I. Yêu cầu

–  Đề bài đã xác định tính chất của đối tượn:: những người chở đò đưa thế hệ trẻ cập bến tương lai.

– Cảm xúc xoay quanh đặc điểm, vai trò công việc của người thầy với học trò.

II. Gợi ý

– Đề bài không giới hạn đối tượng biểu cảm nên có thể viết về thầy (cô) giáo nói chung.

– Có thể từ một người thầy (cô) cụ thể để liên tưởng đến nghề dạy học.

– Trước khi làm bài, cần nhớ lại những kỉ niệm về thầy (cô) giáo, những hiểu biết về nghề dạy học.

– Cần chuẩn bị hướng lập ý cho bài viết.

III. Lập dàn ý

A. MỞ BÀI

– Hoàn cảnh nảy sinh cảm xúc : có thể là cuộc gặp gỡ thầy (cô) giáo cũ,  từ đó nghĩ về những người thầy.

– Có thể là từ ngày 20 – 11 : không khí ngày hội gợi liên tưởng đến người thầy.

– Hoặc nhớ về một kỉ niệm,…

B. THÂN BÀI

1. Hồi tưởng kỉ niệm về thầy (cô) giáo

– Nhớ lại kỉ niệm về sự chăm sóc của thầy (cô) với học trò hoặc những giờ học ấn tượng.

– Cảm xúc chủ đạo ở phần này : thầy (cô) đã mang đến cho trò biết bao kiến thức. Thầy (cô) là người kiên trì trong việc giáo dục học sinh.

2. Suy nghĩ về hiện tại

– Thầy (cô) dạy hết lớp học sinh này đến lớp học sinh khác như chở những chuyến đò, khi cập bến, học trò đi đến nơi xa. Người chở đò – người thầy ở lại đón chuyến khác, buồn vui hướng theo sự trưởng thành của trò. Biết bao thế hệ học sinh trưởng thành.

– Công việc của những người thầy – suy nghĩ về nghề dạy học : nghề cao quý, có ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội về mặt tinh thần.

3. Hướng về tương lai

– Vai trò của người thầy là không thể thiếu.

– Mãi mãi nhớ hình ảnh thầy (cô): có thể liên tưởng từ hình ảnh dòng sông – con đò.

C. KẾT BÀI 

– Ngợi ca nghề dạy học.

IV. Bài minh họa – Cảm nghĩ về cô giáo chủ nhiệm

Đó là một ngày bình thường như bao ngày khác. Sau khi tiếng trống báo vào lớp vang lên, năm mươi ba tập vở và sách Ngữ văn được chúng tôi bày lên bàn. Những tiếng ồn ào huyên náo, bép xép chuyện trò chỉ tắt hẳn khi cô chủ nhiệm bước chân vào lớp : “Cả lớp lấy giấy ra làm bài một tiết !”. Năm mươi ba gương mặt ngơ ngác và cả phẫn nộ, chẳng đưa nào ngờ tới việc cô cho làm bài một tiết mà chẳng báo trước gì thế này ! “Nhưng cô ơi, mấy hôm trước cô kiếm tra rồi mà…”. “Cô ơi điểm em kém lắm, em lại chưa chuẩn bị gì cả…”. Bỏ ngoài tại tất cả, cô vẫn điềm nhiên đọc đề trong sự tức giận và cả lo sợ của học sinh.

Câu chuyện vừa rồi chỉ là một trong số hàng trăm tình huống chúng tôi gặp năm ngoái, hồi còn là lớp 6A2. Hồi ấy vừa chia tay với cô giáo cũ xong, chúng tôi chưa quen với phong cách của cô chủ nhiệm tới. Cách dạy Văn của cô thì đúng là độc nhất vô nhị. Phân Tiếng Việt thì luôn giải quyết gọn bài tập trên lớp, không bao giờ có bài về nhà làm. Phần Văn và Tập làm văn cũng không bao giờ có chuyện học thuộc làu làu sách giáo khoa rồi lên bảng đọc lại cả. Ban đầu đứa nào đứa ấy sướng âm ỉ. Đã thế Cô không lập vở ghi các khuyết điểm trong tuần và điểm thi đua trong tuần của mỗi đứa nữa chứ ! Bụng bảo dạ rằng sao Cô rộng rãi thế ! Nhưng sau vài tuần thì cả lớp kinh hoàng : Điểm văn thấp quá ! Cô không bắt học thuộc, nhưng lại cho kiểm tra mười lăm phút và một tiết liên miên, và toàn những đề trong sách không có. Thậm chí có tiết Toán thấy nghỉ ốm, cô vào mang theo một đề kiểm tra mới… Kể cả hôm nào có môn kiểm tra một tiết vẫn vậy. Lúc ấy sao mà em ghét Cô quá đi thôi !

Nhưng rồi dần dần điểm Ngữ văn tệ hại của lớp được nâng lên, chính nhờ cách rèn viết văn của cô đấy. Cách kiểm tra và lấy điểm của cô cũng rất phong phú : chuẩn bị bài soạn hoặc tác giả – tác phẩm tốt với phần Văn, hoặc cách làm bài đột xuất vài bài tập khó trong phần Tiếng Việt ra giấy… Cuối năm, nhìn vào tập đựng bài kiểm tra có tới hơn mấy chục bài kiểm tra Văn và Tiếng Việt mà em ngạc nhiên quá. Cứ như thế, cô đã từ từ giúp chúng em gỡ điểm, nâng điểm lên mà chúng em không để ý.

Cô đã đứng tuổi nên nghiêm nghị, nhưng không vì thế mà cô mất đi sự vui tươi và… hào phóng của mình. Cô tổ chức hai buổi đi chơi cho lớp 6A2 chúng em đều vui cả. Lần đầu là một chuyến đi viện bảo tàng và bể bơi Ngọc Khánh. Hầu hết lớp đồng ý đi chỉ vì chưa vào bảo tàng bao giờ ; còn lúc đó là mùa đông nên chẳng đứa nào muốn bơi cả. Không ngờ là khi đến mấy bảo tàng ngay trong Hà Nội chúng em thấy hay quá, rất nhiều cái đáng xem. Rồi đến khi ra bể bơi nước nóng, cả một lũ quỷ con lại chen nhau ra chỗ thuê đồ. Lúc đó em mới nhớ ra câu nói của cô trước đó ; khuyên lớp mang đồ bơi đi săn để tiết kiệm tiền. Đúng là “cá không ăn muối cá ươn” !

Chuyến đi thứ hai gây ấn tượng thật đặc biệt. Lớp được đi lên Thác Đa, Ba Vì ngắm cảnh núi cao, có bể bơi, có kỉ niệm leo núi, vắt cắn, ong đốt và có cả đốt lửa trại trong đêm. Cô đã hóm hỉnh đùa rằng : “Một ngày đổ máu !”. Trong giờ học, cô cũng có những câu nói đùa như thế làm giảm đi không khí nặng nề của một ngày học nào đó nhiều môn kiểm tra và không khí lớp nhờ thế sôi động hắn lên. Dĩ nhiên, cô luôn kèm theo những câu triết lí, câu thơ rất hay và sâu sắc, khiến đứa nào cũng thấy tâm đắc và thấm thía.

Một điều nữa rất thích là cô cực kì tâm lí. Hôm nào liên hoan văn nghệ hay chia tay, hoặc là học sinh mệt, khát nước dưới cái nắng hè oi bức cô có ngay cho lớp cả giỏ kem hoặc những bịch nước mát lạnh. Hay chỉ là khi bơi xong một thôi, mỗi đứa lên ô tô về trường mà tay còn cầm chiếc bánh mì nóng hối Cô vừa dúi cho. Cô thấu hiểu những chuyện linh tinh, lặt vặt khác của lứa tuổi chúng em nữa cơ chứ… Có lẽ từ trước tới giờ, em chưa gặp Cô giáo chủ nhiệm nào vui vẻ, hiếu chúng em như vậy!

Dĩ nhiên, bên cạnh đó, nhiều khi cô nghiêm đến mức làm chúng em phải sợ. Những chuyện lớp rề ra giải quyết không dứt khoát, vào tay cô đều hết sức nhanh gọn, suôn sẻ, mặc dù chúng em phải chịu ngồi nghe Cô mắng mỏ. Những gì cô nói đều hết sức tự nhiên, chân thành, không hoa mĩ cầu kì. Cô đưa ra những câu chuyện, những nhân vật,… để làm gương cho tất cả lớp khi có ai mắc khuyết điểm hay làm ảnh hưởng đến lớp. Em không nhớ được hết những gì cô nói, và có thể lớp cũng vậy, nhưng nhờ thế mà những vụ vi phạm ” kỉ luật cũng giảm hẳn. Hình như trong tâm trí đứa nào cũng không muốn làm

Cô phải phiền lòng và cáu giận nữa. Có lẽ cũng vì những lời động viên, khuyên nhủ và mắng mỏ như thế mà “mưa dầm thấm lâu”, chúng em mới đạt thành tích rực rỡ – mang về bốn mươi lăm giải học sinh giỏi quận ở các môn như năm học vừa qua.

Một năm trôi qua thật mau, và bây giờ lại sắp tới ngày 20 – 11 rồi. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, em hứa với cô :Sẽ cố gắng học thật giỏi và ngoan ngoãn như mong muốn của cả em và cô. Em cảm ơn cô vì đã đến với chúng em. Cảm ơn cô vì tất cả !

Đề: Cảm nghĩ về thầy cô giáo
Đánh giá bài viết