BÀI LÀM 

Tục ngữ là kho tàng quý báu của văn học dân gian. Cha ông ta đã đúc rút những kinh nghiệm trong cuộc sống để viết nên những câu tục ngữ khuyên răn con cháu đời sau. Trong đó có câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” là một bài học quý giá về cách sống ở đời.

Câu tục ngữ trên đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ “mực” và “đèn”. “Mực” và “đèn” là hai hình ảnh quen thuộc, đặc biệt là với học sinh. Khi dùng bút mực để viết, mực rất hay bị dây bẩn ra quần áo, rất khó có thể giặt sạch. Còn khi ngồi học, sinh hoạt vào buổi tối thường dùng đèn để thắp sáng, càng ngồi gần ánh đèn thì càng có nhiều ánh sáng. Hay “mực” và “đèn” ở đây còn là hình ảnh ẩn dụ cho môi trường sống. “Mực” là môi trường xấu, có ảnh hưởng tiêu cực đến con người. “Đèn” tượng trưng cho môi trường sống tích cực, ở đó con người có thể học hỏi được những điều tốt. Câu tục ngữ này cho thấy ảnh hưởng, tác động của môi trường sống đối với con người. Đây là quy luật của sự vật. Dựa vào thực tế cuộc sống của con người, ta thấy câu tục ngữ hoàn toàn đúng khi xét trong mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách mỗi con người. Điều này được thể hiện rõ nhất trong việc hình thành nhân cách trẻ em. Những trẻ em được sinh ra trong hoàn cảnh gia đình tốt, bố mẹ hòa thuận giúp em có điều kiện sống tốt, nhận được tình yêu thương đầy đủ của gia đình, giúp hình thành nhân cách cho trẻ. Ngược lại, những em sinh ra trong gia đình thường xảy ra bất hòa sẽ ít nhiều chịu tác động của hoàn cảnh, làm tổn thương đến tâm hồn trẻ thơ.

Nhưng có quan niệm “gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”. Có những người vẫn giữ được bản chất trong sáng, tốt đẹp giữa môi trường xấu. Điều đó đúng với những con người có chính kiến, không chịu sự tác động của những thứ xấu xa bên ngoài. Cũng có những người sống gần môi trường tốt, có đầy đủ điều kiện để phát triển nhưng vẫn không thể tốt lên được. 

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, càng nhiều những cám dỗ. Chính vì thế, con người cần phải giữ được chính kiến của mình, không được để sa vào các tệ nạn xã hội, làm xấu đi bản thân. Con người chỉ được phép “rạng” hơn chứ không được “đen” đi.

Qua đây, ta thấy hoàn cảnh sống có vai trò quan trọng góp phần hình thành nhân cách con người. Chính vì vậy, hãy hình thành một môi trường sống tích cực, tạo điều kiện phát triển con người, phát triển nhân loại.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 99: Bình luận về câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”
Đánh giá bài viết