I. KIẾN THỨC CẦN NHỚ

   Nắm được cách lập dàn ý bài văn nghị luận.

1. Tác dụng của việc lập dàn ý

– Lập dàn ý là công việc lựa chọn và sắp xếp những nội dung cơ bản dự định triển khai vào bố cục ba phần của văn bản.

– Việc lập dàn ý bài văn nghị luận giúp cho người viết bao quát được những nội dung chủ yếu, những luận điểm, luận cứ cần triển khai, phạm vi và mức độ nghị luận,… nhờ đó mà tránh được tình trạng xa đề, lạc đề hoặc lặp ý, tránh được việc bỏ sót hoặc triển khai ý không cân xứng.

2. Cách lập dàn ý bài văn nghị luận

   Lập dàn ý bài văn nghị luận gồm hai bước : tìm ý cho bài vănlập dàn ý. Các em hãy thử tiến hành lập dàn ý bài văn nghị luận với đề bài sau đây:

   Bàn về vai trò và tác dụng to lớn của sách trong đời sống tinh thần của con người, nhà văn M. Go-rơ-ki có biết : “Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới.” Hãy giải thích và bình luận ý kiến trên.

   Dĩ nhiên, muốn tìm ý cho bài văn, các em phải đọc kĩ đề bài, xác định yêu cầu và nội dung, cách làm, từ đó mà tìm ý cho bài văn được đúng hướng.

(1) Tìm ý cho bài văn

Tìm ý là tìm hệ thống luận điểm, luận cứ cho bài văn. Ở đây sẽ có ba cấp độ có liên quan với nhau trong việc tìm ý :

– Cấp độ luận đề : xác định vấn đề mà bài văn nghị luận phải bàn luận.

– Cấp độ luận điểm : những ý lớn để làm sáng tỏ luận đề của bài nghị luận.

– Cấp độ luận cứ : những ý nhỏ (có thể bao gồm cả những dẫn chứng) để giải thích, chứng minh làm sáng tỏ các luận điểm của bài nghị luận.

Đối chiếu với bài nghị luận (theo đề bài trên đây), ta thấy:

a) Xác định luận đề :

– Bài văn cần làm sáng tỏ vấn đề gì ? (bàn về tác dụng của sách trong đời sống tinh thần của con người).

– Quan điểm của chúng ta về vấn đề đó như thế nào ? (nhìn nhận đúng vai trò và tác dụng của sách, biết quý giá trị của sách, có cách đọc sách tốt nhất).

b) Xác định các luận điểm :

Để làm sáng tỏ luận đề trên, cần có những luận điểm sau đây:

– Sách là gì ? (Sách là sản phẩm tinh thần kì diệu của con người).

– Sách có tác dụng như thế nào ? (Sách mở rộng những chân trời mới).

– Thái độ đối với sách và việc đọc sách như thế nào ? (cần có thái độ đúng).

c) Tìm luận cứ cho các luận điểm :

Mỗi luận điểm cần có những luận cứ để giải thích, chứng minh cho luận điểm đó.

Ví dụ : Với luận điểm 1 (Sách là sản phẩm tinh thần kì diệu của con người), có những luận cứ sau đây:

+ Sách là sản phẩm thuộc lĩnh vực nào của con người ? (lĩnh vực tinh thần)

+ Sách phản ánh, lưu giữ những thành tựu gì của nhân loại ? (kho tàng tri thức)

(Đối với luận điểm 2 và 3, các em trả lời những câu hỏi trong SGK để có luận cứ cho từng luận điểm).

(2) Lập dàn ý:

   Các em sắp xếp các luận điểm, luận cứ đã xác định được vào một dàn ý gồm ba phần:

a) Mở bài :

   Nêu được vấn đề và phương hướng nghị luận cho toàn bài (vai trò và tác dụng của sách)

b) Thân bài:

   Những câu hỏi gợi ý trong SGK có thể giúp các em cách sắp xếp luận điểm và luận cứ trong phần Thân bài. Có thể sắp xếp như sau:

– Sách là gì ? (luận điểm 1)

+ Luận cứ 1

+ Luận cứ 2,…

– Sách có tác dụng như thế nào ? (luận điểm 2, luận điểm chính, quan trọng nhất của bài nghị luận)

+ Luận cứ 1

+ Luận cứ 2,…

– Thái độ đối với sách và việc đọc sách như thế nào ? (luận điểm 3)

+ Luận cứ 1

+ Luận cứ 2,…

c) Kết bài

Nên kết bài theo kiểu đóng hay mở :

+ Khẳng định những nội dung nào ?

+ Mở ra những nội dung nào để người đọc tiếp tục suy nghĩ ?

LUYỆN TẬP

1. Gợi ý:

a) Cần bổ sung một số điểm còn thiếu :

– Đức và tài có quan hệ khăng khít với nhau trong mỗi người.

– Cần phải thường xuyên rèn luyện phấn đấu để có cả đức lẫn tài.

b) Lập dàn ý cho bài viết

Giới thiệu dàn ý đại cương dưới đây:

Mở bài :

– Giới thiệu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

– Định hướng tư tưởng của bài viết.

Thân bài :

– Giải thích câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh (nêu luận điểm, luận cứ)

– Lời dạy của Bác có ý nghĩa sâu sắc đối với việc rèn luyện tu dưỡng của mỗi người.

Kết bài: 

   Cần phải thường xuyên rèn luyện phấn đấu để có cả đức lẫn tài.

   Các em dựa vào dàn ý đại cương này, bổ sung thêm cho hoàn chỉnh (đặc biệt phần giải thích câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần giải thích bằng một hệ thống luận điểm và luận cứ).

2. Dựa vào cách lập dàn ý các đề bài nghị luận trên đây, các em tự làm bài tập này (có thể và nên trao đổi trong nhóm, tổ để làm bài được tốt hơn).

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 27: Lập dàn ý bài văn nghị luận
Đánh giá bài viết