I. Quy trình làm bài văn biểu cảm 

Bài văn biểu cảm cũng được làm theo quy trình chung của một bài tập làm văn, gồm bốn bước : tìm hiểu đề và tìm ý, lập dàn ý, tạo lập văn bản (viết bài và sửa bài). Muốn viết được bài văn biểu cảm thành công thì phải tìm hiểu đề và tìm được các ý cho đề bài đó. Sau khi tìm được ý (theo cách lập ý thường gặp dưới đây) là lập dàn bài và viết bài. Trong khi viết có thể bổ sung, thêm bớt ý cho dàn bài hoàn chỉnh. Bước cuối cùng là sửa lại bài viết, nhất là sửa các lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp.

II. Cách lập ý cho bài văn biểu cảm

1. Đối với bài văn biểu cảm về sự vật, con người, có thể sử dụng những cách lập ý sau đây :

– Liên hệ hiện tại với tương lai

Đây là cách phát triển ý. Chính tương lai sẽ đem đến một sự biến đổi nào đó với đối tượng, và sự biến đổi đó sẽ làm tăng thêm tình cảm, làm tăng thêm ấn tượng của người viết. Nhà văn Thép Mới đã sử dụng điều này khi viết về Cây tre Việt Nam (Ngày mai, trên đất nước này, sắt thép có thể nhiều hơn tre nứa). Nhà thơ Viễn Phương cũng đã liên hệ tới ngày mai: Mai về miền Nam thương trào nước mắt (Viếng lăng Bác).

– Hồi tưởng quá khứ và suy nghĩ về hiện tại

Đây cũng là một cách để người viết bộc lộ tình cảm, cảm xúc của mình. Quá khứ bao giờ cũng lưu lại dấu ấn trong kí ức mỗi người. Nhớ về quá khứ là để đối sánh với hiện tại, làm tăng thêm ấn tượng, tình cảm với hiện tại và cũng có thể đối với chính quá khứ. Nhà văn Vũ Bằng đã hồi tưởng lại mùa xuân Hà Nội, mùa xuân Bắc Việt để thêm thương mến thốt lên: “Đẹp quá đi, mùa xuân ơi” (Mùa xuân của tôi). Nhà thơ Xuân Quỳnh hồi tưởng lại tuổi thơ với tiếng gà trưa và kỉ niệm về bà để cắt nghĩa mục đích cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ của chúng ta.

– Tưởng tượng, mong ước, hứa hẹn 

Để lập ý, người viết có thể phát huy trí tưởng tượng của mình, hình dung ra những cảnh tượng, thể hiện mong ước, tình cảm của mình. Có thể hình dung khi mình đã lớn, đã rời xa nơi ở, đã đảm nhận một công việc,… Có thể mong muốn một hoàn cảnh mới, một cuộc sống mới,… tất cả những gì có thể xảy ra, với mơ ước của mình. Cậu bé En-ri-cô hình dung khi mình đã lớn để khẳng định rằng cậu mãi mãi không thể quên được cô giáo yêu quý với những kỉ niệm sâu sắc về cô (Những tấm lòng cao cả). Nhà văn Nguyễn Tuân tưởng tượng cảnh vật ở mũi Cà Mau và mong ước khi đất nước thống nhất sẽ đi máy bay trực thăng tốc hành thẳng từ mũi Cà Mau ra Lũng Cú để bày tỏ khát vọng thống nhất đất nước (Mõm Lũng Cú tột Bắc).

– Quan sát, suy ngẫm

Người viết bao giờ cũng phải tập trung để quan sát đối tượng biểu cảm của mình. Viết về người thân thì phải quan sát dáng người, vẻ mặt, nụ cười. Viết về sự vật thì quan sát đặc điểm nổi bật của sự vật. Viết về tác phẩm văn học thì phải đọc đi đọc lại tác phẩm để hiểu, có ấn tượng, cảm xúc, suy nghĩ về tác phẩm.

Nhà văn Tô Hoài đã quan sát người u của mình để suy ngẫm về cuộc sống thảng thốt: “U tôi già đi từ bao giờ ? U tôi già đi lúc nào ?” (Cỏ dại). Nhà thơ Viễn Phương đã quan sát hàng tre bên lăng Bác để dùng hình ảnh “Hàng tre xanh xanh Việt Nam – Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng” tượng trưng cho những người con quê hương về sắp hàng canh cho giấc ngủ của Người.

2. Đối với bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học

Vẫn áp dụng cách lập ý chung như đã trình bày ở trên, có chú ý đến đặc trưng của tác phẩm. Cụ thể là, với tác phẩm văn xuôi, cần chú ý vào các nhân vật, chi tiết. Liên tưởng, so sánh với các nhân vật và chi tiết trong tác phẩm của các tác giả khác. Khi lập ý cho bài biểu cảm về một tác phẩm thơ, cần nhấn mạnh cảm xúc do bài thơ gợi ra. Chú ý vào các câu thơ, đoạn thơ, hình ảnh thơ, các nét nổi bật về nhịp điệu, tiết tấu,…

Biểu cảm về tác phẩm văn học mặc dù mang nhiều yếu tố cảm nhận chủ quan của người viết, song vẫn phải đảm bảo phù hợp với quy luật khách quan. Những cảm xúc, đánh giá riêng, dù độc đáo đến đâu cũng phải căn cứ vào nội dung tác phẩm, các chi tiết có trong tác phẩm thì mới có ý nghĩa, mới có sức thuyết phục.

Cách làm bài văn biểu cảm
Đánh giá bài viết