Một cái tên ngồ ngộ và một tính cách nhí nhảnh, hồn nhiên là ấn tượng đậm nét của nhà thơ khi gặp chú bé này. Dường như Tố Hữu không cần phải dụng công chọn lọc, sắp xếp, trau chuốt câu chữ. Tố Hữu để cho cái đẹp tự nó nhảy múa, ca hát trong những câu thơ của mình (điều mà những người non tay không bao giờ dám làm vì rất dễ sa vào sao chép, minh họa lộ liễu). Tố Hữu luôn nắm bắt được cái hồn của sự vật và khi làm thơ, điều quan tâm nhất là thể hiện cho được cái hồn, cái thần thái của sự vật ấy. Bởi thế nên các hình ảnh trong thơ ông luôn đầy sức sống, gợi cảm và không hề có dấu ấn kĩ thuật. Các câu thơ miêu tả chú bé Lượm sau đây có thể coi là một trong những câu thơ hay nhất viết về thiếu nhi Việt Nam:

Cháu đi liên lạc

Vui lắm chú à

Ở đồn Mang Cá

Thích hơn ở nhà!

Giọng điệu, suy nghĩ của chú cũng hồn nhiên không kém gì điệu bộ, hình ảnh bề ngoài. Quá đỗi ngây thơ, trong sáng, những lời chú nói có thể khiến cho những trái tim nhạy cảm phải nhói đau. Chú đã coi việc đánh giặc (vốn là việc nguy hiểm) là một trò chơi con trẻ!

Cả đoạn thơ dài gồm toàn những câu thơ bốn chữ theo nhịp ngắn (2/2) không hề có một dòng bộc lộ cảm xúc của tác giả, chỉ có hình ảnh chú bé Lượm đang chạy nhảy, đang líu lo trò chuyện trước mắt người đọc. Nhà thơ giống như một nghệ sĩ quay phim, người xem không thấy được ông trên khuôn hình nhưng ông đang hết sức chăm chú nhìn ngắm nhân vật ngộ nghĩnh của mình.

Thôi chào đồng chí!

Chia tay, tác giả gọi Lượm bằng “đồng chí” thật trang nghiêm. Lượm đã đi xa những tiếng cười, giọng nói trẻ thơ vẫn vang lên trong tâm trí tác giả. Nhưng chắc ông cũng không thể ngờ rằng, câu chào trang nghiêm ấy ít lâu sau lại thành sự thật. Khi nghe tin nhà, ông đã bật lên những tiếng kêu đau xót:

Ra thế…

Lượm ơi!…

Câu thơ bốn chữ bị cắt làm đôi. Trong nỗi đau khôn xiết, câu thơ bật lên như một tiếng nấc. Nhà thơ gọi chú bé bằng tên thật, và chỉ có tên thật mới diễn tả hết được nỗi đau trong ông lúc này. Lượm ơi!…, “chú bé loắt choắt” (cách gọi thân thương của mọi người), đứa cháu thân yêu đã hi sinh!

Một hôm nào đó

Như bao hôm nào

Chú đồng chí nhỏ

Bỏ thư vào bao

Hôm chia tay, ông chào trịnh trọng và thân mật: “Thôi chào đồng chí”, giờ đây khi tái hiện lại hoàn cảnh hi sinh của Lượm, ông cũng gọi chú theo cách ấy: “Chú đồng chí nhỏ”. Lượm không còn là một chú bé ngây thơ, tinh nghịch, không còn là đứa cháu hồn nhiên, nhí nhảnh ngày nào nữa, Lượm thực sự trở thành đồng chí, đồng đội của ông, đã hi sinh trong khi đang làm nhiệm vụ.

Dù chỉ là một chú bé nhưng khi được giao nhiệm vụ quan trọng (Thư đề “Thượng khẩn”), Lượm thật gan dạ, quả cảm. Hình ảnh chú “Vụt qua mặt trận – Đạn bay vèo vèo” như mũi tên bay bất chấp mọi nguy hiểm thật đẹp nhưng không khỏi gợi lên những tình cảm xót thương.

Khi một dân tộc lâm vào hoàn cảnh chiến tranh, những đứa trẻ cũng phải mang theo cả tuổi thơ của mình ra mặt trận. Và đây phải chăng chính là hình ảnh khiến nhà thơ liên tưởng chú như con chim chích, nhảy trên đường vàng:

Đường quê vắng vẻ

Lúa trổ đòng đòng

Ca lô chú bé

Nhấp nhô trên đồng

“Con chim chích” đang ở ngay trong cái thế giới kì thú bao la của nó. Đó là thế giới quen thuộc, nơi tuổi thơ ngày ngày chăn trâu, cắt cỏ, thả diều, đưa tiếng sáo véo von lên những tầng mây cao, những giấc mơ tuổi thơ bay bổng vào bầu trời cao rộng. Phải tha thiết gắn bó với làng quê, yêu những con sống, những cánh đồng biết mấy, nhà thơ mới có thể gọi cánh đồng lúa là “con đường vàng và hình dung cảnh chú bé đi trên cánh đồng ấy “Như con chim chích – Nhảy trên đường vàng”. Vừa mới “Vượt qua mặt trận – Đạn bay vèo vèo”, hình ảnh chú bé đi trên cánh đồng lúa như làm nguội đi nỗi đau chiến tranh, đưa bạn đọc trở về với giấc mơ lãng mạn của tuổi thơ. Nhưng:

Bỗng lòe chớp đỏ

Thôi rồi, Lượm ơi!

Một tiếng kêu thương xé ruột. Giấc mơ tan biến. Tiếng sáo vụt tắt và cánh diều đứt dây chập chờn rơi xuống. Quân thù tàn ác và chiến tranh nghiệt ngã đã giết chết tuổi thơ, xé toạc bức tranh đẹp nhất của làng quê Việt Nam. Nhà thơ – chiến sĩ như lặng đi hình dung cháu bé, người đồng chí nhỏ ngã xuống giữa cánh đồng quê hương. Không cần miêu tả – mà làm sao có thể miêu tả được cảnh Lượm hi sinh như thế nào – chỉ một hình ảnh “Chú đồng chí nhỏ – Một dòng máu tươi” đã tràn ngập nỗi bàng hoàng! Trong bài thơ Viếng bạn, nhà thơ Hoàng Lộc khóc:

Hôm qua còn theo anh

Đi ra đường quốc lộ

Hôm nay đã chặt cành

Đắp cho người dưới mộ

Khóc như thế là đau đớn lắm, càng đau đớn hơn bởi người đồng đội ngã xuống mới chỉ là một chú bé còn rất hồn nhiên, thơ ngây, tung tăng chạy nhảy như con chim chích, thích cùng các chú bộ đội, thích tham gia kháng chiến hơn ở nhà. Hai tiếng “Lượm ơi” lại được nhắc lại trong tiếng nấc nghẹn ngào.

Cháu nằm trên lúa

Tay nắm chặt bông

Lúa thơm mùi sữa

Hồn bay giữa đồng

Chú bé ngã xuống mà tay vẫn “nắm chặt bông”. Con chim chích bông, thiên thần bé nhỏ đã yên nghỉ trên cánh đồng quê hương đang “thơm mùi sữa”. Hương thơm lúa non thanh khiết bao phủ quanh em hay hồn em lẫn vào hương lúa thơm ngào ngạt, em đã hóa thân vào quê hương xứ sở, vào thiên nhiên đất nước.

Lượm ơi, còn không?

Nhà thơ như tận mắt chứng kiến cảnh Lượm ngã xuống nhưng ông vẫn không thể tin rằng chú bé ấy đã hi sinh. Chú chích bông xinh xinh vẫn đang nhảy nhót trên cành với đôi chân thoăn thoắt và cái đầu nghênh nghênh. Lượm vẫn sống mãi trong lòng quê hương, trong tình yêu thương của tác giả và trong lòng bạn đọc, em vẫn đang đi tung tăng trên con đường vàng, con đường của tuổi thơ yêu dấu và của quê hương thân thuộc ngàn đời.

Thể thơ bốn chữ được dùng rất nhuần nhuyễn để kể chuyện, bộc lộ tâm tình. Với việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật chọn lọc: chi tiết tiêu biểu, dùng từ láy, thay đổi cách xưng hô, so sánh chính xác, câu hỏi tu từ điệp khúc,… đã góp phần tạo nên thành công đặc sắc của bài thơ.

Đề 23: Cảm nhận văn bản Lượm (Tố Hữu)
Đánh giá bài viết