Câu 1: Tìm biện pháp liên kết có trong đoạn trích dưới đây:

Học vẫn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng của học vấn. Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại. Mỗi loại học vấn đến giai đoạn hôm nay đều là thành quả của toàn nhân loại nhờ biết phân công, tích luỹ ngày đêm mà có. Các thành quả đó sở dĩ không bị vùi lấp đi, đều là do sách vở ghi chép mà lưu truyền lại. Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại.

Chu Quang Tiềm

Câu 2: Chỉ rõ từng điệp ngữ trong đoạn văn sau và nêu tác dụng của nó:

Thoắt cái, lác đác lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái, trắng long lanh một cơn mưa tuyết trên những cành đào, lê, mận. Thoắt cái, gió xuân hây hây nồng nàn với những bông hoa lay ơn màu đen nhung hiếm quý.

Nguyễn Phan Hách

Câu 3: Giới thiệu một vài nét về nhà thơ Thanh Hải, về hoàn cảnh sáng tác, chủ đề bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.

Câu 4: Phân tích bài thơ Con cò của Chế Lan Viên.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: Biện pháp liên kết có trong đoạn trích là: phép lập từ ngữ, phép nối, phép thế. Cụ thể:

– Phép lặp từ ngữ: từ “học vấn” ở câu trước được lặp lại ở câu sau.

– Phép nối: “bởi vì” biểu thị quan hệ với câu đứng trước.

– Phép thế: “Các thành quả đó” thế cho “mỗi loại học vấn”

Câu 2: – Điệp ngữ trong đoạn văn: “Thoắt cái”

– Tác dụng: nhấn mạnh và làm nổi bật ý thời gian trôi nhanh như thoi đưa.

Câu 3: Giới thiệu một vài nét về nhà thơ Thanh Hải, về xuất xứ, chủ đề bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.

a) Một vài nét về nhà thơ Thanh Hải

– Thanh Hải (1930 – 1980), tên khai sinh là Phạm Bá Ngoãn, quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

– Ông hoạt động văn nghệ từ cuối những năm kháng chiến chống Pháp.

– Trong thời kì chống Mỹ cứu nước, ông ở quê hương hoạt động và là một trong những cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạng miền Nam từ những ngày đầu.

– Sáng tác thơ của ông: Những đồng chí trung kiên, Huế mùa xuân, Dấu Uống Trường Sơn, Mô anh hoa nở, Cháu nhớ Bác Hồ, Mùa xuân nho nhỏ,…

b) Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được sáng tác vào tháng 11 – 1980, khi nhà thơ đang nằm trên giường bệnh, một tháng trước lúc qua đời.

c) Chủ đề: Bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ là được cống hiến cho đất nước, góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc. 

Câu 4: Phân tích bài thơ Con cò của Chế Lan Viên.

1. Đặt vấn đề

– Chế Lan Viên là nhà thơ xuất sắc của nền thơ hiện đại Việt Nam. Ông có những đóng góp quan trọng cho thơ ca dân tộc ở thế kỉ XX. Thơ Chế Lan Viên có phong cách nghệ thuật rõ nét và độc đáo. Đó là phong cách suy tưởng, triết lí, đậm chất trí tuệ và tính hiện đại.

– Con cò là bài thơ thể hiện khá rõ nét của phong cách nghệ thuật Chế Lan Viên. Bài thơ được sáng tác năm 1962, in trong tập Hoa ngày thường – Chim báo bão của ông.

– Phân tích bài thơ, ta sẽ thấy được ý nghĩa của hình tượng con cò, thấy được tấm lòng của người mẹ và thấy được tấm lòng cũng như những suy nghĩ của nhà thơ.

2. Giải quyết vấn đề

a) Hình tượng con cò” trong bài thơ

Bài thơ được chia làm ba đoạn. Bố cục này được dẫn dắt theo sự phát triển của hình tượng trung tâm và xuyên suốt cả bài thơ – hình tượng con có trong mối quan hệ với cuộc đời con người, từ thơ bé đến trưởng thành và suốt cả đời người.

* Ở khổ thơ thứ nhất, hình ảnh con cò được hiện lên qua lời hát ru bắt đầu đến với tuổi thơ. Ở đây ta bắt gặp hình ảnh con cò trong thiên nhiên và hình ảnh con cò – đứa con thơ của mẹ.

– Hình ảnh con cò trong thiên nhiên hiện lên trong lời ru:

+ Hình ảnh con cò bay lượn trên bầu trời yên ả. Hình ảnh con có được gợi ra trực tiếp từ những câu ca dao dùng làm lời hát ru “Con cò bay la, Con cò bay lả, Con cò cổng phủ, Con cò Đồng Đăng” được lấy chất liệu từ những câu ca dao mượt mà đằm thắm: “Con cò bay lả bay la, Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”, “Con cò bay lả bay la, Bay từ cửa phủ bay về Đồng Đăng”. Tác giả chỉ lấy lại vài chữ trong mỗi câu ca dao nhưng cũng đủ gợi giúp ta nhớ lại những câu ca dao bà ta, mẹ ta đã từng hát ru cháu, ru con. Cụm từ “bay lả bay la” gợi tả không gian và khung cảnh quen thuộc của cuộc sống thời xưa. Hình ảnh con có hiện lên trong những câu thơ này gợi lên vẻ nhịp nhàng, thong thả, bình yên của cuộc sống vốn ít biến động thưở xưa ở làng quê Việt Nam.

+ Hình ảnh con cò lặn lội kiếm ăn. Nhà thơ Chế Lan Viên tiếp tục dùng hình ảnh con cò để làm chất liệu cho lời thơ của mình, nhưng lại là hình ảnh con cò lặn lội kiếm ăn: “Con cò ăn đêm, Con cò xa tổ, Cò gặp cành mềm, Cò sợ xáo măng”

– Ở khổ thơ thứ hai, lời ru cũng thấm đẫm tình thương con của mẹ. Hình ảnh con cò ở đoạn 2 đã gợi ý nghĩa biểu tượng về lòng mẹ, về sự dìu dắt, nâng đỡ ngọt ngào và bền bỉ của người mẹ. Cánh cò trắng theo con suốt cuộc đời chính là biểu tượng cho lòng mẹ theo con từ ấu thơ và mãi mãi suốt cuộc đời con.

– Ở khổ thơ thứ ba: Hình ảnh con có được nhấn mạnh ở ý nghĩa biểu tượng cho tấm lòng người mẹ, lúc nào cũng ở bên con. Với điệp ngữ “dù ở”, tác giả khẳng định một điều rằng mẹ mãi “tìm con” và mẹ “mãi yêu con”. Từ sự thấu hiểu tấm lòng người mẹ, nhà thơ đã khái quát một quy luật của tình cảm có ý nghĩa bền vững, rộng lớn và sâu sắc:

Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.

Từ “dù”, “vẫn” có tác dụng khẳng định rằng con có lớn, có trưởng thành đến đâu thì con vẫn là “con của mẹ”. Tình thương yêu của mẹ, tấm lòng của mẹ vẫn theo con suốt cuộc đời. Trong suốt hành trình cuộc đời con, mẹ mãi là điểm tựa tinh thần vững chắc. Chính mẹ đã truyền cho con hơi ấm của tình yêu thương và mạch nguồn dân tộc để con thêm sức mạnh trên bước đường con đi.

3. Kết thúc vấn đề

– Bài thơ Con cò mang ý nghĩa thật sâu xa: tình mẫu tử bao la, sâu nặng và những ước mơ về đứa con thơ của người mẹ nhân hậu Việt Nam.

– Một trong những yếu tố làm nên thành công của bài thơ chính là nghệ thuật. Trước hết tác giả đã sử dụng thể thơ tự do. Thể thơ này cho tác giả thể hiện cảm xúc một cách linh hoạt. Vân cũng là yếu tố âm hưởng để tạo lời ru. Tuy không sử dụng thể thơ lục bát quen thuộc nhưng bài thơ vẫn gợi được âm hưởng lời hát ru. Giọng điệu của bài thơ còn là giọng suy ngẫm, có cả triết lí. Đọc bài thơ, ta hướng tâm trí nhiều hơn vào sự suy ngẫm, phát hiện.

– Tác giả đã lấy chất liệu từ dòng văn học dân gian để sáng tạo nên hình ảnh con cò. Hình ảnh trong ca dao chỉ là nơi xuất phát, là điểm tựa cho những liên tưởng, tưởng tượng, sáng tạo mở rộng của tác giả.

ĐỀ 31 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết