BÀI LÀM 

1. Hai đứa trẻ là truyện ngắn hay nhất, tiêu biểu nhất cho khuynh hướng tư tưởng và biện pháp nghệ thuật của Thạch Lam, là tác phẩm rất giàu chất hiện thực và thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc của nhà văn. Truyện ngắn miêu tả bức tranh phố huyện nghèo theo trình tự thời gian: khi chiều xuống, lúc đêm về và lúc có chuyến tàu đêm đi qua. Những cảnh ấy được nhìn, được cảm nhận qua con mắt quan sát của “hai đứa trẻ” mà chủ yếu qua con mắt, tâm trạng của cô bé Liên nên cảnh vật và cuộc sống con người nơi phố huyện thấm đượm cảm xúc và trở nên có hồn hơn. Với trình tự thời gian này, tác giả đã thể hiện sự hòa hợp, tương ứng giữa không khí, nhịp điệu, biến thái của thiên nhiên, ngoại cảnh với tâm trạng, cảm xúc sâu kín của nhân vật chính.

2. Mở đầu truyện ngắn là quang cảnh phố huyện nghèo được Thạch Lam khắc họa bằng những âm thanh, màu sắc, hình ảnh, đường nét… rất sinh động, cụ thể (tiếng trống thu không, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng, tiếng muỗi vo ve, ráng chiều như lửa cháy, những đám mây như hòn than sắp tắt, lũy tre làng tối đen,…). Bức tranh hoàng hôn bình dị, yên ả nhưng đượm buồn vì đó là hình ảnh, âm thanh và sắc màu của một ngày tàn. Bức tranh phố huyện buổi chiều tàn được mở ra bằng giọng văn giàu chất thơ: “Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru […]” nhưng gắn liền với tâm trạng buồn bã của một thiếu nữ dịu hiền, nhân hậu, đa cảm: “Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen, đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị, Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”. Nét buồn của phố huyện nhỏ lúc chiều tối không chỉ thể hiện qua cảnh ngày tàn mà còn buồn hơn khi chợ tàn: “Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất”. Cái nghèo khó, lam lũ tự phố bày, không che đậy; ở mặt đất “chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía”, ở hình ảnh mấy đứa trẻ con nhà nghèo vẹn chợ cúi lom khom, đi lại tìm tòi, nhặt nhanh mấy thanh mía, thanh tre hay bất cứ thứ gì của người bán hàng để lại có thể dùng được. Bức tranh phố huyện nghèo còn được tô đậm thêm bởi hàng nước vắng khách của chị Tí, gian hàng tạp hóa nhỏ xíu, cũ nát của mẹ Tiên và tiếng cười khanh khách, ghê sợ của bà cụ Thi hơi điện,… Tất cả đều toát lên vẻ lầm than, tù túng và lụi tàn. Bên cạnh cảnh ngày tàn, chợ tàn là kiếp sống của những con người nhỏ bé, nghèo khổ và tàn tạ (mẹ con chị Tí, bà cụ Thi, bác Sửu bán phở, gia đình bác xẩm và ngay cả chị em Liên nữa). Nhà văn Thạch Lam không nên nổi cảm xúc khi thốt lên: “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”.

Bức tranh phố huyện lúc đêm về cũng được tác giả miêu tả rất êm đềm, thi vị: “Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoáng qua gió mát”. Liên và An ngước mắt lên bầu trời đầy sao để tìm sống Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông. Liệu nhà văn có dụng ý gì không khi viết: “Vũ trụ thăm thẳm bao la đối với tâm hồn hai đứa trẻ như đầy bí mật và xa lạ và làm mói trí nghĩ, nên chỉ một lát hai chị em lại cái nhìn về mặt đất, về quầng sáng thân mật chung quanh ngọn đèn. lay động trên chống hàng của chị Tí”. Bởi vì cảnh vật, con người ở phố huyện nghèo phơi bày trước mắt là tác động mạnh nhất đến tâm trí của hai chị em. Bức tranh phố huyện lúc đêm về có sự hòa trộn giữa ánh sáng và bóng tối nhưng ánh sáng chỉ là le lói để làm nổi bật thêm bóng đêm dày đặc, mênh mông. Theo quan sát và tâm trạng của chị em Liên, bóng tối bao trùm khắp nơi, cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây cũng thật là tối tăm. Với tâm hồn trong trẻo, ngây thơ nhưng “có những cảm giác mơ hồ khó hiểu”, Liên phần nào nhận thức được về những kiếp sống chìm khuất, le lói những thân phận như bị bỏ quên nơi ga xép phố huyện. N Bức tranh phố huyện lúc có chuyến tàu đêm đi qua là sự tương phản của sắc màu và hình ảnh. Một bên là các toa tàu đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường, những toa hạng sang thì “đồng và bền lấp lánh, và các cửa kính sáng” với một bên “Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng”. Chuyến tàu đêm vụt qua phố huyện thế mà “như đã đem một chút thế giới khác đi qua” và để lại một khung cảnh tối đen, tịch mịch với những con người nghèo khổ, bế tắc, quẩn quanh. Tâm trạng của Liên là háo hức, chăm chú dõi theo đoàn tàu, lặng lẽ mơ tưởng về Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyện náo, cuối cùng lại thêm buồn thấm thía, sâu xa về cuộc sống không thể đổi thay và mọi cái tươi sáng, tốt đẹp chỉ là kì vọng xa xôi.

3. Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam có rất nhiều chi tiết về ánh sáng. Khi chiều tàn, chỉ le lói những ánh đèn tù mù, nhạt nhòa trong phố huyện (đèn treo trong nhà bác phở Mĩ, đèn leo lét trong nhà ông Cửu, đèn dây sáng xanh trong hiệu khách). Về đêm, ánh sáng lại càng ít ỏi, thưa thớt hơn: Ánh sáng của các cửa hàng chỉ còn là “khe ánh sáng”, “từng hột sáng”. Anh sáng của những con đom đóm lúc đầu là “vệt sáng”, sau là “vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy” và cuối cùng thì không còn nữa, ánh sáng của những người dân phố huyện là sự ẩn hiện chấm lửa nhỏ và vàng lơ lửng của gánh hàng phở bác Siêu, đèn lồng lung lay của mấy người làm công đi đón bà chủ ở tỉnh về, “ngọn lửa xanh biếc sát mặt đất như ma trơi” của người gác ghi, ngọn đèn con nơi hàng nước chị Tí. Trái ngược với những chi tiết đó là ánh sáng của thiên nhiên, đoàn tàu và trong tâm tưởng của hai chị em Liên: hàng ngàn ngôi sao lấp lánh trên bầu trời (được nhắc tới ba lần), các toa tàu sáng trưng và Hà Nội là “một vùng sáng rực và lấp lánh”, “nhiều đèn quá”. Các chi tiết về ánh sáng trong truyện ngắn vừa mang ý nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa ẩn dụ – biểu tượng. Trong ý nghĩa tả thực các chi tiết đó cho thấy hiện thực đời sống le lói, đơn điệu, quẩn quanh của “hai đứa trẻ” và các cư dân ở phố huyện. Trong ý nghĩa ẩn dụ – biểu tượng, chúng gợi lên trong lòng người đọc nỗi ám ảnh thật sâu xa: xót thương và ái ngại cho những kiếp người nhỏ bé phải sống mòn mỏi, tăm tối, không ánh sáng, không tương lai trong xã hội cũ.

Không phải ngẫu nhiên mà trong truyện ngắn Thạch Lam nhắc đi nhắc lại chi tiết ngọn đèn dầu nhỏ bé với ánh sáng tù mù của hàng nước chị Tí tới bảy lần. Kết thúc truyện, hình ảnh gây ấn tượng, day dứt cuối cùng đi vào giấc ngủ của Liên cũng vẫn là “chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ”. Ngọn đèn con nơi hàng nước chị Tí chính là biểu tượng của những kiếp người nghèo khổ, sống leo lét, lụi tàn trong bóng tối của phố huyện tiêu điều thời trước.

4. Đêm đêm, chị em Liên vẫn cố thức và rất háo hức chờ đón đoàn tàu vì ” đó là sự , hoạt động cuối cùng của đêm khuya”, là chút ánh sáng lóe lên dù chỉ trong khoảnh khắc và “đã đem một chút thế giới khác đi qua”. Việc đợi tàu của hai chị em không phải vì kế sinh nhai mà đã trở thành một thói quen, một nhu cầu bức thiết về mặt tinh thần. Đoàn tàu gợi cho Liên nhớ về Hà Nội, nhớ về tuổi thơ đẹp đẽ, trong sáng và khiến “hai đứa trẻ” cũng như những người dân phố huyện quên đi cuộc sống nghèo khổ, tăm tối hiện tại và mơ tới một cuộc sống khác, một thế giới khác rực rỡ, tươi đẹp, hạnh phúc hơn. Chuyến tàu đêm được Thạch Lam tập trung bút lực miêu tả một cách tỉ mỉ theo trình tự thời gian, qua tâm trạng chờ mong của hai nhân vật Liên và An. Phải chăng hình ảnh này chính là biểu tượng cho một cuộc sống tươi sáng, tốt đẹp và hạnh phúc mà “hai đứa trẻ” hướng tới? Nó hoàn toàn khác với “vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu”. Nhưng đoàn tàu càng sáng rực, vui vẻ, huyên náo bao nhiêu thì cảnh ngộ, thân phận của hai chị em Liên và những người dân nơi đây càng lộ rõ sự tăm tối, buồn tẻ, tù đọng bấy nhiêu.

5. Truyện ngắn của Thạch Lam có cốt truyện đơn giản, không có những xung đột kịch tính, thậm chí không có cả chân dung và tính cách nhân vật mà chỉ tập trung đi sâu vào nội tâm nhân vật với những cảm xúc, cảm giác mơ hồ, mong manh. Qua việc miêu tả tâm trạng nhân vật Liên một cách sâu sắc, tinh tế nhà văn đã vẽ nên bức tranh đời sống của người dân nghèo đầy ám ảnh, thấm thía. Hai đứa trẻ là một kiểu truyện ngắn có nhiều chi tiết tưởng là vô nghĩa, vụn vặt nhưng thực ra đã được chọn lọc, sắp xếp một cách chặt chẽ để diễn tả tâm trạng nhân vật (âm thanh, ánh sáng, mùi vị,…).

Thạch Lam sử dụng rất thành công thủ pháp nghệ thuật đối lập, tương phản. Đó là sự đối lập giữa ánh sáng rực rỡ, chói lòa và những tiếng động mạnh của đoàn tàu với khung cảnh tĩnh mịch, vắng lặng, đầy bóng tối của phố huyện nhỏ. Thông qua sự đối lập này, tác giả càng làm rõ hơn sự nghèo khổ, tăm tối và bế tắc của những người dân sống nơi đây.

Truyện ngắn Hai đứa trẻ được viết bằng giọng văn giàu chất thơ, lắng sâu, kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn. Người đọc thấy ẩn hiện kín đáo, lặng lẽ sau những hình ảnh, những chi tiết một tâm hồn Thạch Lam đôn hậu, tinh tế, hết sức nhạy cảm với mọi biến thái của lòng người và tạo vật.

6. Qua truyện ngắn Hai đứa trẻ, Thạch Lam đã thể hiện nhẹ nhàng mà thấm thía tấm lòng thương cảm đối với những kiếp sống tối tăm, mòn mỏi, quấn quanh ở phố huyện và sự cảm thông, trân trọng của ông trước mong ước của họ về một cuộc sống tươi sáng hơn. Điều đặc biệt là trong cảnh sống khổ cực tăm tối như vậy ở họ vẫn sáng lên phẩm chất tốt đẹp và tình người ấm áp.

Đó là những con người cần cù, chịu thương, chịu khó: chị Tí hằng ngày đi mò cua bắt ốc, tối đến thì mở hàng nước; hai chị em Liên còn nhỏ đã thay mẹ trông coi một gian hàng tạp hóa,… Giữa họ vẫn toát lên tình cảm nhân hậu, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau (giữa chị em Liên với nhau, giữa chị em Liên với những người hàng xóm như chị Tí, bác Siêu, bác Xẩm,…). Việc Liên động lòng thương cho lũ trẻ con nhà nghèo và cách cư xử của chị em Liên đối với bà cụ Thi hơi điên cũng cho thấy tình người chân thành, ấm áp.

Đọc truyện ngắn của Thạch Lam, ngoài sự bùi ngùi, thương xót cảnh lầm than của “hai đứa trẻ” và những người dân phố huyện vẫn thấy bàng bạc, phảng phất tình yêu của nhà văn đối với quê hương đất nước. Ông đã đem đến cho người đọc một bức tranh quê bình dị, gần gũi mà không kém phần thơ mộng, gợi cảm. Trước cảnh chợ tàn giữa hoàng hôn, chị em Liên bâng khuâng, man mác buồn nhưng vẫn bồi hồi, xúc động nhận thấy mùi vị quen thuộc, “mùi riêng của đất, của quê hương này”. Có thể đây là những mẩu kí ức đẹp mà buồn của nhà văn về phố huyện Cẩm Giang, nhưng chủ yếu bằng tình cảm gắn bó với quê hương, tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và lối văn nhẹ nhàng, đậm chất trữ tình, Thạch Lam đã rất thành công khi tạo nên bức tranh phố huyện vừa giàu yếu tố hiện thực vừa thấm đượm chất lãng mạn.

ĐỀ 147: Cảm nhận truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
Đánh giá bài viết