I. Yêu cầu

– Về hình thức : viết đúng thể loại văn nghị luận với phép lập luận chủ yếu là giải thích (có kết hợp với chứng minh).

– Về nội dung : làm rõ hai luận điểm.

+ Sách là nguồn kiến thức.

+ Kiến thức là con đường sống.

II. Gợi ý

Khi làm bài văn giải thích, cần vận dụng một số thao tác cần thiết sau đây :

– Giải thích khái niệm hàm chứa trong những từ ngữ quan trọng.

– Giải thích mục đích, lí do của vấn đề.

– Giải thích cách thức thực hiện vấn đề.

Cụ thể, với đề này, các em cần :

– Giải thích và giới hạn khái niệm “sách”: sách giáo khoa, sách phổ biến kiến thức, sách văn học nghệ thuật,… Sách có giá trị chân chính, là kho báu trí tuệ của nhân loại.

– Giải thích vì sao nói “sách là nguồn kiến thức”. .

– Giải thích vì sao nói “chỉ có kiến thức mới là con đường sống”.

– Nói rõ được thái độ, hành động cụ thể của việc “yêu sách” phải như thế nào ?

III. Lập dàn ý

A. Mở bài

– Sự gần gũi, gắn bó, thân thiết của sách với đời sống mỗi con người.

B. Thân bài

1. Chúng ta cần phải biết yêu quý sách. Nhưng đó là sách nào ?

+ Không phải sách nào cũng có ích.

+ Sách mà ta yêu quý là những sách có ích những tác phẩm văn học chân chính, những cuốn sách giáo khoa, sách khoa học kĩ thuật,…).

2. Tại sao lại cần yêu quý sách ?

+ Vì sách là kho kiến thức.

+ Chứng minh sách đúng là kho kiến thức.

3. Tại sao “chỉ có kiến thức mới là con đường sống”.

+ Cuộc sống của con người có rất nhiều nhu cầu chính đáng và cũng luôn phải đối mặt với nhiều mối nguy cơ, thách thức.

+ Đáp ứng nhu cầu của con người và đối phó với những nguy cơ ấy, cần phải có kiến thức và chỉ có kiến thức mới thực hiện được.

C. Kết bài :

– Phải yêu quý sách như thế nào ?

IV. Bài tham khảo

Từ xưa đến nay, sách luôn là người bạn gắn bó với con người. Tuy không phải là vấn đề mới, nhưng nói về sách vẫn là một đề tài bất tận. Phải đọc sách ra sao ? Đối xử với sách như thế nào ?,… Theo Go-rơ-ki : “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”.

Câu nói của Go-rơ-ki chính là lời khuyên yêu quý sách. Ông khẳng định “Hãy yêu sách !”. “Yêu” không chỉ là giữ gìn, bảo vệ mà còn là đọc và hiệu sách sao cho đúng. Vì sách chứa đựng kiến thức, trí tuệ của toàn nhân loại, nên nếu có tri thức, ta sẽ có hành trang vững vàng để bước vào cuộc sống. Nếu biết yêu sách, ta sẽ được đền đáp xứng đáng. Đó chính là điều mà Go-rơ-ki muốn nói.

Quả thực, sách đối với ta chính là “con đường sống”. Sách không chỉ trang bị cho ta vô vàn kiến thức mà còn giúp nâng cao đời sống tình cảm trong ta.

Những điều ta biết, phần lớn đều được cung cấp từ sách vở. Trong suốt những năm học phổ thông, rồi đại học, cao học…, ta không thể thiếu những giáo khoa. Sách giáo khoa đúc kết tri thức nhân loại một cách cô đọng, súc tích nhất, giúp ta dễ dàng tìm hiểu và khám phá. Chúng cung cấp cho ta những viên gạch đầu tiên để xây nên lâu đài trí tuệ. Chúng chính là những viên gạch nền móng quan trọng nhất.

Để biết thêm về thế giới quanh ta, có thể đọc sách khoa học. Sách khoa học giải thích những vấn đề tưởng như cao siêu một cách rất dễ hiểu, điển hình như “Tri thức bách khoa cho em”, “Những điều lạ quanh ta”. Thật thú vị vì ta có thể đọc sách khoa học để giải trí ! Những kiến thức khô khan bỗng được ta ghi nhớ thật rõ ràng. Không chỉ có vậy, sách khoa học còn bàn luận xung quanh nhiều vấn đề bí ẩn, chưa có lời giải đáp. Sách khơi gợi trí tò mò, khả năng sáng tạo của ta. Biết đầu, chính tôi hay bạn sẽ là người giải đáp được những bí ẩn đó.

Đặc biệt và đa năng nhất chính là sách văn học. Không chỉ dừng lại ở những câu thơ, những hình ảnh lãng mạn hay đầu thực tế, sách văn học còn là kho tàng kiến thức vô giá cần được tìm hiểu. Qua “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, ta hiểu thêm về những thời kì lịch sử của đất nước. Ta thấy được cái hào hùng của cha ông : “Đánh một trận sạch không kinh ngạc, đánh hai trận | tan tác chim muông”, cái rạng ngời của chủ nghĩa yêu nước và cả sự thảm bại nhục nhã của quân xâm lược. Thiên nhiên, cỏ cây, chim muông,… hiện lên thật sống động qua “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi. Ta được đi cùng cậu bé An, được thấy cái biến chuyện muôn màu muôn vẻ của tự nhiên có khi là “bờ tràm khô đứng im lìm dưới ánh sao xanh biếc”, khi lại là “Những con chàng và đồ sộ như con ngỗng, mỏ to bằng cổ tay cứ gõ vào nhau lộp cộp, làm rung rung mảnh da mềm thòng xuống tận cổ như cái diềm lụa mỡ gà”. Đọc “Dế Mèn phiêu lưu kí” của Tô Hoài, ta cũng phải ngạc nhiên không kém trước sinh hoạt loài vật đầy sức sống. Sách văn học còn giúp ta hiểu về xã hội xưa và nay. Xưa là thời kì đen tối dưới ách thống trị thực dân với tay chân hương lí, kì hào, cai lệ dã man, tàn bạo. Trong “Tắt đèn” (của Ngô Tất Tố), gia đình chị Dậu khốn khổ vì nạn thuế thân, phải chịu nộp sưu oan cho cả người em đã mất mà lòng chẳng biết ngỏ cùng ai. Hủ tục cưới cheo từng khiến con trai lão Hạc phải bỏ nhà đi đồn điền cao su, khiến cho anh càng thêm đau khổ (Nam Cao, “Lão Hạc”). Ngày nay, xã hội đang chuyển mình từng bước, đất nước ngày càng phát triển có thể chính nhờ những người như anh thanh niên làm công tác khí tượng trong truyện “Lặng lẽ Sa Pa” (của Nguyễn Thành Long). Thế giới nội tâm đầy phức tạp qua văn học cũng đã được giãi bày. Tâm hồn người ta quả thật có cả “người tốt lẫn kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ” như Nguyễn Minh Châu đã viết trong “Bức tranh”.

Không chỉ có vậy, sách còn nâng cao đời sống tình cảm trong ta. Đó là những tình cảm bình dị, hồn nhiên mà cũng có thể cao cả như tình yêu nước. Tình cảm gia đình trong mỗi người được khơi dậy qua tình yêu giữa bé Hồng và mẹ (Nguyên Hồng, “Những ngày thơ ấu”) hay hành động săn sóc ân cần của Sơn dành cho con bé trong “Gió lạnh đầu mùa” (của Thạch Lam). Qua sự quan tâm giữa những người láng giêng trong “Lão Hạc”, “Chiếc lá cuối cùng”, ta có một cái nhìn mới về “tình hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau”. Họ đối xử với nhau nồng hậu quá ! Hay khi đọc “Bình Ngô đại cáo”, sao ta có thể nén nổi niềm tự hào đang trào dâng ? Dân tộc Việt Nam đã chiến đấu và hi sinh thật anh dũng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ mảnh đất quê hương yêu dấu. Chính ý chí của họ cùng với “Quan hà hiểm yếu trời kia đặt” đã tạo nên bao chiến công hiển hách. Tình yêu nước cũng bắt nguồn từ đó chăng ?

Sách luôn được coi là báu vật vô giá và con người vẫn luôn yêu và bảo vệ sách vô cùng. Ngày xưa, ở các nước phương Tây, sách chính là niềm tự hào. Chỉ có người khá giả mới có nhiều sách, có khi là cả một thư viện đồ sộ. Đọc sách, làm theo sách cũng là một thú chơi tao nhã. Ở một số nước như Việt Nam, Trung Hoa, đọc sách là nhu cầu bắt buộc để hiểu biết, đem tài năng ra ứng thú, rạng danh với đời.

Ngày nay, việc xuất bản sách vẫn được duy trì. Nhiều thư viện, trung tâm sách tiếp tục mở cửa, được nhiều người đón nhận. Xã hội vận động các phong trào đọc sách, hiểu sách. Nhà trường cũng phối hợp cùng gia đình giáo dục con em có ý thức giữ gìn, trân trọng, yêu quý sách, giúp ta khám phá thế giới kì diệu của sách.

Chúng ta cần làm theo lời khuyên của Go-rơ-ki để tích luỹ thêm kiến thức, sẵn sàng hành trang bước vào tương lai. Giữ gìn, trân trọng sách là một trong những điều không thể quên. Ngoài ra, ta cần tập cho mình thói quen đọc sách, đọc sao cho có hiệu quả nhất. Đồng thời, cần vận động, giúp đỡ mọi người trong việc đọc sách và hiệu sách.

Trong lá đơn xin học cho con, Tổng thống Mĩ An-ra-ham Lin-côn cũng từng viết : “Nhờ thầy chỉ cho cháu thế giới kì diệu của sách”. Quả thực sách là kho báu trí tuệ VÔ giá đang được nâng niu và trân trọng.

Đề: Hãy giải thích câu nói của Go-rơ-ki: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”.
Đánh giá bài viết