I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

La Quán Trung (1330 – 1400?) là người đầu tiên đóng góp xuất sắc cho trường phái tiểu thuyết lịch sử thời Minh Thanh ở Trung Quốc. Tam quốc diễn nghĩa có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Về tóm tắt nội dung ý nghĩa tác phẩm và xuất xứ của đoạn trích (thuộc hồi 28), các em xem trong phần Tiểu dẫn (kết hợp với Bản đồ thời Tam quốc).

Trước khi đi sâu tìm hiểu đoạn trích, các em cần đọc chậm một lần toàn văn bản để nắm được sự kiện Hồi trống Cổ Thành (bắt đầu, diễn biến, kết thúc) và hai nhân vật chính là Trương Phi và Quan Công (đặc biệt là Trương Phi). Sau đó đọc to (đọc diễn cảm), cố gắng thể hiện đúng tính cách của hai nhân vật qua các đối thoại (kết hợp xem các chú thích để hiểu rõ hơn nội dung của đoạn trích).

Dưới đây là những gợi ý để các em trả lời các câu hỏi trong phần Hướng dẫn học bài.

1. Tại sao Trương Phi nổi giận định đâm chết Quan Công ?

Muốn hiểu rõ nguyên nhân vì sao Trương Phi lại nổi giận định đâm chết Quan Công, cần chú ý hai điểm sau đây :

– Trước hết, họ là anh em kết nghĩa, cùng với Lưu Bị kết nghĩa vườn đào thề sống chết có nhau, không thể có chuyện anh em kết nghĩa lại giết nhau được ? Ở đây, tất phải có một điều gì đặc biệt xảy ra về phía Quan Công đến mức Trương Phi không thể chấp nhận được, phải ra tay giết người anh kết nghĩa.

– Điều đó trong phần giới thiệu xuất xứ đoạn trích, Tiểu dẫn đã nói rõ. ” Đó là việc “Quan Công vì phải hộ tống hai chị dâu (vợ Lưu Bị) nên tạm hàng  Tào Tháo với điều kiện hàng Hán chứ không hàng Tào (vua Hán bị Tào giữ), hỗ biết tin anh ở đâu là sẽ đi ngay. Tào Tháo tìm cách thu phục Quan Công, ban thưởng chức tước, vàng bạc, mĩ nữ..”. Chính điều này đã khiến Trương Phi cho Quan Công là bội nghĩa nên đã nổi giận định đâm chết Quan Công..

Hành động này đã xảy ra ngay lập tức khi Tôn Càn đến báo cho Trương Phi biết và diễn ra trong suốt cuộc gặp mặt cho đến khi Sái Dương dẫn quân Tào đến và hồi trống Cổ Thành vang lên. Nó chứng tỏ cơn giận ghê gớm của – Trương Phi và cho ta thấy rõ tính cách của nhân vật :

– Phi nghe xong, chẳng nói chẳng rằng, lập tức mặc áo giáp, vác mâu lên ngựa, dẫn một nghìn quân, đi tắt ra cửa bắc. Và khi Quan Công tế ngựa lại đón thì “Trương Phi mắt trợn tròn xoe, râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công”.

– Trương Phi hầm hầm quát :- Mày đã bội nghĩa, còn mặt nào đến gặp tao nữa ?

– Mày bỏ anh, hàng Tào Tháo, được phong hầu tử tước, nay lại đến đây | đánh lừa tao ! Phen này tao quyết liều sống chết với mày !

– Xin hai chị hãy thong thả, để tôi giết thằng phụ nghĩa này đã, rồi sẽ mời hai chị vào thành. 

– Hai chị bị nó nói dối đấy. Trung thần thà chịu chết không chịu nhục. Có lẽ đâu đại trượng phu lại thờ hai chủ ?

– Bây giờ còn chối nữa thôi ? Rồi múa bát xà mâu hăm hở xông lại đâm Quan Công.

Một loạt hành động, lời nói của Trương Phi diễn ra liên tiếp trên đây .. cho thấy cơn giận đã bùng lên dữ dội trong ông, khiến ông bất chấp tất cả (kể cả những lời thanh minh của Quan Công, lời can ngăn của hai chị dâu và Tôn Càn) chỉ để giết Quan Công mà theo ông, đó là con người bội nghĩa. Tính cách của Trương Phi là tính cách cương trực đến nóng nảy. Đó là một con người “thẳng như làn tên bắn, sáng như tấm gương soi”, không chấp nhận sự quanh co, lắt léo, đen trắng rõ ràng, với kẻ thù chỉ có thể nói chuyện bằng gươm giáo. Và ngay cả người anh kết nghĩa mà lâu nay ông vẫn nể vì, cảm phục thì vẫn có thể coi là kẻ thù, vẫn “quyết liều sống chết với mày !” Nhưng cái nóng nảy của Trương Phi ở đây thì rõ ràng có nguồn gốc, có nguyên nhân cụ thể : nó xuất phát từ lòng trung nghĩa của ông, nó là một biểu hiện đẹp đẽ của lòng trung nghĩa của ông ! Trung nghĩa phải là bản chất của ông, phải thấm vào máu thịt ông thì mới có cơn giận như thế, mới có hành động giết người anh kết nghĩa như thế được. Cho nên đằng sau cái nóng nảy vốn là tính cách của ông (“Nóng như Trương Phi”), ta thấy một nét cao đẹp rất đáng trân trọng của nhân vật : đó là lòng trung nghĩa, một trong những phẩm chất hàng đầu mà con người thời nào cũng phải có. Lòng trung nghĩa đã khiến Trương Phi căm ghét những gì, những ai phản lại cái điều trung nghĩa như một lí tưởng mà những trung thần, những bậc đại trượng phu thời phong kiến tôn thờ.

2. Vì sao đoạn trích lại có nhan đề là Hồi trống Cổ Thành ?

Linh hồn đoạn văn thâu tóm trong hồi trống. Đó là hồi trống thách thức, minh oan và đoàn tụ. Câu chuyện phát triển đến đỉnh điểm, mâu thuẫn dâng cao đến chỗ khó giải quyết, dường như bế tắc thì viên tướng giặc Sái Dương xuất hiện để Quan Công có cơ hội minh oan bằng tài nghệ, khí phách của mình. Và Trương Phi cũng có cơ hội để thách thức, để “thử lòng trung nghĩa của Quan Công. Và hồi trống do chính tay “Trương Phi thẳng cánh” đánh lên gấp gáp, âm vang không khí chiến trận hào hùng. Chưa dứt một hồi, đầu Sái Dương đã lăn dưới đất, quân Tào chạy tan tác.

Hồi trống Cổ Thành do Trương Phi xướng lên để thách thức Quan Công. Nhưng chính hồi trống đó đã giải tỏa nỗi nghi ngờ của Trương Phi và minh oan cho Quan Công. Cách minh oan của Quan Công cũng rất anh hùng : minh oan bằng tài nghệ và khí phách. Và rất tự nhiên, hồi trống thách thức và minh oan đó vang lên giòn giã như một hồi trống đoàn tụ khi mọi nghi ngờ, oan ức đã được giải tỏa. Cuộc hội ngộ không có rượu, không có hoa, chỉ có hồi trống trận. Hồi trống vang lên gấp gáp như một sự thách thức cả đức và tài. Đó là hồi trống ca ngợi cuộc đoàn tụ giữa các anh hùng mà ở đây, cả hai con người – Quan Công và Trương Phi – đức, tài đều tỏa sáng. Tình anh em kết nghĩa lại càng keo sơn, gắn bó hơn xưa khi họ đã thực sự hiểu nhau trong giây phút thử thách quyết liệt này (chi tiết “Trương Phi nghe hết chuyện, rỏ nước mắt khóc, thụp lạy Vân Trường…” đã nói rõ điều này). Và như vậy, đây còn là hồi trống ca ngợi tình nghĩa vườn đào giữa ba anh em kết nghĩa Lưu – Quan – Trương, cho dù ở đây không có mặt Lưu Bị (đã có hai vị phu nhân của Lưu Bị chứng kiến). Hồi trống đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật đẹp hàm chứa ý nghĩa sâu sắc : kết nghĩa anh em, bạn bè,… phải nhằm mục đích trong sáng, cao cả thì mới vững bền.

3. Có ý kiến cho rằng “nóng như Trương Phi” còn là nóng lòng muốn biết sự thực, nóng lòng xác định phải trái, đúng sai, chứ không phải chỉ là nóng nảy do cá tính gàn dở. Em có đồng ý không ? Vì sao ?

Trong đoạn trích này, ý kiến trên là đúng. Ở đây, rõ ràng Trương Phi nóng lòng muốn biết sự thực về Quan Công trong những ngày tạm hàng Tào Tháo, ở với Tào Tháo như thế nào, nóng lòng muốn xác định Quan Công phải trái, đúng sai ra sao, nhưng cái cách làm của Trương Phi lại quá nón thiếu suy xét, nghi ngờ Quan Công… cho nên mới dẫn đến một cuộc “đọ gươm” nảy lửa giữa hai anh em kết nghĩa.

4. Tại sao nói: Nếu không có chi tiết Trương Phi thẳng tay giục trống thì đoạn văn sẽ tẻ nhạt, mất hết ý vị “Tam quốc” ?

  Tam quốc diễn nghĩa là câu chuyện “cát cứ phân tranh” trong gần 100 năm của nước Trung Quốc thời cổ (thế kỷ II, III) giữa ba tập đoàn phong kiến quân phiệt : Ngụy, Thục, Ngô. Không khí chiến trận vốn là đặc điểm của Tam quốc diễn nghĩa. Tiểu thuyết mang màu sắc sử thi anh hùng, tràn đầy không khí chiến trận, âm vang những hồi trống thúc quân hùng tráng. Con người ở đây có vóc dáng to lớn, siêu phàm. Hầu như họ suốt ngày suốt tháng rong ruổi trên yên ngựa, chìm đắm trong khói lửa gươm đao, tâm hồn rung lên trong những hồi trống trận. Đó chính là ý vị Tam quốc mà ai đã đọc nó đều cảm nhận sâu sắc, đều bị nó cuốn hút trên từng trang truyện và lưu giữ mãi cái không khí chiến trận hùng tráng đó, không thể nào quên. Chính vì vậy, hồi trống Cổ Thành trong đoạn truyện này đã làm bùng lên cái không khí chiến trận, đem đến cho ta cái ý vị Tam quốc thật thú vị. Cuộc gặp mặt và “đọ gươm” giữa Quan Công và Trương Phi căng thẳng, quyết liệt nhưng vẫn chỉ là sự thử thách giữa hai anh em kết nghĩa chưa hiểu nhau. Phải đến khi Sái Dương xuất hiện, “bụi bay mù trời, một toán quân mã kéo đến”, và sau đó hồi trống vang lên thúc giục gấp gáp thì không khí chiến trận mới thật sự bùng lên. “Quan Công chẳng nói một lời, múa long đao xô lại, Trương Phi thẳng cánh đánh trống. Chưa dứt một hồi, đầu Sái Dương đã lăn dưới đất. Quân Tào chạy tan tác.” Tiếng trống giục vang lên, chỉ trong nháy mắt Quan Công đã chém rơi đầu kẻ thù, đó chính là cái ý vị Tam quốc mà ta đã gặp nhiều lần ở Quan Công cũng như Triệu Tử Long, Mã Siêu,… Trong Tam quốc diễn nghĩa, hồi trống trận là một chi tiết nghệ thuật mang ý nghĩa biểu tượng cho chiến trận, cho hùng khí của ba quân, cho tinh thần thượng võ quyết thắng của tướng lĩnh. Hồi trống Cổ Thành đã được xây dựng bằng cảm hứng anh hùng của tác giả. Hồi trống đã gieo vào lòng người đọc âm vang chiến trận hào hùng. Bởi thế, nếu mất đi chi tiết Trương Phi thẳng tay giục trống thì đoạn văn còn gì cái ý vị Tam quốc nữa ?

II. LUYỆN TẬP

1. Các em tự làm bài tập theo yêu cầu của SGK.

2. Tính cách của Trương Phi được biểu hiện qua những chi tiết nào ? Các em có thể xem các chi tiết đó trong phần trả lời câu hỏi 1 trên đây.

3. Tính cách của Trương Phi và Quan Công khác nhau như thế nào ?

Gợi ý:

– Trương Phi : Đặc trưng tính cách của Trương Phi là cương trực (ngay thẳng) nhưng đây là cái cương trực của con người “thẳng như làn tên bắn, sáng như tấm gương soi”, không chấp nhận sự quanh co, lắt léo, đen trắng rõ ràng, với kẻ thù chỉ có thể nói chuyện bằng gươm giáo. Chỉ có điều cái cương trực đó lại gắn liền với tính cách “nóng như lửa” của Trương Phi, khiến nhiều khi dẫn đến những hậu quả không tốt như trường hợp đối với Quan Công trong đoạn này.

– Quan Công : Trong đoạn trích, Quan Công tỏ ra rất độ lượng và từ tốn. Các chi tiết nổi bật : sự hốt hoảng trước thái độ ngang ngược của Trương Phi, thái độ nhún mình thanh minh trước thằng em nóng nảy, cầu cứu hai chị dâu, chấp nhận điều kiện khắc nghiệt để minh oan… tất cả đã nói lên Quan Công là một con người biết đối xử, biết tự trọng, biết tìm cách minh oan cho mình. Đó là một con người đáng trọng.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 26: Hồi trống cổ thành
Đánh giá bài viết