BÀI LÀM 

Những lời ru ngọt ngào của mẹ đã nuôi ta lớn lên. Mẹ thường hát con nghe câu chuyện con cò, mẹ là người nuôi con lớn khôn từng ngày. Cảm động trước tình yêu của mẹ, Chế Lan Viên đã thể hiện xuất sắc, cảm động tình yêu thương con vô bờ bến và ý nghĩa lời hát ru của mẹ đối với cuộc đời mỗi con người. Ta có thể thấy rõ điều này qua tác phẩm “Con cò”.

Hình ảnh con cò quen thuộc trong ca dao được Chế Lan Viên lấy làm hình tượng chủ đạo của bài thơ. Con cò là ẩn dụ về người nông dân, đặc biệt là người phụ nữ trong cuộc sống lam lũ, nhọc nhằn nhưng giàu lòng nhân ái và đức hi sinh. Chế Lan Viên khai thác hình ảnh con cò ở ý nghĩa biểu trưng cho tấm lòng người mẹ.

Con cò được viết lên trang giấy một cách nhẹ nhàng mà lại rất êm ái, du dương:

Con còn bế trên tay     
Con chưa biết con cò   
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay.   

Một đứa trẻ còn quá nhỏ, không thể biết đến con cò. Ấy thế mà người mẹ đã thật khéo léo đưa cánh cò vào lời ru, đưa cánh cò đến bên đời con. Con cò được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong đoạn thơ, dường như người mẹ muốn con khắc sâu hình ảnh con cò vào trong trí nhớ mình. Bởi cò đã quá đỗi thân thuộc với người dân, cò tượng trưng cho người nông dân vất vả kiếm ăn. Đưa hình ảnh con cò vào lời ru cũng là một du ý của mẹ. Mẹ muốn con hiểu rằng cuộc sống của cha mẹ đã vất vả và lam lũ như những con cò kia để cho con có được cuộc sống ấm no. Tác giả không lấy nguyên văn câu ca dao về con cò vào lời thơ của mình mà chỉ lấy ý, lấy hình nhưng lại rất giàu sức gợi:

“Con cò bay la               
Con cò bay lả             
Con cò cổng phủ         
Con cò Đồng Đăng…”

Những câu thơ trên gợi tả một không gian và khung cảnh quen thuộc của phố phường, làng mạc, đồng ruộng, vừa gợi lên nhịp sống êm đềm, thong thả và bình yên của người dân Việt Nam từ ngàn xưa. Không có gì hạnh phúc bằng mẹ ru con ngủ trong khung cảnh yên bình.

Cò một mình, có phải kiếm lấy ăn, 
Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.     
Con cò ăn đêm,                                
Con cò xa tổ,                                    
Cò gặp cành mềm,                           
Cò sợ xáo măng…                            

Cò một mình quanh năm suốt tháng, bất kể là ngày nắng hay mưa, sáng hay tối, lúc nào cò cũng chỉ có một mình đi kiếm ăn. Còn con thì ngược lại với con cò, dù có trong thời điểm nào, con cũng luôn có mẹ, chỉ cần có bàn tay của mẹ con sẽ được ngủ yên, con đã có mẹ nuôi dưỡng, bế bồng để con chơi rồi lại ngủ. Thấp thoáng trong lời ru của mẹ là những cuộc mưu sinh. Nhưng con vẫn chẳng sợ vì đã có mẹ ở bên. 

Những đứa trẻ ngủ giấc say nồng:

Ngủ yên! Ngủ yên! Cò ơi, chớ sợ!        
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng!      
Trong lời ru của mẹ đã thấm hơi xuân, 
Con chưa biết con cò, con vạc.              
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát 
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân.

Điệp từ ngủ yên được nhắc lại nhiều lần và các dấu chấm cảm liên tiếp xuất hiện làm cho nhịp thơ trở nên ngọt ngào, thiết tha. Lời ru của mẹ chính là đoạn đường khởi đầu đi vào thế giới tâm hồn của con. Đoạn thơ khép lại bằng lời thơ vỗ về, an ủi của người mẹ dành cho con: “Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân”, mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả mọi thứ để con có thể yên tâm trong giấc ngủ của mình.

Ở đoạn thơ thứ hai, cánh cò từ trong lời ru đã in sâu vào tiềm thức của tuổi thơ, trở nên gần gũi, thân thiết và sẽ theo con suốt cả cuộc đời. Hình ảnh con cò trong ca dao tiếp tục sự sống của nó trong tâm hồn của mỗi chúng ta bởi nó đã được xây dựng bằng sự chiêm nghiệm và trí tưởng tượng phong phú của nhà thơ. Hình ảnh con còn mang ý nghĩa tượng trưng cho lòng mẹ, cho sự dìu dắt, nâng đỡ dịu dàng và bền bỉ của mẹ đối với con.

Cánh cò đã trở thành người bạn đồng hành của con từ tuổi thơ đến lúc khôn lớn:

Mai con khôn lớn, con theo cò đi học,
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân. 
Lớn lên, lớn lên, lớn lên,…                  
Con làm gì?                                         
Con làm thi sĩ!                                      
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà                                      
Và trong hơi mát câu văn…                   

Cánh cò dần phát triển mạnh mẽ, vỗ cánh bay từ lời ru ra cuộc đời làm quen với đứa con bé bỏng và trở thành người bạn đồng hành, nâng đỡ con trên mỗi chặng đường đời. Hình ảnh cò trắng bay thể hiện ước mơ đẹp của người mẹ hiền về cuộc đời, tương lai của con. Đó là khi lớn lên rồi, con sẽ làm thi sĩ, con sẽ mang cánh cò đi đến muôn nơi, đây là lời hứa hẹn chắc nịch.

Ở đoạn ba, hình ảnh con cò đã chuyển sang một ý nghĩa khác. Đó là ý nghĩa biểu tượng của tình thương, của tấm lòng người mẹ:

Dù ở gần con,                           
Dù ở xa con,                              
Lên rừng xuống bể,                    
Cò sẽ tìm con,                             
Cò mãi yêu con.                          
Con dù lớn vẫn là con của mẹ,    
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.

Giọng thơ tâm tình, thủ thỉ tha thiết đưa nỗi của người mẹ hiền đã chuyển sang giọng triết lí, chiêm nghiệm sâu sắc. Nghệ thuật điệp từ, điệp cấu trúc, kết hợp nghệ thuật tương phản (gần – xa, rừng – bể) có tác dụng diễn tả tình cảm yêu thương con thật bao la, rộng lớn của tình mẹ. Bất chấp mỗi khoảng cách thời gian và không gian, bất chấp mọi khó khăn và trắc trở, lòng mẹ mãi dõi theo con, đi theo con suốt cả cuộc đời. Dù con đã lớn khôn, trưởng thành, mẹ đã già cả hoặc không còn trên cõi đời này nữa thì lòng mẹ vẫn mãi dõi theo con. Đến đây, ý nghĩa biểu tượng về con cò, cánh cò đã được nhà thơ khái quát thành một quy luật của tình mẫu tử.

Phần cuối, lời thơ thấm đượm chất triết lí trữ tình. Nghĩ về con cò trong ca dao, nghĩ về cuộc đời con mai sau, người mẹ nghĩ về thân phận, số phận những con cò nhỏ bé, đáng thương trong cuộc đời:

Một con cò thôi, 
Con cò mẹ hát     
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi. 

Chỉ cần một con cò thôi cũng đã đủ chất chứa biết bao nhiêu tâm tình, ước vọng của mẹ dành cho con. Lời ru chính là lòng mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn đứa con thêm trưởng thành. Và con cò, lời ru, lòng mẹ chính là cuộc đời, là tâm hồn đất nước dân tộc hòa quyện giúp cho con khôn lớn thành người.

Bằng thể thơ tự do, các câu thơ dài ngắn khác nhau, Chế Lan Viên đã biểu hiện tình cảm, cảm xúc và những suy tưởng một cách dễ dàng, biến hóa. Mượn âm hưởng lời hát ru, tác giả muốn làm sống lại hình ảnh con cò trong ca dao, đồng thời gợi cho người đọc những suy ngẫm mang tính triết lí. Vì thế, người đọc vừa cảm nhận được lời ru êm ái, dịu dàng lại vừa thấm thía những suy ngẫm, phát hiện trong bài thơ.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 63: Phân tích bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên
Đánh giá bài viết