Câu 1: (3 điểm)

Viết một văn bản nghị luận (khoảng một trang giấy thi) nói lên suy nghĩ của anh (chị) về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay.

Câu 2: (2 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

Trời xuân chỉ hơi lạnh một chút vừa đủ để giữ một vệt sương mỏng như chiếc khăn voan cắt hờ hững trên sườn đồi. Rừng hôm nay như một ngày hội của màu xanh, màu xanh với nhiều sắc độ đậm nhạt, dày mỏng khác nhau. Những mầm cây bụ bẫm còn đang ở màu nâu hồng chưa có đủ chất diệp lục để chuyển sang màu xanh. Những lá cời non mới thoáng một chút xanh vừa ra khỏi màu nâu vàng. Những lá sưa mỏng tang và xanh rờn như một thứ lụa xanh màu ngọc thạch với những chùm hoa nhỏ li ti và trắng như những hạt mưa bay. Những chiếc lá ngoũ non to như cái quạt lọc ánh sáng xanh mờ mờ. Tất cả những sắc xanh non tơ ấy in trên nền xanh sẫm đậm đặc của những tán lá già của những cây quéo, cây oải, cây dâu da, cây đa, cây chùm bao…

Ngô Quân Miện

a) Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nào trong đoạn văn trên? Cụ thể ở những câu văn nào?

b) Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó.

Câu 3: (5 điểm)

Nỗi lòng sâu xa, bền chặt, chân thành của ông Hai với quê hương, đất nước, với cách mạng và kháng chiến trong tác phẩm Làng của nhà văn Kim Lân.

GỢI Ý LÀM BÀI Câu 1: (3 điểm)

Bài làm cần có những ý chính sau:

a) Phải giải thích được vô cảm là gì? (Vô cảm là dửng dưng, thờ ơ trước nỗi đau của người khác, bàng quan trước những sự việc xảy ra xung quanh, chỉ nghĩ đến bản thân, sống ích kỉ. Đây là một thứ bệnh cần chữa trị kịp thời).

b) Những biểu hiện của bệnh vô cảm”. “Bệnh vô cảm” được biểu hiện dưới nhiều hình thức đa dạng. Những người có vị trí khác nhau có những biểu hiện khác nhau.

– Đối với những người có trọng trách trước cộng đồng:

+ Không quan tâm đến công việc của người dân

+ Một số người có quyền lực lại dựa vào quyền lực để ức hiếp nhân dân.

+ Một số người có địa vị nhưng năng lực lại yếu kém đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình, dẫn đến biết bao người dân phải chịu cảnh oan trái.

– Đối với mỗi cá nhân:

+ Không sẵn lòng giúp đỡ những người gặp khó khăn, hoạn nạn trong khi mình cũng đủ điều kiện để giúp đỡ.

+ Có thái độ rẻ rúng, coi khinh những mảnh đời bất hạnh.

c) Tác hại của “bệnh vô cảm”

– Những người có địa vị trong xã hội mà mắc “bệnh vô cảm” sẽ không thấu hiểu được tâm tư nguyện vọng của người dân. Lấy ví dụ cụ thể.

– Những người thuộc những ngành nghề khác nhau nếu mắc “bệnh vô cảm” sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Lấy ví dụ cụ thể.

– Người mắc “bệnh vô cảm” không được mọi người tin yêu, kính trọng. 

d) Làm thế nào để chữa bệnh vô cảm”?

– Mỗi cá nhân phải là một thành viên có trách nhiệm đối với những vấn đề chung của cộng đồng.

– Phải biết phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông “Lá lành đùm lá rách”.

– Cần quan tâm, chia sẻ với những người bất hạnh theo khả năng của mình.

Câu 2: (2 điểm)

a) Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh trong đoạn văn trên. Cụ thể :

Câu 1: Trời xuân chỉ hơi lạnh một chút vừa đủ để giữ một vệt sương mỏng như chiếc khăn voan cắt hờ hững trên sườn đồi.

Câu 2: Rừng hôm nay như một ngày hội của màu xanh, màu xanh với nhiều sắc độ đậm nhạt, dày mỏng khác nhau.

Câu 5: Những lá sưa mỏng tang và xanh rờn như một thứ lụa xanh màu ngọc thạch với những chùm hoa nhỏ li ti và trắng như những hạt mưa bay.

Câu 6: Những chiếc lá ngoũ non to như cái quạt lọc ánh sáng xanh mờ mờ.

b) Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó.

– Biện pháp so sánh giúp người đọc hình dung sự vật được miêu tả thêm cụ thể, đẹp đẽ và sinh động.

– Giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp tinh khiết và sức sống mạnh mẽ của cánh rừng mùa xuân và thêm yêu rừng, quý rừng.

Câu 3: (5 điểm)

1) Đặt vấn đề

– Kim Lân là nhà văn có sở trường về truyện ngắn.

– Ông gắn bó và am hiểu sâu sắc về con người và cuộc sống ở nông thôn. Kim Lân hầu như chỉ viết về sinh hoạt làng quê và cảnh ngộ của người

– Truyện ngắn Làng được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948.

– Nhân vật chính trong truyện là ông Hai. Qua nhân vật này, chúng ta thấu hiểu được nỗi lòng sâu xa, bền chặt, chân thành của ông Hai với quê hương, đất nước, với cách mạng và kháng chiến, sẽ thấy được tình yêu quê hương, đất nước, sự giác ngộ của những người nông dân hiền lành chất phác trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

2) Giải quyết vấn đề

a) Nỗi lòng sâu xa, bền chặt, chân thành của ông Hai với quê hương, đất nước, với cách mạng và kháng chiến trước hết thể hiện ở thái độ của ông Hai khi nghe tin làng ông theo giặc, làm việt gian.

+ Khi nghe tin đột ngột ấy, ông Hai quá sững sờ: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rần rần. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu, ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ”.

+ “Ông gầm mặt xuống mà đi”

+ “Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường”.

+ Ông thấy tủi nhục, nước mắt ông giàn ra.

+ Suốt mấy ngày, ông không dám đi đâu. Ông chỉ quanh quẩn ở nhà, nghe ngóng binh tình bên ngoài. “Một đám đông xúm lại, ông cũng để ý dăm bảy tiếng cười nói xa xa, ông cũng chột dạ. Lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng như người ta đang để ý, người ta đang bàn tán đến chuyện ấy”, “Thoáng nghe những tiếng Tây, việt gian, cam nhông, là ông lủi ra một góc nhà, nín thít. Thôi lại chuyện ấy rồi!”.

b) Nỗi lòng sâu xa, bền chặt, chân thành của ông Hai… được thể hiện qua việc ông lựa chọn theo cách riêng của mình khi nghe tin đồn làng mình theo giặc.

“Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Ở đây ta thấy tình yêu nước đã rộng lớn hơn, bao trùm lên tình cảm với làng quê. Nhưng dù đã xác định như thế, ông vẫn không thể dứt bỏ được tình cảm với làng quê.

– Ông tâm sự với thằng con út. Đây là một đoạn văn diễn tả rất cảm động tâm trạng của ông Hai. Trong tâm trạng bị dồn nén và bế tắc, ông chỉ còn biết trút nỗi lòng của mình vào những lời thủ thỉ tâm sự với đứa con nhỏ còn rất ngây thơ. Những câu ông hỏi con rồi những câu ông tự trả lời đã giúp ta hiểu được nỗi lòng của một người nông dân yêu làng, yêu nước. Ông muốn đứa con nhỏ ghi nhớ “Nhà ta ở làng chợ Dầu”.

– Tấm lòng thuỷ chung với kháng chiến, với cách mạng, với Cụ Hồ ở ông thật đáng trân trọng: “Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông”. Tình cảm ấy rất sâu nặng, rất thiêng liêng và bền chặt: “Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai”.

c) Nỗi lòng sâu xa, bền chặt, chân thành của ông Hai… được thể hiện qua tâm trạng, thái độ và hành động của ông Hai khi ông chủ tịch của làng lên cải chính tin đồn làng ông làm Việt gian.

+ “Cái mặt buồn thỉu mọi ngày, bỗng tươi vui rạng rỡ hẳn lên” 

+ Ông chạy hết nhà này đến nhà khác để báo tin vui: làng ông không theo giặc, không làm Việt gian: “Ông chủ tịch làng em vừa lên cải chính cái tin làng Chợ Dầu chúng em Việt gian ấy mà. Ra láo! Láo hết, chẳng có gì sất. Toàn là sai sự mục đích cả”.

+ Ông kể lại hôm Tây vào khủng bố, dân quân, tự trong làng bố trí, cầm cự ra sao bằng giọng hào hứng cứ như ông là người đã trực tiếp có mặt làng để tham gia chống Tây vậy.

3) Kết thúc vấn đề

– Truyện Làng của Kim Lân đã thể hiện chân thực và sinh động một tình cảm bền chặt mà sâu sắc tình yêu làng quê thống nhất với lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến qua tâm trạng của nhân vật ông Hai – một người nông dân phải rời làng đi tản cư.

– Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc và tinh tế. Ngôn ngữ nhân vật giàu tính khẩu ngữ và thể hiện cá tính của từng nhân vật. Cách trần thuật của tác giả linh hoạt tự nhiên…

– Tình yêu làng phải đặt trong tình yêu nước, thống nhất với tinh thần kháng chiến khi đất nước đang bị xâm lược và cả dân tộc đang tiến hành cuộc kháng chiến.

– Ông Hai tiêu biểu cho những người nông dân Việt Nam. Những phẩm chất tốt đẹp của ông như cần cù lao động, yêu làng yêu nước cũng chính là những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

ĐỀ 41 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết