HƯỚNG DẪN

I. GIỚI THIỆU 

1. Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) quê ở Hà Tĩnh, là người có tài năng và nhiệt huyết trên nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội. Ông là một con người luôn hành động, hăm hở lập công, hết sức đề cao chí nam nhi theo tinh thần của Nho giáo và cũng là một con người có cá tính mạnh mẽ, sống rất phóng khoáng, tự do, vượt ra ngoài khuôn khổ đạo đức phong kiến trên cơ sở ý thức sâu sắc về tài năng và phẩm hạnh của bản thân. (Đó là phong cách tài tử của một lớp nhà nho tài ba, có chí lớn nhưng không gặp thời). Song cuộc đời của ông lại đầy những thăng giáng bất thường.

2. Bài ca ngất ngưởng được Nguyễn Công Trứ sáng tác sau năm 1848, là một trong những bài thơ cuối cùng của ông.

– Bài thơ viết theo thể hát nói biến thể (dôi khổ). (Hát nói là một thể thơ thuần tuý Việt Nam, nảy sinh từ sớm nhưng thịnh hành vào thế kỉ XVIII – XIX. Đây là lời thơ viết ra để hát trong ca quán nhưng có giá trị văn học cao, được tiếp nhận như thơ. lát nói là thể loại tổng hợp nhiều thể như lục bát, ngũ ngôn, câu đối,… và lời thơ mang ngữ điệu nói với giọng điệu buông thả, tự do, có nhiều hư từ, phép sóng đôi, nhiều câu thơ có 15, 17 chữ. Thể hát nói thích hợp với tư tưởng, tình cảm tự do, phóng túng, không chịu gò bó như thơ Đường luật).

– Qua Bài ca ngất ngưởng, Nguyễn Công Trứ đã ghi lại những sự kiện trong cuộc đời mình một cách sinh động, độc đáo. Và bao trùm lên cả bài thơ là một nhân cách Nguyễn Công Trứ, một lối sống Nguyễn Công Trứ đối lập, khác biệt với quan niệm chính thống của xã hội thời bấy giờ. 

II. PHÂN TÍCH 

1. Một dấu hiệu nghệ thuật nổi bật có ý nghĩa bao trùm vừa tạo ấn tượng mạnh vừa như cội nguồn để cảm hứng của nhà thơ tuôn chảy, đó là từ ngất ngưởng. Kể cả tiêu đề tác giả đã sử dụng tới 5 lần từ ngất ngưởng. Ngất ngưởng thoát thai từ hai từ Hán Việt: Ngất là cao chót vót; ngưởng là ngẩng mặt lên. Ngất ngưởng vẫn giữ nét nghĩa chung chỉ độ cao cheo leo, không vững, dễ rơi, dễ đổ. Nhưng nó còn chỉ một dáng vẻ không bình thường. Đây là một từ láy tượng hình. Từ ngất ngưởng được dùng trong bài thơ đã tạc về một thái độ nhân sinh, một phản ứng xã hội. Nó không chỉ là một từ tượng hình mà đã thành biểu tượng tính cách của một con người. Đây là cách Nguyễn Công Trứ thể hiện bản lĩnh cá nhân trong cuộc sống.

2. Nguyễn Công Trứ biết rằng việc làm quan là gò bó, mất tự do (vào lồng) nhưng vẫn ra làm quan. Câu thơ đầu tiên của bài thơ đã giúp ta hiểu rõ vấn đề này. Nguyễn Công Trứ viết: “Vũ trụ nội mạc phi phận sự”. Câu thơ có tính chất tuyên ngôn thể hiện một triết lí sống mạnh mẽ mà tác giả đã từng theo đuổi: Triết lí dấn thân. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của kẻ sĩ trong cuộc đời.

3. Trong bài hát nói này, Nguyễn Công Trứ đã thuật lại sự nghiệp đời mình trong lồng vũ trụ:

Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
[…] Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.                    

Điệp từ khi, có khi đi kèm với tước vị cụ thể Thủ khoa, Tham tán,… tái hiện một quãng thời gian dài liên tục nhằm khẳng định tài năng, nhân cách của chính mình. (Cần hiểu rằng Nguyễn Công Trứ đã liệt kê những chức vụ và danh vị quan trọng nhất, tiêu biểu nhất của mình ở cả khoa trường lẫn quan trường để chứng minh cho việc ông đã vào lồng. Tuy vậy, dù sống trong vòng cương tỏa của chính quyền phong kiến, ông vẫn bộc lộ sự hết mình cho công việc, vẫn xứng đáng là một vị quan thanh liêm, chính trực, có nhân cách, được thừa nhận là tay ngất ngưởng.)

Bằng những câu thơ có độ dài ngắn khác nhau, với cách sử dụng điệp từ khi, có khi… và việc sử dụng một hệ thống từ Hán Việt, sáu dòng thơ đầu của bài thơ đã thể hiện cảm hứng tự hào, tự khẳng định nhân cách, bản lĩnh của một con người tài năng văn võ kiện toàn hiếm có. Ngay cả khi còn đang làm quan trong vòng cương toả, con người ấy đã là một tay ngất ngưởng khác đời.

Đến khi về hưu quan, Nguyễn Công Trứ sống tự do, ngao du ngất ngưởng thật. Cụm từ ông ngất ngưởng ở phần này có thể hiểu theo nghĩa đen và cả nghĩa bóng:

+ Nghĩa đen: Dáng ông cao, gầy, trông ngất ngưởng khi đi. Thứ nữa là ông lại ngồi trên lưng bò cái vàng đeo đạc ngựa.

+ Nghĩa bóng: Thể hiện một phong cách sống lạ đời, ngạo nghễ như muốn thách thức xã hội nhằm khẳng định một bản lĩnh, một phong cách sống của một người luôn ý thức được công việc của mình.

Lối sống ngất ngưởng của ông biểu hiện ở các chi tiết cụ thể sau:

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.                 
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì…             
[…] Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,           
Không Phật, không Tiên, không vướng tục… 

Như vậy, ông đã tự hoạ bức chân dung trào lộng của mình một cách cụ thể, chi tiết. Đó là một Uy Viễn tướng công lừng danh ngao du, ngạo nghễ tự hào được sống theo ý thích của mình. Điều này khẳng định phẩm chất cao đẹp và bản lĩnh cứng cỏi của nhà thơ trước số phận chìm nổi và thế thái nhân tình.

Bài thơ lắng đọng một triết lí sống: lạc quan, tự tin, tự chủ, bình tĩnh trước mọi biến thái trong cuộc đời nhưng rất mực trung thành, hết lòng vì nước vì dân.

Cụ thể:

 – Bỏ lại đằng sau mọi sự được mất: Được mất dương dương người thái thượng.

 – Gác ngoài tai mọi sự khen chê: Khen chê phơi phới ngọn đông phong. 

– Sống trọn đạo vua tôi: Nghĩa của tôi cho vẹn đạo sơ chung.

ĐỀ 97: Phân tích bài thơ Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ.
Đánh giá bài viết