Câu 1: Phân tích giá trị biểu hiện của các từ láy và biện pháp tu từ dùng trong khổ thơ sau:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.
(Bằng Việt, Bếp lửa)

Câu 2: Tìm câu đặc biệt trong đoạn trích sau:

Chợt ông lão lặng hẳn đi, chân tay nhũn ra, tưởng chừng như không cất lên được… Có tiếng nói léo xéo ở gian trên. Tiếng mụ chủ…Mụ nói cái gì vậy? Mụ nói cái gì mà lào xào thế? Trống ngực ông lão đập thình thành.

(Kim Lân, Làng)

Câu 3: Phân tích khổ thơ sau:

Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói tăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
– Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?…
(Bằng Việt, Bếp lửa)

Câu 4: Phân tích và nêu cảm nhận của em về bài Tiếng nói của văn nghệ của nhà văn Nguyễn Đình Thi.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1:

– Giá trị biểu hiện của các từ: “chờn vờn” biểu hiện vẻ đẹp của bếp lửa được nhóm lên trong sương sớm, gần gũi, quen thuộc trong mỗi gia đình từ bao đời. Từ ấp iu gợi đến bàn tay kiên nhẫn, khéo léo và tấm lòng chăm chút của người bà nhóm lửa, lại rất chính xác với công việc nhóm bếp cụ thể.

– Biện pháp điệp ngữ “Một bếp lửa” dùng trong khổ thơ có tác dụng nhấn mạnh về hình ảnh bếp lửa. Hình ảnh này khơi nguồn cho những hồi tưởng về người bà của nhân vật trữ tình.

Câu 2: Câu đặc biệt trong đoạn trích là:

– Có tiếng nói léo xéo ở gian trên.

– Tiếng mụ chủ…

Câu 3:

Bài thơ Bếp lửa được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học trường luật ở nước ngoài. Bài thơ được đưa vào tập Hương cây – Bếp lửa (1968), tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ. .

Qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, bài thơ Bếp lửa gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước.

Khổ cuối của bài thơ diễn tả tâm trạng và tình cảm của tác giả đối với bà, với bếp lửa khi tác giả đã trưởng thành. Đứa cháu năm xưa đã lớn khôn, được chắp cánh bay xa, được làm quen với khung cảnh rộng lớn, những niềm vui rộng mở ở chân trời xa: “Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu, Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả” nhưng vẫn không thể quên được tấm lòng của bà, sự ấp iu của bà. Điệp từ “trăm” chỉ số nhiều chứng tỏ tác giả đã chứng kiến bao điều mới lạ của cuộc sống hiện đại khi theo học ở nước ngoài. Cụm từ “nhưng vẫn chẳng” có ý nghĩa khẳng định về tấm lòng, về tình cảm của tác giả đối với bà, với bếp lửa, với quê hương, đất nước. Hình ảnh của người bà, của bếp lửa lúc nào cũng hiện lên trong tâm trí của nhà thơ. Ngọn lửa ấy đã thành kỉ niệm ấm lòng, thành niềm tin thiêng liêng, kì diệu nâng bước người cháu trên suốt chặng đường dài. Người cháu yêu bà, nhờ hiểu bà mà thêm hiểu dân tộc mình, nhân dân mình. Từ trong sâu thẳm tâm hồn mình, tác giả luôn nhắc nhở “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?…”

Chỉ một khổ thơ mà tác giả Bằng Việt đã giúp bao người con đất Việt đang học tập trên nước bạn xa xôi nói lên được tình cảm nhớ thương da diết của mình đối với những người thân yêu nơi quê nhà, với quê hương, đất nước.

Câu 4:

1. Đặt vấn đề

– Nguyễn Đình Thi là một trong những tác giả bước vào con đường sáng tác, hoạt động văn nghệ từ trước Cách mạng tháng Tám. Không chỉ sáng tác thơ, văn, kịch, nhạc, ông còn là cây bút lí luận phê bình xuất sắc.

– Tiếng nói của văn nghệ được ông viết năm 1948 – thời kì đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

– Tiếng nói của văn nghệ có nội dung lí luận sâu sắc được thể hiện qua những rung cảm chân thành của một trái tim nghệ sĩ. Phân tích bài viết, chúng ta sẽ thấy được nội dung của văn nghệ và sự đóng góp kì diệu của nó đối với đời sống của con người.

2. Giải quyết vấn đề

a) Phân tích

* Ý nghĩa của nhan đề Tiếng nói của văn nghệ: Nhan đề này vừa có tính khái quát lí luận, vừa gợi sự gần gũi, thân mật. Nó bao hàm được cả nội dung lẫn cách thức, giọng điệu nói của văn nghệ.

* Nội dung phản ánh, thể hiện của văn nghệ:

– Tác giả chỉ rõ: Tác phẩm văn nghệ phản ánh hiện thực. Văn nghệ lấy chất liệu từ cuộc sống khách quan nhưng không phải là sự sao chép giản đơn, “chụp ảnh” nguyên xi thực tại ấy. Khi sáng tác một tác phẩm, nghệ sĩ gửi vào đó một cách nhìn, một lời nhắn nhủ của riêng mình. Nội dung của tác phẩm văn nghệ không chỉ là câu chuyện, là con người như ở ngoài đời mà quan trọng hơn là tấm lòng của nghệ sĩ gửi gắm trong đó. Ví dụ hai câu thơ Nguyễn Du viết về cảnh mùa xuân chẳng hạn. Hình ảnh “cỏ non” và “cành lê trắng” đã làm cho chúng ta “rung động với cảnh thiên nhiên mỗi mùa xuân lại như tái sinh, tươi trẻ mãi và cảm thấy trong lòng ta có những sự sống tươi trẻ luôn luôn tái sinh ấy”.

– Tác phẩm văn nghệ không phải là những bài thuyết lí khô khan mà nó chứa đựng tất cả những say sưa, vui buồn, yêu ghét, mơ mộng của nghệ sĩ. Nó mang đến cho chúng ta bao rung động, bao ngỡ ngàng trước những điều tưởng chừng rất quen thuộc.

– Nội dung của văn nghệ còn là rung cảm và nhận thức của từng người tiếp nhận. Nó sẽ được mở rộng, phát huy vô tận qua từng thế hệ người đọc, người xem.

– Tác giả khẳng định: Nội dung của văn nghệ khác với nội dung của các bộ môn khoa học khác như dân tộc học, xã hội học, lịch sử, địa lí,…. Bởi vì, văn nghệ tập trung khám phá, thể hiện chiều sâu tính cách, số phận của con người. Nội dung của văn nghệ là hiện thực mang tính cụ thể, sinh động, là đời sống tình cảm của con người qua cái nhìn và tình cảm có tính cá nhân của nghệ sĩ. Ý kiến này của tác giả là hoàn toàn xác đáng, giúp ta thấy rõ được sức mạnh của văn nghệ trong việc tác động đến tâm hồn của mỗi người.

* Tác giả lí giải vì sao con người lại cần đến tiếng nói của văn nghệ:

– Văn nghệ giúp chúng ta được sống đầy đủ hơn, phong phú hơn với cuộc đời và với chính mình: “Mỗi tác phẩm lớn như rọi vào bên trong mỗi chúng ta một ánh sáng riêng không bao giờ nhoà đi, ánh sáng ấy bây giờ biến thành của ta, và chiểu toả lên mọi việc chúng ta sống, mọi con người ta gặp, làm cho thay đổi hẳn”.

– Trong những trường hợp con người bị ngăn cách với cuộc sống, tiếng nói của văn nghệ là sợi dây buộc chặt họ với đời thường bên ngoài, với tất cả những sự sống, hoạt động, những vui buồn, gần gũi.

– Văn nghệ giúp cho những cuộc đời vui lên, biết rung cảm và ước mơ trong cuộc đời còn lắm vất vả, cực nhọc. Những câu ca dao, những đoạn chèo đã làm cho tâm hồn những người lao động nghèo khổ “được sống”.

* Chức năng kì diệu của văn nghệ:

– Nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm. Tác phẩm văn nghệ chứa đựng tình yêu ghét, niềm vui buồn của chúng ta trong đời sống sinh động thường ngày. Tác phẩm văn nghệ lay động cảm xúc, đi vào nhận thức của chúng ta qua con đường tình cảm.

– Văn nghệ giúp mọi người tự nhận thức mình, tự xây dựng mình. Văn nghệ thực hiện các chức năng của nó một cách tự nhiên, có hiệu quả lâu bền, sâu sắc.

b) Cảm nhận về cách viết văn nghị luận của Nguyễn Đình Thi

– Bố cục của bài viết rất chặt chẽ. Hệ thống luận điểm sắp xếp hợp lí, cách dẫn dắt rất tự nhiên.

– Cách viết giàu hình ảnh, có nhiều dẫn chứng về thơ văn, về đời sống thực tế, khẳng định thuyết phục các ý kiến, nhận định, để tăng thêm sức hấp dẫn cho tác phẩm. Giọng văn toát lên lòng chân thành, đặc biệt dâng cao ở phần cuối.

3. Kết thúc vấn đề

– Tiếng nói của văn nghệ của Nguyễn Đình Thi là một bài viết có tác động lớn đến các văn nghệ sĩ khi nó ra đời.

– Cho đến hôm nay, bài viết của ông không còn xa lạ với mọi người bởi tính đúng đắn và cách viết tài hoa của ông. Bài viết có lí lẽ, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể sinh động, đầy sức thuyết phục.

ĐỀ 30 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết