*Hướng dẫn kể chuyện

Đề bài: Em (hoặc người xung quanh) đã làm gì để góp phần giữ gìn xóm làng (đường phố, trường học) xanh, sạch, đẹp? Hãy kể lại câu chuyện đó.

Bài tham khảo 1

Hôm nay ngày chủ nhật, khu phố tôi phát động phong trào “Làm sạch đường phố”.

Mới sáng sớm, khi ông mặt trời vừa nhô lên lơ lửng như một quả cầu lửa, tỏa tia nắng vàng dịu xuống vạn vật, thì nhà nào nhà nấy đã đổ ra đường để làm vệ sinh đường phố. Tôi cũng theo mẹ đi quét rác. Gia đình tôi được bác tổ trưởng phân công quét một đoạn đường. Mẹ và tôi chia nhau quét, tôi quét từ dưới lên, mẹ quét từ trên xuống. Tôi quét rất cẩn thận, moi từng cọng rác ở hai bên đường, quét đến đâu, tôi thu gom rác lại đến đó, rồi lấy mo hốt rác đổ vào thùng. Nhiều cọng rác “cứng đầu” bám chặt vào đất khiến tôi phải lấy bao tay đeo vào kéo nó lên, vừa làm tôi vừa lẩm bẩm “cho mày chết này..”. 

Chẳng mấy chốc, lũ rác ở đoạn đường do mẹ và tôi quét đã nằm gọn trong thùng rác. Con đường đã trở nên sạch đẹp. Bác tổ trưởng đi kiểm tra lại một lần, bác dừng lại trước cổng nhà tôi và khen tôi ngoan, tích cực lao động. 

Tôi rất vui vì đã góp một phần sức lao động nhỏ bé của mình để bảo vệ môi trường sống sạch, đẹp.

Bài tham khảo 2 

– Câu chuyện mà tôi kể cho các bạn nghe hôm nay là một câu chuyện có thật, chính mắt tôi đã chứng kiến một việc làm tốt để bảo vệ môi trường sống sạch và đẹp. Đó là câu chuyện về ông Tư ở xóm tôi.

“Sống ở trên đời, không phải chỉ nghĩ cho mình mà đôi lúc còn vì người khác nữa”. Đó là câu nói của ông Tư dạy đứa cháu nội, khi cả nhà ông cùng giặm vá để mặt đường khỏi lầy lội mỗi khi có cơn mưa đổ xuống. 

Từ nhà đến trường, tôi phải đi qua một đoạn đường đất nhỏ nối liền đồng ruộng với xóm làng đông đúc. Trước đây, đoạn đường này đã bị xắn ngang để đặt ống đưa nước vào ruộng. Rồi đột nhiên những cơn mưa tầm tã, cùng lúc với mùa nước lên, chỗ đất đào bị xói dần, có chỗ đất bị lở ra tạo thành những hố và vũng nước. Từ một tuần nay, đoạn đường đã bị ngập nước và nó trở thành nỗi lo  lắng của chúng tôi. Mỗi lần qua đó, chúng tôi phải xắn quần cao tới tận đầu gối, rồi đi lần từng bước một. Đây không phải là con đường chính nên không ai quan tâm.

Thế rồi, một buổi chiều nước cạn, tôi đi ngang qua nơi đây. Ủa! Ai đã gắn những cây to làm trụ hai bên đường đấy nhỉ? Lại có mấy tàu dừa chèn sát. Tôi mừng thầm, nghĩ rằng chính quyền địa phương huy động dân đắp lại đoạn đường bị lở này chăng? .

Nhưng kìa, trên con lạch đầy ắp nước đỏ ngầu phù sa, dưới làn mưa lất phất, bóng ai chèo chiếc xuồng chở đất đang lao tới. Ông Tư! Chính ông Tư! Tôi bàng hoàng xúc động khi nhìn thấy làn da ông thâm đen vì lạnh, hai cánh tay gầy khuân những tảng đất to còn dính theo mấy bụi cỏ lác. Ông nhìn tôi mỉm cười:

– Ông ráng chở ba xuống đất cứng này để tấn thêm vào hai bên hồng rồi đến ngày mai ông chở thêm vài chuyến nữa là xong.

Sáng hôm sau, nước lại lên. Mấy xuống đất hôm qua bị ngấm mất. Tôi đi qua, lòng cảm thấy ái ngại. Buổi chiều trở về, tôi thấy ông Tư đang hì hục đắp lại con đường. Cùng giặm cho dẽ mặt đường, là đứa cháu nội mười lăm tuổi. Thấy hai người làm việc say sưa, tôi vội treo cặp sách lên cành tre, xắn quần cùng làm việc với hai ông cháu. Đang làm thì một tốp học sinh đi học về, thấy thế, các bạn cũng xắn quần lao vào làm. Chẳng mấy chốc, chỗ lở đã được đắp cao. Nhìn con đường trở nên bằng phẳng, ai cũng phấn khởi vô cùng. Lúc chúng tôi chuẩn bị ra về, ông Tư căn dặn:

– Sau này lớn lên, các cháu phải biết, sống ở trên đời, không phải chỉ nghĩ cho mình mà đôi lúc còn vì người khác nữa các cháu ạ!

Ông Tư quả là một người có tấm lòng nhân hậu, cao quý, ông không những vì mọi người mà đắp lại con đường này mà ông còn muốn đem lại cho xóm làng một con đường sạch, đẹp.

Nguồn website giaibai5s.com

Giải bài tập Tiếng việt lớp 4 tập 2 – Tuần 24: Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia
Đánh giá bài viết