BÀI LÀM 

Từ thuở nằm nôi chúng ta đã biết đến con cò, con cò xuất hiện trong những giấc ngủ êm đềm, vỗ về tuổi thơ. Cánh cò còn xuất hiện nhiều trong ca dao, thơ ca Việt Nam. Chế Lan Viên đã viết “Con cò” để ca ngợi tình mẹ bao la, ấm áp, qua đó cũng thể hiện ý nghĩa của lời ru trong cuộc đời mỗi con người.

Hình ảnh con cò được bao quát toàn bộ bài thơ được khai thác từ trong ca dao truyền thống và được tác giả phát triển, xây dựng thành ý nghĩa biểu tượng cho tấm lòng người mẹ. Bài thơ bắt đầu từ hình ảnh con cò trong ca dao theo lời ru của mẹ đi vào tiềm thức trẻ thơ, rồi đến hình ảnh con cò mang ý nghĩa biểu tượng cho sự nâng niu, chăm chút của mẹ dành cho con suốt cuộc đời, và cuối cùng là những cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử và ý nghĩa lời ru qua hình ảnh con cò.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh những cánh cò bay thẳng cánh trên bầu trời bao la, rộng lớn: 

Con cò bay la          
Con cò bay lả           
Con cò cổng phủ,     
Con cò Đồng Đăng…

Những cánh cò bay dọc cánh đồng lúa xanh tít tắp, bay về những mái nhà tranh bình yên. Hình ảnh con cò gợi cuộc sống êm đềm, yên ả. Cuộc sống ấy là quê hương với cánh cò trải rộng. “Con cò” cũng là nét rất riêng, rất duyên dáng, dịu dàng, đặc trưng cho làng quê Việt Nam. Con cò ấy còn là cái hồn của quê hương mà người mẹ gửi vào trong giấc ngủ của con. Hình ảnh con cò trong lời ru của mẹ là những “con cò ăn đêm, con cò xa tổ, cò gặp cành mềm, cò sợ xáo măng”. Đó là những cánh cò vất vả, lam lũ đi kiếm ăn. Hay đây còn là hình ảnh ẩn dụ cho người mẹ, người phụ nữ nhọc nhằn, vất vả, lặn lội kiếm sống nuôi chồng, nuôi con. Đây không còn là con cò trắng bình yên vô tư, vô lo mà đã trở thành biểu tượng của những người nông dân vất vả. Qua lời ru của mẹ, hình ảnh con cò đến với tâm hồn tuổi ấu thơ một cách vô tư. Đây cũng chính là sự khởi đầu của con đường đi vào thế giới tâm hồn mỗi người, của những lời ru, lời ca dao dân ca, qua đó là cả điệu hồn dân tộc. Ở tuổi của con chưa thể hiểu và chưa cần hiểu nội dung ý nghĩa những lời ru, mà chỉ cần được vỗ về trong âm điệu ngọt ngào, dịu dàng của lời ru để đón nhận bằng trực giác vô thức, tình yêu vô bờ bến và sự che chở của người mẹ: “Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân”. Đoạn thơ khép lại bằng hình ảnh thanh bình của cuộc sống, bằng giấc ngủ say nồng của trẻ thơ.

Từ lời ru của mẹ, con cò bước ra làm quen với đứa bé, thế rồi cò trở thành người bạn thân thiết, gần gũi.

Cò đứng ở quanh nôi                          
Rồi cò vào trong tổ.                            
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ,             
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi. 
Mai khôn lớn, con theo con đi học,     
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân. 

Cò trở thành người bạn đồng hàng thân thiết trên mỗi chặng đường đời của con, cò luôn bên con, luôn là điểm tựa, là người tiến bước cùng con. Cánh cò không mệt mỏi bay qua mọi không gian và thời gian, luôn ở bên con từ trong nôi, từ mái trường, từ hiên nhà, từ câu văn. Cánh cò ấy dường như tung bay theo từng ước mơ, khao khát của con. Như vậy, hình ảnh con cò là biểu tượng về lòng mẹ, là sự dìu dắt, nâng đỡ dịu dàng, bền bỉ của mẹ và mẹ mong cho con có tâm hồn yêu quê hương. Dù con có lớn khôn thế nào thì trong mẹ con luôn là đứa con bé bỏng, luôn cần được mẹ nâng đỡ, yêu thương và chăm chút. Ánh mắt của mẹ luôn dõi theo từng bước trên đường đời của con. Vì thế, con hãy an tâm mà vững bước vì luôn có mẹ ở đây, luôn có mẹ bên con.

Hình ảnh con cò là biểu tượng cho tấm lòng yêu con của người mẹ, mẹ đã theo con suốt cuộc đời. Từ sự thấu hiểu tấm lòng người mẹ, nhà thơ đã khái quát một quy luật tình cảm có ý nghĩa sâu sắc và bền vững: 

Con dù lớn vẫn là con của mẹ,   
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.

Câu thơ giàu chất trí tuệ, triết lí: triết lí của trái tim. Qua đó khẳng định tình mẫu tử là bền chặt, sắt son. Có gì đong đếm được tình mẹ dành cho con bởi:

Công cha như núi Thái Sơn 
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Công lao của cha mẹ là vô bờ bến, không có một thứ gì có thể đong đếm được tình mẫu tử. Tình mẹ vốn dĩ bao la như biển dạt dào. Phần cuối bài thơ trở lại với âm hưởng lời ru và đúc kết hình tượng con cò trong những lời ru ấy. Chỉ một con cò trong lời ru mẹ hát mà ẩn chứa bao bài học, bao ý nghĩa về cuộc đời. Bài học ấy, ý nghĩa ấy đến với con thật nhẹ nhàng, sâu lắng qua âm điệu thiết tha của những lời ru. Không có lời ru, cuộc đời con thiệt thòi, nghèo nàn biết mấy.

Như vậy, bằng việc vận dụng các biện pháp nghệ thuật khác nhau như thể thơ tự do, giọng điệu suy ngẫm, triết lí, sáng tạo hình ảnh thiên về ý nghĩa biểu tượng nhưng cũng rất gần gũi, quen thuộc làm cho bài thơ không chỉ cuốn người đọc vào điệu ru êm ái, mà hướng nhiều hơn vào sự suy ngẫm. Hình ảnh con cò được phát triển, mở rộng qua nỗi khổ nhưng vẫn giữ được tính liên kết, thống nhất. Bài thơ thành công trong việc vận dụng sáng tạo ca dao, có những câu thơ đúc kết được những suy nghĩ sâu xa.

“Con cò” đã thể hiện thành công tình mẫu tử thiêng liêng mà người mẹ dành cho con. Tình cảm ấy đã theo con suốt cả cuộc đời từ khi bé thơ đến khi trưởng thành. Đó cũng chính là tình cảm của tất cả những bà mẹ Việt Nam dành cho những đứa con thơ yêu quý của mình.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 62: Cảm nghĩ của em về bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên
Đánh giá bài viết