Câu 1: Tìm thành phần phụ chú trong đoạn trích sau và cho biết chúng bổ sung điều gì.

Bước vào thế kỉ mới, muốn “sánh vai với các cường quốc năm châu” thì chúng ta phải lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu. Muốn vậy thì khâu đầu tiên, có ý nghĩa quyết định là hãy làm cho lớp trẻ – những người chủ thực sự của đất nước trong thế kỉ tới – nhận ra điều đó, quen dần với những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất.

(Vũ Khoan, Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới)

Câu 2: Viết đoạn văn bình khổ thơ 2 trong bài Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương.

Câu 3: Giới thiệu về tác giả Hữu Thỉnh, về hoàn cảnh sáng tác, chủ đề bài thơ Sang thu.

Câu 4: Hãy phát biểu cảm nghĩ sau khi đọc bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới của Vũ Khoan.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1:

– Thành phần phụ chú trong đoạn trích: những người chủ thực sự của đất nước trong thế kỉ mới.

– Chúng giải thích cho cụm danh từ: lớp trẻ

Câu 2: Viết đoạn văn bình khổ thơ 2 trong bài Viếng lăng Bác.

Năm 1976, nhà thơ Viễn Phương ra thăm miền Bắc và vào lăng viếng Bác. Xúc động trước linh cữu Bác, trước vẻ đẹp uy nghi của lăng, Viễn Phương đã sáng tác bài thơ Viếng lăng Bác. Bài thơ thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và của mọi người dân đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác. Khổ thơ thứ hai là một trong những khổ thơ hay nói về niềm tự hào, thương nhớ Bác của những người vào viếng lăng. Hai dòng đầu khổ thơ, tác giả viết:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Đây là một trong những hình ảnh đẹp. Hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi. Tác giả miêu tả rất đúng và rất hay hình ảnh thực về mặt trời. Hàng ngày, mặt trời của thiên nhiên “đi qua” trên lưng của Người. Đó là mặt trời chiếu muôn ngàn tia sáng rực rỡ, đem lại sự sống cho vạn vật trong vũ trụ bao la. Mặt trời của thiên nhiên đã rất “ngưỡng mộ” một mặt trời khác đang nằm trong lòng: “Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”. Ví Bác như “mặt trời”, tác giả vừa nói lên được cái vĩ đại của Bác vừa thể hiện được sự tôn kính của nhân dân, của nhà thơ đối với Bác. Cặp câu còn lại của khổ thơ cũng là cặp câu với hình ảnh ẩn dụ sóng đội. “Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ” là hình ảnh thực. Ngày nào cũng từng dòng người từ khắp mọi miền đất đất nước vào lăng viếng Bác. Ai cũng rưng rưng khi đi qua linh cữu của Người. Câu “Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân lại là một ẩn du đẹp và rất sáng tạo của nhà thơ. Hình ảnh ẩn dụ này có tác dụng nhấn mạnh lòng tôn kính của nhân dân ta đối với Bác Với giọng thơ vừa trang nghiêm vừa tha thiết, với những hình ảnh ẩn dụ sóng đôi, tác giả đã thể hiện được niềm xúc động thiêng liêng của mình, của nhân dân đối với Bác kính yêu. Ta có thể khẳng định rằng, đây là một trong những khổ thơ hay góp phần lớn trong việc làm nên giá trị bài thơ.

Câu 3: Giới thiệu về tác giả Hữu Thỉnh,…

a) Tác giả:

– Nhà thơ Hữu Thỉnh tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Thỉnh, sinh năm 1942.

– Quê: huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.

– Năm 1963 ông nhập ngũ, làm cán bộ văn hoá và bắt đầu sáng tác thơ.

– Ông tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khoá III, IV, V.

– Từ năm 2000, ông là Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam.

b) Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Sang thu: Bài thơ Sang thu được sáng tác vào gần cuối năm 1977, in lần đầu tiên trong báo Văn nghệ, sau đó được in lại nhiều lần trong các tập thơ.

c) Chủ đề của bài thơ: Bài thơ nói lên những cảm nhận tinh tế, bâng khuâng về cảnh sắc quê hương khi thu sang.

Câu 4: Hãy phát biểu cảm nghĩ sau khi đọc bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới của Vũ Khoan.

1. Đặt vấn đề

– Vũ Khoan là nhà hoạt động chính trị, nhiều năm liền là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Thương mại. Ông là người có nhiều đóng góp cho đất nước ta trong thời kì đổi mới, hội nhập.

– Bài viết được đăng trên tạp chí Tia sáng năm 2001 và được in vào Một góc nhìn của trí thức, Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.

– Bài viết đã chỉ rõ những điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam và yêu cầu phải nhanh chóng khắc phục điểm yếu, hình thành những thói 

quen tốt khi đất nước đi vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong thế kỉ mới. Đọc bài viết, ta cảm phục về sự hiểu biết sâu rộng của tác giả về đất nước, về con người Việt Nam. Đồng thời ta cũng thấy được Vũ Khoan là một trong những nhà ngoại giao tài năng và đầy trách nhiệm.

2. Giải quyết vấn đề

a) Những khó khăn khi đất nước bước vào thế kỉ mới

– Khoa học và công nghệ phát triển như một “huyền thoại” làm cho tỉ trọng trí tuệ trong một sản phẩm ngày càng lớn.

– Cùng lúc, nước ta phải giải quyết ba nhiệm vụ:

+ Thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp.

+ Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

+ Phải tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức.

=> Tác giả chỉ ra những khó khăn rất cụ thể mà bước vào thế kỉ mới đất nước ta gặp phải. Phải là người có sự hiểu biết sâu sắc, người có tầm nhìn xa mới có được những đúc kết về tình hình thực tế khi đất nước bước vào thế kỉ mới.

6) Những điểm yếu và mạnh của con người Việt Nam khi bước vào nền kinh tế mới

* Những điểm mạnh của con người Việt Nam:

– Thông minh, nhạy bén với cái mới. Đây là bản chất “trời phú” rất có ích trong xã hội ngày mai mà sự sáng tạo là một yêu cầu hàng đầu.

– “Con người Việt Nam cần cù, sáng tạo. Điều đó thật hữu ích trong một nền kinh tế đòi hỏi tinh thần kỉ luật cao và thái độ nghiêm túc đối với công cụ và quy trình lao động với những thiết bị rất tinh vi”

– Con người Việt Nam có truyền thống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

– Người Việt Nam thích ứng nhanh với sự đổi mới. Điều đó giúp chúng ta tận dụng những cơ hội, ứng phó với thách thức do tiến trình hội nhập đem lại.

=> Tác giả đã tổng hợp, phân tích và đưa ra những nhận xét xác đáng về những điểm mạnh của con người Việt Nam, của truyền thống dân tộc Việt Nam. Việc đưa ra những nhận xét về ưu điểm có tác dụng động viên, khích lệ thế hệ trẻ Việt Nam phát huy những điểm mạnh đó trong thời kì đổi mới.

* Những điểm yếu của con người Việt Nam:

– Con người Việt Nam còn có những “lỗ hổng” về kiến thức cơ bản. Tác giả bài viết đã chỉ rõ có lỗ hổng về kiến thức cơ bản bởi các lí do sau: 

+ Chạy theo những môn học “thời thượng”. Đó là những môn học được một số đông người ham chuộng, ưa thích trong một thời gian nào đó nhưng không lâu bền.

+ Khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt.

+ Người Việt Nam có đức tính cần cù nhưng lại thiếu đức tính tỉ mỉ. Người Việt Nam thường hành động theo phương châm “nước đến chân mới nhảy”.

+ Người Việt Nam chưa có thói quen tôn trọng những quy định nghiêm ngặt của công việc là cường độ khẩn trương. Điểm hạn chế này một phần là do chịu ảnh hưởng nặng nề của phương thức sản xuất nông nghiệp và cách sống thoải mái ở nơi thôn dã.

– Người Việt Nam có đùm bọc nhau trong cảnh đất nước lâm nguy, ngoại bang đe doạ nhưng trong làm ăn, người Việt Nam thường “đố kị” nhau.

+ Tác giả đã thật thẳng thắn và sắc sảo khi chỉ rõ những hạn chế của người Việt Nam. Đây là sự thực ai cũng thấy nhưng không phải ai cũng đúc kết và thẳng thắn đưa ra được những hạn chế đó.

c) Phương hướng khắc phục

– Bỏ ngay thái độ kì thị đối với sự kinh doanh.

– Bỏ thói quen ảnh hưởng của sự bao cấp.

– Bỏ nếp nghĩ sùng ngoại hoặc bài ngoại quá mức.

– Bỏ thói quen “khôn vặt”, “bóc ngắn cắn dài”.

– Phải lấp kịp thời những lỗ hổng về kiến thức cơ bản.

– Bỏ lối học chay, học vẹt để nâng cao khả năng thực hành.

– Bỏ lối đố kị nhau trong kinh doanh.

– Phát huy sự thông minh, nhạy bén với cái mới.

– Phát huy sự cần cù, sáng tạo nhưng bổ sung thêm đức tính tỉ mỉ.

– Tạo thói quen tôn trọng những quy định nghiêm ngặt trong công việc.

– Điều quan trọng nhất là phải làm cho lớp trẻ thấy được trách nhiệm của mình trước thời kì đổi mới mà phấn đấu học tập, lao động với những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất.

3. Kết thúc vấn đề

– Bài viết đã chỉ ra rất cụ thể những điểm mạnh, điểm yếu của người Việt Nam khi bước vào thời kì mới.

– Tác giả đã chỉ rõ phương hướng khắc phục những điểm yếu, phát huy những điểm mạnh vốn có từ truyền thống lâu đời của dân tộc. 

– Lí lẽ sắc bén, dẫn chứng cụ thể, sinh động làm cho bài viết tác động mạnh mẽ đến con tim và khối óc của mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

=> Tác giả là người có tâm huyết, có tầm nhìn sâu rộng và có trách nhiệm đối với đất nước, với nhân dân.

ĐỀ 32 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết