I. LUYỆN TẬP TRÊN LỚP

1. a) Trong một bài hoặc một đoạn văn nghị luận cần vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm vì các yếu tố này giúp cho việc trình bày luận cứ trong bài, đoạn văn được rõ ràng cụ thể, sinh động hơn và do đó có sức thuyết phục mạnh mẽ hơn.

b) Có điều cần lưu ý là các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm được dùng làm luận cứ phải phục vụ cho việc làm rõ luận điểm và không được phá vỡ mạch nghị luận của bài hoặc đoạn văn.

2. Biết vận dụng các phương thức tự sự, miêu tả và biểu cảm là cần nhưng chưa đủ. Trong rất nhiều trường hợp, để bài (đoạn) văn nghị luận có sức thuyết phục mạnh mẽ thì.. người viết (người nói) còn phải có khả năng vận dụng kết hợp phương thức biểu đạt thuyết minh nữa.

   Chẳng hạn đoạn trích ở SGK, tác giả chủ yếu dùng phương thức nghị luận để bàn bạc vấn đề có nên chỉ dựa vào chỉ số GDP để đánh giá thu nhập hằng năm của người Việt Nam hay không, hay cần tính đến cả chỉ số GNP nữa? Vì sao? Tuy nhiên trong văn bản nghị luận này, ông còn vận dụng kết hợp yếu tố thuyết minh ở những kiến thức mà bài viết cung cấp cho người đọc về GDP và GNP.

   Chính yếu tố thuyết minh đã hỗ trợ tốt cho bài viết vì đã đem lại những tri thức khoa học giúp người đọc hiểu biết rõ ràng đúng đắn hơn về vấn đề đang được nêu ra bàn bạc.

3. Viết một bài văn nghị luận ngắn để phát biểu ý kiến trong buổi trao đổi về chủ đề “Nhà văn mà tôi hâm mộ” do Câu lạc bộ Văn học của trường tổ chức. 

Học sinh tự làm.

II. LUYỆN TẬP Ở NHÀ 

1. Những nhận xét trên đây chưa đúng. Vì cái hay của đoạn, bài văn nghị luận không được quyết định bởi có hay không có, có nhiều hay có ít các yếu tố hỗ trợ của tự sự, miêu tả, biểu cảm và thuyết minh. Điều phải lưu ý là các yếu tố hỗ trợ ấy được sử dụng đúng chỗ, đúng lúc hay không và chúng có phát huy hết tác dụng của mình hay không trong việc nâng cao hiệu quả nghị luận.

2. Đoạn văn tham khảo

   Đề tài: Vệ sinh an toàn thực phẩm

   Vệ sinh an toàn thực phẩm trong cả nước nói chung và của thành phố nói riêng đang tạo nhiều lo lắng cho người dân. Thực chất, nhiều sự kiện như việc tiếp tục sử dụng những hoá chất cấm dùng trong nuôi trồng, chế biến nông thủy sản, thực phẩm, việc sản xuất một số sản phẩm kém chất lượng hoặc do quy trình chế biến hoặc do nhiễm độc từ môi trường, đang gây ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu và tiêu dùng. Các vụ ngộ độc thực phẩm do một số bếp ăn tập thể cung cấp, nhiều thông tin liên tục về tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm ở một vài nước trên thế giới, cộng thêm dịch cúm gia cầm tái phát, bệnh heo tai xanh ở một số nơi trên đất nước càng làm bùng lên sự lo âu của mọi người chúng ta. Gần đây, một số vấn đề liên quan đến quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, sự khác biệt giữa các kết quả phân tích kiểm tra chất lượng sản phẩm vừa gây không ít khó khăn cho người sản xuất vừa tạo thêm lo lắng cho người tiêu dùng trong khi chúng ta đang cố gắng tạo những ưu thế về nhiều mặt để có nhiều lợi thế nhất với cương vị một thành viên bình đẳng của WTO.

   Theo hệ thống cảnh báo và thông báo của châu Âu, năm 2004, tron g số hàng thực phẩm Việt Nam xuất sang châu Âu, có 59 lô không đạt chất lượng (Việt Nam xếp thứ 13 trong số các nước bị cảnh báo), con số này là 124 và Việt Nam xếp thứ 7 trong năm 2005. Trong 6 tháng đầu năm 2007, nhiều lô hàng nông thủy sản xuất khẩu bị Hoa Ki, Canada, Nhật, Nga, Singapore từ chối. Những sự kiện ấy phản ánh phần nào những tồn đọng, bất cập trong sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong khi đó đã vào WTO thì phải chấp nhận cạnh tranh khốc liệt về chất lượng ngay cả trên sân nhà. .

   Vấn đề then chốt là làm thế nào quản lí được tốt chất lượng nông thủy sản thực phẩm Việt Nam không nhiễm vi sinh, không chứa hóa chất bị cấm, hóa chất ngoài danh mục cho phép, hay bị nhiễm hóa chất quá giới hạn cho phép nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, đóng góp được phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

(Theo GS. Chu Phạm Ngọc Sơn – Chủ tịch Hội Hoá học TP Hồ Chí Minh)

Nguồn website giaibai5s.com

Tuần 13: Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận
Đánh giá bài viết