BÀI LÀM

 

“Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà     
Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam luôn dành một tình cảm đặc biệt cho miền Nam yêu dấu. Miền Nam luôn trong trái tim Người và người dân miền Nam cũng mong đến ngày được độc lập để được đón Bác vào thăm. Nhưng nỗi mong ước ấy đã không thể thành sự thật. Bác kính yêu của chúng ta đã ra đi mãi mãi, để lại niềm thương tiếc khôn nguôi cho nhân dân cả nước. Sau ngày đất nước thống nhất, nhà thơ Viễn Phương – một người con của miền Nam đã ra thăm lăng Bác và viết nên bài thơ “Viếng lăng Bác” để bày tỏ tình cảm chân thành của mình đối với Người.

Câu thơ mở đầu: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” chỉ có : bảy chữ nhưng chứa đựng nhiều điều mà nhà thơ muốn giải bày. Từ miền Nam ra miền Bắc để viếng lăng Bác, tác giả phải trải qua một chặng đường thật khó khăn, xa xôi. Cách xưng hô con – Bác thân mật, thể hiện tình cảm kính trọng, yêu quý của nhà thơ và cũng là của nhân dân Việt Nam nói chung đối với Người. Viễn Phương đã xem Bác như một người cha. Ngày Bác mất, đứa con xa này không về kịp. Và bây giờ, đứa con này đã về với Bác đây. Nhà thơ không nói viếng mà lại nói thăm? Phải chăng, đó là cách để làm giảm đi nỗi đau, sự mất mát?

Khi đến lăng Bác, hình ảnh đầu tiên mà tác giả nhìn thấy là hình ảnh hàng tre:

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát 
Ôi, hàng tre xanh xanh Việt Nam          
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.        

Vẫn là màu xanh vĩnh cửu, hiên ngang, bất diệt với dáng đứng thẳng mà ta thường bắt gặp trong bất kì thôn xóm nào của làng quê Việt Nam. Dù thiên nhiên khắc nghiệt “bão táp mưa sa”, tre vẫn tồn tại, phát triển sừng sững giữa đất trời. Hàng tre trong khổ thơ đầu vừa là một hình ảnh thực, vừa là một hình ảnh ẩn dụ, gợi ta liên tưởng đến phong thái hiên ngang, bất khuất và những phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam. Cây tre đã trở thành biểu tượng cho dân tộc. Nó như những chiến sĩ hội tụ về quanh lăng để canh giấc ngủ cho Bác.

Khổ thơ thứ hai được bắt đầu bằng hai câu thơ với những hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng 
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Mặt trời trong câu thơ thứ nhất là một hình ảnh thực, ngày ngày đi qua trên lăng để toả ánh sáng cho nhân loại. Mặt trời thiên nhiên ấy sẽ toả ánh sáng đến muôn đời. Vậy còn “mặt trời trong lăng”? Nhà thơ đã dùng biện pháp nghệ thuật ẩn dụ để ví Bác như mặt trời bởi Người đã soi sáng con đường cách mạng cho dân tộc; đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi bóng đen của cuộc đời nô lệ để vươn tới ánh sáng của độc lập, tự do. Vì thế, hình ảnh ẩn dụ này vừa nói lên sự vĩ đại của Hồ Chí Minh, đồng thời, vừa thể hiện được sự tôn kính của tác giả và của toàn thể nhân dân miền Nam, Việt Nam nói chung đối với Bác.

Bởi yêu thương và tôn kính Bác nên người dân Việt Nam vẫn ngày ngày đến thăm Người:

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ 
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.

Những đoàn người đến thăm lăng Bác xếp thành hàng dài trông như những tràng hoa vô tận. Sự liên tưởng của tác giả thật độc đáo. Ai cũng muốn dâng hoa cho Bác, ai cũng muốn dành cho “bảy mươi chín mùa xuân” ấy những gì tốt đẹp nhất. Cách So sánh ngầm này vừa mới lạ lại vừa diễn tả được tình cảm của mọi người dân đối với Bác. Khi vào trong lăng, được nhìn thấy Bác tận mắt, tác giả đã có những cảm xúc thật dạt dào:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Khung cảnh, không khí ở đây thanh tĩnh và bình yên quá! Ánh sáng của những ngọn đèn mờ ảo quanh lăng làm nhà thơ liên tưởng đến ánh sáng dịu hiền của vầng trăng. Khi còn sống, Bác với trăng là đôi bạn thân thiết, luôn quấn quýt bên nhau. Và bây giờ, khi Bác đã ra đi cũng được trăng vỗ về giấc ngủ ngàn thu.

Nhà thơ đã từng ví Bác với mặt trời, và bây giờ, cũng bằng nghệ thuật ẩn dụ, nhà thơ ví Bác với trời xanh:

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim. 

Bác mất đi nhưng hình ảnh của Bác vẫn còn sống mãi trong lòng người dân cả nước. Dù vẫn biết và tin như thế nhưng nhà thơ vẫn không ngăn nỗi sự đau đớn, xót xa. Nó làm trái tim ông thổn thức. Miền Nam nay đã được độc lập: “Bắc Nam sum họp một nhà, thỏa lòng Bác mong” nhưng miền Nam không còn được đón Bác vào thăm. Nỗi đau này vì thế không chỉ của riêng ai.

Nghĩ đến lúc phải xa Người, nhà thơ thấy lòng lưu luyến: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”. Sự tôn kính, lòng yêu thương, nỗi đau xót ở trên bây giờ đã hoà trộn lại để biến thành dòng nước mắt trào tuôn. Nhà thơ muốn được ở lại mãi bên Bác nên đã có những ước muốn thật giản dị:

Muốn làm con chim hót quanh lăng            
Bác Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây 
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.        

Điệp ngữ “muốn làm” được lặp đi lặp lại đã thể hiện được sự tự nguyện của Viễn Phương. Nhà thơ muốn làm con chim cất tiếng hót vui nhộn cho Bác nghe. Muốn làm một bông hoa tỏa hương ngào ngạt để điểm tô thêm hương sắc quanh lăng Người. Và là cây tre trung hiếu để canh cho Người giấc ngủ ngàn thu. Bởi khi còn sống, Bác của chúng ta chưa bao giờ được ngủ ngon giấc vì nỗi lo nước nhà. Nhà thơ Tố Hữu cũng đã từng viết:

Cả cuộc đời Bác có ngủ đâu 
Nay Bác ngủ chúng con canh giấc ngủ.

Đó chính là ước nguyện thành kính, cao đẹp của triệu triệu tấm lòng người con đất Việt dâng lên Bác kính yêu.

Với bốn khổ thơ khá cô đọng, Viễn Phương đã xây dựng được nhiều hình ảnh ẩn dụ thành công, thể hiện được niềm xúc động tràn đầy, tình cảm chân thành, thiết tha của mình đối với Bác. Tấm lòng bao la của Hồ Chí Minh mãi là tấm gương sáng cho mọi người dân Việt Nam noi theo. Chúng ta phải cố gắng phấn đấu, học tập và rèn luyện theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

  Nguồn website giaibai5s.com     

Đề 22: Cảm nhận của em về tình cảm của nhà thơ Viễn Phương qua bài thơ “Viếng lăng Bác”.
3.5 (70%) 2 votes