Câu 1: Thế nào là nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ? Yêu cầu cần thiết khi làm một bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

Câu 2: Giới thiệu một vài nét về tác giả Lưu Quang Vũ, về xuất xứ đoạn trích Tôi và chúng ta.

Câu 3: Hãy cho biết mỗi từ ngữ in đậm trong đoạn trích sau thể hiện phép liên kết nào?

Từ phòng bên kia một cô bé rất xinh mặc chiếc áo may ô con trai và vẫn còn cầm thu thu một đoạn dây sau lưng chạy sang. Cô bé bên nhà hàng xóm đã quen với công việc này. Nó lễ phép hỏi Nhĩ: “Bác cần nằm xuống phải không ạ?”

(Nguyễn Minh Châu, Bến quê)

Câu 4: Vẻ đẹp của những cô thanh niên xung phong trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: Thế nào là nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ?…

a) Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là trình bày nhận xét, đánh giá của mình về nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ ấy.

b) Yêu cầu:

– Nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ được thể hiện qua ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu,… Bài nghị luận cần phân tích các yếu tố ấy để có những nhận xét, đánh giá cụ thể, chính xác. 

– Bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần có bố cục mạch lạc, rõ ràng, có lời văn gợi cảm, thể hiện rung động chân thành của người viết.

Câu 2: Giới thiệu một vài nét về tác giả Lưu Quang Vũ, về xuất xứ đoạn trích Tôi và chúng ta.

a) Tác giả

– Lưu Quang Vũ (1948 – 1988).

– Ông sinh ở huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ, quê gốc ở Quảng Nam. – Ông là bộ đội thời kháng chiến chống Mĩ.

– Ông bắt đầu sáng tác thơ khoảng giữa những năm 60 của thế kỉ XX.

– Đầu năm 1980, ông chuyển sang lĩnh vực sân khấu. Chưa đầy 10 năm, ông đã sáng tác được gần 50 vở kịch. Hầu hết các vở kịch này đã được dàn dựng.

– Năm 2000, Lưu Quang Vũ được Nhà nước truy tặng Gỉai thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

b) Xuất xứ đoạn trích

Vở kịch Tôi và chúng ta gồm tất cả 9 cảnh. Đoạn trích thuộc cảnh ba của vở kịch. Cảnh này diễn ra cuộc xung đột trực tiếp đầu tiên giữa phái khát khao đổi mới và phái bảo thủ khi họ công khai bộc lộ quan điểm.

Câu 3: Mỗi từ ngữ in đậm trong đoạn trích thể hiện phép liên kết:

+ cô bé – cô bé: thuộc phép lặp

+ cô bé – nó: thuộc phép thế

Câu 4: Vẻ đẹp của những cô thanh niên xung phong trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.

1. Đặt vấn đề

– Lê Minh Khuê là một cây viết nữ chuyên về truyện ngắn. Trong những năm chiến tranh, truyện của Lê Minh Khuê viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn.

– Truyện Những ngôi sao xa xôi là một trong số những tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê, viết năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra rất ác liệt.

– Nhân vật chính trong câu chuyện là ba nữ thanh niên xung phong thuộc tổ trinh sát mặt đường trên cao điểm. Qua ngòi bút miêu tả chân thực của tác giả, ta thấy được những cô gái thanh niên xung phong hiện lên là những người có tâm hồn trong sáng, nhiều mơ mộng, dũng cảm và lạc quan yêu đời.

2. Giải quyết vấn đề

a) Hoàn cảnh sống và chiến đấu của những cô gái thanh niên xung phong

– Họ ở trên một cao điểm, giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, tức là nơi tập trung nhất bom đạn và sự nguy hiểm, ác liệt. Không những thế, công việc của họ càng nguy hiểm. Họ phải chạy lên cao điểm giữa ban ngày, phơi mình ra giữa vùng trọng điểm bắn phá của máy bay địch. Nhiệm vụ của họ là “Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phả bom”. “Thần chết là một tay không thích đùa. Hắn ta lẩn trong ruột những quả bom”. Công việc của họ luôn kề cận bên cái chết. “Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần, thần kinh căng như chão. Tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng xung quanh có những quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể nổ chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ”. Vậy mà đó lại là những công việc hàng ngày của ba cô gái. Quả thực, hoàn cảnh sống và chiến đấu của ba cô gái trên tuyến đường Trường Sơn quá khắc nghiệt, quá nguy hiểm. Phải là người đã trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, Lê Minh Khuê mới có được những trang miêu tả về hoàn cảnh sống của ba cô gái chân thực đến như vậy.

b) Những phẩm chất tốt đẹp của các cô gái thanh niên xung phong

– Những nét đẹp chung của các cô gái thanh niên xung phong:

+ Dễ xúc cảm, nhiều mơ ước và hay mơ mộng. Họ cũng thích làm đẹp cuộc sống của mình, ngay cả trong hoàn cảnh chiến trường ác liệt. Nho thích thêu thùa. Chị Thao chăm chép bài hát và “áo lót của chị cái nào cũng thêu chỉ màu”. Phương Định thích ngắm mình trong gương, thường ngồi bó gối mơ mộng và hát hoặc “nghe ca nhạc từ cái đài bán dẫn nhỏ mà lúc nào cũng có pin đầy đủ”.

+ Họ là những người có tình đồng đội gắn bó. Khi chị Thao và Nho lên cao điểm chưa về, lòng Phương Định thấy lo cho đồng đội: “có gì lí thú nữa đâu khi các bạn tôi không quay về?”. Khi đang lo cho đồng đội, có chuông điện thoại réo, Phương Định đã “nói như gắt vào máy”. Khi Nho bị thương, chị Thao “nghẹn ngào, không nước mắt”, “Chị luẩn quẩn bên ngoài”. Còn Phương Định thì “rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than”, “pha sữa cho Nho uống”. Cũng giống như hai người đồng đội của mình, Phương Định yêu mến những người đồng đội trong tổ và cả đơn vị của mình. Đặc biệt, cô dành tình yêu và niềm cảm phục cho tất cả những người chiến sĩ mà hằng đêm cô gặp trên trọng điểm của con đường vào mặt trận. Có thể nói, giữa nơi cái sống kề cận cái chết, sự yêu thương, đùm bọc nhau giữa những cô gái thanh niên xung phong thật không gì sánh nổi. Chính tình đồng đội sâu nặng đã giúp cho những con người giản dị, bình thường vượt lên đạn bom của kẻ thù.

+ Họ là những người có tinh thần trách nhiệm với công việc, có tính kỉ luật cao, có lòng dũng cảm, không sợ hi sinh.

Trong số ba cô gái, chị Thao là người nhiều tuổi nhất. Chị từng trải và ít nhiều có kinh nghiệm. Chị có những dự tính về tương lai có vẻ thiết thực nhưng chị cũng mang trong mình những khát khao rung động của tuổi trẻ. Chị không biết hát. Giọng chị “chua và không hát trôi chảy một bài nào” nhưng chị lại rất thích chép bài hát, lỗi là chị ngồi chép bài hát. Nhưng trong công việc, chị là người rất cương quyết và táo bạo, ai cũng gờm. Chị rất bình tĩnh trước hiểm nguy. Nhân vật Định đã nhận xét về chị: “Chị Thao móc bánh bích quy trong túi, thong thả nhai. Những khi biết rằng cái sắp tới sẽ không êm ả thì chị tỏ ra bình tĩnh đến phát bực”, “Trong công việc, ai cũng gờm chị: cương quyết, táo bạo”.

Nho là người trẻ trung và rất dễ thương. Nho có dáng người nhỏ nhắn và tươi tắn. Chính Phương Định đã nói về Nho: “Cái cổ tròn và những chiếc cúc áo nhỏ nhắn… Trông nó nhẹ, mát mẻ như một que kem”. Sở thích của Nho cũng rất hồn nhiên pha chút trẻ con. Nho rất thích ăn kẹo dù kẹo dính đầy cát hoặc đã chảy nước. Người con gái nhỏ nhắn và dễ thương ấy lại là người rất dũng cảm, can đảm khi đối mặt với bom đạn của kẻ thù. Ngay cả khi bị thương, Nho vẫn không nghĩ đến bản thân mình mà nghĩ đến công việc của đơn vị. Nho là người con gái trẻ mà thật bản lĩnh.

Phương Định là nhân vật chính trong câu chuyện. Phương Định là cô gái để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Ngay khi giới thiệu về ngoại hình của Phương Định, ta cũng thấy được nét đẹp của một cô gái Hà Nội. Phương Định “có hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”. Đôi mắt của Phương Đình được các anh lái xe bảo là “có cái nhìn sao mà xa xăm”. Giữa nơi đạn bom ác liệt, Phương Định vẫn giữ được vẻ hồn nhiên, yêu đời, giàu cá tính. Phương Định hay suy nghĩ về công việc. Công việc phá bom thật nguy hiểm. Cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào. Đã có lúc, chị cảm thấy căng thẳng. Nhưng điều đáng nói là chị đã vượt lên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ. Không những vậy, Phương Định còn rất dũng cảm. Có ngày cô phải phá tới năm quả bom nhưng chỉ cần nghĩ đến việc “các anh cao xạ” ở trên kia đang dõi theo từng cử chỉ động tác của mình thì cô “không đi khom” “mà cứ đàng hoàng bước tới”… Nhân vật Định với những phẩm chất tốt đẹp đã làm rung động tâm hồn người đọc. Chiến tranh đã đi xa nhưng hình ảnh những người thanh niên xung phong như chị Thao, Nho và Phương Định sẽ mãi mãi lưu giữ trong lòng độc giả.

– Những nét đẹp riêng của từng cô gái thanh niên xung phong:

+ Nho thích thêu thùa, tâm hồn nhạy cảm, thích ăn kẹo dù kẹo có dính cát hay đã chảy nước.

+ Chị Thao từng trải, dũng cảm trong mọi tình huống, nhưng lại sợ máu.

+ Phương Định là cô gái Hà Nội, tình nguyện đi thanh niên xung phong. Phương Định rất hay hát. Sở thích này cô đã có từ ngày nhỏ. Cô ngồi trên cửa sổ của căn phòng bé nhỏ “hát say sưa”. Bây giờ, nơi cái sống kề cận cái chết, cô càng hay hát. Cô hát những làn điệu dân ca ngọt ngào của vùng quê quan họ, những bài dân ca Ý và cả những bài hành khúc,… Phương Định hiện lên trong tác phẩm còn là cô gái nhạy cảm, sống hồn nhiên, rất mơ mộng và hay sống với những kỉ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư về gia đình và thành phố của mình. Hình bóng mẹ, cái cửa sổ, những ngôi sao to trên bầu trời thành phố, chiếc xe chở đầy thùng kem trên con đường nhựa ban đêm,… Tất cả những điều đó “xoáy mạnh như sóng” trong lòng cô gái. Tác giả chú ý miêu tả nét rất riêng của cô gái Hà Nội này là có rất quan tâm đến hình thức của mình, thích ngắm mình trong gương, hay bịa lời hát. “Khi bọn con gái xúm nhau lại với một anh bộ đội nói giỏi nào đó thì “Phương Định” đứng ra xa, khoanh tay lại trước ngực và nhìn đi nơi khác, tôi mím chặt”.

Như vậy, bên cạnh những nét đẹp chung, mỗi cô gái lại được tác giả khắc hoạ bởi những nét đẹp rất riêng. Chính vì vậy, mỗi cô gái hiện lên đều để lại ấn tượng riêng trong lòng độc giả bởi cá tính của mình.

3. Kết thúc vấn đề

– Tác giả rất thành công khi miêu tả những cô gái thanh niên xung phong. Có được thành công đó bởi tác giả có sự quan sát tinh tế, có sự miêu tả chân thực về vẻ đẹp chung của những cô gái và vẻ đẹp riêng của mỗi người.

– Ngôn ngữ trần thuật phù hợp với nhân vật kể chuyện, tạo cho tác phẩm có giọng điệu và ngôn ngữ tự nhiên, gần với khẩu ngữ, trẻ trung và có chất nữ tính. Khi miêu tả cảnh chiến trường, tác giả dùng những câu ngắn gọn, nhịp nhanh, tạo không khí khẩn trương. Ở những đoạn nói về hồi tưởng của nhân vật, nhịp kể chậm lại, gợi nhớ những kỉ niệm của tuổi niên thiếu hồn nhiên, vô tư và không khí thanh bình trước chiến tranh.

– Vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi cũng chính là vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ .

ĐỀ 39 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết