Câu 1: Hãy cho biết trong thời gian gần đây có những từ ngữ nào mới được cấu tạo trên cơ sở các từ sau: điện thoại, kinh tế, di động, sở hữu, tri thức, đặc khu, trí tuệ. Giải thích nghĩa của những từ ngữ mới cấu tạo đó.

Câu 2: Thế nào là cách dẫn gián tiếp? Cho ví dụ minh hoạ.

Câu 3: Viết một đoạn văn về chủ đề tự chọn, trong đó có sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hoá.

Câu 4: Vẻ đẹp thiên nhiên hữu tình, nên thơ trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân”.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: Những từ ngữ mới được cấu tạo trong thời gian gần đây và giải nghĩa:

– Điện thoại di động: điện thoại vô tuyến nhỏ mang theo người, được sử dụng trong vùng phủ sóng của cơ sở cho thuê bao.

– Điện thoại nóng: điện thoại dành riêng để tiếp nhận và giải quyết những vấn đề khẩn cấp vào bất kì lúc nào.

– Kinh tế tri thức: nền kinh tế chủ yếu dựa vào việc sản xuất lưu thông, phân phối các sản phẩm có hàm lượng trí thức cao.

– Đặc khu kinh tế: khu vực dành riêng để thu hút vốn và công nghệ nước ngoài, với những chính sách có ưu đãi.

– Sở hữu trí tuệ: quyền sở hữu đối với sản phẩm do hoạt động trí tuệ mang lại, được pháp luật bảo hộ như quyền tác giả, quyền phát minh, sáng chế,…

Câu 2:

– Cách dẫn gián tiếp là: thuật lại lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật, có điều chỉnh cho thích hợp; lời dẫn gián tiếp không đặt trong dấu ngoặc kép.

– Ví dụ: Lão tìm lời giảng giải cho con trai hiểu. Lão khuyên nó hãy dằn lòng bỏ đám này, để dùi giống ít lâu, xem có đám nào khá mà nhẹ tiền hơn sẽ liệu; chẳng lấy đứa này thì lấy đứa khác; làng này đã chết hết con gái đâu mà sợ.

(Những chữ in đậm là lời dẫn gián tiếp nên không cần đặt trong ngoặc kép).

Câu 3: Các em có thể tham khảo đoạn văn sau:

“Rì rào, rì rào, con mèo nào mới về thế?”. Cây cau lắc lư chòm lá trên cao tít hỏi xuống. “Rì rào, rì rào, chú bé leo lên đây nào !”. mèo con ôm lấy thân cau, trèo nhanh thoăn thoắt. “Rì rào, rì rào, ừ chú trèo khá đấy !”. Mèo con ngứa vuốt, cào cào thân cau sồn sột. “Ấy, ấy ! Chú làm xước cả mình tôi rồi, để vuốt sắc mà bắt chuột chứ !”. Mèo con tiu nghỉu cúp tai lại, tụt xuống đất. Rì rào, rì rào, chòm cau vẫn lắc lư trên cao.

Nguyễn Đình Thi

Câu 4: Vẻ đẹp thiên nhiên hữu tình, nên thơ trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân”

1. Đặt vấn đề

Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đoạn trích:

– Truyện Kiều là kiệt tác văn học, kết tinh giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo và thành tựu tiêu biểu của Nguyễn Du cũng như thành tựu nghệ thuật tiêu biểu của văn học dân tộc.

– Đoạn trích nằm ở phần mở đầu tác phẩm, sau đoạn tả tài sắc chị em Thuý Kiều. Đoạn này tả cảnh ngày xuân trong tiết Thanh minh và cảnh du xuân của chị em Kiều.

– Đoạn thơ Cảnh ngày xuân là bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng được gợi lên qua từ ngữ, bút pháp miêu tả giàu chất tạo hình của Nguyễn Du.

2. Giải quyết vấn đề

a) Khung cảnh thiên nhiên với vẻ đẹp riêng của mùa xuân (4 câu đầu)

– Bốn câu thơ đầu mở ra một khung cảnh mùa xuân nên thơ :

+ Hai câu đầu vừa nói thời gian vừa gợi không gian tươi đẹp của mùa xuân. Ngày xuân thấm thoát trôi mau như thoi dệt cửi “Ngày xuân con én đưa thoi”. Tiết trời đã bước sang tháng ba. Trong tháng cuối cùng của mùa xuân, những cánh chim én vẫn rộn ràng bay liệng giữa bầu trời trong sáng như thoi đưa.

+ Hai câu thơ tiếp theo là bức tranh tuyệt đẹp về mùa xuân:

Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Thảm cỏ non trải rộng tới tận chân trời là gam màu nền cho bức tranh xuân. Trên nền màu xanh non ấy điểm xuyết một vài bông hoa lê trắng. Màu xanh tôn lên vẻ đẹp tinh khiết của màu trắng hoa lê. Màu sắc có sự hài hoà tới mức tuyệt diệu. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp rất riêng của mùa xuân: mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống, khoáng đạt, trong trẻo, nhẹ nhàng và thanh khiết. Hình ảnh cỏ non thể hiện sự mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống. Hình ảnh “xanh tận chân trời” thể hiện sự khoáng đạt, trong trẻo.

Còn hình ảnh “cành lê trắng điểm một vài bông hoa” đã gợi lên vẻ nhẹ nhàng, thanh khiết của thiên nhiên. Một chữ “điểm” cũng đủ làm cho cảnh vật trở nên sinh động, có hồn chứ không tĩnh tại.

=> Nguyễn Du quả là bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ. Chỉ bốn câu thơ thôi mà một bức tranh thiên nhiên tươi sáng và diễm lệ đã hiện lên. Đây chính là bức tranh nền để làm nổi bật lên khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh.

b) Khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh (8 câu thơ tiếp)

– Trong ngày thanh minh cùng lúc đã diễn ra hai hoạt động:

“Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”

Phần lễ tảo mộ là đi viếng mộ, quét tước, sửa sang phần mộ của người thân cho sạch sẽ. Hội đạp thanh là đi chơi xuân ở chốn đồng quê.

– Khung cảnh lễ hội thật tưng bừng, náo nhiệt, rộn ràng:

“Gần xa nô nức yến anh”.

Tác giả đã ví cảnh từng đoàn người nhộn nhịp đi chơi xuân ríu rít như chim én, chim oanh vào mùa xuân. Một loạt từ ghép được sử dụng rất tài tình góp phần làm nổi bật cảnh hội. Từ ghép là danh từ “yến anh”, “chị em”, “tài tử”, “giai nhân” gợi tả sự đông vui, có nhiều người cùng đến hội. Từ ghép là động từ “sắm sửa”, “dập dìu” gợi tả sự rộn ràng, náo nhiệt của ngày hội. Từ ghép là tính từ “gần xa”, “nô nức” làm rõ tâm trạng của người đi hội. Trong lễ hội mùa xuân tấp nập, nhộn nhịp nhất là những nam thanh, nữ tú, những tài tử giai nhân. Không khí lễ hội bao trùm cả không gian.

=> Qua cuộc du xuân của chị em Thuý Kiều, tác giả khắc hoạ một truyền thống văn hoá lễ hội xa xưa. Tiết Thanh minh, mọi người sắm sửa lễ vật để đi tảo mộ, sắm sửa áo quần để vui hội đạp thanh. Người ta đốt tiền, giấy hàng mã để tưởng nhớ những người thân đã khuất.

c) Khung cảnh chị em Thuý Kiều du xuân trở về

– Khung cảnh chung:

Cái không khí nhộn nhịp, rộn ràng của lễ hội không còn nữa. Mọi chuyển động đều nhẹ nhàng: Mặt trời từ từ ngả bóng về tây, bước chân người thơ thẩn, dòng nước uốn quanh. Tất cả đang nhạt dần, lặng dần. Cảnh vật vẫn đẹp, vẫn nên thơ với “dòng nước uốn quanh”, với “nhịp cầu nho nhỏ” nhưng đã thiếu vắng đi rất nhiều hơi thở của con người.

=> Cảnh đẹp nhưng đượm buồn.

– Tâm trạng con người

 Những từ láy “tà tà”, “thanh thanh”, “nao nao” không chỉ biểu đạt sắc thái cảnh vật mà còn bộc lộ tâm trạng con người. Hai chữ “nao nao” đã nhuốm màu tâm trạng lên cảnh vật. Cảm giác bâng khuâng xao xuyến về một ngày vui xuân đang còn mà sự linh cảm về điều sắp xảy ra đã xuất hiện. Dòng nước uốn quanh “nao nao” như báo trước ngay sau lúc này thôi Kiều sẽ gặp nấm mồ Đạm Tiên, sẽ gặp chàng thư sinh “Phong tư tài mạo tốt vời” Kim Trọng.

3. Kết thúc vấn đề

– Cảnh thiên nhiên trong đoạn trích Cảnh ngày xuân không tính tại mà được mở ra theo không gian, thời gian, theo bước chân, cái nhìn, cảm xúc của con người. Vì vậy, cảnh rất có hồn.

– Bức tranh thiên nhiên có vẻ đẹp tinh khôi, náo nức, tràn trề nhựa sống của buổi sáng, lại có vẻ đẹp bang lang, đượm buồn của cảnh chiều tà.

– Đoạn trích cho ta thấy car ep cua thiên nhiên vào nhua xuân và đồng thời cũng cho ta thấy cuộc sống êm đềm của Thuý Kiều khi cùng vui bên các em của mình trong ngày tết Thanh minh.

– Đây là đoạn trích thể hiện rõ nét nghệ thuật miêu tả thiên nhiên của Nguyễn Du: kết hợp bút pháp tả và gợi, sử dụng từ ngữ giàu chất tạo hình để miêu tả cảnh ngày xuân với những đặc điểm riêng. Tác giả miêu tả cảnh mà nói lên được tâm trạng của nhân vật.

ĐỀ 12 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết