DÀN Ý

1. Đặt vấn đề:

– Ô nhiễm môi trường là một vấn đề hiện nay được sự quan tâm không chỉ của quốc gia nào mà của toàn nhân loại.

– Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi người.

2. Giải quyết vấn đề:

Bài viết cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

1. Thế nào là môi trường.

2. Hiện trạng vấn đề môi trường hiện nay.

3. Vì sao cần bảo vệ môi trường.

4. Chúng ta cần làm gì để bảo vệ môi trường.

3. Kết thúc vấn đề:

– Khẳng định ý nghĩa quan trọng, cần thiết của việc bảo vệ môi trường.

– Liên hệ bản thân.

BÀI LÀM

Trái đất là nơi sinh sống chung của con người và sinh vật. Nhưng có một thực trạng đang diễn ra từng ngày, từng giờ đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống, đó là chính con người chúng ta đang hủy hoại mẹ trái đất từng ngày, tự tiêu diệt chính mình bằng cách phá hoại môi trường. Vì vậy, một vấn đề bức thiết được đặt ra hàng đầu chính là bảo vệ môi trường. Có bao giờ bạn tự hỏi mình đã làm gì để bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta?

Môi trường, trái đất là tài sản chung của tất cả mọi người, do đó, việc bảo vệ môi trường là việc của tất cả chúng ta, không phải là việc của riêng ai. Môi trường, theo triết học thì đó là tất cả thế giới vật chất tồn tại xung quanh ta bao gồm không khí, đất đai, nguồn nước, rừng cây. Môi trường là sản phẩm của tự nhiên, không do bất cứ một thế lực huyền bí nào tạo ra. Con người chúng ta không thể tự tạo ra môi trường, thứ liên quan trực tiếp đến cuộc sống nhưng chúng ta lại đang ngày ngày hủy hoại chúng do vô tình hay cố ý, chỉ vì phục vụ lợi ích của riêng ta. Việc bảo vệ môi trường cần được thực hiện ngay hôm nay, ngay lúc này để cứu vãn phần nào hậu quả nghiêm trọng mà con người đã gây ra. Nếu không bảo vệ môi trường, cuộc sống con người sẽ phải chịu tổn thất vô cùng lớn lao, thậm chí trong một tương lai không xa, sẽ không còn sự tồn tại của con người trên trái đất này nữa. Tuy nhiên, việc phá hoại môi trường vẫn đang diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc trên trái đất chúng ta. Xung quanh môi trường có rất nhiều vấn đề chúng ta cần quan tâm.

Phá rừng là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay của xã hội. Rừng mang lại cho con người nhiều lợi ích rất lớn mà nhiều khi ta không nhận ra. Ngoài việc làm cho bầu không khí của chúng ta thêm trong sạch, rừng còn thỏa mãn nhiều nhu cầu thiết yếu hằng ngày của con người như cung cấp thực phẩm, chất đốt, vật liệu xây dựng. Rừng còn là nguồn cung cấp nhiều sản vật, là nơi sinh sống của nhiều sinh vật là nơi cung cấp nhiều nguồn gen quí hiếm. Ngoài ra rừng còn là nơi khai thác lí tưởng của ngành công nghiệp không khói: du lịch; cung cấp nước và phòng chống lũ lụt. Việt Nam là nước nằm trong khu vực có khí hậu . nhiệt đới gió mùa, độ ẩm trong năm cao, thuận lợi cho rừng phát triển. Diện tích rừng ở Việt Nam chiếm 30,2% diện tích đất liền, điều đó cho thấy vai trò rất quan trọng của rừng. Rừng là nguồn sinh sống chủ yếu của người dân nghèo nhưng diện tích rừng đang ngày càng bị thu hẹp.

Việc mất rùng thường tập trung ở các nước đang phát triển, chủ yếu là do sự gia tăng dân số, gia tăng nhu cầu sử dụng gỗ và các sản phẩm từ rừng nên việc khai thác rừng được đẩy mạnh. Theo thống kê, trên thế giới, diện tích rừng mất đi hằng năm tương đương với diện tích của nước Bồ Đào Nha (khoảng 92082 km?). Quả là một con số đáng kinh ngạc. Ở Việt Nam, mỗi năm mất đi trung bình khoảng 0,54% diện tích rừng. Tuy nhiên, việc khai thác rừng không đi đôi với việc bảo vệ và tái tạo rừng nên hậu quả tất yếu của việc phá hoại rừng là dẫn đến sự đe dọa cuộc sống con người… Hạn hán, lũ lụt từ việc rừng mất cũng xảy ra thường xuyên, mang tính chất nghiêm trọng hơn. Nguồn lợi về kinh tế cũng bị mất và cuộc sống con người bị đe dọa. Nếu không bảo vệ môi trường, những hậu quả trên đây sẽ chỉ là rất nhỏ so với thực tế mà chúng ta phải gánh chịu. Bảo vệ môi trường không chỉ là bảo vệ rừng, vì rừng chỉ là một phần của môi trường, Tuy nhiên, có nhiều người vẫn còn coi thường, không tôn trọng và bảo vệ môi trường, bảo vệ những cánh rừng xanh mà chỉ chú ý đến khai thác lợi ích của rừng, đến mức những cánh rừng bạt ngàn xưa kia nay chỉ còn trơ trụi những gốc cây. Nhận thức được tầm quan trọng của rừng, chính phủ nước ta đã có sự quan tâm đặc biệt và đúng mức đối với từng khi cho bảo vệ và chăm sóc đặc biệt đối với những khu rừng nguyên sinh tự nhiên và quí giá, cấm săn bắt động vật, bảo vệ đa dạng sinh học. Người dân cũng bắt đầu nhận thức được rừng có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của họ nên cũng tham gia tích cực vào phong trào bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Tuy đó chỉ là những hành động rất nhỏ để bảo vệ rừng nhưng có vai trò rất lớn. Những hành động đó cần được nhân rộng và phố biến để mọi người cùng chung tay góp sức bảo vệ rừng, bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

Điều thứ hai mà chúng ta cần quan tâm đó chính là bảo vệ bầu không khí. Tuy chúng ta đã có rừng, lá phổi xanh của trái đất nhưng việc rừng bị phá hủy dẫn đến vấn đề ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong không khí chiếm phần lớn là khí nitơ, 16% là khí ôxi, một phần nhỏ là khí cacbonic và các loại khí khác có vai trò giữ nhiệt cho trái đất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây lượng khói bụi và khí cabonic thải ra ngày càng nhiều dẫn đến hiệu ứng nhà kính, sự nóng lên toàn cầu. Khí cacbonic phần lớn được sinh ra trong quá trình đốt cháy nhiên liệu và là khí thải trong công nghiệp. Do đó, các nước có nền công nghiệp hiện đại thải khí cacbonic mỗi ngày chiếm 60% của toàn thế giới. Không những thế, khói bụi công nghiệp tạo ra còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Việc tiếp xúc lâu dài với khói bụi sẽ làm tổn thất đến kinh tế, tình trạng sức khỏe của mỗi người, Đã có không ít những trường hợp phát hiện ra cả làng bị ung thư chỉ vì hàng ngày phải hít thở bầu không khí ô nhiễm do các khu công nghiệp thải ra môi trường mà chưa qua xử lí. Thật đau xót làm sao. Y học ngày càng hiện đại, con người có thể chữa được nhiều bệnh nan y nhưng các bệnh liên quan đến hô hấp do hít phải khí thải độc hại vẫn là vấn đề nan giải đối với y học. Không khí ô nhiễm không chỉ do khí thải công nghiệp gây nên mà còn do rất nhiều nguyên nhân khác, một trong số đó là do quá trình đốt cháy nhiên liệu. Trong đó, việc đốt cháy xăng dầu là tạo ra nhiều khí thải nhất. Theo thống kê, ở Việt Nam, số xe sử dụng động cơ, nhất là xe máy trong những năm đầu thế kỉ XXI đã tăng gấp 5, 6 lần so với những năm 90 của thế kỉ trước. Cũng theo đó, tác hại của khí gây ô nhiễm chiếm 0,4 đến 0,5% tổng thu nhập quốc gia. Thế mới biết tác hại của không khí ô nhiễm to lớn đến nhường nào. Biện pháp có lẽ là hữu hiệu nhất chính là giảm tải khí thải công nghiệp. Bởi lẽ , nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là do khí thải công nghiệp. Tuy nhiên, việc làm đó vẫn chưa thực sự được chú trọng đúng mức. Nhưng các nhà máy sản xuất công nghiệp cũng bắt đầu quan tâm hơn đến việc bảo vệ môi trường không khí chung. Chính phủ cũng có những biện pháp ngăn chặn hành động thải khí độc hại ra môi trường của các nhà máy, qui định chặt chẽ và nghiêm ngặt đối với việc thải khói bụi ra môi trường, đồng thời xử phạt thật nghiêm minh những doanh nghiệp cố tình vi phạm. Ngăn chặn việc xả rác bừa bãi, những hóa chất độc hại vào môi trường cũng là việc làm tuy nhỏ bé nhưng rất hữu ích. Chúng ta cần thực hiện nghiêm túc những qui định bảo vệ môi trường để không • còn những cảnh cột khói cao ngút trời từ những nhà máy gây hại cho mọi người và cả những loài sinh vật.

Nhân tố thứ ba tuy chỉ chiếm khoảng 15% thể tích trái đất và 1%. trọng lượng trái đất nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống con người đó chính là đất đai. Nhất là những nước có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp như Việt Nam thì đất lại càng quan trọng. Hầu hết diện tích đất được trưng dụng làm đất nông nghiệp. Những vùng đất ngoại vi, những vùng đất do phá hoại rừng đều được sử dụng, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời vì những vùng đất này thường dễ bạc màu và mất chất. Việc làm hỏng chất đất cũng xảy ra khá thường xuyên. Mọi người thường lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong canh tác nhưng lại hay bỏ qua tác hại của nó. Vì vậy, việc hạn chế sử dụng cũng không được phổ biến. Việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu có thể làm tăng năng suất của cây trồng nhưng chúng ta phải đổi lại bằng một giá rất đắt, đó là việc đất bị suy thoái, ô nhiễm và đa dạng sinh học bị phá vỡ. Bên cạnh đó, rừng bị phá cũng là nguyên nhân gây nên suy thoái đất. Những cánh rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn bị tàn phá dẫn đến sự hủy hoại đất. Rừng đầu nguồn bị phá, đất trên cao bị xói mòn, sụt lở; rừng ngập mặn mất đi, đất ven bờ bị thu hẹp bởi nước biển xâm lấn. Vậy là đất ở, đất nông nghiệp đang dần bị hủy hoại. Đó chính là mặt trái của việc phát triển kinh tế. Nhiều người không nhận ra việc này nên ý thức chưa đúng về việc bảo vệ đất khiến cho sự ô nhiễm đất ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, việc bảo vệ đất rất quan trọng. Ta cần khơi thông cống rãnh, các mạch nước ngầm, khôi phục rừng để hạn chế rửa trôi, xói mòn ở những nơi cao đất đã vốn bạc màu. Và việc quan trọng hơn cả là phải hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu có hại cho môi trường và tránh làm ô nhiễm nguồn nước, vì đất và nước có mối quan hệ qua lại, mật thiết với nhau. Có như vậy ta mới mong hạn chế được phần nào sự ô nhiễm mà con người đã gây ra để hủy hoại chính cuộc sống của mình. – Nhân tố cuối cùng và cũng là nhân tố vô cùng quan trọng, chiếm ba phần tư diện tích trái đất, đó chính là nước. Nước chiếm 70% khối lượng cơ thể, vì vậy nước có vai trò vô cùng quan trọng. Do dân số thế giới tăng lên, nhu cầu sử dụng nước cũng tăng theo, và tốc độ sử dụng nước cũng nhanh hơn. Việc cung cấp nước sạch do đó cũng giảm đi. Chưa kể đến việc một số dân ở các nước nghèo, nhất là ở châu Phi chỉ có hơn một nửa số dân được sử dụng nước sạch. Ở những nơi có tỉ lệ gia tăng dân số cao thì vấn đề căng thẳng về nước còn nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự khan hiếm nước ngọt chính là do sử dụng lãng phí, không đúng cách của nhiều người dân trên thế giới. Rừng bị tàn phá, các nguồn nước ngầm giảm đi, cộng thêm sự sử dụng quá mức các nguồn nước ngầm đã dẫn đến hiện tượng nhiễm mặn các mạch nước ngầm, nhất là ở các vùng đô thị ven bờ. Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, nước còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Ngành sử dụng nước chủ yếu là nông nghiệp (chiếm 70% lượng nước tiêu thụ), sau đó là công nghiệp (chiếm 20% lượng nước tiêu thụ) còn nước dùng cho sinh hoạt chỉ chiếm 10%. Tuy vậy nhưng nước sinh hoạt hầu như còn chưa đến được nhiều nơi người dân còn nghèo đói như châu Phi. Nguyên nhân thứ hai và cũng là nguyên nhân quan trọng nhất làm cho nguồn nước khan hiếm chính là do nguồn nước bị ô nhiễm. Khí thải ô nhiễm có chứa chất hữu cơ là nguyên nhân chủ yếu làm cho nguồn nước bị ô nhiễm… Ở những nước có thu nhập cao và trung bình thì lượng nước ô nhiễm chiếm đến 80% lượng nước ô nhiễm của thế giới. Ngành công nghiệp gây ra ô nhiễm nước chủ yếu là công nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống.

Chúng ta vẫn không quên rằng chỉ trong 2008, ta đã phát hiện ra nhiều vụ việc vi phạm về xử lý chất thải ở các công ty lớn, mà gần đây nhất là vụ thải chất độc hại chưa qua xử lí xuống sông Thị Vải của công ti Vedan Việt Nam. Không chỉ thế, lượng rác thải sinh hoạt khổng lồ được thải ra bừa bãi trên các ao hồ, sông suối mỗi ngày cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm nước. Nguồn nước ô nhiễm sẽ là môi trường thuận lợi cho các bệnh phát sinh và dễ bùng phát thành dịch bệnh. Dịch bệnh tiêu chảy cấp mới bùng phát gần đây là một bài học đắt giá cho tất cả chúng ta. Một phần nguyên nhân là do ý thức chưa tốt của con người, vẫn còn thờ ơ, chưa quan tâm thực sự đến môi trường- nơi đang chứa đựng và nuôi dưỡng chính chúng ta. Và nhà nước vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức đến bảo vệ môi trường. Chỉ khi sự việc đã quá nghiêm trọng thì mới xử lí nhưng lúc đó đã quá muộn. Các qui tắc bảo vệ môi trường thường bị coi nhẹ là vì lí do đó. Người dân chúng ta cần quan tâm hơn nữa tới môi trường, phát hiện và khai báo những việc làm sai trái ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường để kịp thời xử lí. Chúng ta cần cùng nhau bảo vệ thế giới, bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta bằng cách bảo vệ môi trường.

Việc bảo vệ môi trường là việc làm khó khăn và cần sự chung tay góp sức của tất cả mọi người. Đây là việc làm rất cấp bách vì môi trường của chúng ta đang bị hủy hoại ngày một nghiêm trọng hơn. Vậy chúng ta phải hành động thật nhanh chóng và kiên quyết, xứng đáng là thế hệ trẻ chủ nhân tương lai của đất nước, sẵn sàng dựng xây đất nước ngày một giàu đẹp, dù chỉ với một việc làm rất nhỏ: bảo vệ môi trường.

Giaibai5s.com

Đề số 20: Em có suy nghĩ gì về vấn đề bảo vệ môi trường ngày nay – Văn mẫu lớp 7
5 (100%) 7 votes