SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TP HỒ CHÍ MINH

KÌ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 
 NĂM HỌC 2015 – 2016
MÔN THI: NGỮ VĂN
Ngày thi: 11 tháng 6 năm 2015
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1: (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới :

(1) Đã lâu lắm rồi tôi và cả nhà mới lại cùng nhau xem U23 Việt Nam xem đấu bóng đá SEA Games. Lúc đội tuyển ra sân, tôi rất xúc động khi quốc ca Việt Nam vang lên. Cả nhà tôi đã cùng hát theo, dù các con tôi chưa thật thuộc nhưng chúng vẫn buộc ba, mẹ phải đặt tay lên ngực cho giống các cầu thủ. Lúc hát quốc ca, tôi có một cảm giác thật khó tả. Một điều gì đó thiêng liêng dành cho Tổ quốc đang dâng lên trong lòng tôi. Hát quốc ca làm cho ta có tinh thần mạnh mẽ, truyền cho ta khí thế hừng hực để sẵn sàng bước vào trận đấu.

(2) Khi đi học, tôi đã được hát quốc ca mỗi khi chào cờ. Bây giờ hát lại, trong tôi vẫn dâng trào một cảm xúc mãnh liệt. Đó là niềm tự hào là tình yêu quê hương, đất nước. Xem xong trận bóng đá, con tôi lại hỏi: “Khi nào Việt Nam đá nữa vậy ba? Để con cùng ba mẹ hát quốc ca”.

(Theo Lê Văn Thụ, Quốc ca Việt Nam, báo Thanh Niên số ngày 8/6/2015)

a) Xác định một phép liên kết có trong đoạn (2). (0,5 điểm)

b) Tác giả đã có những cảm xúc gì khi hát quốc ca Việt Nam? (0,5 điểm)

c) Cho biết ý nghĩa của sự việc cả gia đình tác giả cùng hát theo khi quốc ca Việt Nam vang lên. (1 điểm)

d) Em có nhận xét về thực trạng hát quốc ca trong nhà trường hiện nay. (1 điểm)

Câu 2: (3 điểm)

Có những bạn trẻ chỉ biết mải mê dán tình thần tượng khắp nơi, chỉ biết đắm chìm trong sở thích của riêng mình,…

Họ đâu biết rằng bên cạnh họ có những người đang vì họ mà bất cả lo toan; có những người dành cho họ bao nhiêu yêu thương, trìu mến;…

Những bạn trẻ ấy đâu biết rằng họ đang sống vô cảm ngay trong chính gia đình mình.

Viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên.

Câu 3: (4 điểm)

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.

(Trích Sang thu, Hữu Thỉnh)

Cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên trong hai khổ thơ trên. Từ đó hãy liên hệ với một khổ thơ hoặc đoạn thơ khác về đề tài thiên nhiên mà em biết để thấy được điểm gặp gỡ của tác giả khi viết về đề tài này. 

GỢI Ý LÀM BÀI MÔN NGỮ VĂN

Câu 1 (3 điểm)

a) Xác định một phép liên kết có trong đoạn (2). (0,5 điểm)

Trong đoạn văn (2) trên đề bài có các phép liên kết :

– Phép lặp: (tôi, hát, quốc ca)

– Phép thế: (đó thế cho một cảm xúc mãnh liệt)

Các em chỉ cần trả lời đúng một phép liên kết (0,5 điểm).

b) Tác giả đã có những cảm xúc gì khi hát quốc ca Việt Nam? (0,5 điểm)

Những cảm xúc của tác giả khi hát quốc ca Việt Nam: xúc động, thiêng liêng, phấn chấn, tự hào được thể hiện qua các từ ngữ sau: “tôi rất xúc động”, “một cảm giác thật khó tả, một điều gì đó thiêng liêng dành cho Tổ quốc đang dâng lên trong lòng tôi”, “tôi vẫn dâng trào một cảm xúc mãnh liệt”, “đó là niềm tự hào, là tình yêu quê hương đất nước”.

c) Ý nghĩa của sự việc cả gia đình tác giả cùng hát theo khi quốc ca Việt Nam vang lên. (1 điểm)

– Tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc luôn thường trực trong trái tim của mỗi người Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, giới tính, địa vị.

– Tình yêu quê hương đất nước bắt đầu từ tình cảm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và lớn hơn là trong cộng đồng, xã hội.

– Gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục lòng yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ

d) Nhận xét về thực trạng hát quốc ca trong nhà trường hiện nay:

– Một trường học thực hiện rất tốt việc chào cờ đầu tuần và hát quốc ca. Phần lớn các bạn học sinh thuộc và hát quốc ca một cách say mê và đầy tự hào.

– Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bạn không thuộc quốc ca, không cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng của việc hát quốc ca nên hát một cách chiếu lệ cho xong, thậm chí, một số em còn đùa giỡn trong giờ chào cờ. Nhiều thầy cô chưa giúp học sinh hiểu hết được ý nghĩa của việc hát quốc ca.

– Thực trạng đó thật đáng báo động. Bởi vì, hát quốc ca với sự say sưa và lòng thành kính cũng là biểu hiện của lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của cha ông ta. 

Câu 2 (3 điểm)

Viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) bàn về vấn đề vô cảm ngay trong chính gia đình mình của các bạn trẻ.

Bài làm cần trình bày được các ý sau:

a) Mở bài

– Trong cuộc sống, phần lớn các bạn trẻ sống có trách nhiệm, có tình cảm đối với các thành viên khác trong gia đình. Các bạn hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, yêu thương, giúp đỡ anh chị em trong gia đình.

– Tuy vậy, cũng có một số bạn trẻ còn thờ ơ, dửng dưng trong cuộc sống. Các bạn chỉ ấy chỉ biết làm những việc theo ý thích của mình mà không nghĩ gì đến gia đình. Đó chính là những bạn trẻ đang sống vô cảm trong chính gia đình mình.

– Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh vô cảm của các bạn ấy? Làm thế nào để “chữa” được bệnh “vô cảm” đó? đây là một vấn đề chúng ta cần bàn luận.

b) Thân bài

* Giải thích

– “Vô cảm” là gì? Vô cảm là thờ ơ, dửng dưng, không quan tâm đến mọi việc diễn ra xung quanh, chỉ biết nghĩ đến bản thân với những lợi ích riêng, thỏa mãn lòng ham muốn ích kỉ…

* Bàn luận

Biểu hiện của lối sống vô cảm trong chính gia đình mình:

+ Lao vào thế giới ảo của riêng mình (dán hình thần tượng khắp nơi…)

+ Bỏ quên mối quan hệ ruột thịt gần gũi mà đúng ra mình phải hết mực quan tâm. (không thấy cha, mẹ, người thân đang vất vả lo toan cuộc sống hàng ngày.)

+ Có nhu cầu hưởng thụ mà quên đi trách nhiệm của một thành viên trong gia đình.

Dẫn chứng :

– Một số bạn trẻ ăn chơi đua đòi trong khi gia đình kinh tế rất khó khăn, bố mẹ lao động vất vả để kiếm sống hàng ngày.

– Một số bạn coi việc yêu thương, chăm sóc mình của bố mẹ là điều hiển nhiên vì thế dán ảnh thần tượng của mình (các ca sĩ, các cầu thủ bóng đá,…) ở những đất nước xa xôi và thuộc vanh vách tiểu sử, công việc của họ. Trong khi đó, những khó khăn vất vả của bố mẹ, của những người thân trong gia đình thì không hề biết đến. 

– Nguyên nhân dẫn đến việc một số bạn trẻ sống “vô cảm”

+ Gia đình quá nuông chiều, không giáo dục đầy đủ từ khi còn bé. + Do lối sống ích kỉ của các bạn trẻ. Sống mà chỉ biết hưởng thụ.

+ Do tác động của lối sống từ các nước khác qua mạng,…

– Hậu quả

+ Tình cảm gắn bó thiêng liêng giữa các thành viên trong gia đình ngày một giảm sút.

+ Tạo ra những công dân vô trách nhiệm, vô cảm.

– Cách khắc phục

+ Mỗi thành viên trong gia đình nói chung, các bạn trẻ nói riêng phải biết quan tâm, yêu thương những thành viên khác trong gia đình.

+ Sống trong thế giới thực chứ không sống trong thế giới ảo dẫn đến mơ hồ về cuộc sống của gia đình mình, của cộng đồng, xã hội.

c) Kết bài

– “Vô cảm” là lối sống đáng phê phán vì nó ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách của mỗi cá nhân, ảnh hưởng đến gia đình, đến xã hội.

– Mỗi cá nhân, mỗi gia đình phải thấy rõ tác hại của nó để khắc phục ngay.

– Đưa ra những tấm gương “người tốt, việc tốt” sống có trách nhiệm, có sự quan tâm đến gia đình, đến xã hội để mọi người cùng biết.

– Gia đình, nhà trường, xã hội cùng kết hợp để giáo dục thế hệ trẻ sống có mục đích cao đẹp.

Câu 3 (4 điểm)

Bài làm cần trình bày được những ý sau: a) Mở bài: Giới thiệu một vài nét về tác giả, tác phẩm, vị trí đoạn trích

– Hữu Thỉnh sinh năm 1942, quê ở Tam Dương, Vĩnh Phúc. Ông là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ.

– Bài thơ Sang thu viết năm 1977, in trong tập Từ chiến hào đến thành phố.

– Hai khổ thơ đầu là cảm nhận tinh tế của tác giả về thời khắc giao mùa từ hạ sang thu. Tất cả vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên trong thời khắc giao mùa đó được thể hiện qua những hình ảnh sinh động và từ ngữ giàu sức biểu cảm.

b) Thân bài

* Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong thời khắc giao mùa từ hạ sang thu (qua 2 khổ thơ)

Khổ 1 – Nhà thơ cảm nhận về cảnh vật thiên nhiên của thời khắc giao mùa qua hương vị, qua sự chuyển mình của gió, của sương:

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chúng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.

Để miêu tả hương ổi, tác giả đã dùng từ “phả” “Phả vào trong gió se”. Từ “phá”giúp người đọc hiểu được trong thời khắc giao mùa, hương ổi thơm tỏa ra trong gió se se lạnh của chớm thu. Phép nhân hóa thể hiện qua từ “chùng chình” (dường như đang cố ý chậm chạp để kéo dài thời gian), cho ta thấy thiên nhiên rất đẹp nhưng không tĩnh lặng mà đang chuyển mình vào thời khắc giao mùa.

– Tác giả ngỡ ngàng và bất ngờ trước vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên. Bằng cảm nhận của mình, nhà thơ đã phán đoán mùa hạ đang qua và mùa thu đang đến với đất trời, cỏ cây, với lòng người.

Khổ 2: Bức tranh thiên nhiên thể hiện qua vẻ đẹp của dòng sông, của bầu trời:

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.

– Trên trời, đám mây mảnh mai, duyên dáng như dải lụa vắt ngang trên bầu trời. Cánh chim bắt đầu vội vã như cảm nhận sự chuyển động của thời gian lúc giao mùa.

– Dòng sông “dềnh dàng” trôi cho ta thấy thời gian đang chuyển dần sang thu…

=>Bằng những từ ngữ giàu chất biểu cảm “dềnh dàng”, “vội vã”, “vắt”, tác giả đã khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên đẹp, sinh động trong thời khắc giao mùa.

* Chọn một khổ (hoặc một đoạn thơ có đề tài viết về thiên nhiên và cho biết điểm gặp gỡ của hai tác giả khi viết về đề tài này.

– Chọn một đoạn thơ viết về thiên nhiên trong bài Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiến 
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

+ Nhà thơ Thanh Hải đã miêu tả thành công bức tranh của thiên nhiên xứ huế có màu sắc, có âm thanh hòa quyện: màu xanh của dòng sông, màu tím của bông hoa, âm thanh của tiếng hót chim chiền chiện Đó là bức tranh thiên nhiên rất đặc trưng của xứ Huế.

+ Sáng tác khi đang lâm bệnh hiểm nghèo nhưng khổ thơ nói riêng, bài thơ nói chung tràn trề niềm say sưa ngây ngất trước bức tranh thiên nhiên mênh mông, cao rộng và tươi sáng.

– Điểm gặp gỡ của hai tác giả khi viết về đề tài này:

+ Đều viết về đề tài thiên nhiên.

+ Thiên nhiên trong hai đoạn thơ đều rất đẹp và tràn trề sức sống.

+ Hai tác giả cảm nhận về vẻ đẹp của thiên nhiên không chỉ bằng các giác quan (mắt nhìn, tai nghe,…) mà cảm nhận bằng cả tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của người nghệ sĩ giàu tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước.

c) Kết bài

– Biết bao nhà thơ, nhà văn đã viết về thiên nhiên. Và cũng biết bao bức tranh thiên nhiên mang vẻ đẹp riêng qua sự cảm nhận của mỗi tác giả.

– Bức tranh thiên nhiên trong bài Sang thu mang vẻ đẹp riêng ở chỗ tác giả đã quan sát và miêu tả được vẻ đẹp hấp dẫn và sống động của thiên nhiên trong thời khắc giao mùa. Qua đó, người đọc thấy được tình cảm và tâm hồn nhạy cảm, tình yêu quê hương, đất nước của nhà thơ.

Đề thi vào lớp 10 năm 2015 – TP.HCM
Đánh giá bài viết