Người ta thường nói rồi thời gian sẽ lấy đi những gì mà ta yêu quý. Nhưng đối với tôi, thời gian sẽ mãi mãi không thể mang đi hình ảnh của bố – hình ảnh luôn lung linh trong trái tim tôi như ngọn nến không bao giờ tắt.

Tôi lại đứng một mình dưới gốc cây chờ bố đến đón. Bạn bè của tôi cũng đã về hết rồi, chẳng còn ai cả. Đây là lần thứ ba trong tuần bố đón tôi muộn. Tôi buồn thiu, ngồi ôm lấy cặp sách và chợt nhớ đến câu chuyện của một bạn nhỏ về bộ trong một cuốn sách mà tôi mới đọc.

Chuyện kể về một cô bé cũng đứng chờ bố đón như tôi, chờ mãi chẳng thấy và cuối cùng cô bé chẳng bao giờ được gặp lại bố nữa chỉ vì trên đường đi đón cô bé, ông bố đã gặp tai nạn. Câu chuyện thật cảm động. Và bất giác trong lòng tôi bỗng hiện lên một câu hỏi : “Giờ này bố đang ở đâu ?”

Từ bé đến lớn tôi vẫn quen được bố đón sau khi tan học. Bố tôi trông cũng chẳng khác những người đàn ông khác là mấy : áo khoác màu đen, quần cũ màu xám và cái mũ lưỡi trai màu tro. Thế mà, mỗi lần chỉ cần nghe tiếng còi xe bố “bíp, bíp” từ xa là tôi nhận ra ngay. “Bố mà đón con muộn thì bố sẽ phải cho con đi ăn kem.” – Tôi vừa nói vừa nhảy lên xe, bàn tay nhỏ lẹ làng đút vào túi áo bố. “Không hiểu sao túi áo của bố lại ấm thế nhỉ ?” – Tôi thầm nghĩ và cứ nghĩ mãi đến lúc không biết mình đã ngủ từ khi nào. Tôi đâu có biết một bàn tay to, thô ráp khẽ quàng sau lưng tôi và một giọng trầm ấm cất lên : “Ngôi cho chắc nhé cún con của bố !”.

Bố vẫn thường nói bố là bác tài xế vui tính luôn sẵn sàng chờ Cô chủ nhỏ, chẳng phải ai khác mà chính là tôi đây. Bác tài xế này chẳng đòi tiền công bao giờ. Thế mà có lúc tôi nói vui: “Bố cứ chờ nhé, sau này con sẽ trả hết tiền công cho bố.”. Lúc ấy “bác tài” chắng lắc đầu mà cũng chẳng gật đầu, chỉ cười thôi.

Sinh nhật lần thứ năm mươi của “bác tài xế vui tính” của tôi không có bánh ga-tô cũng chẳng có nhiều qua, chỉ có một bó hoa loa kèn bố thích mà ba mẹ con tôi đã góp công và cả tình cảm nữa để tặng. Lúc ăn cơmn xong, chỉ còn bố và tôi trong phòng ăn. Tôi cứ chạy loăng quăng : “Bố ra ăn hoa quả với mẹ và Anh nào !”. Bố xoa xoa đầu tôi và nói nhỏ như thì thầm: “Con gái bố đã lớn rồi đây nhỉ.”. Nhưng lúc tôi quay lại hỏi : “Gì ạ ?” thì bố lại chỉ nói : “Con ra ăn trước đi !”. Bất giác tôi nhìn lên mái đầu bố : những sợi tóc đen đang cố giấu những sợi trắng đi. Ừ, mà bố tôi đã năm mươi rồi còn gì. Tôi bỗng nhớ đến câu nói thơ ngây năm nào. Tôi nghẹn ngào, thấy thương bố quá. Tôi lớn thật rồi, bố cũng đã… Tôi đi ra trước để bố một mình trong phòng ăn. Tôi thấy mùi cay cay.

Tôi được gặp bố thường là trên những chuyến xe. Tôi chạy vào trường thoăn thoắt rồi lúc ra lại mệt mỏi, chỉ còn mình bộ là nhìn theo dáng tôi.

… Giữa lúc đó, tôi nghe tiếng xe đỗ bên cạnh. Bố ! Bố vẫn thế : áo khoác đen, quân xám còn mũ màu tro, “Bố xin lỗi, bố bị tắc đường !” – “Bố đón con muộn nhé, đã vậy con sẽ chẳng bao giờ trả tiền công cho bố nữa !”. Bố chỉ cười. Tôi trèo lên xe, tay đút vào túi áo bố. Túi bố vẫn ấm như mọi ngày. Tôi ngả đầu vào lưng bố sao ấm và mềm mại đến thế. Tôi mơ màng thì thấy một bàn tay to, thô ráp quang sau lưng tôi. “Ngủ ngon nhé Công chúa nhỏ của bố”. Tôi nghe bố hát. Giọng hát trầm trầm, khe khẽ như không muốn làm tôi thức giấc. Bố ơi, còn có bao nhiêu ngày bố đèo con đi học trên con đường này ! Còn có bao nhiêu ngày tóc đen trên đầu bố không che nổi những sợi bạc ! Nhưng, con biết, con sẽ mãi là “Công chúa nhỏ” trong lòng bố !

Đề: Cảm nghĩ về một người thân trong gia đình – Cảm nghĩ về bố
Đánh giá bài viết