HƯỚNG DẪN

I. TẬP THƠ NHẬT KÍ TRONG TÙ 

1. Tên gọi Hồ Chí Minh được vị lãnh tụ tối cao của cách mạng Việt Nam sử dụng lần đầu tiên vào tháng 8 – 1942, khi Người đi sang Trung Quốc, với danh nghĩa “đại biểu của hai đoàn thể Việt Nam độc lập đồng minh hội và Hội quốc tế phản xâm lược Việt Nam phân hội đi gặp Tưởng Giới Thạch”. Và sáng tác văn học đầu tiên có ghi tên Hồ Chí Minh là một tập thơ chữ Hán có nhan đề Ngục trung nhật kí (Nhật kí trong tù).

2. Đúng như cái tên của nó, Nhật kí trong tù trước hết là một cuốn sổ ghi chép lại những sự việc và cảm xúc của Hồ Chí Minh trong những ngày Người bị chính bạn Tưởng Giới Thạch bắt giữ, đày ải và giam cầm suốt hơn một năm trời trên đất Quảng Tây, từ cuối tháng 8 – 1942 đến gần giữa tháng 9 -1943. Người đọc có thể tìm thấy ở đây những tư liệu cụ thể, quý báu về chế độ nhà tù tàn bạo và nhếch nhác của chính quyền Tưởng Giới Thạch; về cuộc sống khốn khổ của người dân Trung Quốc thời đó; và nhất là về những tháng năm cay cực nhất trong cuộc đời đầy gian khổ của Bác, khi Bác vốn “là đại biểu dân Việt Nam, tìm đến Trung Hoa để hội đàm”, vậy mà do gặp sóng gió giữa đất bằng mà phải làm “khách quý” (!) trong ngục thất.

3. Nhưng đây là tập nhật kí được viết bằng thơ, bởi một người tự nhận là không thích làm thơ, song lại có một hồn thơ trác tuyệt. Không ít bài trong tập thơ chữ Hán – rất hiếm hoi trong giai đoạn 1930 – 1945 này xứng đáng được coi là tuyệt tác có người còn cho rằng có thể đặt lẫn với thơ Tống, thơ Đường.

– Có thể kể ra nhiều nguyên nhân khiến Nhật kí trong tù, với những bài thơ được làm để khuây khoả những tháng ngày dài trong tù ngục, lại trở thành một tập thơ kiệt xuất, như: học vấn cộng với tài năng của một con người đã hấp thụ được tinh hoa của hai nền văn hoá Đông – Tây và thi tài được rèn giũa từ khi còn nhỏ… Nhưng Nhật kí trong tù lớn chủ yếu bởi – như nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng đã nói, đó là ánh sáng toả ra từ trong bóng tối của lao tù – ánh sáng của một khối óc sáng suốt (đại trí), một tâm hồn bao la (đại nhân), một ý chí cứng bền còn hơn sắt thép (đại dũng).

II. BÀI THƠ CHIỀU TỐI

1. Bài thơ được Hồ Chí Minh viết vào khoảng tháng 10 – 1942, trong tiết cuối thu, trên đường bị giải từ nhà lao huyện Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo chặng đầu tiên của con đường khổ ải; Ở đó, người tù ngậm mối oán hờn mà đặt bàn chân lên khắp miền đất Quảng Tây rộng lớn (Hàm oan, đạp biến Quảng Tây địa – Quảng Tây đi khắp, lòng oan ức).

Trên con đường đày ải ấy, chiều hôm là lúc Hồ Chí Minh “tay bị trói giật cánh khuỷu cổ mang vòng xích, có sáu người lính mang súng giải đi”. Và phía trước, trong đêm, đang đợi chờ Người, là một xà lim rét mướt, với đống rạ bẩn, đầy rệp; trên đó, người tù phải ngủ mà không được cởi trói, thậm chí còn bị xiềng treo đôi chân. 

“Gian khổ như vậy, nhưng Cụ vẫn vui vẻ. Cụ sung sướng được thấy phong cảnh thay đổi. Cụ vừa đi vừa ngâm nga. Thỉnh thoảng Cụ Hồ làm thơ”.

Chiều tối đã ra đời trong hoàn cảnh ấy.

2. Hai câu đầu tiên của bài thơ không hề có một chữ chiều. Nhưng không ai không nhận ra ở đây cái thần thái, linh hồn của buổi chiều tà, thời khắc mà tạo vật như đều tìm về chốn nghỉ ngơi. Vì thi nhân đã vờn vẽ lên bức tranh thơ hình ảnh cánh chim trở lại rừng tìm chỗ ngủ, và áng mây lẻ loi chầm chậm trôi giữa tầng không.

Buổi chiều trên đường chuyển lao mà cứ phảng phất như những buổi chiều mà hình sắc như đã vĩnh viễn đọng lại trong thơ xưa, nơi đã từng đi về biết bao cô vânquyện điểu. Câu thơ tù mà vẫn man mác phong vị thi ca cổ điển.

Hai dòng thơ làm hiện lên hình tượng một con người không bị mất đi lòng yêu say vẻ đẹp của thiên nhiên, luôn hoà hồn mình vào hồn của đất trời lớn rộng, với một sự tự do tuyệt đối của tinh thần, dẫu đang mất tự do thân thể: Tự do lãm thưởng vô nhân cấm (Tự do thưởng ngoạn, ai ngắn ta được).

3. Hai câu sau tiếp tục thể hiện lòng sung sướng của Hồ Chí Minh trước phong cảnh đổi thay. Chiều đã ngả dần sang tối, dù nhà thơ không cần dùng chữ tối. Ta vẫn nhận ra điều đó, khi ở cuối bài thơ đột ngột sáng lên một ánh lửa hồng.

Con mắt của nhà thơ cũng thôi không ngước nhìn lên bầu trời. Bức tranh trữ tình về cảnh trời mây đã nhường chỗ cho bức tranh sinh hoạt gần gũi, đầm ấm trên mặt đất. Hình ảnh trung tâm của bài thơ lúc này sẽ là cô thiếu nữ chốn sơn thôn, với công việc lao động bên bếp lửa gia đình. Ngôn ngữ thơ cũng theo đó mà thay đổi, mộc mạc hơn, cho tương xứng với vẻ đẹp mộc mạc trong khung cảnh.

Nhưng đây mới chính là chỗ kì lạ của bài thơ. Hoá ra cô gái xay ngô và ánh hồng vẫn gợi sự ấm áp, sum vầy nơi bếp lửa kia đã không thể làm bật lên, dù chỉ một tiếng than thân, một thoáng chạnh lòng, cám cảnh cho một thân tù, tuổi cao sức yếu, trong xiềng xích và giá lạnh, đến tận lúc đêm đã buông, còn phải lê bước chân lưu đày giữa rừng núi hoang vu ở chốn quê người đất khách.

4. Chất thơ trong Chiều tối đúng là chỉ có ở một người đại nhân, đại dũng.

Phải là một bậc đại dũng mới có thể vượt lên trên thân phận tù đày để có niềm rung cảm với cảnh chiều không khác gì một người đang thật sự tự do.. 

Và cũng phải là một bậc chí nhân mới có thể quên đi những nỗi đau khổ tột cùng của riêng mình, để lưu luyến nhìn theo từng cánh chim trời, từng dáng mây trôi, mới có thể nặng tình thương cho kiếp sống cần lao và thông cảm sâu xa với những niềm vui rất đỗi bình thường của những người dân không biết, không quen, ở chính nơi mình đang bị giam cầm khổ cực.

ĐỀ 265: Suy nghĩ về bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh.
Đánh giá bài viết