BÀI LÀM 

1. Linh hồn Huy Cận là một linh hồn trời đất; nói thế không sai đâu! Xem suốt tập Lửa thiêng, cái cảm giác trỗi nhất của ta là một cảm giác không gian: Ta nghe xa vắng quanh mình; ta đứng trên thiên văn đài của linh hồn, nhìn cõi bát ngát; một cái buồn vời vợi dàn ra cho đến hư vô. Huy Cận quá cảm nghe cái mênh mông, thì giọng thơ của người cũng lây cái sầu của vũ trụ. Những bài thơ đôi khi vắng vẽ quá: “Đèo cao quán chật, bến đò lau thưa”, “Mái nghiêng nghiêng gửi buồn heo hút người”, hay là “Sầu thu lên bút song song”: Chỉ có trời đất ngơ ngẩn với nhau (Xuân Diệu). 

2. Mượn một ý thơ của chính Huy Cận, thì gia tài của nhà thơ ngày xưa, ngày người trai trẻ ấy còn hay không bâng khuâng ngước mặt lên trời dõi tìm một ánh lửa thiêng, phải chăng là lệ đau. Lệ đau, lệ quý. Phải vậy mà “Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm” và thơ của Người tự đó đâm “mang mang thiên cổ sầu”. Cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân đã tài hoa ghi nhận: “Người nói cùng ta nỗi buôn nơi quán chật, đèo cao, nỗi buồn của sông dài trời rộng, nỗi buồn của người lữ thứ dừng ngựa trên non, buồn đêm mưa, buồn nhớ bạn”. Trong năm loại buồn được liệt kê ấy, Tràng giang thuộc loại thứ hai. Buồn sông dài trời rộng. Sông dài trời rộng đến bâng khuâng, đến thèm bơ vơ.. 

Đọc Tràng giang không ai không cảm thấy lòng mình tự không cũng muốn buồn điệp điệp. Con sóng lăng xăng trùng trùng trên mặt dòng giang “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp” đã kịp xô nhẹ đến tít tắp cuối bài làm cho con người thơ đang ẩn náu sau trời chiều kia bất giác không ngăn nỗi, cũng đành lòng mình sóng sánh:

Lòng quê dợn dợn với con nước        
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Tự nhủ mà cũng tự hỏi lòng! 

Đọc Tràng giang, ta học ở Huy Cận niềm cảm thông với ngoại giới. Đó là nỗi buồn của nước khi thuyền về: “Thuyền về nước lại sâu trăm ngả”

Nỗi oan khiên lạ lùng của rừng: “Củi một cành khô lạc mấy dòng”

Nỗi cô liêu của bên trước sông dài trời rộng: “Sông dài trời rộng bến cô liêu”

Phút đau của cánh chim nghiêng: “Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa”

Đọc Tràng giang, ta kinh ngạc trước khả năng lắng nghe trong ngoại giới, giữa đất trời, một tiếng nói khác của chính mình. Để bâng khuâng với chính mình.

Bâng khuâng vì bơ vơ. Đó cũng là mùi vị của Tràng giang. Bốn khổ thơ mở ra bốn phiên cảnh: Sóng gợn tràng giang, lơ thơ cồn nhỏ, bèo dạt về đầu, lớn lớp mây đùn. Lòng người cũng là một tràng giang đứng trước tràng giang. Nên cảnh mới hiện lên đã nhòe tâm trạng, cảm xúc, suy ngẫm. Sóng mới gợn thì đã bị một lớp buồn điệp điệp vây phủ. Thuyền mới về chưa kịp khuất cuối dòng thì lòng người đã rủ sông cùng sâu trăm ngả. Gió chiều đìu hiu. Bến dưới trời sau cơn cớ gì mà cũng cô liêu. Cảnh bơ bơ, cảnh bâng khuâng, cảnh vong thân, cảnh trôi về cuối dòng, cuối trời. Thuyền thì xuôi mái về: “Con thuyền xuôi mái nước song song”.

Củi bơ vơ không mong ngày trở về rừng:

Củi một cành khô lạc mấy dòng

Bèo làm một cuộc thủy hành trật tự nhưng vô định:

Bèo dạt về đâu hàng nối hàng 

Mây chiều thì đùn đẩy nhau, cánh chim phiêu dạt:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc                
Chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa. 

Sông thì dài, bến thì còn đó nhưng đò và cầu đã đi đâu:

Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật.         

Chợ chiều cũng đành đoạn khép lại:

Đâu tiếng lòng xa mãn chợ chiều

Quả “Tràng giang” chất lặng lẽ bên bờ một nỗi khát – thèm – gặp – gỡ. Khát thèm một tọa độ. Gặp gỡ giữa ta với trời rộng, sông dài, giữa ta với đời. Sự gặp gỡ được giấu kín đến tận cuối không gian bài thơ. Nhưng mừng thay, nó cũng đã diễn ra:

Lòng quê dợn dợn vời con nước         
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

 Ánh lửa thiêng vậy là đã được thắp lên. Chắc đủ làm ấm lại một tâm hồn cứ muốn đi về cần mẫn giữa vô cùng tận, cứ ưa ngước mặt phía trời cao, ưa buồn thầm với bãi bến. Con người ngày ấy dị ứng với cái bề ngang, rộng của đất, đâm ra tri kỉ với trời. 16 câu “Tràng giang”, 15 câu thấm đẫm mênh mang trời sông bát ngát, thăm thẳm. 15 câu cho một cuộc ra đi, một niềm tứ tán, một nỗi khát thèm gặp gỡ. Câu 16 là một mái ấm. Nhốt một tiểu thiên địa giữa lòng một thiên địa bao la! Vị chi mà cứ mãi bâng khuâng!

ĐỀ 246: Cảm nghĩ về bài thơ Tràng giang.
Đánh giá bài viết