SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TP HỒ CHÍ MINH

KÌ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 
 NĂM HỌC 2014 – 2015
MÔN THI: NGỮ VĂN
Ngày thi: 21 tháng 6 năm 2014
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1: (2 điểm)

Tác phẩm nghệ thuật nào cũng được xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống xung quanh.

(Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói của văn nghệ)

a) Phân tích hai trong số các phép liên kết về hình thức có trong đoạn văn trên. (1điểm)

b) Từ những hiểu biết về đoạn văn trên em hãy cho biết những hình ảnh nào được Viễn Phương mượn ở thực tại để viết nên hai câu thơ sau? Ông muốn gửi gắm tình cảm gì qua hai câu thơ ấy ? (1 điểm)

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân

(Viễn Phương, Viếng Lăng Bác)

Câu 2: (3 điểm)

Việc quan sát, lắng nghe sẽ giúp ta rút ra nhiều bài học ý nghĩa.

– Nhìn những nếp nhăn trên gương mặt cha, những giọt mồ hôi thấm trên vạt áo mẹ vì lo toan cho con cái ta rút ra bài học về đức hi sinh

– Cảm nhận những thay đổi của bản thân và thấy mình vững vàng sống có ý thức, có trách nhiệm hơn ta rút ra bài học về sự trưởng thành

– Theo dõi tin tức về tình hình biển Đông và những hình ảnh thiết thực ủa nhân dân hướng về Trường Sa ta rút ra bài học về lòng yêu nước một cách đúng đắn.

Hãy viết bài văn (khoảng 01 trang giấy thi) trình bày những suy nghĩ của em về một trong ba bài học trên.

Câu 3: (3,5 điểm)

Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ            
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm                    
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm                 
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui             
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ          
Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa.                  

(Bằng Việt – Bếp lửa)

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn                        
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh            
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như núi                                     
Lên thác xuống ghềnh                                       
Không lo cực nhọc.                                            

(Y Phương, Nói với con)

Cảm nhận của em về những phẩm chất tốt đẹp mà người bà nhóm lên trong cháu và người cha mong muốn ở con trong hai đoạn thơ trên.

GỢI Ý LÀM BÀI MÔN NGỮ VĂN
NĂM HỌC 2014 – 2015

Câu 1: (2 điểm)

Bài làm cần trình bày được những nội dung sau:

a) Phân tích hai trong số các phép liên kết về hình thức có trong đoạn văn trên. (1điểm)

Đoạn văn có 3 câu. Trong đó có các phép liên kết sau: 

– Phép lặp: Từ tác phẩm trong câu 3 lặp lại từ tác phẩm trong câu 1.

– Phép liên tưởng: tác phẩm (câu 1) – nghệ sĩ (câu 2) – tác phẩm (câu 3).

– Phép thế: những vật liệu mượn ở thực tại (câu 1) – cái đã có rồi (câu 2) – nghệ sĩ (câu 2) – anh (câu 3).

– Phép nối: nhưng (nối câu 1 và câu 2).

Lưu ý: Khi làm bài, không yêu cầu các em phải làm tất cả các phép liên kết đã nêu. Các em chỉ cần nêu được 2 phép liên kết và chỉ rõ được từ ngữ liên kết tương ứng, bài sẽ đạt 1 điểm ở ý này.

b) Nhà thơ Viễn Phương mượn ở thực tại những hình ảnh: dòng người, tràng hoa, mùa xuân.

Nhà thơ Viễn Phương muốn gửi gắm vào hai câu thơ: lòng nhớ thương tha thiết, lòng kính trọng biết ơn của tác giả cũng như của nhân dân ta đối với Bác Hồ – vị cha già kính yêu của dân tộc.

Câu 2: (3 điểm)

Từ việc quan sát, lắng nghe, viết một bài văn (khoảng 02 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về một trong ba bài học: bài học về đức hi sinh của cha mẹ, bài học về sự trưởng thành, bài học về việc thể hiện lòng yêu nước một cách đúng đắn.

Khi làm câu này, các em chỉ cần trình bày được một trong ba bài học:

– Bài học về đức hi sinh.

– Bài học về sự trưởng thành.

– Bài học về việc thể hiện lòng yêu nước một cách đúng đắn.

Chọn làm về bài học nào thì bài làm của các em cũng phải có đủ 3 ý:

+ Giải thích khái niệm.

+ Biểu hiện của đức tính đó.

+ Bàn luận về vấn đề em vừa chọn.

Ví dụ: Bàn về đức tính hi sinh, bài của các em cần trình bày được các ý sau:

a) Mở bài

– Đức hi sinh là một trong những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam. Đức tính đó có từ ngàn xưa và được các thế hệ Việt Nam nối tiếp nhau giữ gìn và thể hiện nó.

– Cao cả nhất là mỗi thành viên trong đất nước sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc.

– Trong mỗi gia đình thì đức hi sinh của người cha, người mẹ được thể hiện một cách thầm lặng. Khi “nhìn thấy những nếp nhăn trên gương mặt cha, những giọt mồ hôi thấm trên vạt áo mẹ vì lo toan cho con cái ta rút ra bài học về đức hi sinh” 

– Thế nào là đức hi sinh? Đức hi sinh biểu hiện qua những mặt nào? Để hiểu được điều đó, chúng ta cùng nhau bàn luận.

b) Thân bài

* Giải thích

Hi sinh là nhận về phần mình một cách tự nguyện sự mất mát lớn lao nào đó vì một cái gì cao đẹp.

* Biểu hiện cụ thể về đức hi sinh của cha mẹ dành cho con cái

– Cha mẹ làm lụng vất vả để nuôi con cái.

– Cha mẹ lo lắng, chăm sóc khi con ốm đau, bệnh tật.

– Cha mẹ lo cho việc học hành, ăn ngủ của con từ nhỏ cho đến lớn.

– Cha mẹ lo cho tương lai nghề nghiệp của con…

* Bàn luận

– Sự hi sinh của cha mẹ dành cho con cái thật đáng trân trọng.

– Chúng ta cần ghi nhớ công lao to lớn của cha mẹ dành cho ta.

– Cần phê phán những người con vô ơn, bất hiếu với cha mẹ.

c) Kết bài

– Các bậc cha mẹ hi sinh vì con cái là rất đáng quý, đáng trân trọng, nhưng không thể làm theo bất cứ nhu cầu gì của con cái. Cha mẹ cần thấy rõ hi sinh như thế nào để con cái có tương lai tốt đẹp.

– Bản thân mỗi chúng ta cần thấy rõ sự hi sinh cao cả của cha mẹ để có những việc làm cụ thể đáp lại sự hi sinh thầm lặng của mẹ cha.

– Cương quyết lên án những người con bất hiếu với cha mẹ…

Câu 3: (5 điểm)

Bài làm cần trình bày được các ý sau:

a) Mở bài

– Bằng Việt sinh năm 1941, quê ở huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây. Ông làm thơ từ đầu những năm 1960 và thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội.

– Bài thơ Bếp lửa được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học ngành Luật ở nước ngoài. Bài thơ nằm trong tập Hương cây – Bếp lửa (1968), tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ. .

– Nhà thơ Y Phương tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước, quê ở tỉnh Cao Bằng.

– Ông là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng. Ông sáng tác nhiều thơ. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi.

– Nói với con là một trong những bài thơ hay nhất của ông. 

Hai đoạn trích trong hai bài (Bếp lửa, Nói với con) đều đề cao phẩm chất tốt đẹp của người bà, người cha dành cho cháu con của mình.

b) Thân bài

* Cảm nhận về những phẩm chất tốt đẹp mà người bà đã nhóm lên trong cháu qua đoạn trích trong bài thơ “Bếp lửa”

Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ            
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm                    
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm                 
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui             
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ          
Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa.                  

– Qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, hình ảnh người bà, hình ảnh bếp lửa hiện lên thật gần gũi, thật đẹp và thật xúc động.

– Hình ảnh bếp lửa vừa mang ý nghĩa tả thực vừa mang ý nghĩa tượng trưng. Tả thực ở chỗ tác giả miêu tả bếp lửa mà hàng ngày bà vẫn dậy sớm để nhóm bếp nấu cơm, luộc khoai, luộc sắn…

“Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm       
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm…”

=> Qua hình ảnh bếp lửa, tác giả cho ta về những phẩm chất tốt đẹp của người bà: cần cù, chịu thương chịu khó, dậy sớm thức khuya để nuôi cháu.

Bếp lửa mang ý nghĩa tượng trưng thể hiện ở chỗ đó là tình cảm ấm áp, thiêng liêng, là niềm tin, ánh sáng mà người bà dành cho cháu. Cụm từ “ấp iu nồng được” vừa nói lên sự chăm chút của bà vừa nói lên tình cảm nồng ấm của bà dành cho người cháu:

“Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa.”     

Câu cuối của đoạn trích được thốt lên từ tấm lòng chân thành của tác giả. Điều đó đã khẳng định tác giả luôn luôn nhớ về hình ảnh bếp lửa, về sức mạnh, về nguồn động viên mà người bà kính yêu đã dành cho mình.

* Cảm nhận về tình cảm tốt đẹp mà người cha mong muốn ở con qua đoạn trích trong bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn                        
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh            
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như núi                                     
Lên thác xuống ghềnh                                       
Không lo cực nhọc.                                             

– Trước hết, đoạn trích là lời khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của “người đồng mình”: “Người đồng mình” sống trên quê hương dù nghèo đói, dù có khó khăn, gian khổ nhưng không “chê”, không lo “cực nhọc”…

– Đoạn trích còn là lời nhắn nhủ thiết tha, là lòng mong ước của người cha đối với đứa con. Mượn lời nói với con, nhà thơ gợi về cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người: Dù lớn lên có đi đâu xa thì con hãy nhớ về quê hương nguồn cội của mình

c) Kết bài

– Trong cả hai đoạn trích, người bà và người cha đều muốn nhen lên những phẩm chất tốt đẹp ở con cháu

– Người bà nhen nhóm trong lòng cháu lối sống giàu tình yêu thương.

– Người cha trực tiếp khuyên bảo con hãy hướng tới lối sống đẹp mà cha mong muốn.

– Trong hai đoạn trích, các tác giả đã viết theo thể thơ tự do với nhiều điệp từ, nhiều hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng. Nhờ vậy, nó có sức lay động lòng con, cháu, lay động lòng người đọc.

Đề thi vào lớp 10 năm 2014 – TP.HCM
Đánh giá bài viết