôn ngữ giãi bày rất thực ấy đã nói lên một tình cảnh cô đơn, một nỗi sầu muộn rất thực và một nỗi khát khao cũng rất thực của người chinh phụ : khát khao về hạnh phúc lứa đôi của những người phụ nữ mong chồng trở về sum họp.

4. Hãy cho biết vì sao người chinh phụ đau khổ ?

Điều này, trong ba câu trên đây, ít nhiều đã có nói đến. Ở đây, khái quát lại bằng mấy ý :

– Chiến tranh phi nghĩa đã đẩy người chồng ra chiến trận, người chinh phụ phải lâm vào tình cảnh sống lẻ loi, đơn chiếc, cô đơn, vò võ chờ đợi chồng mà không rõ ngày trở về.

– Như vậy, chiến tranh phi nghĩa đã cướp đi cuộc sống hạnh phúc lứa đôi của người chinh phụ – hạnh phúc chính đáng mà đúng ra họ phải có, đáng được có như tất cả mọi người.

– Trong những nỗi đau khổ của con người thì nỗi đau vì bị mất đi hạnh phúc lứa đôi là nỗi đau đáng quan tâm, đáng chia sẻ, và những thế lực nào đã cướp đi cái hạnh phúc nhân bản đó của con người đều đáng lên án; những khát khao về hạnh phúc đó đều đáng trân trọng.

5. Nhận xét về nhạc điệu của thể thơ song thất lục bát qua đoạn trích.

Thể thơ song thất lục bát đã đáp ứng tốt nhất yêu cầu diễn tả nội tâm nhân vật trong các khúc ngâm. Ở đoạn trích khúc ngâm Chinh phụ này, ta có thể thấy rõ điều đó.

   Thể thơ song thất lục bát, có cả vần chân (cước vận) và vần lưng (yêu vận) đã tạo thành nhạc điệu nhịp nhàng mà da diết, réo rắt cho câu thơ, thích hợp. với việc diễn tả nội tâm đau buồn với những âm điệu oán trách, than vãn, sầu … muộn, nhớ thương,… Có thể lấy khổ cuối đoạn trích này làm ví dụ :

            Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,

            Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.

            Cảnh buôn người thiết tha lòng,

            Cành cây sương được tiếng trùng mưa phun.

II. LUYỆN TẬP

   Các em tự làm bài luyện tập này theo yêu cầu đã nêu trong SGK (xem các phần phân tích trên đây để vận dụng vào bài làm của mình).

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 27: Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ
Đánh giá bài viết