BÀI LÀM

Mình về thành thị xa xôi 
Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa chăng? 
Phố đông còn nhớ bản làng 
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?
                                                          (Tố Hữu) 

Đó là lời tâm sự, là lời tự nhắc ai đó rằng sống phải có nghĩa, có tình; đừng nên dễ dàng lãng quên quá khứ. Ánh trăng của Nguyễn Duy cũng viết về đề tài này. Bài thơ được sáng tác vào năm 1978, ba năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thông qua hình ảnh vầng trăng – không chỉ là một hình ảnh của đất trời, thiên nhiên mà còn là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, nhà thơ muốn nhắc nhở mỗi con người về lẽ sống thuỷ chung với chính mình, với quá khứ. Đừng quên những năm tháng gian lao của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu.

Những câu thơ mở đầu là một chút hoài niệm xa vời về cái ngày xưa đâu dễ nguôi quên:

Hồi nhỏ sống với đồng 
với sông rồi với bể       

Từ “với” được điệp lại tới ba lần đã cho ta thấy, tuổi thơ của nhân vật trữ tình trong bài thật đẹp, được đi nhiều nơi, được ngắm trăng trên đồng quê, ngắm trăng trên dòng sông và ngắm trăng trên bãi bể. Vầng trăng gắn bó với con người suốt cả quãng đời thơ ấu. Dưới ánh sáng dịu mát của ánh trăng, con người tha hồ ngắm cảnh, tha hồ chơi đùa cùng nhau. Vì thế, mấy ai trong chúng ta, nếu được sống ở làng quê mà không thích những đêm trăng? Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đã từng mê mẩn trước: “Ông trăng tròn sáng tỏ/ Soi rõ sân nhà em” (Trăng sáng sân nhà em) đó thôi.

Không chỉ có tuổi thơ mà khi đất nước có chiến tranh, vầng trăng với người lính cũng trở thành tri kỉ:

Hồi chiến tranh ở rừng 
vầng trăng thành tri kỷ.

Trong những năm tháng máu lửa ấy, trăng và người là đôi bạn thân thiết với nhau. Trăng hiện diện cùng người trong những đêm hành quân. Trăng cùng chia sẻ gian lao của cuộc đời người lính: “Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo” (Chính Hữu). Trăng hân hoan trong niềm vui thắng trận. Trăng làm dịu đi sự khốc liệt ở chiến trường, vượt lên mọi sự tàn phá huỷ diệt của bom đạn kẻ thù.

Trăng còn là một hình ảnh của thiên nhiên mang vẻ đẹp tự nhiên, tươi mát:

Trần trụi với thiên nhiên 
hồn nhiên như cây cỏ     

Cách so sánh này đã làm nổi bật được vẻ đẹp của vầng trăng, vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu và cốt cách trần trụi, hồn nhiên của người lính. Trong suốt quãng thời gian quá khứ, con người đã gắn bó, gần gũi với trăng. Vì thế, con người đã trở nên trong sáng, đẹp đẽ và cao thượng hơn. Vầng trăng trong quá khứ đã trở thành “vầng trăng tri kỷ”, “vầng trăng tình nghĩa” đến tưởng “không bao giờ quên”.

Thế rồi hoàn cảnh sống thay đổi:

Từ hồi về thành phố          
quen ánh điện, cửa gương.

Sau những năm tháng gian khổ nơi chiến trường, khi hoà bình lập lại, người lính được về sống ở thành phố. Cuộc sống hiện đại với “ánh điện, cửa gương” – những tiện nghi vật chất sang trọng ấy – đã làm con người trở thành kẻ “ăn ở bạc”. Vầng trăng tri kỉ, tình nghĩa năm nào giờ đã bị con người lãng quên:

Vầng trăng đi qua ngõ        
như người dưng qua đường.

Cách so sánh làm chột dạ lòng người. Trăng được nhân hoá, lướt nhanh như cuộc sống hiện đại, lặng lẽ đi qua đường, trở thành người dưng lúc nào chẳng ai biết, ai hay. Ánh điện sáng chói đã che mất đi ánh sáng dịu hiền của vầng trăng. Con người không còn thời gian để ngắm trăng nữa. Và hơn thế, họ không còn nhớ đến sự hiện diện của vầng trăng. Trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, con người không có điều kiện để mở rộng hồn mình với thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên. Trăng hoá thành người dưng lúc nào không hay. Trăng là biểu tượng cho vẻ đẹp bình dị, vĩnh hằng của đời sống, nó còn là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình. Quên vầng trăng cũng có nghĩa là quên quá khứ đầy ân nghĩa, ân tình ấy. Sự thay đổi của lòng người thật đáng sợ làm sao!

Thế rồi, có một sự cố đột ngột đến: 

Thình lình đèn điện tắt     
phòng buyn – đinh tối om 
vội bật tung cửa sổ            
đột ngột vầng trăng tròn   

Các từ thình lình, vội, đột ngột đã bộc lộ được cảm xúc của nhân vật trữ tình. Thành phố mất điện. Phòng buyn đinh tối om, không khí ngột ngạt và nóng nực quá. Hành động “vội bật” của nhân vật là để giải toả những bức bối, ngột ngạt ấy. Chính trong giây phút này, “vầng trăng tròn” ở ngoài kia đột ngột hiện ra. Trăng vẫn tròn, vẫn đẹp như ngày xưa, vẫn lặng lẽ toả ánh sáng cho mọi nhà, vẫn chung thuỷ, nghĩa tình trọn vẹn. Chỉ có lòng người là đã đổi thay. Trong phút chốc, bao kỉ niệm, bao hình ảnh của thiên nhiên bình dị, hiền hậu lại ùa về:

Ngửa mặt lên nhìn mặt 
có cái gì rưng rưng       
như là đồng là bể          
như là sông là rừng.      

Cái nhìn sao mà áy náy, xót xa. Mặt trăng và mặt người đối diện nhau. Trăng lặng im, chẳng nói, chẳng trách gì mà sao người lính vẫn thấy xúc động đến rưng rưng nước mắt. Đó chính là cảm xúc thiết tha, có phần thành kính của nhà thơ. Kỉ niệm ngày xưa lại hiện về. Đó là những năm tháng tuổi thơ hồn nhiên, đùa nghịch bên lũ bạn dưới ánh trăng là những tháng ngày gian lao nhưng trọn vẹn ân tình bên đồng chí, đồng đội. Hoá ra, người lính năm nào chỉ tạm thời lãng quên chứ đâu đã hoàn toàn quên lãng. Cấu trúc câu thơ song hành, biện pháp tu từ so sánh và điệp từ như là đã cho ta thấy Nguyễn Duy thật tài hoa.

Hình ảnh vầng trăng trong khổ thơ cuối bài mang tính biểu tượng cao:

Trăng cứ tròn vành vạnh 
kể chi người vô tình         
ánh trăng im phăng phắc 
đủ cho ta giật mình.        

“Trăng tròn vành mạnh” tượng trưng cho vẻ đẹp vẹn nguyên, vĩnh hằng của quá khứ không thể mờ phai. Vầng trăng ấy vẫn cứ tròn đầy, lặng lẽ “kể chi người vô tình”. Nó bao dung, độ lượng, không hề đòi hỏi sự đáp đền. “Ánh trăng im phăng phắc” chính là người bạn nhân chứng nghĩa tình mà nghiêm khắc đang nhắc nhở tác giả và cả chúng ta rằng không được quên quá khứ. Con người có thể vô tình lãng quên nhưng nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt. Cái giật mình ấy chính là sự ăn năn, sự tự trách, tự nhắc nhở bản thân. Và nhờ những cái “giật mình” như vậy mà con người ta mới hoàn thiện thêm ra.

Bài thơ được sáng tác theo thể thơ 5 chữ nhưng Nguyễn Duy đã làm mới thể thơ này bằng cách không viết hoa đầu dòng mỗi chữ cái. Phải chăng, qua sự sáng tạo này, ông muốn diễn tả được những cảm xúc đang dâng trào, chảy tràn ở trong lòng? 

Với việc vận dụng sáng tạo thể thơ 5 chữ, với giọng thơ tâm tình, ngôn ngữ thơ trong sáng, hình tượng thơ có ý nghĩa triết lý, nhà thơ muốn nhắc nhở chúng ta, không nên sống vô tình mà phải thuỷ chung, trọn vẹn, nghĩa tình với bạn bè, với đất nước, với nhân dân. Bài thơ còn có ý nghĩa với nhiều người, nhiều thời bởi nó đặt ra vấn đề về thái độ sống đối với quá khứ, với những người đã khuất và với cả chính mình.

  Nguồn website giaibai5s.com     

Đề 23: Cảm nghĩ của em về bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy
Đánh giá bài viết