BÀI LÀM 

Đề tài người lính từ lâu đã trở thành đề tài quen thuộc với các nhà thơ, nhà văn khi đất nước có chiến tranh. Những người lính luôn tham gia chiến đấu với tinh thần anh dũng, bất khuất, vượt qua mọi gian khó giành thắng lợi. Đó là hình ảnh người chiến sĩ trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu hay những người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Hình ảnh những người chiến sĩ ra mặt trận trong hai bài thơ này có những điểm chung rất giống nhau.

Chính Hữu và Phạm Tiến Duật là những nhà thơ quân đội trưởng thành trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, họ từng sống, trải nghiệm và thấm thía đời sống người lính trên chiến trường. Họ là kiểu nhà thơ chiến sĩ – thi sĩ, bên cạnh việc cầm chắc cây súng trên tay tham gia chiến đấu, họ còn là những cây bút tài hoa viết lên những vần thơ kì diệu về người lính. Hai trong số những sáng tác hay nhất của hai nhà thơ này là “Đồng chí” của Chính Hữu và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Cùng khắc họa hình ảnh người lính trong quân đội Việt Nam. Bên cạnh những điểm chung, hai bài thơ này còn có những điểm rất riêng, thể hiện nét độc đáo của mỗi tác giả.

Hai bài thơ “Đồng ch픓Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đều ra đời khi nước ta đứng lên tiến hành hai cuộc chiến tranh cách mạng oanh liệt, đó là cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ. Hình ảnh “bộ đội Cụ Hồ” là hình ảnh con người đẹp nhất, nổi bật nhất trong văn thơ, và đó cũng là niềm tự hào lớn của dân tộc. Bài thơ “Đồng chí” ra đời năm 1948, khi nước ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, chính quyền mới thành lập còn non trẻ. Những người chiến sĩ trước khi tham gia kháng chiến là những người nông dân chất phác, lam lũ, từ khi có tiếng gọi của đất nước họ đã bỏ lại tất cả để lên đường:

Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.     

Còn “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” ra đời khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt trên cả hai miền Nam – Bắc. Những người lính là những sinh viên, đang ngồi trên ghế nhà trường, tâm hồn còn đang phơi phới tuổi xuân, họ lên đường không chút vướng bận. Đó là những con người: 

Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ 
Mà lòng phơi phới dậy tương lai.

Tuy xuất phát họ là những người có nguồn gốc khác nhau, nhưng khi đã đứng vào hàng ngũ cách mạng, tâm hồn họ đều có những điểm chung. Đó là họ luôn mang trong mình tình yêu nước, yêu quê hương.

Giếng nước, gốc đa nhớ người ra lính. 

Giếng nước, gốc đa là những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam. Hình ảnh thơ hoán dụ mang tính nhân hoá này càng tô đậm sự gắn bó yêu thương của người lính đối với quê nhà, nó giúp người lính diễn tả một cách hồn nhiên và tinh tế tâm hồn mình. Giếng nước gốc đa kia nhớ người ra lính hay chính tấm lòng người ra lính không nguôi nhớ quê hương và đã tạo cho giếng nước gốc đa một tâm hồn? Quả thực giữa người chiến sĩ và quê hương anh đã có một mối giao cảm vô cùng sâu sắc, đậm đà.

Hay đó còn là:

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước. 

Những đoàn xe không kính, vượt lên bom đạn, hăm hở tiến ra phía trước, hướng ra tiền tuyến lớn với một tình cảm thiêng liêng “vì miền Nam”, vì cuộc chiến đấu giành độc lập, thống nhất đất nước đang vẫy gọi. Đó là mục tiêu, cũng là động lực để họ vững bước. Như vậy, trong trái tim những người lính ấy luôn chan chứa tình yêu quê hương, đất nước.

Không chỉ có thế, họ còn là những con người với đầy ắp tình đồng chí, đồng đội. Chỉ bằng một cái nắm tay đã thay họ nói lên tất cả, đã tiếp thêm niềm tin, tinh thần cho người lính dũng cảm: “Thương nhau nắm lấy bàn tay” hay “Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi” Cách biểu lộ tình thương yêu không ồn ào mà thấm thía. Những bàn tay ấy đã truyền cho nhau hơi ấm, truyền cho nhau niềm tin, truyền cho nhau sức mạnh để vượt lên tất cả. Chỉ một cái bắt tay đã thay cho những điều muốn nói. Câu thơ ấm áp, tràn đầy ngọn lửa yêu thương. Chỉ có những người lính mới có những cái bắt tay thật chân thành ấy. Nhà thơ đã thật tinh tế khi phát hiện ra tình cảm ẩn sâu trong trái tim những người lính ấy. Cuối cùng, những người lính đã đều vượt qua những gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cả hai bài thơ đều thể hiện tinh thần lạc quan của người lính. Đó chính là “miệng cười buốt giá” hay “nhìn nhau mặt lấm cười haha” Họ cười để quên đi những gian khổ trước mắt, cười để động viên, an ủi nhau, cũng là nụ cười tiếp cho nhau niềm tin tất thắng. Đó là những nụ cười ít có trong thơ kháng chiến.

Do xuất phát từ hoàn cảnh, điều kiện khác nhau như vậy tất yếu dẫn đến sự khác nhau về ý thức giác ngộ cách mạng của những người lính ở hai bài thơ. Nhận thức về chiến tranh của những người lính chống Pháp còn đơn giản, chưa sâu sắc như thời kì kháng chiến chống Mĩ. Trong “Đồng chí”, tình cảm thiêng liêng nhất được nhắc tới là tình đồng chí, đồng đội. Trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” mới thấy xuất hiện ý niệm về ý chí, tinh thần yêu nước:

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.      

Sống giữa chiến trường với tình đồng đội thiêng liêng, người lính chống Pháp nhớ về gia đình với mẹ già, vợ dại, con thơ. Người lính kháng chiến chống Mĩ thì khác. Họ hiểu rằng kháng chiến là gian khổ và trường kì. Vậy nên xe hàng cùng con đường ra mặt trận đã trở thành ngôi nhà chung và những người đồng đội đã trở thành gia đình ruột thịt:

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời    
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy.

Và điều khác nhau cơ bản giữa hai thi phẩm chính là bút pháp thơ của hai tác giả. Chính Hữu dùng bút pháp hiện thực – lãng mạn dựng lên hình ảnh những người lính thời kì đầu của cuộc kháng chiến với nhiều khó khăn thiếu thốn:

Áo anh rách vai             
Quần tôi có vài mảnh vá 
Miệng cười buốt giá        
Chân không giày              

Cảm hứng lãng mạn được lắng đọng trong cảm xúc về tình đồng chí thiêng liêng: “Đồng chí!” cùng những hình ảnh thơ giàu sức gợi “đầu súng trăng treo” Bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” lại được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn – hiện thực. Cái khó khăn thiếu thốn không bị lảng tránh:

Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe thùng xe có xước.

Có thể nói, trong “Đồng chí” của Chính Hữu, nhà thơ đã dựng lên hình ảnh người lính với tình đồng đội thiêng liêng, chia sẻ với nhau những khó khăn, cực nhọc của một cuộc sống kháng chiến gian nan, thiếu thốn. Bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật lại tập trung khắc họa sự trẻ trung, yêu đời, yêu cuộc sống tràn đầy niềm lạc quan và ước mơ, lí tưởng của những người lính chống Mĩ.

Dù có những điểm giống và khác nhau rõ rệt nhưng điều đó càng khiến những người lính cụ Hồ hiện lên qua nhiều màu vẻ, sinh động và gần gũi. Điều đó trước hết giúp người đọc càng hiểu rõ hơn về những người lính. Hình ảnh của họ hiện lên thật đẹp đẽ, họ chính những con người đại diện cho niềm tin, khát vọng của nhân dân. Ở các anh, người đọc nhận thấy một ánh sáng lí tưởng cao đẹp và thiêng liêng vô cùng. Không chỉ vậy, những nét khác biệt còn thể hiện từng phong cách riêng của mỗi tác giả trong phương thức thể hiện. Điều đó làm giàu, làm đẹp thêm cho vườn hoa nghệ thuật nước nhà.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 33: So sánh hình ảnh hai người lính trong “Đồng chí” của Chính Hữu và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật
Đánh giá bài viết