HƯỚNG DẪN 

I. MỘT VÀI LƯU Ý ĐỂ HIỂU THÊM VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1. Hồ Chí Minh vốn vẫn coi lí tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp là một mục tiêu cốt tử của đời mình. Không có gì quan trọng hơn điều đó và vì điều đó, Người sẵn sàng hi sinh những đam mê khác trong đó có niềm đam mê sáng tạo văn chương nghệ thuật.

Thế nhưng trên con đường đấu tranh cho lí tưởng, Người phát hiện ra sức công phá mạnh mẽ của văn chương và nhanh chóng sử dụng văn chương như một vũ khí lợi hại. 

Đầu những năm 40 của thế kỉ XX, trong chuyến đi sang Trung Hoa để tìm cách liên lạc với phe Đồng minh và chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang, Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và giải tới, giải lui trên địa bàn mười ba huyện của tỉnh Quảng Tây. Trong hơn một năm trời bị giam cầm và đầy đọa nơi đất khách, quê người, bên cạnh không có đồng chí, xung quanh không có đồng bào, Người chỉ có thể tự vượt qua những khắc nghiệt của hoàn cảnh bằng nghị lực và ý chí của một con người từng trải qua nhiều sóng gió bôn ba. Nhưng Người còn tìm cách vượt qua nghịch cảnh bằng cách viết nhật kí thơ!

Tập Ngục trung nhật kí gồm 134 bài thơ đã ra đời trong hoàn cảnh như thế.

Đây là tác phẩm Hồ Chí Minh viết cho riêng mình, trước hết nhằm đáp ứng một nhu cầu bình thường là ghi lại, như cách người ta hay nói – những dấu vết của tháng ngày. Nhưng ngoài mục đích giản dị ấy, tập nhật kí thơ cũng còn đáp ứng cái nhu cầu thẩm mĩ khá sâu sắc của cá nhân nên một mặt tác giả có điều kiện để có thể dành cho mỗi sáng tác những tìm tòi, sáng tạo nhất định về mặt nghệ thuật; mặt khác, vì là một cuốn nhật kí thơ nên tác giả có toàn quyền trong việc viết nó một cách phóng túng, tự do. Chính vì lí do này, không ít bài trong tập Ngục trung nhật kí đã bộc lộ vẻ đẹp của một hồn thơ sâu lắng, tinh tế và tài hoa.

2. Mộ là bài thơ thứ 31 của tập Nhật kí trong tù, được sáng tác vào cuối mùa thu 1942, trên đường tác giả bị giải đi từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo. Đó là một hoàng hôn sơn cước u trầm. Người tù lúc này vẫn đang bị giải đi, ngang qua xóm núi. Những ấn tượng riêng biệt về khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống sinh hoạt nơi này đã lay động hồn thơ vốn vẫn luôn hướng về sự sống, hướng về ánh sáng và niềm vui ấy.

Bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách thơ trữ tình Hồ Chí Minh: Chia sẻ với cuộc sống muôn màu, sinh động nhưng không ồn ào và cũng ít khi bộc lộ một cách trực tiếp mà thường kín đáo bộc lộ cảm nghĩ nội tâm qua cái nhìn tinh tế về cảnh vật và con người.

Về mặt nghệ thuật, do được hưởng thụ hai nền văn hoá phương Đông và phương Tây, tác giả đã để lại dấu ấn độc đáo trong một phong cách vừa cổ điển vừa hiện đại. 

II. PHÂN TÍCH

1. Qua đối chiếu bản dịch nghĩa với bản dịch thơ, có thể phát hiện một số chỗ bản dịch thơ chưa chuyển tải hết các ý tưởng trong nguyên bản. Các lỗi tập trung ở câu hai và câu ba…

– Dịch thiếu: trong nguyên bản cô vân là đám mây lẻ loi; mạn mạn là (trôi) chầm chậm, lững lờ. Bản dịch thơ thiếu những chi tiết khá quan trọng này.

– Dịch thừa: Câu thơ thứ ba trong nguyên bản không có chữ tối. Bản dịch thơ thêm từ tối vào, phôi pha đi một ít nét tinh tế trong diễn đạt của tác giả. Một đối tượng được nhắc đến trong câu thơ nguyên bản, thiếu nữ, tức cô gái trẻ, dịch là cô em, chưa thật sát với nguyên bản và có thể, chưa hợp với cái nhìn lẫn thái độ của tác giả về hình ảnh này.

2. Hai câu thơ đầu khắc hoạ bức tranh thiên nhiên nơi xóm núi vào lúc hoàng hôn.

 – Điểm đáng chú ý là các nét vẽ của tác giả đều hướng tầm quan sát vào bầu không gian trên cao và giúp ta nhận biết hoàng hôn đang về qua hai hình ảnh: một cánh chim mỏi mệt bay về rừng tìm chỗ trú; một áng mây uể oải trôi về cuối trời. Kiểu “kí hoạ” như trên người ta gọi là theo phong cách thuỷ mặc. Kiểu kí hoạ này thường không rườm rà về chi tiết, không nhấn mạnh vào mầu sắc chỉ cốt ghi lấy cái hồn của tạo vật. Do đó, sức gợi là rất lớn.

Miêu tả thiên nhiên theo lối thuỷ mặc cần tài năng và nhất là sự tinh tế. Bức tranh càng có giá trị cao về mặt tả cảnh bao nhiêu càng chứa đựng trong đó những tình ý sâu sắc, thâm trầm bấy nhiêu. Ở đây cũng thế. Đằng sau khung cảnh, có thể thấy cảm xúc và tâm trạng của tác giả.

Trước hết là một cái nhìn cảm thông, chia sẻ với tạo vật. Tác giả không chỉ miêu tả một cánh chim bay mà có ý muốn nhấn mạnh vào chi tiết “mỏi mệt” bay. Cũng tương tự, đám mây kia (trong mắt tác giả) là đám mây uể oải, chầm chậm, lững lờ trôi.

Cũng cần nói thêm là khi viết hai câu này, chắc chắn tác giả đã từng đọc hai câu thơ của Lý Bạch: 

Chúng điểu cao phi tận
Cô vận độc khứ nhàn.  
                                                  (Độc toạ Kính Đình sơn)

 (Tạm dịch: Đàn chim nhất loạt bay cao, Bên trời mây lẻ về đấu một mình)

Điểm khác nhau của hai tác giả là ở chỗ: Lý Bạch tả cảnh trên theo thể ngũ ngôn. Do số lượng chữ của thể thơ mà các câu thơ, tự nó bột phát nhịp thơ mạnh mẽ, gân guốc trong nét vẽ sắc và khoáng đạt. Nhưng có vẻ như Lý Bạch không mấy chú tâm đến thiên nhiên mà rất chú trọng đến việc bộc lột tư thế tự chủ, kiêu hãnh (trong cô đơn) của chính mình.

Còn Hồ Chí Minh, Người chọn thể thơ bảy chữ nên nhịp thơ uyển chuyển, mềm mại do câu thơ đã được mở rộng. Cũng vì thế mà diễn tả được phần hồn của tạo vật: cái ngưng lắng của trời chiều qua nhịp chậm, trầm buồn của không gian – thời gian khi hoàng hôn xuống.

Nếu tinh ý sẽ thấy mạch cảm xúc ngầm đằng sau câu thơ được diễn tả theo lối song hành nhưng ngược hướng. Một, hướng ra ngoại cảnh, chia sẻ, cảm thông với tạo vật và một, hướng vào nội tâm chia sẻ với chính mình qua thoáng chút cô đơn và một nỗi buồn kín đáo trước nghịch cảnh của một tù nhân trong giờ khắc đoàn tụ của muôn loài.

3. Hai câu thơ sau dựng lên bức tranh đời sống trong khung cảnh sinh hoạt giản dị của đời thường.

Dường như để tương xứng với bức tranh thiên nhiên trong hai câu thơ đầu, bức tranh đời sống cũng nhấn vào hai hình ảnh: một thiếu nữ xóm núi đang xay ngô và sau khi ngô xay xong, lò than rực hồng bùng lên khi đêm xuống.

Hai hình ảnh trên, tự nó toát lên vẻ đẹp. Hình ảnh cô gái trẻ xay ngô toát lên nét đẹp trẻ trung, duyên dáng và đó cũng là vẻ đẹp của cuộc đời. Hình ảnh lò than rực hồng vừa mang ý nghĩa thực tế vừa gợi ý nghĩa biểu tượng. Ngọn lửa trong ý nghĩa thông thường là biểu hiện của sự sống, trong ý nghĩa biểu tượng là ánh sáng xua tan bóng tối, là sự hiện diện của ý chí mãnh liệt, và còn là một cái gì tựa như niềm tin, niềm lạc quan luôn cháy trong tâm hồn tác giả.

4. Vẻ đẹp cổ điển mà hiện đại trong tập Ngục trung nhật kí của Hồ Chí Minh được coi như một đặc sắc về phong cách, nhiều người đã thừa nhận và không còn là một vấn đề mới. 

Hiểu một cách cụ thể thì ở Ngục trung nhật kí, một trong những điểm cơ bản về phong cách nghệ thuật của tác giả chính là yếu tố cổ điển mà hiện đại. Nét phong cách này là bao trùm và thống nhất, chi phối toàn bộ tập thơ, không riêng gì với bài Chiều tối (Mộ). Nhưng ở bài Chiều tối thì chắc nhiều người cũng nhận thấy, nét phong cách nói trên được bộc lộ một cách đặc sắc và cũng nổi bật hơn.

Đi tìm những biểu hiện giúp ta nhận ra các yếu tố nói trên trong bài thơ Chiều tối thực ra không khó. Thao tác khảo sát cần thiết, chắc chắn phải dựa vào một số phương diện thuộc về thể loại như về thi đề, thi liệu, bút pháp, ngôn ngữ...

Trước hết, về thi đề. Nội dung trữ tình của bài thơ thuộc về một trong những đề tài khá quen thuộc trong thơ cổ điển phương Đông, đó là hoàng hôn và nỗi niềm cô đơn. Đọc bài Chiều tối, một cách tự nhiên, người ta thường hay nhớ tới hai tác phẩm nổi tiếng cùng chung đề tài: một, của Thôi Hiệu, nhà thơ đời Đường qua bài Hoàng Hạc lâu và hai, của Bà Huyện Thanh Quan (Nguyễn Thị Hinh) nhà thơ nữ Việt Nam nửa đầu thế kỉ XIX qua bài Chiều hôm nhớ nhà.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý ở đây là ngay trong thi đề, tác giả bài Chiều tối cũng đã cấy vào bài thơ những yếu tố hiện đại. Đó là sự chuyển dịch từ không gian vũ trụ mang tính chất vĩnh viễn, vĩnh hằng đậm màu sắc ước lệ ở hai câu đầu sang không gian đời thường, mang tính chất sinh hoạt vừa cụ thể vừa sống động ở hai câu sau, điều mà trong thao tác tư duy thơ các nhà thơ trung đại ít khi thể hiện. Chính sự phá cách trong việc mở rộng biên độ của đề tài đã chi phối thái độ ứng xử với thị liệu.

Quả nhiên, đã có một sáng tạo mới về thi liệu mà cụ thể ở đây là việc sử dụng hình ảnh thơ. Ta một mặt dễ dàng nhận thấy sự lựa chọn của tác giả bài thơ không khác các nhà thơ cổ điển phương Đông bao nhiêu khi sử dụng những vật liệu quen thuộc như: vân (cô vân), điểu (quyện điểu), lâm (quy lâm), hương (sơn thôn),… nhưng đồng thời đã xem thêm vào bài thơ nhiều chất liệu mới như: thiếu nữ, ma (xay), bao túc (ngô), (lò than),… Điều này không chỉ cho thấy tính hiện đại của bài thơ qua sự vận động của thi tứ, mà quan trọng hơn, còn cho thấy tính hiện đại của bài thơ qua quan niệm thẩm mĩ. Đối với tác giả bài thơ, khung cảnh sinh hoạt sống động kia mới thực sự là nội dung quan trọng của bức tranh. Hãy chú ý cách tô đậm các đường nét chính gam màu chủ đạo của khung cảnh chiều tối nếu ta nhìn bài thơ từ góc nhìn của hội hoạ. Hình ảnh thiếu nữ xay ngô và lò than rực cháy kia không ngẫu nhiên và cũng không chỉ đóng vai trò của một thứ chất liệu thông thường. Nó toát lên sức quyến rũ của sự sống, nét duyên dáng, trẻ trung của con người. Đấy là vẻ đẹp của cõi đời mà tác giả Ngục trung nhật kí luôn lưu tâm trong cái nhìn của chính ông và còn là một thứ lửa sưởi ấm cõi lòng nhân vật trữ tình của bài thơ, người, vì lí tưởng mà mình theo đuổi, đã từng chấp nhận xa Tổ quốc, quê hương và sẵn lòng chịu đựng vô vàn những thử thách, gian truân khác trên chặng đường tranh đấu suốt hơn 30 năm…

Nét cổ điển mà hiện đại của bài thơ Chiều tối cũng được thể hiện khá nổi bật trong bút pháp.

Ta có thể nhận thấy bút pháp gợi tả, chấm phá theo phong cách vẽ tranh thuỷ mặc được tác giả của bài thơ sử dụng một cách đây hiệu quả nhưng rất tiết chế và khá chừng mực. Ngay cả trong khi sử dụng bút pháp chấm phá theo lối cổ điển, tác giả bài Chiều tối, không hiểu vô tình hay hữu ý đã để lại dấu ấn người nghệ sĩ hiện đại của mình qua thái độ và cảm xúc riêng (khá trực tiếp) lên tạo vật. Tiếp cận hệ thống hình ảnh cụ thể của bài thơ, người đọc có thể nhận ra một cách rõ ràng là tác giả không chỉ muốn dừng lại trong hình ảnh còn chung chung của điệu (một cánh chim) mà muốn cá biệt hoá bằng nét vẽ quyện điểu (một cánh chim mỏi mệt); cũng không muốn đơn giản hoá trong một khái niệm là cân mà cố tình tạo thêm những điểm nhấn cô vân mạn mạn (đám mây đơn lẻ uể oải chậm chạp trôi)…

Sự chia sẻ về tình cảm và thái độ ngay trong khi sử dụng bút pháp cổ điển ở hai câu đầu của bài thơ cho thấy sự hiện diện của “cái tôi” trữ tình và là một bằng chứng cho thấy Hồ Chí Minh thuộc kiểu mẫu nhà thơ hiện đại. Điều này càng là một hiển nhiên khi tác giả chuyển từ bút pháp gợi tả, chấm phá sang bút pháp miêu tả, thực tả (gần như sử dụng cả lối ghi theo phong cách ca-mê-ra của điện ảnh hoặc chính xác hơn, lối điệp vòng theo cấu trúc câu thơ Pháp, ở hai câu thơ cuối) 

Trong sử dụng ngôn ngữ, màu sắc cổ điển mà hiện đại của bài thơ lại càng rõ với sự gia tăng và ưu tiên của tác giả cho động từngôn ngữ thông dụng của bạch thoại. Điều này có lẽ không cần thiết phải chứng minh

ĐỀ 264: Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh
Đánh giá bài viết