Câu 1: (3 điểm)

Viết một văn bản nghị luận (khoảng một trang giấy thi) nói lên tình cảm và suy nghĩ của anh (chị) về một tấm gương “người tốt, việc tốt” mà anh (chị) được chứng kiến hoặc được xem trên báo, trên ti vi,…

Câu 2: (2 điểm)

Đọc những câu thơ sau và trả lời câu hỏi:

“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều dài chú
Lác đác bên sông chỉ mấy nhà.”

(Trích Qua đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan)

a) Có những biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong đoạn thơ?

b) Tác dụng của những biện pháp nghệ thuật đó?

Câu 3: (5 điểm)

Vẻ đẹp của người mẹ Tà-ôi trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: (3 điểm)

Khi làm bài tập này, các em cần chú ý một số điểm sau đây:

a) Em phải hiểu thế nào là “người tốt, việc tốt” ?

– Người tốt là người sống nhân hậu, tốt bụng,… luôn sẵn sàng làm những việc tốt để giúp đỡ người khác trong khả năng của mình, làm những việc có lợi cho cộng đồng…

– Việc tốt là những việc đem lại lợi ích tốt đẹp cho mọi người… 

b) Em biết về tấm gương sáng “người tốt, việc tốt” đó nhờ đâu? Có thể:

– Em được chứng kiến trực tiếp.

– Em được xem trên ti vi.

– Em đọc báo mà biết.

– Em xem trên mạng,…

c) Người tốt đó là ai? Ở đâu? Việc tốt đó là việc gì?

Em phải ghi cụ thể, rõ ràng, chính xác về tên tuổi, địa chỉ của người tốt đó. Việc tốt đó là gì?

Người tốt đó biểu hiện cụ thể qua lời nói và hành động như thế nào? Kết quả ra sao?

d) Tình cảm và suy nghĩ của em về tấm gương sáng đó?

– Em có cảm phục, quý trọng người có việc làm tốt đó không?

– Em học được bài học gì đáng quý từ tấm gương người tốt, việc tốt đó?

– Em sẽ có những việc làm như thế nào sau khi học được những bài học quý từ tấm gương người tốt?

Câu 2: (2 điểm)

a) Những biện pháp nghệ thuật được thể hiện trong đoạn thơ:

– Điệp từ: “chen”.

– Từ láy: “lom khom”, “lác đác”

– Đảo ngữ: “lom khom dưới núi”, “lác đác bên sông”

b) Tác dụng của những biện pháp nghệ thuật đó?

– Điệp từ “chen” có tác dụng thể hiện sự hoà hợp của thiên nhiên trong buổi chiều tà.

– Từ láy “lom khom” có tác dụng gợi tả tư thế của vài chú tiều. Từ láy “lác đác” gợi lên sự ít ỏi và thưa thớt.

– Thông thường thì hai câu thơ sẽ được sắp xếp: “Vài chú tiều lom khom dưới núi”, “Chợ mấy nhà lác đác bên sông”. Tác giả đã đảo lại: “Lom khom dưới núi tiều vài chú”, “Lác đác bên sông chỉ mấy nhà”. Biện pháp đảo ngữ nhằm nhấn mạnh dáng vẻ lom khom của các chú tiều, nhấn mạnh sự thưa thớt của những mái nhà bên sông.

=> Tất cả nói lên vẻ đẹp của thiên nhiên ở Đèo Ngang vào lúc chiều tà và tâm trạng đượm buồn của nhà thơ.

Câu 3: (5 điểm)

1. Đặt vấn đề

– Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác năm 1971, khi đang công tác ở chiến khu miền tây Thừa Thiên.

– Qua Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện tình yêu con gắn với lòng yêu nước, với tinh thần chiến đấu của người mẹ miền tây Thừa Thiên.

– Người mẹ Tà-ôi trong bài thơ hiện lên với vẻ đẹp chân thực, giản dị, giàu tình yêu thương và giàu đức hi sinh,… Vẻ đẹp của người mẹ Tà-ôi cũng chính là vẻ đẹp của những người mẹ miền tây Thừa Thiên nói riêng, người mẹ Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

2. Giải quyết vấn đề

a) Người mẹ Tà-ôi đẹp trong lao động

Trước hết mẹ là người cần cù, siêng năng, chịu thương chịu khó.

Hình ảnh người mẹ được gắn với hoàn cảnh, công việc cụ thể qua từng đoạn thơ.

– Ở đoạn một, người mẹ hiện lên trong công việc lao động: “Mẹ giã gạo”. Giã gạo là một công việc rất nặng nhọc. Sự nặng nhọc, vất vả được thể hiện qua các chi tiết, hình ảnh:

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối.

Tuy gầy yếu nhưng mẹ vẫn hăng say lao động.

– Ở đoạn hai, người mẹ Tà-ôi cũng xuất hiện trong khung cảnh lao động:

“Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lai
Lưng núi thì to mà lưng mẹ thì nhỏ”.

Bằng nghệ thuật đối lập “Lưng núi thì to mà lưng mẹ thì nhỏ”, tác giả đã miêu tả được sự vất vả và gian khổ trong lao động sản xuất làm ra lương thực của người mẹ Tà-ôi. Người mẹ gầy yếu lao động giữa rừng núi mênh mông, heo hút. Giữa khung cảnh như thế nhưng hình ảnh người mẹ hiện lên vẫn rất sáng, rất đẹp.

– Ở đoạn ba, người mẹ Tà-ôi cũng đang lao động: “Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng”. Dù ở đâu, vào thời gian nào ta vẫn gặp người mẹ luôn bận rộn với công việc,

Người mẹ hiện lên thật đẹp trong khung cảnh lao động. Đó chính là nét đẹp trong phẩm chất của những người mẹ. Vẻ đẹp ấy được kết tinh từ vẻ đẹp bao đời nay của người phụ nữ Việt Nam. 

b) Người mẹ Tà-ôi đẹp trong tình yêu thương (yêu con, yêu buôn làng, yêu bộ đội, yêu đất nước)

– Mẹ yêu con thắm thiết

+ Ở đâu, lúc nào, người mẹ cũng địu con trên lưng. Mẹ vừa địu con vừa làm rẫy. Mẹ địu con khi giã gạo. Mẹ địu con khi “chuyển lán, đạp rừng”. Mẹ con không xa rời nhau. Mẹ coi mặt trời của thiên nhiên là mặt trời của bắp. Còn con là mặt trời của mẹ:

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.

Hình ảnh mặt trời ở câu thơ sau đã được chuyển nghĩa, được tượng trưng hoá. Con là Mặt Trời của mẹ. Con là nguồn hạnh phúc ấm áp vừa gần gũi thiêng liêng của đời mẹ. Chính con đã góp phần sưởi ấm lòng tin yêu, ý chí của mẹ trong cuộc sống. Mặt Trời con cứ trẻ trung, rực rỡ mãi trên thế gian này. Điều đó khẳng định tình cảm của mẹ đối với con rất thắm thiết, sâu nặng.

+ Yêu con thắm thiết, người mẹ đã gửi trọn niềm mong mỏi vào giấc mơ của con. Mẹ mong con mình ngủ ngoan và có những giấc mơ đẹp: “Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần”, “Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều”, “Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ”. Đó là giấc mơ tình thương, giấc mơ về ấm no hạnh phúc, giấc mơ về thống nhất đất nước.

– Người mẹ Tà-ôi rất thương bộ đội, thương buôn làng

+ Ở đoạn 1 tình thương con của người mẹ gắn với tình thương bộ đội: “Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội”. Mẹ lao động vất vả làm ra hạt gạo không phải chỉ để nuôi một mình con. Tình thương yêu của mẹ đã vượt ra khỏi phạm vi gia đình. Mẹ thương các anh bộ đội vất vả chiến đấu ngày đêm vì buôn làng, vì quê hương đất nước nên mẹ để dành những hạt gạo trắng ngần mẹ nuôi bộ đội. Tấm lòng của người mẹ dành cho bộ đội thật cao quý và đáng trân trọng.

+ Ở đoạn 2, tình thương con của mẹ gắn với tình thương buôn làng, quê hương nghèo khó: “Mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói”. Vì vậy, mẹ ước mong con chóng lớn khôn lớn để trở thành chàng trai cường tráng, mạnh mẽ trong lao động sản xuất. 

– Người mẹ Tà-ôi là người mẹ rất yêu đất nước:

Mẹ thương a-kay, mẹ thương đất nước
Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ
Mai sau con lớn làm người Tự do…. 

Ở đoạn 3, tình thương con của mẹ gắn với tình yêu đất nước đang anh dũng kháng chiến. Bởi vậy, mẹ mong con trở thành người lính chiến đấu vì nền độc lập tự do thiêng liêng, mong ước con được làm người dân của đất nước hoà bình.

c) Người mẹ Tà-ôi đẹp bởi giàu đức hi sinh

– Yêu con, mẹ lao động quên mình vì con. Yêu con, mẹ mong con lớn khôn từng ngày, con trở thành người có ích cho quê hương, đất nước.

– Yêu thương buôn làng “Mẹ thương làng đói” nên mẹ lao động ngày đêm, mẹ mong con lớn khôn, khoẻ mạnh để làm ra hạt gạo.

3. Kết thúc vấn đề

– Hình ảnh người mẹ Tà-ôi hiện lên trong tác phẩm thật đẹp. Mẹ yêu con tha thiết. Mẹ yêu buôn làng, yêu các anh bộ đội. Cao hơn nữa, mẹ rất yêu đất nước, yêu hoà bình. Mẹ mong nước nhà nhanh chóng thống nhất để con mẹ được làm “người tự do”.

– Giọng điệu thơ thiết tha, ngọt ngào thể hiện được tình cảm của người mẹ đối với con, với các anh bộ đội, với buôn làng và với quê hương đất nước.

– Nguyễn Khoa Điềm đã khắc hoạ được hình ảnh người mẹ bằng thơ. Tác giả không chỉ yêu thương, kính trọng mà nhà thơ còn gửi tới những người mẹ lòng biết ơn sâu sắc của một người chiến sĩ đã từng được bao người mẹ đùm bọc, cưu mang trong những ngày gian khó.

ĐỀ 40 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết