BÀI LÀM 

1. Bài Tràng giang của Huy Cận phảng phất âm điệu Đường luật. Phong vị cổ điển toát ra từ đầu đề đến hình ảnh từ ngữ và cách cấu trúc của toàn bộ bài thơ. Tràng giang vốn bắt nguồn từ Trường giang – tên một con sông nổi tiếng của Trung Quốc, Huy Cận đổi thành Tràng giang vì muốn gợi một chút nét cổ kính cho dòng sông quê hương. Cả bài thơ đều toát ra vẻ đẹp cổ điển và hiện đại từ tứ thơ (đối lập giữa cái vĩ đại, mênh mông của bầu trời, vũ trụ, sông nước và cái bé nhỏ, cô đơn của cảnh vật, con người), câu thơ (7 chữ), bút pháp thơ (cách ngắt nhịp, gieo vần, cấu trúc đăng đối, bút pháp tả cảnh ngụ tình… ) đến đề tài, cảm hứng của nhà thơ.

Bài thơ gồm 4 khổ, mỗi khổ đều được thiết lập trên cái tương phản giữa vũ trụ, thiên nhiên và con người. Trong Tràng giang, khổ nào cũng đều mang lâm trạng sông nước, tâm trạng vũ trụ, tâm trạng buồn, cô đơn của nhà thơ. Ở khổ thơ đầu nhà thơ đã đối lập hình ảnh sóng gợn, một con thuyền bé nhỏ, một cành củi khô trôi nổi trên dòng Tràng giang với cái mênh mông vĩ đại của bầu trời sóng nước. Nỗi cô đơn, nỗi buồn như thấm sâu vào tạo vật.

Tràng giang được viết theo thể thất ngôn (thơ 7 chữ), nên về âm điệu, về cơ bản, bài thơ gợi cho ta cảm giác chung nhẹ nhàng, tha thiết, sâu lắng. Không giống với Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, hay Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, mỗi khổ thơ đều là sự vận động của hình ảnh, bốn khổ bài Tràng giang gần như tạo cho ta cảm giác đều đều, từ cách lựa chọn hình ảnh, cách ngắt nhịp cho đến sự thể hiện cảm giác, tâm trạng của nhà thơ đều tương đối giống nhau. Nghĩa là ở cả bốn khổ thơ, ta đều bắt gặp tâm trạng sông nước, tâm trạng cô đơn và một nỗi niềm yêu nước thầm kín của tác giả. “Đã là Tràng giang thì khổ nào cũng dập dềnh sóng nước. Đã là Huy Cận thì khổ nào cũng lặng lẽ u sầu”.

2. Nhận xét về phong cách thơ Huy Cận, nhiều người cho rằng, ông là người có duyên với sông nước, vũ trụ, thiên nhiên. Điều đó hoàn toàn đúng. Không ít nhan đề tác phẩm của ông đã nói lên điều đó: Vũ trụ ca, Tràng giang, Buồn đêm mưa, Triều động, Đoàn thuyền đánh cá, Mưa xuân trên biển,… Bức tranh thiên nhiên trong thơ Huy Cận thường gọi lên trong lòng người đọc cái mênh mông, vĩ đại sâu thẳm của thiên nhiên, vũ trụ.

Bài thơ Tràng giang đã cho chúng ta thấy rất rõ đặc điểm này. Ngay từ nhan đề với sự cố tình đổi cái tên ban đầu vốn lấy từ tên một con sông Trung Quốc, Trường giang, đổi thành Tràng giang, lại lấy lời đề từ: “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”, tác giả đã đưa người đọc vào một thế giới thiên nhiên, vũ trụ mênh mông, hoang sơ và cổ kính. Chỉ xét riêng câu đề từ, ta đã thấy được thế giới tâm hồn tác giả thể hiện trong bài thơ của mình. “Bâng khuâng” là một từ chỉ trạng thái tâm hồn con người đứng trước hiện tại nhưng lại như chìm đắm trong quá khứ, trong mộng tưởng. Chính Huy Cận sau này từng tâm sự rằng, ở thời điểm viết bài Tràng giang, ông đang một mình đứng trước con sông Hồng của đất nước. Nỗi bâng khuâng khiến ông ban đầu liên tưởng tới con sông Trường giang. Chính xuất phát điểm này đã tạo cho bài thơ của Huy Cận phong vị cổ điển. Thiên nhiên được nhà thơ chiêm nghiệm vừa cổ kính vừa hiện đại, vừa có thật mà lại như hư ảo. Đó là một thiên nhiên với không gian ba chiều: bề rộng của vũ trụ, chiều dài của dòng sông, độ cao thăm thẳm của bầu trời, khiến người ta không thể không có cảm giác rợn ngợp. Tràng giang được cấu tổ dựa trên cái tương phản, đối lập gay gắt giữa cái bé nhỏ của cảnh vật và cái vĩ đại của vũ trụ, thiên nhiên. Gần như trong cả bốn khổ thơ, Huy Cận đều cố tình làm nổi bật sự đối lập gay gắt dữ dội này. Ở khổ 1, đó là sự đối lập giữa sóng gợn, cành củi khô, con thuyền nhỏ với dòng tràng giang; khổ 2 là sự đối lập giữa cồn nhỏ lơ thơ, âm thanh bé nhỏ của phiên chợ chiều, bến cô liêu với, “nắng xuống trời lên”, bầu trời hoang vắng; khổ 3 là những cánh bèo trôi dạt, những bờ bãi xanh vàng nối tiếp và một dòng sông mênh mông không cầu, không đò; khổ 4, sự đối lập có lẽ khủng khiếp hơn tất cả: một cánh chim nhỏ đối lại cả một bầu trời như đang sập xuống, với “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc”. Hình ảnh này khiến nhà thơ chạnh nghĩ tới thân phận bé nhỏ cô đơn của con người.

3. Hai cặp câu thơ “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp – Con thuyền xuôi mái nước song song”“Nắng xuống, trời lên sâu chót vót – Sông dài, trời rộng, bến cô liêu” mang đậm phong vị thơ Đường, đặc biệt ở lối tổ chức câu thơ và việc sử dụng lời thơ. Đây cũng là đặc điểm chung của toàn bài, và nó cũng cho thấy sự khác nhau ít nhiều của hai nhà thơ mới Tây học Xuân Diệu và Huy Cận.

Nhận xét về phong cách thơ Xuân Diệu, Hoài Thanh, tác giả Thi nhân Việt Nam cho rằng đây là “nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới”. Trong khi với Huy Cận, ông lại viết: “Người (Huy Cận) đã gọi dậy cái hồn buồn của Đông á, người đã khơi lại cái mạch sầu mấy nghìn năm trong cõi đất này” (Thi nhân Việt Nam, Sđd). Tuy cũng có ảnh hưởng ít nhiều nguồn thơ phương Tây, nhưng thơ Huy Cận có lẽ mang phong vị Đường thi nhiều hơn. Cả bài thơ Tràng giang của ông là sự đối lập tương phản gay gắt giữa cái bé nhỏ cô đơn của cảnh vật, con người với cái vĩ đại mênh mông của thiên nhiên, vũ trụ. Tuy nhiên, cái đối lập, tương phản trong thơ Huy Cận không phải lúc nào cũng đối chọi nhau, chính xác hơn, có thể xem đó là phép đối xứng – một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc trong thơ cổ điển. Trong bài Tràng giang, phép đối xứng này được thể hiện qua các phương diện câu, ý, hình ảnh, âm vận,… Tất nhiên, ta cũng nên nhớ rằng, Huy Cận là một nhà thơ hiện đại, nên phép đối xứng trong bài thơ của ông không hoàn toàn chặt chẽ, nghiêm khắc như với một nhà thợ cổ điển thực thụ. Chẳng hạn ở câu đầu có sự đối xứng giữa sóng gợn (nhỏ bé) và tràng giang (to lớn); giữa câu 1 và 2 lại có sự đối xứng giữa tràng giangcon thuyền nhỏ; giữa thiên nhiêncon người có sự đối xứng giữa sóng gợn tràng giang và buồn điệp điệp; về từ ngữ có sự đối xứng giữa điệp điệpsong song ở cặp câu thứ nhất, xuốnglên ở cặp câu thứ hai; về hình ảnh, đó là sự đối xứng giữa bầu trờimặt đất, giữa sông dài trời rộngbến cô liêu ở cặp câu thứ hai… thậm chí, có khi ngay trong một cụm từ, nhà thơ cũng cố tình đặt ngay cạnh nhau hai chữ ngược nghĩa nhằm nhấn mạnh, đề cao ý cần nói. Chẳng hạn, nói về độ cao của bầu trời hoàng hôn, Huy Cận đặt chữ sâu bên cạnh chữ chót vót. Hai chữ này vốn ngược nghĩa với nhau: sâu là chỉ những gì phía dưới chỗ ta đứng, chót vót là tính từ chỉ độ cao phía trên đầu. Vậy nhưng, khi miêu tả bầu trời lúc chiều tà, Huy Cận lại viết: “Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót”. Rõ ràng với cách dùng từ độc đáo này, nhà thơ đã diễn tả đúng trạng thái cảm xúc về thiên nhiên và vũ trụ của con người vào lúc hoàng hôn. Sâu chót vót thì không những chỉ nói được độ cao của bầu trời mà còn nói được cả tâm trạng của con người ở thời điểm “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Bầu trời lúc này giống như một vực thẳm, con người thấy rợn ngợp trước khung cảnh thiên nhiên đó.

4. Trong Tràng giang có hai hình ảnh miêu tả cảnh vật và không gian rất độc đáo mới lạ của Huy Cận. Đó là hình ảnh “Củi một cành khô lạc mấy dòng” ở khổ 1 và “Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa” Ở khổ 4. “Củi một cành khô”, ở khổ thứ nhất là một hình ảnh tả thực, không hề có sự “tô vẽ” thêm thắt gì của Huy Cận. Nhà thơ từng tâm sự rằng, ban đầu hình ảnh thơ này khiến ông băn khoăn, do dự nhiều nhất. Trong cái âm điệu cổ điển chung của toàn bài, hình ảnh “trần trụi sống sít” này tưởng như lạc điệu. Tuy nhiên, về sau, chính ông thừa nhận, đây là hình ảnh “đắt giá” của bài thơ. Bởi lẽ, trước hết, nó gợi được tính chân thực, nó không sa vào sự ước lệ, sáo mòn, vốn là đặc điểm của thơ cổ điển. Sau nữa, hình ảnh cành củi khô nhẹ tênh được đặt trên dòng sông tràng giang còn gợi sự trôi nổi của kiếp người. Nó phần nào phù hợp với tư tưởng chung của toàn bài.

Hình ảnh thứ hai, cánh chim nhỏ nghiêng xuống trong buổi chiều, như kéo theo cả bầu trời sập xuống. Câu thơ tạo được sự tương phản đến rợn người. Đúng ra, hình ảnh cánh chim chiều vốn chỉ là hình ảnh thợ quen thuộc có tính ước lệ mà Huy Cận chịu ảnh hưởng từ thơ cổ. Lâu nay, viết về cảnh chiều hay lúc hoàng hôn, không ít nhà thơ đã từng nhắc đến hình ảnh này: 

Chim bay về núi tối rồi
                                      (Ca dao) 

Chim nói về rừng tìm chốn ngủ
                                              (Hồ Chí Minh)

 Chim hôm thoi thót về rừng…
                                            (Nguyễn Du) 

Nhưng cách Huy Cận sử dụng ngữ pháp trong câu thơ lại tạo được sự mới mẻ, sáng tạo riêng và rất ấn tượng: “Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa”. Dấu hai chấm đặt sau hình ảnh cánh chim nhỏ nghiêng xuống trong buổi chiều cứ như kéo bầu trời sập xuống. Hình ảnh thơ cũng tạo liên tưởng về sự vận động mạnh mẽ của thiên nhiên, vũ trụ. Nói Huy Cận là nhà thơ có cảm quan về thiên nhiên, vũ trụ là hoàn toàn đúng.

5. Sinh thời, nhà thơ Huy Cận rất tự hào về bài Tràng giang của mình. Ông hay nhắc lại kỉ niệm, Tổng Bí thư Trường Chinh khi còn sống, cứ mỗi lần có việc đi ngang qua sông Hồng, lại nhắc đến bài thơ. Nghĩa là, Tràng giang không chỉ có sự thành công về nghệ thuật, mà nó còn thể hiện tấm lòng yêu nước thầm kín của tác giả. Nhìn bề ngoài, người đọc đôi khi thật khó tìm ra tình cảm yêu nước trong bài thơ. Một thời, khi nói đến thơ mới lãng mạn, người ta chỉ nhấn mạnh nỗi buồn bã cô đơn trong đó. Đúng ra, các nhà thơ mới lãng mạn có cách thể hiện tình cảm yêu nước riêng của họ. Trong thời điểm đất nước bị xâm lăng, người dân không tìm được hướng đi, họ chỉ có thể bày tỏ tình cảm yêu nước thầm kín của mình qua tình yêu thiên nhiên quê hương đất nước.

Đọc bài Tràng giang, ta có thể thấm thía nỗi buồn da diết của nhà thơ Huy Cận trước vẻ đẹp kì vĩ của quê hương đất nước. Tràng giang đã gợi được niềm yêu mến của người đọc đối với quê hương mình. Tất cả hình ảnh hiện lên trong bài thơ, một dòng sông, một con thuyền, những bến bờ, cảnh bèo trôi nổi đều góp phần tạo nên vẻ đẹp của bức tranh quê hương. Nhà thơ Huy Cận hoàn toàn xứng đáng với lời nhận xét của nhà thơ Xuân Diệu: “Tràng giang là một bài thơ ca ngợi non sông đất nước vì vậy mà dọn đường cho tình yêu Tổ quốc giang sơn”.

ĐỀ 247: Phân tích bài thơ Tràng giang.
Đánh giá bài viết