I. Yêu cầu

– Xác định được luận điểm cơ bản của bài viết là “học phải đi đôi với hành”.

– Để làm rõ được luận điểm đó, cần tuân theo trình tự lập luận của một bài văn giải thích. Dẫn chứng đưa vào bài cần cụ thể, gần gũi với thực tế học tập của chính các em.

II. Gợi ý

 Suy nghĩ, trả lời các câu hỏi sau để tìm lí lẽ cho bài viết :

– Mục đích của “học” là gì ? Mục đích của “hành” là gì ?

– “Học” mà không “hành” hoặc “hành” mà không “học” thì thế nào ?

– “Học” đi đôi với “hành” sẽ đem lại hiệu quả ra sao ?

– “Học đi đôi với hành” như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất ?

III. Lập dàn ý

A. Mở bài

– Trong Bàn luận về phép học, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp viết : “Học rộng rồi tóm lược cho gọn – theo điều học mà làm”, tức là phải kết hợp “học” với “hành”, mang điều đã học vào giúp đời.

– Tục ngữ cũng có nhiều câu nói về mối quan hệ học – hành. – Do vậy, phương pháp học tập đúng đắn nhất là : Học phải đi đôi với hành.

B. Thân bài 

1. Giải thích

– Học là gì ? (thu nhận kiến thức, luyện tập kĩ năng do người khác truyền lại)

– Hành là gì ? (nói chung là thực hành, làm)

– Mục đích của học là gì ?

+ Nhân bất học bất tri lí.

+ Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học.

– Mục đích của hành là gì ?

– Trăm hay không bằng tay quen, như vậy, hành để quen tay, để có kĩ năng thành thạo.

2. Phân tích

– Chỉ chú trọng học mà không hành thì sao ?

+ Chỉ giỏi lí thuyết, hiểu biết sách vở nhưng không thực hành thì là lí thuyết suông. Khi phải thực hành sẽ lúng túng (nêu dẫn chứng).

+ Thiếu kinh nghiệm thực tế nên hạn chế khả năng sáng tạo.

– Chỉ chú trọng hành mà không học thì sẽ thế nào ? (Thực hành không có kết quả cao, nhất là trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển

3. Kết luận

– Học phải đi đôi với hành là phương pháp đúng nhất vì :

+ Kiến thức là cơ sở lí thuyết, có tác dụng chỉ đạo việc thực hành, giúp thực hành đạt kết quả cao (dẫn chứng)

+ Thực hành giúp cho việc đúc kết kinh nghiệm, bổ sung, hoàn chỉnh kiến thức đã được học (lí thuyết).

– Kết hợp học với hành sẽ giúp ta trở thành con người toàn diện vừa có lí thuyết vừa có kĩ năng. Đó là cơ sở để phát triển khả năng.

C. Kết bài

– Hiểu vấn đề, cần áp dụng trong thực tế, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

– Đặt ra câu hỏi cho mỗi người : Thực hiện “học đi đôi với hành” như thế nào để có hiệu quả ?

IV. Bài tham khảo

Đã từ bao đời nay, dân tộc ta vốn có truyền thống hiếu học, việc học luôn rất được chú trọng trong cuộc sống của mọi người. Dưới thời đại phong kiến, giáo dục nước ta lại mang đầy tính khoa cử : học cốt là để đi thi, đi thi là để làm quan và do vậy phần “hành” cũng đã bị coi nhẹ. Tuy vậy, ngay từ thế kỉ XVIII, trong bài tấu lên vua Quang Trung, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, con người “thiên từ sáng suốt, học rộng hiểu sâu”, đã có cách nhìn rất tiến bộ, vượt lên góc nhìn của thời đại về mối quan hệ giữa “học” và “hành” cùng mục đích của việc học.

Để hiểu được mối quan hệ giữa “học” và “hành”, trước tiên, ta cần phải hiểu được : Học là gì ? Học là tiếp thu và tích luỹ kiến thức từ trong sách vở, từ cuộc sống, từ những người xung quanh. Khái niệm học rất rộng, nó theo ta suốt cả cuộc đời. Khi còn là một đứa trẻ, ta phải tập đi, tập nói, tập nhận biết những điều đơn giản xung quanh, đó là học. Rồi lớn lên, suốt những nămi ngồi trên ghế nhà trường, ta phải đọc sách vở, nghe thầy cô giảng để có được kiến thức cho mình, đó cũng là học. Rồi khi lớn hơn nữa, ta bước ra ngoài xã hội, ta phải quan sát, hỏi những người xung quanh nhiều kinh nghiệm hơn để thu thật kiến thức đời sống, kiến thức về công việc, đó cũng lại là học. Như vậy, ta thấy được học là một quá trình trau dồi kiến thức không ngừng nghỉ, cần thiết cho mọi giai đoạn trong cuộc sống mỗi con người.

Từ thế kỉ XVIII, khi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp gửi bản tấu lên vua Quang Trung đã nói : “Ngọc không mài không thành đồ vật ; người không học, không biết rõ đạo”. Vậy “đạo” là gì ? Đạo là lẽ đối xử hằng ngày giữa mọi người với nhau, đi học là học điều ấy. Mở đầu văn bản, Nguyễn Thiếp cho ta khái niệm “Học là gì ?”. Ấy là một quá trình tích luỹ tri thức không phải một sớm một chiều, mà là hàng tháng, hàng năm hay thậm chí cả đời. Học để thấy được cái thân thuý của cuộc sống, học vì tương lai của bản thân, học để bằng bạn bằng bè. Như Bác Hồ đã nói, trách nhiệm của giới trẻ là học để xây dựng “non sông Việt Narn trở nên tươi đẹp” và giúp cho “dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”. Đó là trách nhiệm của kẻ học, kẻ cầm bút, đọc sách.

“Học” như vậy còn “hành” là gì ? “Hành” có nghĩa là làrn, là áp dụng những gì đã học vào đời sống thực tế. Và cũng như học, việc hành cũng theo ta suốt cả cuộc đời, tất cả những việc ta làm hằng ngày cũng đã kể như là “hành” vậy.

Trong tác phẩm “Bàn luận về phép học”, tác giả La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã đặt ra phải “theo điều học mà làm”. Điều này có nghĩa là “học” phải luôn đi đôi với “hành”. “Học” mà không “hành” thì không thế nào hiểu được thấu đáo vấn đề, không vận dụng được trong đời sống thì việc học cũng chẳng thể có ích. Mặt khác, nếu chỉ có “hành” mà không “học” thì không thể có đủ kiến thức mà thực hiện, “hành” như vậy là chưa tới nơi tới chốn, không thể tạo nên được kết quả cần thiết. Bạn hãy thử nghĩ xem, trong các môn khoa học, nếu chỉ học lý thuyết trong sách. Nếu bạn học cách làm văn mà không làm đi làm lại nhiều lần thì không thế có được những bài văn hay. Còn ngược lại, nếu một người không học lí thuyết kĩ càng mà làm văn thì bài làm cũng không thể đầy đủ và chính xác được.

Hơn nữa, xã hội của chúng ta đang ngày càng phát triển, xã hội ta không cần những con người chỉ biết có lí thuyết suông mà còn cần phải biết vận dụng những điều mình hiểu biết vào trong cuộc sống. Sống trong một xã hội như thế, con người không chỉ cần liên tục mở mang kiến thức mà còn cần tiếp tục luyện tập, áp dụng không ngừng vào cuộc sống nữa.

Không chỉ nói về cách học, Nguyễn Thiếp còn nêu ra những ý kiến của ông về mục đích đúng đắn của việc học. Đó là học không chỉ vì câu danh lợi mà phải học hành nhằm trang bị kiến thức tốt để đạt nhiều hiệu quả trong lao động. Có vậy mới trở thành người có ích cho xã hội, trở thành người góp công xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và sẽ “sánh vai với các cường quốc năm châu” như niềm mong đợi của Bác Hồ. Muốn vậy, chúng ta phải luôn tìm cho mình cách học phù hợp, “học” phải đi đôi với “hành”, có mục đích, động cơ tốt đẹp mới có thể có được kết quả tốt. “Học” đúng phương pháp, “hành” đúng yêu cầu là phương châm phấn đấu của học sinh chúng ta.

Quan niệm về học và hành của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cho đến nay vẫn giữ nguyên tính khoa học và thực tiễn của nó : giữa “học” và “hành” có mối quan hệ khăng khít, ví như “học” là kim chỉ nam dẫn đường, còn “hành” là con thuyền đưa kim chỉ nam ấy băng qua đại dương kiến thức bao la. “Học” hướng dẫn “hành”, “hành” bổ sung, nâng cao và làm cho việc “học” thêm hoàn thiện.

Với cách lập luận chặt chẽ, bài “Bàn luận về phép học” của Nguyễn Thiếp giúp ta hiểu rõ mục đích của việc học là để làm người có đạo đức, có tài năng không phải chỉ mưu danh lợi như quan niệm của sĩ tử xưa kia. Muốn học rộng phải có phương pháp đúng, đặc biệt “học phải đi đôi với hành”.

Khép bài tấu lại, dư âm của nó như nhắc nhở, động viên lớp thanh niên, học sinh cần phải rèn luyện “học” và “hành” cho tốt. Cần tìm cho mình một lí tưởng sống cao đẹp để mà phấn đấu trong sự nghiệp học hành : đó là vì một Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp, hùng cường.

Đề: Từ bài Bàn luận về phép học của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa học với hành
3 (60%) 2 votes